Giải J-League 2024 đã khép lại với nhiều dấu ấn thành công cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Từ chức vô địch ấn tượng của Vissel Kobe cho đến những màn trình diễn vượt xa kỳ vọng của các đội bóng như Machida Zelvia và Tokyo Verdy, mùa giải năm nay không chỉ mang đến những trận cầu hấp dẫn mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thu hút khán giả. Số lượng người theo dõi và tham dự các trận đấu tại J-League 2024 đã tăng đáng kể, trở thành cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển giải đấu hàng đầu của bóng đá Nhật Bản.
Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 10 CLB có số lượng khán giả đông nhất J-League 2024.
10 Đội Bóng Có Số Lượng Khán Giả Trung Bình Cao Nhất J-League 2024
10. Kawasaki Frontale (21,076 Người)
Mùa giải vừa qua của Kawasaki Froantle không phải là một mùa giải thành công về mặt thành tích. Dù vậy, với lượng khán giả trung bình 21,076 người, họ vẫn nằm trong top 10 của danh sách này.
Sân nhà của Frontale, trước đây mang tên Todoroki Stadium, đã được đổi tên thành “Uvance Todoroki Stadium by Fujitsu (U Todoroki)” trong mùa giải này nhờ hợp đồng tài trợ quyền đặt tên với Fujitsu Limited. Chính điều này đã thúc đẩy số lượng khán giả đến sân, vượt qua mức trung bình 19,840 khán giả mỗi trận của mùa giải trước.
Trong suốt mùa giải, chỉ có 4 trận đấu mà Kawaski ghi nhận lượng khán giả dưới 20,000 người, thấp nhất là trận đấu ở vòng 30 gặp Sagan Tosu với 18,397 người. Thực tế, sân vận động có sức chứa 26,827 chỗ ngồi ở mùa giải năm nay thường xuyên được lấp đầy.
Trận đấu có lượng khán giả cao nhất của Kawasaki Frontale là trận đấu ở vòng hạ màn với Avispa Fukuoka, cùng số lượng khán giả đạt 23,603 người. Trận đấu này diễn ra cùng lễ chia tay HLV Tatsu Oniki, người đã quyết định rời đi sau khi kết thúc mùa giải.
Lượng khán giả đông đảo trong trận đấu cuối cùng có thể phản ánh kỳ vọng của người hâm mộ vào tương lai đội bóng. Kawasaki Fronatle đang có kế hoạch cải tạo sân vận động, dự kiến hoàn thành vào cuối năm tài chính 2029, với sức chứa tăng lên khoảng 35,000 chỗ ngồi.
Tuy nhiên, dù sức chứa sân vận động có tăng lên, kết quả trên sân cỏ sẽ là yếu tố then chốt để duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ từ người hâm mộ và tránh để trống những khán đài.
9. Vissel Kobe (21,811 Người)
Dù có thành tích tốt với chức vô địch J-League lần thứ hai liên tiếp, nhưng lượng khán giả đến sân của Vissel Kobe lại thấp hơn so với mùa giải trước,chỉ đạt 21,811 người, thấp hơn mức trung bình 22,553 người.
Trân đấu ở vòng 18 gặp Kawasaki Frontale tại sân vận động Quốc gia là trận đấu mà Vissel Kobe có số người hâm mộ đến sân cao nhất , đạt 49,541 người. Tuy nhiên, trận đấu sân nhà tại sân Quốc gia mùa trước cũng có con số tương tự, vì vậy không tạo ra sự khác biệt đáng kể so với năm ngoái.
Đáng lo ngại hơn cả là việc khán giả bất ngờ ít tới sân theo dõi Vissel Kobe ở giai đoạn cuối của mùa giải. Những khán đài trống rỗng trong nửa sau mùa giải tạo cảm giác thiếu nhiệt huyết, nhất là với một đội bóng đang đua tranh bảo vệ ngôi vương.
Trận đấu cuối cùng gặp Shonan Bellmare thu hút 27,444 khán giả, cao nhất tại sân nhà của Vissel Kobe, nhưng trong năm trận sân nhà trước đó, chỉ có trận gặp Urawa Red Diamonds ở vòng 32 vượt mốc 20,000 người. Đối với một đội bóng cạnh tranh chức vô địch hai mùa liên tiếp, đây là kết quả khá thất vọng.
Ở mùa giải năm nay, Vissel Kobe đạt thành tích 10 thắng, 4 hòa, và 5 thua tại sân nhà. Trái lại, thành tích sân khách của họ lại tốt hơn. Những kết quả không như mong đợi trên sân nhà có thể khiến sự ủng hộ từ khán giả giảm sút.
Tuy vậy, việc vẫn duy trì được mức trung bình hơn 20,000 khán giả mỗi trận trong bối cảnh thiếu vắng những ngôi sao toàn cầu như Andres Iniesta cho thấy CLB đang xây dựng một lượng cổ động viên trung thành, không còn phụ thuộc vào các tên tuổi lớn.
8. Albirex Niigata (22,430 Người)
Albirex Niigata khép lại mùa giải 2024 với lượng khán giả trung bình 22,430 người mỗi trận, giảm nhẹ so với con số 23,113 của mùa trước.
Trận đấu thu hút đông khán giả nhất của họ là trận gặp Kawasaki Frontale ở vòng 19, với 33,885 người tham dự. Trong trận này, CLB tổ chức sự kiện tặng áo đấu đặc biệt, và đây cũng là lần duy nhất mùa giải này sân nhà của Albirex đón hơn 30,000 khán giả.
Mặc dù số lượng khán giả có xu hướng giảm kể từ mùa trước, điều này không hẳn đáng lo ngại. Mùa trước là mùa giải đầu tiên đánh dấu sự trở lại của Albirex Niigata tại J-League 1. Do đó, việc lượng khán giả giảm chỉ 683 người so với năm ngoái cho thấy sự ổn định nhất định.
So với các đội bóng ở nhóm cầm đèn đỏ, sức hút của Albirex Niigata lớn hơn hẳn. Đã có 27,628 khán giả đến sân ở trận gặp Gamba Osaka ở vòng 37, tạo cú hích tinh thần trong cuộc chiến trụ hạng của đội bóng.
Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết là kết quả trên sân nhà. Với chỉ 4 chiến thắng, 6 trận hòa và 9 thất bại, Albirex Niigata chỉ giành được 18 điểm tại sân Big Swan, thành tích tệ nhất trong số các đội tham dự J-League 1. Trong khi đó, nếu xét riêng các trận đấu sân khách, Albirex đứng thứ 11 về số điểm. Điều này phản ánh rằng sự thiếu ổn định trên sân nhà, nơi lẽ ra phải nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt hơn, là điểm yếu lớn cần khắc phục.
7. Kashima Antlers (23,027 Người)
Kashima Antlers khép lại mùa giải J1 League 2024 với vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng, thu hút lượng khán giả trung bình kỷ lục 23,027 người mỗi trận – con số cao nhất trong lịch sử CLB.
Trận đấu ở vòng 17 gặp Yokohama F. Marinos tại Sân vận động Quốc gia là trận đấu đông người hâm mộ nhất của Kashima Antlers, thu hút tới 52,860 người tham dự. Đây là trận đấu mà 10,000 vé được phát miễn phí, tạo nên bầu không khí sôi động chưa từng có. Tuy nhiên, vì cũng có một trận đấu tại Sân vận động Quốc gia ở mùa giải trước, yếu tố này không có tác động lớn đến sự gia tăng trung bình cả mùa.
Nhìn lại mùa giải, có thể thấy sự phấn khích lan tỏa từ đầu đến cuối. Kashima đã duy trì vị trí ở nhóm dẫn đầu suốt mùa giải, điều này giúp thúc đẩy và duy trì lượng người hâm mộ đến sân. Thêm vào đó, CLB giữ thành tích bất bại trên sân nhà cả mùa, góp phần lớn vào việc thu hút đông đảo khán giả.
Kế hoạch xây dựng sân vận động mới, được công bố từ năm 2021, sẽ có những bước cụ thể hơn vào năm 2026. Thành tích về lượng khán giả năm 2024 chắc chắn sẽ trở thành động lực để ban lãnh đạo đội bóng đẩy nhanh kế hoạch này.
Để duy trì và nâng cao lượng khán giả, Kashima cần tiếp tục phát triển các chiến lược thu hút người hâm mộ, từ việc cải thiện trải nghiệm sân vận động cho đến tăng cường thành tích thi đấu. Với đà tăng trưởng hiện tại, Kashima đang tiến gần hơn tới việc trở thành một trong những đội bóng có sức hút mạnh mẽ nhất J-League.
6. Yokohama F.Marinos (24,843 Người)
Yokohama F. Marinos khép lại mùa giải với lượng khán giả trung bình 24,843 người mỗi trận, giảm đáng kể so với con số 27,716 của mùa trước. Dễ thấy, có nhiều nguyên nhân cho sự sụt giảm này.
Sự sa sút về thành tích chính là lý do khiến cho Yokohama F.Marinos đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ. Yokohama đã gặp nhiều khó khăn do lịch thi đấu dày đặc khi tham gia AFC Champions League. Đã có thời điểm, Marinos rơi xuống vị trí thứ 14 trên bảng xếp hạng, và điều này khiến số lượng khán giả đến sân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trận đấu ít khán giả nhất là trận gặp Sagan Tosu ở vòng 16, với chỉ 8,504 người tham dự. Ngược lại, trận đấu thu hút nhiều khán giả nhất mùa giải là cuộc đối đầu với Cerezo Osaka ở vòng 28 tại Sân vận động Quốc gia, với 47,926 người tham dự. Tại sân nhà c ủa Yokohama, trận đấu đông khán giả nhất nhất là màn đối đầu với Nagoya Grampus ở vòng cuối cùng, với 42,866 khán giả.
Với lượng người hâm mộ trung thành và bề dày thành tích tại Nhật Bản, Yokohama F. Marinos cần sớm tìm lại phong độ và sự ổn định để không chỉ cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng mà còn duy trì được sức hút tại các trận đấu sân nhà.
5. Sanfrecce Hiroshima (25,609 Người)
Sanfrecce Hiroshima đã ghi nhận lượng khán giả trung bình 25,609 người hâm mộ mỗi trận trong mùa giải J-League 2024, một sự tăng trưởng vượt bậc so với con số 16,128 của mùa trước và cũng là mức cao nhất trong lịch sử câu lạc bộ.
Lý do chính của sự gia tăng này chính là việc đội bóng chuyển sang sân vận động mới “EDION Peace Wing Hiroshima” từ mùa giải năm nay. Dù sức chứa giảm so với EDION Stadium Hiroshima trước đây, nhưng thiết kế hiện đại của sân đã cải thiện đáng kể trải nghiệm của người hâm mộ.
Với khoảng cách giữa khán đài và mặt sân gần hơn, chỗ ngồi có mái che giúp giảm thiểu tác động từ thời tiết, cùng với việc cải thiện hạ tầng, sân vận động với sức chứa 28,347 chỗ ngồi luôn trong tình trạng kín chỗ mỗi ngày.
Thậm chí, trong các trận đấu diễn ra vào giữa tuần, Sanfrecce Hiroshima vẫn duy trì được dòng người ổn định. Trận đấu vòng 20 gặp Albirex Niigata, có lượng khán giả thấp nhất mùa giải, nhưng vẫn thu hút đến 22,774 người.
Sanfrecce Hiroshima kết thúc mùa giải 2024 với vị trí thứ hai tại J1 League. Dù không thể giành chức vô địch, đội đã giành được 39 điểm trên sân nhà, ngang bằng với Kashima Antlers và là thành tích tốt nhất giải đấu. Năm đầu tiên tại sân vận động mới đã thành công cả về số lượng khán giả lẫn kết quả trên sân cỏ. Trong tương lai, thử thách của Sanfrecce Hiroshima sẽ là duy trì được sự nhiệt huyết này và thu hút thêm nhiều người hâm mộ hơn nữa. Với cơ sở vật chất hiện đại và phong độ ấn tượng, đội bóng có cơ hội lớn để biến sân nhà thành một pháo đài thực sự.
4. Gamba Osaka (26,096 Người)
Gamba Osaka ghi nhận trung bình 26,096 khán giả mỗi trận trong năm 2024, một sự gia tăng đáng kể so với con số 23,273 của mùa giải 2023.
Sự tiến bộ trong lối chơi và thành tích đã giúp Gamba Osaka gia tăng số lượng người hâm mộ của mình. Đội bóng bắt đầu mùa giải ở vị trí thứ 12 sau vòng đấu thứ 7, nhưng đã nhanh chóng cải thiện phong độ và liên tục nằm trong nhóm 5 đội dẫn đầu kể từ vòng đấu thứ 15, để rồi kết thúc ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng.
Trận đấu cuối cùng của mùa giải gặp Sanfrecce Hiroshima đã đạt mức khán giả cao nhất mùa giải với 34,653 người. Để đáp lại tình yêu đó của người hâm mộ, Gamaba Osaka đã có một màn trình diễn điểm 10 khi đánh bại đội đang cạnh tranh cho chức vô địch với tỉ số 3-1.
Dù chưa thể vượt qua kỷ lục trung bình 27,708 khán giả mỗi trận của năm 2019, con số trung bình 26,096 khán giả mỗi trận của mùa giải 2024 cao thứ hai trong lịch sử đội bóng. Sự gia tăng khán giả rõ ràng có liên quan chặt chẽ đến sự hồi phục về phong độ của đội bóng, và có thể nói đây là một mùa giải rất thành công đối với Gamba Osaka.
3. Nagoya Grampus (27,650 Người)
Sân vận động Toyota của Nagoya Grampus đã ghi nhận trung bình 27,650 khán giả mỗi trận tại J-League 2024, tăng nhẹ so với mức trung bình 27,504 khán giả của mùa giải 2023.
Về mặt thành tích, Nagoya Grampus vẫn duy trì vị trí ở giữa BXH, điều mà họ đã làm được trong bốn mùa giải liên tiếp kể từ năm 2020.
Trận mở màn gặp Kashima Antlers thu hút 36,933 người, và những trận cầu đáng chú ý khác như đối đầu với Vissel Kobe ở vòng 11 (38,955 khán giả) và Tokyo Verdy ở vòng 26 (40,498 khán giả) cũng chứng kiến lượng khán giả rất cao. Các trận đấu này đều được tổ chức tại Toyota Stadium, nơi có sức chứa tối đa 43,739 người.
Ngoài ra, trận đấu ở vòng 27 gặp Sanfrecce Hiroshima cũng ghi nhận lượng khán giả ấn tượng với 38,219 người. Số lượng khán giả cao trong nhiều trận đấu suốt mùa giải cho thấy sự quan tâm không giảm sút của người hâm mộ, bất chấp phong độ thi đấu của đội bóng.
2. FC Tokyo (33,225 Người)
FC Tokyo có trung bình 33,225 khán giả mỗi trận tại J-League 2024, tăng đáng kể so với mức trung bình 29,410 khán giả của mùa giải trước và là con số cao nhất trong lịch sử câu lạc bộ.
Yếu tố quan trọng đóng góp vào sự gia tăng này chính là các trận đấu được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia. Bốn trận đấu gặp Urawa Red Diamonds (49,005 khán giả), Kashima Antlers (52,772 khán giả), Albirex Niigata (57,885 khán giả) và Nagoya Grampus (55,896 khán giả) đã nâng mức trung bình của cả mùa giải. So với mùa giải trước, chỉ có hai trận được tổ chức tại sân này, điều đó tạo ra sự khác biệt lớn.
Nếu loại trừ bốn trận đấu tại Sân vận động Quốc gia, trung bình khán giả của 15 trận còn lại tại Ajinomoto Stadium vẫn đạt 27,714, cao hơn mức trung bình 26,308 khán giả của mùa giải 2023 (không tính các trận đấu tại sân quốc gia).
Mùa giải năm nay, FC Tokyo kết thúc ở vị trí thứ bảy tại J1 League. Tuy nhiên, nếu đội bóng có thể tham gia cuộc đua vô địch như mùa giải 2019, khi họ cán đích ở vị trí thứ hai, lượng khán giả chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa. Thành tích tốt hơn trên sân cỏ không chỉ thúc đẩy sự ủng hộ từ người hâm mộ mà còn là động lực để tiếp tục duy trì và gia tăng số lượng khán giả ở các mùa giải sau.
1. Urawa Reds (37,519 Người)
Urawa Red Diamonds là đội bóng có lượng khán giả đến sân cao nhất tại J-League 2024, với con số ấn tượng 37,519 khán giả mỗi trận, tăng mạnh so với mức trung bình 30,509 khán giả của mùa trước.
Mặc dù được đánh giá là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch, Urawa chỉ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 13, một kết quả đáng thất vọng Tuy nhiên, điều này không làm giảm đi sự nhiệt huyết của người hâm mộ. Bất chấp sự sa sút về mặt thành tích,những người hâm mộ nhiệt thành của đội bóng vẫn đến sân theo dõi, đây là điều mà không phải đội bóng nào cũng đạt được.
Sân vận động Saitama 2002 tiếp tục là thánh địa thu hút đông đảo người hâm mộ. Trận đấu khai màn trên sân nhà gặp Tokyo Verdy đã có 50,863 khán giả tham dự, trong khi trận cuối cùng của mùa giải gặp Albirex Niigata thu hút 55,184 người. Đặc biệt, có tới 7 trận đấu ghi nhận hơn 40,000 khán giả đến sân, một con số khiến các câu lạc bộ khác phải ghen tị.
Thành tích tốt hơn trên sân cỏ là chìa khóa để Urawa duy trì và gia tăng số lượng khán giả. Việc tham gia cuộc đua vô địch và tái hiện thời kỳ hoàng kim trong quá khứ sẽ là yếu tố then chốt để thu hút thêm người hâm mộ đến sân, đưa đội bóng trở lại vị thế vốn có. Niềm tin của người hâm mộ sẽ luôn là động lực để Urawa tiến xa hơn trên hành trình của mình.