Đại diện cho đội U23 thi đấu tại Olympic sẽ là bước khởi đầu để các cầu thủ trở thành trụ cột của ĐTQG thời gian sau đó. Với đội tuyển Nhật Bản, nòng cốt của họ cũng là những tuyển thủ từng là lứa cầu thủ của thế hệ Olympic, ví dụ như Kaoru Mitoma hay Takehiro Tomiyashu.
Mặc dù vậy, cũng có rất nhiều những cầu thủ dù đóng vai trò chủ chốt ở ĐTQG nhưng chưa từng được góp mặt ở bất cứ kì Thế vận hội nào.
Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua 10 cầu thủ Nhật Bản chưa từng tham dự Olympic nhưng vẫn là trụ cột của ĐTQG.
10 Cầu Thủ Nhật Bản Lỡ Cơ Hội Thi Đấu Tại Thế Vận Hội
1. Kawashima Eiji (Thủ Môn/Júbilo Iwata)
Kawashima Eiji từng là sự lựa chọn số 1 trong khung gỗ đội tuyển Nhật Bản, anh ra sân 95 trận đấu cho ĐTQG và có hơn 14 năm phục vụ cho các chiến binh Samurai xanh, nhưng tuyệt nhiên chưa một lần thi đấu tại các kì Olympic.
Ở kì Olympic tổ chức ở Athens, Hi Lạp, năm 2004, Kawashima Eiji hoàn toàn đủ khả năng để khoác áo đội tuyển U23 Nhật Bản để tham dự giải đấu. Tuy nhiên, thủ môn 21 tuổi khi đó đã lựa chọn đầu quân cho Nagoya Gampus từ Omiya Ardija, điều này khiến cho thời gian ra sân của Kawashima Eiji không còn được đảm bảo và anh sau đó đã bị gạch tên khỏi danh sách chính thức.
Sau đó, thủ môn này được đôn lên thẳng ĐTQG và là thành viên của Nhật Bản tham dự World Cup 2010. Hiện tại, Kawashima Eiji vẫn đang thi đấu chuyên nghiệp tại Júbilo Iwata và đóng vai trò quan trọng ở đội bóng này.
2. Makoto Hasebe (Trung vệ/Giải Nghệ)
Được xem là một trong những trung vệ huyền thoại của bóng đá Nhật Bản, trung vệ nằm trong top 10 cầu thủ có số lần khoác áo ĐTQG nhiều nhất lịch sử chỉ thiếu duy nhất giải đấu Olympic trong sự nghiệp huy hoàng của mình.
Trong giai đoạn bắt đầu sự nghiệp, Makoto Hasebe không phải là một cầu thủ quá nổi bật. Dù có lần đầu tiên ra sân ở ĐTQG khi mới 22 tuổi, nhưng cầu thủ sinh năm 1984 không được chú ý quá nhiều trong giải đoạn Olympic Athen 2004. Makoto Hasebe đã bị phớt lờ thời điểm đó.
Mặc dù vậy, trung vê này dần dần trở thành gương mặt trụ cột của ĐTQG không lâu sau đó. Kể từ năm 2008, Makoto Hasebe là một gương mặt không thể thiếu ở hàng thủ Nhật Bản, anh còn là đội trưởng của những chiến binh Samurai xanh ở World Cup 2010. Tổng cộng Makoto Hasebe có đến 114 lần ra sân cho ĐTQG và là một trong những cái bóng lớn mà các trung vệ trẻ cần vượt qua.
3. Yukinari Sugawara (Hậu vệ/Southampton)
Cầu thủ mới 24 tuổi Yukinari Sugawara, người thường được HLV Hajime Moriyasu sử dụng ở vị trí hậu vệ phải, lại chưa có lần nào đại diện cho quốc gia thi đấu ở Thế vận hội.
Khi chỉ mới 19 tuổi, Sugwara đã ra nước ngoài thi đấu, khoác áo đội bóng ở Hà Lan là AZ Alkmaar. Hậu vệ này khi đó đang cùng với đại diện của Hà Lan thi đấu tại Europa League. Vì Thế vận hội không phải là một giải đấu chính thức của FIFA, anh đã không được đội bóng chủ quản chấp nhận tham dự Olympic, và đành bỏ lỡ một cách đáng tiếc.
Ở các chiến dịch quan trọng của đội tuyển Nhật Bản ngay sau đó, như World Cup 2022 và Asian Cup 2023, Yukinari Sugawara vẫn thường xuyên góp mặt và là một sự lựa chọn đáng tin cậy nơi hành lang cánh phải. Cầu thủ này mang tư duy chơi bóng của một hậu vệ hiện đại, với khả năng chọc khe chính xác, bật tường và phối hợp với tuyến giữa, cũng như khả năng giữ vị trí tốt.
4. Endo Yasuhito (Tiền Vệ/Giải Nghệ)
Vào cuối những năm 90 của thế kỉ trước, khi người hâm mộ bóng đá Nhật Bản tin rằng thế hệ vàng của bóng đá nước nhà đã trôi qua, thì lứa cầu thủ tiếp theo đã làm họ thay đổi suy nghĩ đó.
Vào năm 1999, lứa cầu thủ U20 Nhật Bản khi đó đã gây được tiếng vang lớn với thành tích về nhì tại FIFA U20 World Cup. Nổi bật trong những cầu thủ trẻ khi đó là Endo Yasuhito. Trong chiến dịch vòng loại cho Olympic Sydney, Endo là cầu thủ quan trọng bậc nhất của đội U22. Tuy nhiên, cầu thủ sinh năm 1980 chỉ có mặt trong danh sách sơ bộ và bị loại ngay sau đó.
Dù không may mắn có mặt ở Thế vận hội, Endo lại là nhân tố trọng yếu của đội tuyển Nhật Bản trong suốt hơn 10 năm sau đó. Cầu thủ này có đến 152 lần ra sân cho ĐTQG và cũng là cầu thủ Nhật Bản ra sân nhiều nhất mọi thời đại.
5. Gaku Shibasaki (Tiền Vệ/Kashima Antlers)
Thế vận hội ở Luân Đôn 2012 là kì Thế vận hội thành công nhất của U23 Nhật Bản. Đáng tiếc, tiền vệ tài Gaku Shibasaki lại vắng mặt trong chiến dịch vinh quang đó.
Ở các trận đấu vòng loại khu vực châu Á trước thềm Thế vận hội, Gaku Shibasaki đóng vai trò quan trọng và thậm chí mang áo số 10. Đáng tiếc cầu thủ sinh năm 1992 bị loại khỏi danh sách chính thức.
Mặc dù vậy, cánh cửa góp mặt ở ĐTQG của Shibasaki không hề khép lại. Anh nhanh chóng chứng tỏ thực lực của mình và là nhân tố chủ chốt của đội tuyển Nhật Bản tại World Cup 2018.
Kể từ khi được ra mắt vào năm 2014, Gaku Shibasaki đã có 60 lần ra sân cho ĐTQG. Cầu thủ này hiện tại vẫn đang chơi bóng cho Kashima Antlers tại J-League và là tiền vệ giàu kinh nghiệm bậc nhất đội bóng.
6. Hidemasa Morita (Tiền Vệ/Sporting CP)
Ở thời điểm hiện tại, Morita Hidemasa là một phần không thể thiếu trong đội hình của đội tuyển Nhật Bản dưới thời HLV Hajime Moriyasu. Đáng tiếc là tiền vệ 29 tuổi, một trong 10 cầu thủ Nhật Bản chưa từng tham dự Olympic, đã bỏ lỡ kì Thế vận hội năm 2016 trong sự nghiệp của mình.
Ở thời điểm Thế vận hội diễn ra, Hidemasa khi đó còn là thành viên của câu lạc bộ bóng đá trường đại học. Dù được đánh giá rất cao và có tiềm năng lớn ở vị trí tiền vệ phòng ngự, việc chưa thi đấu chuyên nghiệp thời điểm ấy khiến Morita không thể cạnh tranh một suất trong đội hình tham dự Olympic.
Mãi đến năm 2018, Hidemasa mới được gọi lên ĐTQG. Cầu thủ này không mất nhiều thời gian để chứng minh khả năng của mình và trở thành trụ cột của Nhật Bản ở cả World Cup 2018 lẫn 2022.
Hiện tại, tiền vệ sinh năm 1995 đang đóng vai trò quan trọng tại Sporting CP và cũng đang là trụ cột của ĐTQG ở các chiến dịch sắp tới.
7. Daichi Kamada (Tiền Vệ/Crystal Palace)
Năm 2016, khi mới chỉ 20 tuổi, Kamada đã được triệu tập lên đội U23 Nhật Bản chuẩn bị cho giải đấu Toulon International. Cầu thủ này nằm trong danh sách sơ bộ và được cho là sẽ có suất đến với Brazil ở Thế vận hội cùng năm. Tiếc là tấm vé sau đó đã thuộc về một cầu thủ khác.
Mãi đến năm 2019, sau khi gây được ấn tượng ở châu Âu, Kamada mới được gọi lên ĐTQG. Cầu thủ này cũng trở thành một sự lựa chọn ưa thích của HLV Moriyasu ở tuyến giữa bởi lối chơi máu lửa của mình. Kamada từng cùng các đồng đội đánh bại Tây Ban Nha và Đức ở World Cup 2022. Hiện tại, tiền vệ 28 tuổi đã chuyển sang thi đấu ở Ngoại hạng Anh trong màu áo của Crystal Palace.
8. Genki Haraguchi (Tiền Vệ/Thất Nghiệp)
Khác với các đồng đội khác, Genki Haraguchi đã bỏ lỡ Thế vận hội ở Luân Đôn một cách đáng tiếc khi bị ốm trước thềm giải đấu. Cầu thủ này thậm chí sau đó đã khóc vì đánh mất cơ hội chỉ có một lần trong đời.
Những khó khăn tiếp tục ập đến với Haraguchi ở những năm tiếp theo, khi anh bị gạt khỏi danh sách tham dự World Cup 2014 của đội tuyển Nhật Bản, khi ấy vẫn còn được dẫn dắt bởi HLV Alberto Zaccheroni.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của tiền vệ sinh năm 1991 sau đó cũng được đền đáp xứng đáng. Sau khi HLV Hajime Moriyasu lên nắm quyền, ông nhận ra khả năng của Haraguchi và triệu tập anh cho chiến dịch World Cup 2018. Hiện tại, Haraguchi đang thất nghiệp sau khi chấm dứt hợp đồng với Stuttgart.
9. Junya Ito (Tiền Đạo/Stade Reims)
Ito có thể được coi là đoá hoa nở muộn của bóng đá Nhật Bản. Cầu thủ này chưa hề được triệu tập lên đội trẻ của Nhật Bản trước đó, và chỉ có lần đầu tiên tham dự khoá tập trung của đội U22 để chuẩn bị cho Thế vận hội 2016 ở Brazil.
Năm 2016, Ito có màn ra mắt đội tuyển ở giải đấu Kirin Challenge Cup, tuy nhiên sau cùng anh bị gạch tên khỏi danh sách chính thức.
Dù không có duyên với Thế vận hội, nhưng sự nghiệp của Ito trong màu áo ĐTQG vẫn rất đáng chú ý. Ito là sự lựa chọn ưu tiên của HLV Moriyasu ở vị trí tiền đạo phải, đóng vai trò quan trọng ở World Cup 2022. Sau 54 trận ra sân cho ĐTQG, anh có 13 pha lập công.
10. Yuya Osako (Tiền Đạo/Vissel Kobe)
Với 25 bàn thắng sau 57 trận ra sân, Yuya Osako có lẽ là một trong những tiền đạo cắm tốt nhất mà Nhật Bản sở hữu thời điểm hiện tại. Dù phát triển tài năng từ rất sớm, nhưng đáng tiếc cầu thủ sinh năm 1990 lại bỏ lỡ kì Olympic một cách đáng tiếc. Anh là cái tên cuối cùng trong danh sách 10 cầu thủ Nhật Bản chưa từng tham dự Olympic.
Là thành phần của đội trẻ Nhật Bản ở vòng loại châu Á Thế vận hội Luân Đôn 2012, Osako có những trận đấu không đến nỗi tệ nhưng đáng tiếc lại không được chọn ở danh sách cuối cùng.
Mặc dù vậy, sự nghiệp của cầu thủ này phát triển thần tốc sau khi bỏ lỡ kì Thế vận hội. Năm 2013, anh ghi đến 19 bàn cho Kashima Antlers và ngay lập tức được gọi lên ĐTQG. Sau đó, Osako cũng được tin tưởng trao suất đá chính ở cả World Cup 2014 và 2018.
Ở tuổi 33, Osako vẫn đang là sự lựa chọn hàng đầu trên hàng công nhà ĐKVĐ J-League, Vissel Kobe. Sau 23 trận ra sân mùa giải này, Osako có 7 bàn thắng và 4 kiến tạo.