10 Sân Vận Động Có Tỉ Lệ Khán Giả Tăng Cao Nhất J-League 2024

Tỉ Lệ Khán Giả

Giải J-League 2024 đang dần bước vào giai đoạn gay cấn, khi các câu lạc bộ phải thi đấu với sự nghiêm túc và cống hiến nhất. Điều này không chỉ giúp những trận đấu diễn ra kịch tính và hấp dẫn hơn, mà còn là chất xúc tác quan trọng để các sân vận động được lấp đầy bởi lượng lớn khán giả.

Vậy, ở mùa giải năm nay, đâu là sân vận động có tỉ lệ người hâm mộ đến sân tăng cao nhất? Hãy cùng Bóng Đá Châu Á phân tích thông qua bài viết dưới đây.

10 Sân Vận Động Có Tỉ Lệ Người Đến Sân Tăng Cao Tại J-League

10. Kashima Antlers (Trung Bình: 22,629 Người)

Kashima Antlers ghi nhận tỉ lệ khán giả đến sân tăng nhẹ so với mùa giải trước.
Kashima Antlers ghi nhận tỉ lệ khán giả đến sân tăng nhẹ so với mùa giải trước. Ảnh: footballchannel

Xếp vị trí thứ 10 trong danh sách những sân vận động có tỉ lệ khán giả đến sân đông nhất là sân nhà của Kashima Antlers, Ibaraki Kashima Soccer. So với mùa giải năm trước, số lượng khán giả đến sân mùa này có sự tăng nhẹ, từ 22,031 người lên 22,629 người, đạt mức tăng 2,07%. Với tổng số ghế ngồi là 39,095, nhiều người kì vọng con số này sẽ còn tăng lên ở những vòng đấu tiếp theo.

Thực tế, việc số lượng khán giả đến sân cân bằng so với thành tích của mùa giải trước, với Kashima Antlers, cũng là điều dễ hiểu. Kashima về đích ở vị trí thứ 5 ở mùa giải trước nhưng sớm không còn cơ hội vô địch, vì thế khán giả cũng không mặn mà với thành tích của đội. Điều này khác biệt so với mùa giải năm nay, khi các học trò của HLV Ranko Popović đang đứng ở vị trí thứ hai trên BXH và tràn trề cơ hội vô địch.

Bên cạnh đó, Kashima Antlers cũng là đội bóng chưa để thua trận nào trên sân nhà năm nay. Với thành tích tốt cùng với việc sẽ đụng độ Urawa Reds ở vòng 27 tới, số lượng khán giả của sân Ibaraki Kashima Soccer hứa hẹn sẽ còn tăng hơn nữa.

9. Cerezo Osaka (Trung Bình: 18,018 Người)

Ở mùa giải trước, Cerezo Osaka có trung bình 17,074 khán giả dự khán trên sân nhà. Mặc dù vậy, con số này sớm bị vượt qua ở mùa giải năm nay, khi sân Yodoko Sakura ghi nhận mức tăng trưởng rơi vào khoảng 5,5%, tức trung bình 18,018 người đến sân ở các vòng đấu thuộc J-League 2024.

Cerezo Osaka khởi đầu mùa giải với số lượng khán giả đến sân tương đối khả quan, rơi vào khoảng 20,705 người. Kể từ đó, con số này không ngừng tăng lên và đạt đỉnh ở trận đấu với Vissel Kobe ở vòng 13. Lượng khán giả đến sân tiếp tục dao động ở những vòng đấu sau tuy nhiên nhìn chung những con số thống kê với Cerezo là rất tích cực.

Nếu như ở mùa trước, đội chủ sân Yodoko Sakura có đến 5 trận đấu dưới 15,000 người xem, thì trường hơp tương tự chỉ mới xảy ra một lần ở mùa giải năm nay. Tuy vậy, với chỉ hai trận đấu có lượng khán giả trên 20,000 người ở mùa giải này, xem ra Cerezo khó có thể phá vỡ chính kỉ lục khán giả đến sân ở năm 2019, với 21,518 người.

8. Kawasaki Frontale (Trung Bình: 21,360 Người)

So với mùa giải trước, Kawasaki Frontale có khoảng 19,840 người đến sân, thì con số này đã gia tăng đáng kể ở mùa giải năm nay với khoảng 21,360 người, đạt tỉ lệ 7,07%. Đây là những thống kê rất đáng khen của đội chủ sân Todoroki, đặc biệt trong bối cảnh họ thi đấu trồi sụt và chỉ mới khởi sắc thời gian gần đây.

Với sức chưa tối đa lên đến 26,827, sân nhà của Kawasaki có thể hoạt động thường xuyên với khoảng hơn 20,000 khán giả mỗi trận. Theo thống kê, 20 trong tổng số 34 điểm mà Kawasaki có được ở mùa giải này đến từ sân nhà, điều đó cho thấy sự cổ vũ của khán giả quan trọng như thế nào đến thứ hạng của họ.

Sân vận động của Kawasaki sẽ tiếp tục được trùng tu. Dự kiến, sức chứa của sân sẽ được mở rộng lên 35,000 chỗ ngồi vào năm 2029.

7. FC Tokyo (Trung Bình: 31,980 Người)

8,7% là mức tăng trưởng về số lượng khán giả đến sân Ajinomoto của FC Tokyo
8,7% là mức tăng trưởng về số lượng khán giả đến sân Ajinomoto của FC Tokyo. Ảnh: footballchannel

Ở mùa giải 2023, đội chủ sân Ajinomoto có khoảng 29,410 khán giả đến sân mỗi trận. Ở mùa giải năm nay, con số này tăng lên 31,980 người, đạt mức tăng trưởng 8,7%.

Một trong những lý do chính của sự gia tăng này là do FC Tokyo có đến 3 trận sân nhà được tổ chức ở sân vận động quốc gia, so với chỉ 2 ở mùa giải trước. Ở vòng 23, đã có đến 57,885 khán giả đến xem cuộc so tài giữa FC Tokyo và Albirex. Tuy nhiên, nếu như chỉ giới hạn ở sân vận động Ajinomoto, thì con số này chỉ rơi vào khoảng 25,608 người.

FC Tokyo sẽ tiếp tục có trận đấu trên sân vận động quốc gia ở vòng 30, khi họ gặp Nagoya Grampus. Như vậy, khả năng cao họ sẽ sớm phá vỡ kỉ lục vào năm 2019, khi FC Tokyo có trung bình 31,540 người dự khán.

6. Gamba Osaka (Trung Bình: 25,716 Người)

Số lượng người hâm mộ đến sân Panasonic ở mùa giải trước là 23,273 người, thấp hơn rất nhiều so với con số 25,716 người. Như vậy, mức tăng trưởng về số người xem của Gamba Osaka là 10,5%.

Thực tế, mức tăng này là dễ hiểu khi Gamba Osaka có thành tích tốt hơn chính họ so với mùa giải 2023. Ở mùa trước, họ phải chật vật chiến đấu để trụ hạng, thì hiện tại Gamba đang có một suất trong top 4 sau 26 vòng đấu.

Theo thống kê, có đến 5 trận đấu ở mùa giải trước Gamba Osaka ghi nhận gần 10,000 người đến sân. Tuy nhiên, con số này giảm xuống chỉ còn 1 ở mùa giải năm nay. Hầu như các trận đấu trên sân nhà của Gamba đều có hơn 20 nghìn khán giả dự khán.

Nếu như đội chủ sân Panasonic tiếp tục duy trì phong độ của mình và chơi tốt trên sân nhà, lượng khán giả đến sân hứa hẹn còn tăng thêm nữa.

5. Urawa Red Diamonds (Trung Bình: 36,969)

Urawa Red Diamonds là một trong những đội bóng có sân vận động lớn nhất Nhật Bản. Dù nhà vô địch AFC Champions League 2022 thi đấu trồi sụt ở mùa giải năm nay, họ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng về số lượng người dự khán lên đến 21%.

Trung bình mỗi trận đấu, sân Saitama 2002 có khoảng 36,969 người đến sân, vượt xa so với thành tích của mùa giải trước, khoảng 30,509 người. Trận đấu có số người dự khán cao nhất là trận mở màn sân nhà, đối đầu với Tokyo Verdy. Ước tính đã có đến 50,863 người theo dõi cuộc đọ sức của hai đội.

Urawa Reds đã dành dược 21 điểm trên sân nhà, cao hơn rất nhiều so với 13 điểm mà họ lấy được khi làm khách. Sở hữu dàn nhân sự chất lượng, HLV Per-Mathias Høgmo cần cải thiện thành tích của mình, từ đó gia tăng hơn nữa số lượng người đến sân.

4. Jubilo Iwata (Trung Bình: 12794 Người)

Tuy sức chứa sân vận động Yamaha, sân nhà của Jubilo Iwata, là rất khiêm tốn, với chỉ 15,165 chỗ ngồi, nhưng có đến 12,794 người đến dự khán ở mỗi trận đấu năm nay. Đây là mức tăng trưởng lên đến 22,5%, nếu như so với con số 10,446 ở mùa giải trước.

Nguyên nhân chính cho sự gia tăng này chính là việc họ quay trở lại J-League sau một năm xuống hạng. Các trận đấu với các đối thủ tại J-League 1 rõ ràng hấp dẫn và có chất lượng cao hơn giải hạng hai. Theo thống kê, chỉ mới có ba trận sân nhà của Jubilo Iwata có ít hơn 10000 người đến dự khán.

Tuy có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng Jubilo cần cải thiện thành tích của mình càng sớm càng tốt, bởi họ đang xếp ở vị trí thứ 17 trên BXH. Nếu như quay trở lại J2 ở mùa giải năm sau, chắc chắn số lượng người đến sân Yamaha sẽ sụt giảm.

3. Sanfrecce Hiroshima (Trung Bình: 25,410 Người)

Sân vận động mới của Sanfrecce là lý do khiến cho khán giả đến sân nhiều hơn.
Sân vận động mới của Sanfrecce là lý do khiến cho khán giả đến sân nhiều hơn. Ảnh: footballchannel

Câu lạc bộ thứ ba có tỉ lệ khán giả tăng cao ở mùa giải năm nay là Sanfrecce Hiroshima, với mức tăng lên đến 57,6%. Cụ thể số lượng khán giả đã tăng từ 16,128 người từ mùa trước, lên đến trung binh 25,410 người ở năm nay.

Nguyên nhân chính cho sự gia tăng này chính là việc Sanfrecce đã thi đấu trên sân vận động mới Edison Peace Wing Hiroshima. Mặc dù tổng số ghế của sân vận động mới thấp hơn so với sân cũ, khoảng cách giữa sân thi đấu và hàng ghế khán giả được thu hẹp, cũng như giao thông thuận lợi hơn, là yếu tố giúp các cổ động viên chăm chỉ đến sân hơn.

Kỉ lục về số lượng khán giả đến sân của Sanfrecce là 17,721 người, được thiết lập ở năm 2012. Sau hơn 1 thập kỉ, đội bóng áo tím đã vượt qua được con số trên và phá sâu kỉ lục. Màn trình diễn của họ ở mùa giải năm nay cũng tương đối ổn định và các cầu thủ cần duy trì phong độ này để lôi kéo khán giả đến sân.

2. Machida Zelvia (Trung Bình: 15,204 Người)

Với thành tích ấn tượng ở mùa giải năm nay, số lượng khán giả đến sân của Machida Zelvia đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Dù sân vận động Machida Gion chỉ có sức chứa 15,320 người, tuy nhiên lượng người hâm mộ trung bình của Machida lên đến 15,204 người, hơn gấp đôi so với con số 7,426 người ở mùa giải trước, đạt mức tăng trưởng 104,7%.

Thành tích vượt ngoài mong đợi của Machida chính là nguyên nhân cho số lượng khán giả đến sân. Dù chỉ mới vừa lên hạng, thầy trò HLV Go Kurowa đã liên tiếp dẫn đầu trên bảng xếp hạng, cũng như đánh bại những đối thủ sừng sỏ bằng lối chơi hợp lý và khoa học.

Dự kiến, khán giả sẽ tiếp tục lấp đầy sân nhà của Machida ở những trận đấu tiếp theo. Nêu như lên ngôi vô địch, Machida nên cân nhắc mở rộng sức chứa của sân vận động để gia tăng lượng người hâm mộ.

1. Tokyo Verdy (Trung Bình: 20,709 Người)

Tokyo Verydy là đội bóng có tỉ lệ khán giả đến sân tăng cao nhất của 20 đội J-League.
Tokyo Verydy là đội bóng có tỉ lệ khán giả đến sân tăng cao nhất của 20 đội J-League. Ảnh: footballchannel

159,4% là mức tăng trưởng cao nhất về số lượng khán giả đến sân được ghi nhận ở mùa giải năm nay, và thống kê này thuộc về Tokyo Verdy, một đội bóng khác cũng vừa lên hạng.

So với sân nhà của Machida Zelvia, sân nhà của Tokyo Verdy có sức chưa lớn hơn đến 3 lần, lên đến 47,851. Ở mùa giải năm trước, Tokyo Verdy chỉ có lượng người hâm mộ đến sân rơi vào khoảng 7,982 người, chiếm 1/6 so với công suất tối đa của sân. Ở trận Derby Tokyo với FC Tokyo thuộc vòng 8, sân Ajinomoto đã chứng kiến 31,746 khán giả.

Một kỉ lục khác cũng được Tokyo Verdy thiết lập ở mùa giải năm nay, khi không có trận đấu nào của họ trên sân nhà có ít hơn 10,000 khán giả. Đội bóng áo xanh chuối đang đứng ở giữa BHX và họ cần duy trì sự tập trung của mình ở phần còn lại của mùa giải để duy trì lượng người hâm mộ.