Nếu như trong lịch sử, danh sách những cầu thủ đắt giá nhất thế giới thường là các ngôi sao đến từ Nam Mỹ hay châu Âu, thì với sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, các cầu thủ đến từ châu Á ngày càng rút ngắn khoảng cách về mặt chuyên môn và cũng có giá trị không thua kém là mấy.
Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 10 cầu thủ châu Á có mức phí chuyển nhượng cao nhất lịch sử.
10 Cầu Thủ Châu Á Có Mức Phí Chuyển Nhượng Cao Nhất Lịch Sử
10. Wataru Endo (Nhật Bản/20 Triệu Euro)
Xếp thứ 10 trong danh sách là Wataru Endo, người được Liverpool chiêu mộ với mức phí 20 triệu Euro từ Stuttgart.
Vào giai đoạn tháng 8 năm 2023, người hâm mộ Liverpool bất ngờ khi đội bóng thông báo chiêu mộ thành công tiền vệ phòng ngự Wataru Endo từ Stuttgart với mức phí chuyển nhượng 20 triệu Euro. Đáng chú ý, thương vụ diễn ra rất nhanh chóng bởi khi đó Liverpool đang bị thiếu người ở vị trí đó và Endo là cái tên phù hợp nhất.
Ban đầu, Endo được chiêu mộ cho mục đích dự phòng nhưng khi được trao cơ hội, cầu thủ này ngay lập tức chứng tỏ giá trị của mình khi trở thành một sự lựa chọn không thể thay thế của Lữ đoàn đỏ ở mùa giải trước, với 29 trận ra sân và nhiều lần phong tỏa các siêu sao thế giới.
9. Chengdong Zhang (Trung Quốc/20,44 Triệu Euro)
Với mức phí chuyển nhượng lên tới 20 triệu Euro, thương vụ chiêu mộ Chengdong Zhang từ Beijing Guoan đến Hebei FC từng gây chấn động châu Á thời bấy giờ.
Năm 2017, khi mà giải VĐQG Trung Quốc liên tục mời chào các ngôi sao thế giới bằng mức lương không tưởng, có một cầu thủ quốc nội đã đi vào lịch sử châu Á với mức phí chuyển nhượng kỉ lục giữa hai câu lạc bộ tại Trung Quốc. Khi đó, Hebei FC, CLB đã giải thể vào năm 2023, đã chi đến 20,44 triệu Euro để có được sự phục vụ của Chengdong Zhang từ Beijing Guoan.
Dù vậy, có nhiều tranh cãi đã nổ ra xoay quanh thương vụ này bởi nhiều chuyên gia cho rằng giá trị thực sự của cầu thủ sinh năm 1989 thấp hơn rất nhiều so với con số đó. Trong suốt những năm thi đấu cho Hebei FC, màn trình diễn của Chengdong Zhang không mấy nổi bật. Chơi trên hàng công, cầu thủ này chỉ đóng góp 9 bàn thắng và 15 kiến tạo trong tổng số 110 trận đấu.
8. Hidetoshi Nakata (Nhật Bản/21,69 triệu Euro)
Hidetoshi Nakata, người được xem là mở ra một chương mới cho lịch sử bóng đá Nhật Bản, xếp ở vị trí thứ 8 trong danh sách những cầu thủ có mức phí chuyển nhượng đắt nhất châu Á.
Trong giai đoạn mà bóng đá châu Á chưa thực sự phát triển, Nakata, tở tuổi 21, đã đến chơi bóng ở Ý và gây dựng được danh tiếng của mình. Càng chơi, danh thủ sinh năm 1977 càng thể hiện rõ sự quan trọng với đội bóng. Năm 2000, AS Roma bỏ ra đến hơn 21 triệu Euro để có được sự phục vụ của cầu thủ người Nhật Bản, một mức giá rất cao thời bấy giờ.
Sang một đội bóng có đẳng cấp cao hơn, Nakata không thể cạnh tranh với Totti, huyền thoại của AS Roma và dần sa sút phong độ. Cầu thủ này sau đó chơi cho một số đội bóng khác của Ý và trở thành một trong những người tiên phong cho làn sóng cầu thủ Nhật Bản thi đấu ở các giải VĐQG hàng đầu.
7. Lee Kang-in (Hàn Quốc/22 Triệu Euro)
Viên ngọc quý của bóng đá Hàn Quốc, Lee Kang-in, vinh dự là cầu thủ có mức phí chuyển nhượng cao thứ 7 trong lịch sử châu Á.
Sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc nhưng ngay từ nhỏ Lee Kang-in đã được đào tạo và chơi bóng cho Valencia, một CLB giàu truyền thống ở Tây Ban Nha. Năm 2023, Lee Kang-in chuyển sang khoác áo Paris Saint Germain với một bản hợp đồng có giá trị 22 triệu Euro.
Ở năm đầu tiên thi đấu cho đội bóng nước Pháp, Lee Kang-in ghi được 4 bàn thắng và có 3 kiến tạo, góp phần giúp Paris Saint Germain lên ngôi vô địch Ligue 1. Cầu thủ sinh năm 2001 được đánh giá có tiềm năng rất cao và hoàn toàn có thể vươn lên đẳng cấp thế giới trong thời gian gần.
6. Alireza Jahanbakhsh (Iran/22,5 Triệu Euro)
Bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp tại một đội bóng ở Iran, sự nghiệp của Alireza Jahanbakhsh thăng tiến thần tốc kể từ khi anh chuyển sang Hà Lan vào năm 2013. Sau 5 năm chinh chiến tại Hà Lan, cầu thủ người Iran chuyển sang Brighton với mức phí chuyển nhượng 22,5 triệu Euro, một kỉ lục của CLB này vào năm 2018.
Tuy được kì vọng nhiều, nhưng cầu thủ sinh năm 1993 chưa bao giờ là một cầu thủ quan trọng của đội bóng nước Anh. Sau 50 trận ra sân trên mọi đấu trường, Jahanbakhsh chỉ có 2 bàn thắng và 1 kiến tạo. Sau đó, anh được bán đứt cho Feyenoord và phần nào lấy lại được đẳng cấp vốn có của mình.
5. Hiroki Ito (Nhật Bản/23,5 Triệu Euro)
Xếp thứ 5 trong danh sách là Hiroki Ito, cầu thủ vừa bước sang một chương mới trong sự nghiệp thi đấu bóng đá của mình.
Sau khi thi đấu tại một số CLB ở J-League, Ito chuyển sang khoác áo các đội bóng ở Đức và gây ấn tượng bởi sự chắc chắn ở hàng phòng ngự, cùng lối chơi khoa học và kỉ luật của người Đức. Trả qua một mùa giải thành công khi giúp Stuttgart về đích ở vị trí thứ 2. Ngay lập tức, đội bóng giàu thành tích nhất nước Đức bỏ ra đến 23,5 triệu Euro để có được sự phục vụ của cầu thủ sinh năm 1999.
Ito có thể chơi tốt ở sơ đồ 3 hay 4 hậu vệ, và anh được nhiều người kì vọng sẽ dễ dàng có một suất đá chính trong đội hình của Hùm xám. Tuy nhiên, vận xui sớm ập đến với cầu thủ người Nhật khi anh dính chấn thương ở loạt trận giao hữu tiền mùa giải và vẫn chưa hẹn ngày trở lại.
4. Hidetoshi Nakata (Nhật Bản/28,4 Triệu Euro)
Xếp thứ 4 trong danh sách là Hidetoshi Nakata, cầu thủ có mức phí chuyển nhượng cao thứ 8 ở trên. Sau khi được AS Roma chiêu mộ với mức phí 21,69 triệu Euro, Nakata được Parma hỏi mua thành công với giá trị lên đến gần 30 triệu Euro.
Sau khi lên ngôi vô địch Serie A với AS Roma vào năm 2000/01, Nakata phá đến 2 kỉ lục khi không những trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên vô địch Serie A, mà còn là cầu thủ châu Á đắt giá nhất thời điểm đó. Cụ thể, Hidetoshi Nakata chiêu mộ với mức phí chuyển nhượng 28,4 triệu Euro.
Sang đội bóng mới, Nakata có cơ hội chơi bóng với những tiền đạo lừng danh sau này là Adriano và Andrian Mutu. Quãng thời gian sau này của Nakata tại Parma tương đối khó khăn khi các HLV yêu cầu cầu thủ này phải chơi phòng ngự nhiều hơn, khiến phần nào tiềm năng của anh bị giảm đáng kể.
3. Son Heung-min (Hàn Quốc/30 Triệu Euro)
Cầu thủ có 7 năm liên tiếp dành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất châu Á, Son Heung-min, xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách những cầu thủ châu Á có mức phí chuyển nhượng cao nhất lịch sử.
Tương tự như nhiều ngôi sao châu Á khác, Son Heung-min bắt đầu sự nghiệp của mình ở Đức và bắt đầu gặt hái được những thành công nhất định tại Bayer Leverkusen. Năm 2015, Tottenham bỏ ra số tiền lên tới 30 triệu Euro và trao cho Son Heung-min chiếc áo số 7.
Không phụ lòng đội bóng, Son càng chơi càng hay và khẳng định mình là một trong những cầu thủ tấn công xuất sắc nhất thế giới với khả năng dứt điểm hai chân như một cùng tốc độ đáng nể. Sau gần 10 năm thi đấu cho Spurs, cầu thủ này đã đi vào danh sách huyền thoại của đội bóng.
2. Shoya Nakajima (Nhật Bản/35 Triệu Euro)
Với mức phí chiêu mộ 35 triệu Euro, Nakajima đang là cầu thủ Nhật Bản có mức giá chuyển nhượng cao nhất mọi thời đại.
Cầu thủ từng mang áo số 10 của ĐTQG Nhật Bản được đội bóng của Qatars, Al Duhail chiêu mộ với mức giá 35 triệu Euro vào năm 2019, sau khi ghi 5 bàn thắng và có 4 kiến tạo trong màu áo đội bóng đến từ Bồ Đào Nha, Portimonense.
2019 là giai đoạn mà các đội bóng tại châu Á rục rịch mời chào những cầu thủ đang thi đấu xuất sắc tại châu Âu bằng tiền bạc. Việc Al Duhail có được sự phục vụ của cầu thủ người Nhật cũng đến từ nguồn tiền không đáy của các mỏ dầu.
Nhiều người hâm mộ Nhật Bản đã ngờ vực, thậm chí chỉ trích cầu thủ này khi từ bỏ bóng đá đỉnh cao châu Âu để thi đấu tại Qatar. Tuy nhiên, tiền vệ sinh năm 1994 cho biết anh chọn Al Duhail vì lối chơi phù hợp với mình, không phải vì tiền bạc.
1. Kim Min-jae (Hàn Quốc/50 Triệu Euro)
Với số tiền lên tới 50 triệu Euro, Kim Min-jae là cầu thủ châu Á có mức phí chuyển nhượng cao nhất lịch sử.
Ở mùa giải 2022/23, Kim Min-jae đã chơi xuất thần ở hàng phòng ngự, trở thành một cầu thủ không thể thay thế và giúp Napoli có lần đầu tiên vô địch Serie A sau 33 năm. Màn trình diễn ấn tượng của Kim Min-jae khi đó đã giúp anh lọt vào mắt xanh của những CLB hàng đầu thế giới, nhất là trong bối cảnh những trung vệ giỏi không có nhiều.
Mùa hè năm 2023, Kim Min-jae đến Bayern Munich với mức phí chuyển nhượng 50 triệu Euro. Dù có khởi đầu tương đối ấn tượng, nhưng ở giai đoạn hai của mùa giải Kim Min-jae đã suy giảm phong độ và dần mất vị trí của mình. Sự sa sút của trung vệ sinh năm 1996 cũng là lý do khiến Bayern trắng tay ở mùa giải vừa qua.
Dù có nhiều đồn đoán trên thị trường chuyển nhượng, tuy nhiên Kim Min-jae vẫn quyết tâm ở lại Đức để chiến đấu cho một vị trí chính thức. Anh sẽ là mảnh ghép quan trọng để Bayern Munich lấy lại ngôi vương của mình ở mùa giải năm nay.