Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1993, J-League đã chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa hàng chục câu lạc bộ trên khắp Nhật Bản. Trong suốt hơn ba thập kỷ, những đội bóng đến rồi đi, có đội từng bước lên đỉnh cao vinh quang, có đội ngậm ngùi xuống hạng. Thế nhưng, vẫn có những cái tên ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử giải đấu với sự ổn định, bản lĩnh và thành tích vượt trội qua từng mùa bóng.
Trong bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 10 câu lạc bộ giành được tổng điểm cao nhất tại J-League trong vòng 20 mùa giải gần nhất (từ 2005 đến 2024).
10 CLB Giành Được Nhiều Điểm Nhất J-League (2005-2024)
10. Kashiwa Reysol (899 Điểm)
- Số trận đấu: 642
- Thành tích: 246 thắng, 161 hoà, 235 thua
Trong 5 mùa giải gần đây, Kashiwa Reysol thường xuyên phải vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng J1, tuy nhiên khi cộng tổng điểm trong vòng 20 mùa giải vừa qua, có thể thấy họ vẫn nằm trong nhóm những đội có thành tích cao nhất, với vị trí thứ 10.
Thành tích của Kashiwa từ năm 2005 đến 2024 trải dài hơn cả giai đoạn mà họ từng rơi xuống nhóm cuối bảng xếp hạng. Trong tổng cộng 17 mùa giải góp mặt ở J1 League trong giai đoạn này, họ đã kết thúc ở vị trí thứ 10 trở xuống đến 9 lần. Những HLV như Nelsinho, Tatsuma Yoshida và Takahiro Shimohira từng xây dựng được đội hình hấp dẫn, nhưng kết quả lại không duy trì được sự ổn định lâu dài.
Dù vậy, Kashiwa vẫn tích lũy được tổng cộng 899 điểm trong 20 mùa giải gần đây và lọt vào nhóm “top 10 CLB hàng đầu” tại J-League. Một trong những yếu tố quyết định giúp họ đạt được thứ hạng này chính là chức vô địch J1 League mùa giải 2011, ngay sau khi thăng hạng.
Ở cùng mùa giải đó, Kashiwa còn thi đấu nổi bật ở đấu trường thế giới khi xếp hạng tư tại FIFA Club World Cup 2011, khẳng định sức mạnh của bóng đá Nhật Bản trên sân chơi quốc tế.
9. Shimizu S-Pulse (901 Điểm)
- Số trận đấu: 669
- Thành tích: 244 thắng, 169 hoà, 256 thua
Là 1 trong 10 đội đầu tiên được thành lập khi J-League khởi tranh, Shimizu S-Pulse đứng ở vị trí thứ 9 trong top 10 đội bóng giành nhiều điểm nhất.
Bất chấp việc thay đổi huấn luyện viên theo thời gian, Shimizu vẫn luôn duy trì phong cách bóng đá tấn công đặc trưng. Việc Shimizu là CLB duy nhất trong top 10 có hiệu số bàn thắng bại âm (-78) càng cho thấy rõ triết lý chơi bóng của đội bóng này, dù để thủng lưới nhiều, họ không bao giờ từ bỏ lối chơi chủ động.
Trong hai mùa giải 2023 và 2024, Shimizu phải chơi tại J2 League, và không phải lúc nào đội bóng này cũng đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của HLV Tadahiro Akiba, Shimizu vẫn kiên xuất sắc giành lấy chức vô địch J-League 2 mùa trước, đánh dấu sự trở lại của mình ở giải đấu cấp độ cao nhất.
8. FC Tokyo (986 Điểm)
- Số trận đấu: 676
- Thành tích: 278 thắng, 152 hoà, 246 thua
FC Tokyo đã trải qua phần lớn 20 mùa giải gần nhất tại J-League 1, và trong quãng thời gian này, họ đã tích lũy được 986 điểm – xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng, bỏ xa đội đứng thứ 9 và chỉ kém nhẹ nhóm dẫn đầu.
Là đại diện bóng đá của thủ đô Tokyo, FC Tokyo chỉ xuống chơi tại J2 League đúng một lần trong suốt 20 mùa qua – vào năm 2011. Ngay mùa giải đó, họ giành chức vô địch J2 và lập tức trở lại J1 chỉ sau một năm vắng bóng.
Trong 19 mùa giải góp mặt ở J1 League, FC Tokyo đã có tới 14 lần kết thúc mùa giải trong top 10, thể hiện sự ổn định đáng nể.
Trong suốt 20 mùa giải qua, FC Tokyo nổi bật nhờ khả năng duy trì sự cân bằng giữa công và thủ, không quá thiên lệch về bất kỳ khía cạnh nào. Ở mùa giải 2025, FC Tokyo đã bổ nhiệm HLV Rikizo Matsuhashi, người từng có 3 năm dẫn dắt Albirex Niigata.Với triết lý chơi bóng xây dựng từ những pha phối hợp chặt chẽ và tìm cách tiếp cận khung thành một cách kiên nhẫn, HLV Matsuhashi hứa hẹn sẽ mang lại diện mạo mới cho đội bóng thủ đô.
7. Nagoya Grampus (1065 Điểm)
- Số trận đấu: 725
- Thành tích: 298 thắng, 171 hoà, 256 thua
Dù không phải là một trong những đội bóng thi đấu bùng nổ hay tạo ra nhiều cơn địa chấn, Nagoya Grampus vẫn luôn giữ được bản sắc rõ nét: phòng ngự chắc chắn, phản công nhanh và không bao giờ từ bỏ dù chỉ một điểm. Đây là lối chơi mà CLB đã duy trì xuyên suốt nhiều đời HLV, kể cả trong thời kỳ đỉnh cao với HLV Dragan Stojkovic
Trong giai đoạn từ 2005 đến 2024, Nagoya Grampus đã thi đấu tổng cộng 19 mùa giải tại J1 League. Trong đó, họ có đến 11 lần kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 10 trở lên. Đáng chú ý nhất là chức vô địch vào năm 2010, Á quân năm 2011 và vị trí thứ ba vào các mùa 2008 và 2020.
Điểm mạnh của Nagoya Grampus bao năm qua chính là hàng phòng ngự chắc chắn, với những cái tên huyền thoại như Masataka Narasaki, hay Naoshi Nakamura Đây cũng là một phần lý do khiến người hâm mộ luôn nhớ đến Nagoya như một đội bóng chấp nhận chơi thực dụng, hòng giành được ít nhất 1 điểm trong mỗi trận đấu.
Tính ổn định trong lối chơi, sự kỷ luật và tinh thần thực dụng đã giúp Nagoya vượt qua nhiều biến động trong suốt hai thập kỷ qua để góp mặt trong top 10 đội bóng xuất sắc nhất J-League. Và dù không quá hào nhoáng, họ vẫn luôn là đối thủ khó chịu với bất kỳ đội bóng nào tại Nhật Bản.
6. Sanfrecce Hiroshima (1107 Điểm)
- Số trận đấu: 738
- Thành tích: 307 thắng, 186 hoà, 245 thua
Với ba lần vô địch J-League 1 trong giai đoạn 2012–2015, đội bóng xứ hoa tử đằng đã tích lũy được 1.107 điểm và hiện đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng tổng điểm J-League trong 20 năm qua.
Dù hiện nay được coi là một trong những đội bóng mạnh nhất Nhật Bản, Sanfrecce Hiroshima lại từng gặp rất nhiều khó khăn khi J-League mới ra đời. Bước ngoặt lịch sử chỉ đến khi họ bổ nhiệm HLV Mihajlo Petrović vào tháng 6 năm 2006.
Thời điểm ông Petrović tiếp quản, Hiroshima đang chật vật ở đáy bảng xếp hạng. Tuy nhiên, vị chiến lược gia người Serbia đã “hồi sinh” đội bóng bằng cách mạnh dạn trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ và chuyển đổi lối chơi hiệu quả. Bị xuống hạng vào năm 2008, đội bóng áo tím vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược của mình, tạo nền móng cho những thành công sau đó.
Những hạt giống do HLV Petrović gieo trồng đã thực sự nở rộ dưới thời HLV Hajime Moriyasu, người dẫn dắt đội bóng từ mùa giải 2012 đến giữa năm 2016. Trong giai đoạn này, HLV hiện tại của đội tuyển Nhật Bản đã giúp Sanfrecce vô địch 3 lần. Giai đoạn này không chỉ đánh dấu những chiếc cúp danh giá, mà còn là lúc đội bóng tích luỹ số điểm nhanh một cách chóng mặt.
Ngoài ba chức vô địch, Hiroshima còn 11 lần kết thúc mùa giải trong top 10 kể từ khi Petrović xuất hiện, thể hiện sự ổn định xuyên suốt. Với thành tích như vậy, việc họ tiệm cận top 5 trong bảng xếp hạng tổng điểm J-League 20 mùa qua là điều hoàn toàn dễ hiểu.
5. Gamba Osaka (1154 Điểm)
- Số trận đấu: 736
- Thành tích: 326 thắng, 176 hoà, 234 thua
Giống như Sanfrecce Hiroshima xếp thứ sáu, Gamba Osaka cũng là một trong những câu lạc bộ tích lũy được số điểm rất lớn trong 20 mùa giải gần nhất của J1 League nhờ giai đoạn hoàng kim ấn tượng.
Mùa giải 2005 đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi HLV Akira Nishino, bước sang năm thứ tư dẫn dắt đội bóng, đã xây dựng được một đội hình cân bằng cả công lẫn thủ. Hàng phòng ngự được chỉ huy bởi Tsuneyasu Miyamoto và Sijikulei, tuyến giữa với những ngôi sao như Yasuhito Endo và Akihiro Ienaga, còn hàng công có sự kết hợp giữa Araujo, Fernandinho và Masashi Oguro – tất cả tạo nên một đội bóng đáng gờm. Gamba Osaka đã lên ngôi vô địch J1 League ngay mùa giải đó, đây cũng là chức vô địch đầu tiên trong lịch sử CLB và là danh hiệu J1 đầu tiên của một đội bóng khu vực Kansai.
Đến mùa giải 2014, Gamba Osaka lại bắt đầu giai đoạn bứt phá mạnh mẽ. Dù từng phải xuống hạng ở mùa 2012 – lần đầu tiên trong lịch sử – nhưng đội bóng vẫn giữ được phần lớn trụ cột, và nhanh chóng vô địch J2 năm 2013 để trở lại J1 chỉ sau một mùa.
Mùa giải 2014 là khoảnh khắc huy hoàng bậc nhất của Gamba Osaka. Dù thi đấu chật vật và từng rơi xuống vị trí thứ 16 trong nửa đầu mùa giải, họ đã có cuộc bứt phá ngoạn mục trong giai đoạn lượt về. Dưới sự dẫn dắt của HLV Kenta Hasegawa, Gamba Osaka đã làm nên kỳ tích khi lội ngược dòng từ khoảng cách 14 điểm để vô địch J1.
Trong 5 mùa giải gần nhất, Gamba Osaka có phần sa sút khi có đến 3 lần kết thúc mùa giải ngoài top 10. Tuy nhiên, việc họ vẫn đứng thứ 5 trong bảng tổng điểm J.League sau 20 mùa giải cho thấy dấu ấn từ giai đoạn hoàng kim vẫn còn rất rõ nét và tiếp tục giúp họ giữ vị thế trong nhóm những CLB hàng đầu Nhật Bản.
4. Yokohama F. Marinos (1204 Điểm)
- Số trận đấu: 766
- Thành tích: 337 thắng, 193 hoà, 236 thua
Có những CLB như Sanfrecce Hiroshima luôn duy trì sự ổn định trong suốt 20 mùa giải gần đây để dần tích lũy điểm số, nhưng cũng có những đội như Yokohama F. Marinos lại tăng tốc mạnh mẽ trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, nhờ đó họ đã kết thúc ở vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng tổng điểm J1 League với 1.204 điểm.
Yokohama FM từng có giai đoạn huy hoàng khi vô địch J1 League hai mùa liên tiếp 2003 và 2004 dưới thời HLV Takeshi Okada. Tuy nhiên, giai đoạn vàng son này không kéo dài, và từ đó đến 2018, trong 14 mùa giải, họ có đến 12 lần kết thúc ở vị trí thứ 5 trở xuống.
Bước ngoặt chỉ đến khi hai HLV người Úc tiếp quản băng ghế chỉ đạo. Người đầu tiên là Ange Postecoglou, được bổ nhiệm làm HLV trưởng vào tháng 2 năm 2018. Vị chiến lược gia hiện đang dẫn dắt Tottenham ngay lập tức đưa đội bóng đến chức vô địch J1 mùa giải 2019 trong năm thứ 2 nắm quyền. Ông đã khôi phục danh dự của một trong những CLB từng được xem là mạnh nhất Nhật Bản.
Người thứ hai là HLV Kevin Muscat, người kế nhiệm trực tiếp của Postecoglou. Dưới sự dẫn dắt của Muscat, Yokohama F.Marinos đã giành chức vô địch J1 League năm 2022, và vào đến trận chung kết AFC Champions League 2023/24.
Nếu không có hai HLV người Úc này, có lẽ Yokohama FM đã không thể tích lũy được nhiều điểm số như vậy trong 6 mùa gần nhất. Đáng tiếc, Yokohama F.Marinos cho thấy sự sa sút của mình ở hai mùa giải gần đây, khi liên tục nằm ở nửa dưới của BXH.
3. Urawa Red Diamonds (1209 Điểm)
- Số trận đấu: 772
- Thành tích: 336 thắng, 201 hoà, 235 thua
Dễ bị che mờ bởi hình ảnh sa sút những năm gần đây, nhưng Urawa Red Diamonds vẫn là một trong những CLB tích lũy được nhiều điểm nhất tại J1 League trong 20 mùa giải gần nhất, và hiện đang xếp thứ ba trên bảng xếp hạng.
Cách đây đúng 20 năm, vào năm 2005, Urawa dưới sự dẫn dắt của HLV Guido Buchwald đã giành ngôi Á quân J1 League hai mùa liên tiếp. Đến mùa 2006, sự kết hợp giữa các ngoại binh chất lượng, cùng dàn tuyển thủ quốc gia Nhật Bản gồm Makoto Hasebe, Alessandro Santoshi, Shinji Ono đã giúp họ lần đầu tiên giành chức vô địch J1 trong lịch sử CLB.
Urawa tiếp tục thể hiện phong độ ổn định khi về thứ ba mùa 2012, vô địch lượt đi mùa 2015 và lượt về mùa 2016, qua đó duy trì mạch tích lũy điểm đều đặn. Đáng tiếc, giai đoạn hoàng kim của đội bóng này đang dần trôi qua, khi đội bóng cho thấy sự yếu thế trong việc cạnh tranh chức vô địch ở 6 mùa giải gần nhất.
Mùa giải 2024, Urawa về đích ở vị trí thứ 13. Ở mùa giải hiện tại, thành tích của đội bóng này cũng không mấy khá khẩm khi xếp ở vị trí thứ 12. Có lẽ sẽ còn rất lâu để Urawa Red có thể lấy lại hình ảnh đáng gờm của mình như nhiều năm trước.
2. Kawasaki Frontale (1247 Điểm)
- Số trận đấu: 697
- Thành tích: 364 thắng, 155 hoà, 178 thua
Kawasaki Frontale đã khẳng định vị thế mạnh mẽ tại J.League trong 20 mùa giải gần đây. Đội bóng không chỉ chinh phục người hâm mộ bằng lối chơi đẹp mắt mà còn gặt hái nhiều thành tích, qua đó vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng tổng điểm của J-League trong 20 năm, dù chỉ kém ngôi đầu sát nút.
Tổng cộng, Kawasaki F đã tích lũy được 1.247 điểm từ mùa giải 2005 đến 2024. Trong suốt 20 mùa giải này, chỉ duy nhất năm 2011 họ kết thúc mùa giải ngoài top 10 khi đứng thứ 11, minh chứng cho sự ổn định của mình trong hơn hai thập kỉ.
Điều đặc biệt ở Kawasaki Frontale là nhiều trụ cột của đội bóng là những cầu thủ do chính CLB đào tạo, nhưng vẫn đủ khả năng mang lại những danh hiệu lớn. Không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của học viện đào tạo trẻ, nơi sản sinh ra những cái tên như Kaoru Mitoma, Ao Tanaka, Taito Wakisaka và Ko Itakura, những người đã góp phần trực tiếp vào điểm số và thành công của CLB.
Kawasaki Frontale không chỉ đào tạo cầu thủ trẻ mà còn biến họ thành những nhân tố chủ chốt, giúp nâng tầm bóng đá Nhật Bản. Đây chính là nền tảng cho giai đoạn hoàng kim dưới thời HLV Toru Oniki, khi CLB giành 4 chức vô địch J-League trong các năm 2017 đến 2021.
Tuy nhiên, mùa giải 2024 đánh dấu sự thoái trào nhẹ khi Kawasaki chỉ xếp hạng 8, và cũng là thời điểm HLV Oniki kết thúc hành trình 8 năm gắn bó với đội bóng. Mùa giải 2025 mở ra một kỷ nguyên mới dưới sự dẫn dắt của HLV Shigetoshi Hasebe, người được kỳ vọng sẽ tái khởi động chu kỳ thành công của Kawasaki.
Với nền móng phát triển bền vững, hệ thống đào tạo trẻ bài bản và triết lý bóng đá rõ ràng, Kawasaki Frontale chắc chắn sẽ tiếp tục cho ra đời những ngôi sao mới và duy trì vị trí trong nhóm đầu bảng xếp hạng J-League trong nhiều mùa giải tới.
1. Kashima Antlers (1331 Điểm)
- Số trận đấu: 771
- Thành tích: 384 thắng, 179 hoà, 208 thua
Khi nhắc đến lịch sử bóng đá Nhật Bản, danh xưng “Quân đoàn vô địch” có lẽ không dành cho ai khác ngoài Kashima. Đội bóng này đang nắm giữ kỷ lục vô địch nhiều nhất ở cả ba đấu trường quốc nội: J-League, Cúp Liên đoàn Nhật Bản và Cúp Hoàng đế.
Tại J1 League, Kashima Antlers đã 8 lần lên ngôi vô địch, vượt qua cả những tên tuổi lớn như Yokohama F. Marinos (5 lần) hay Kawasaki Frontale (4 lần). Với lối chơi phòng ngự chặt chẽ, tấn công sắc bén, đội bóng này hiếm khi để mất điểm dễ dàng, kể cả trong những mùa giải không giành được danh hiệu.
5 mùa giải gần nhất, Kashima liên tục đứng trong top 5 (lần lượt hạng 5→4→4→5→5) nhưng không thể thực sự cạnh tranh chức vô địch. Tuy nhiên, một đội bóng từng là “ông vua danh hiệu” chắc chắn không hài lòng với chỉ tiêu ổn định – họ luôn khao khát trở lại ngai vàng.
Mùa giải 2025, Kashima bổ nhiệm HLV Toru Oniki – người từng dẫn dắt Kawasaki Frontale bước vào thời kỳ hoàng kim – nhằm mang lại thói quen chiến thắng cho đội bóng. Sự kết hợp giữa triết lý chiến thuật của Oniki và ADN chiến thắng của Kashima được kỳ vọng sẽ tạo nên một phiên bản Antlers hùng mạnh hơn bao giờ hết.
Những dấu ấn chiến thuật của HLV Toru Oniki ngay lập tức được thể hiện ở mùa giải năm nay. Vị chiến lược gia 50 tuổi giúp Kashima Antlers giành được 5 chiến thắng cùng 1 trận hoà sau 9 vòng đấu, chỉ cách đội dẫn đầu 1 điểm. Còn quá sớm để nói về khả năng vô địch của Kashima Antlers, nhưng nó đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết so với những mùa giải gần nhất.