J-League 2024 chuẩn bị kết thúc, khép lại một mùa giải thành công ở nhiều phương diện. Với một số cầu thủ, họ vừa trải qua một năm đáng nhớ với không chỉ những kỉ lục cá nhân, mà còn là như những đóng góp cho tập thể. Ngược lại, có một số tân binh dù nhận được những kì vọng rất lớn từ đầu mùa giải nhưng đã thi đấu dưới sức.
Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 10 tân binh gây thất vọng nhất J-League 2024.
10 Tân Binh Tệ Nhất J-League 2024
1. Toichi Suzuki (Kyoto Sanga)
Sau hai năm thi đấu ở Thụy Sĩ trong màu áo Lausanne-Sport, Suzuki trở về Nhật Bản gia nhập Kyoto Sanga F.C. mùa giải năm nay. Dù được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong lần đầu trở lại J-League, nhưng Suzuki đã gặp khó khăn trong việc thích nghi với hệ thống chiến thuật phòng ngự 4 hậu vệ của Kyoto. Điều này khiến Toichi Suzuki không thể phát huy hết tiềm năng của mình và thường xuyên phải ngồi ngoài. Kể từ vòng 27, còn thủ này thậm chí còn không được ra sân.
Ở độ tuổi 24, Toichi Suzuki vẫn còn một tương lai dài ở phía trước. Trước mắt, anh sẽ phải nỗ lực thật nhiều để lấy lại niềm tin của ban lãnh đạo, nhằm hướng tới một mùa giải 2025 thành công hơn.
2. Tsuyoshi Ogashiwa (Tokyo FC)
Tsuyoshi Kashiwa, tiền đạo của FC Tokyo, tiếp tục trải qua một mùa giải đầy khó khăn vì những chấn thương dai dẳng.
Gia nhập FC Tokyo ở mùa giải năm nay với hành trang là 13 bàn thắng trong hai mùa giải gần nhất, Kashiwa được kỳ vọng sẽ tận dụng sự đa năng của mình, khi anh có thể chơi ở bất kỳ vị trí nào trên hàng công, để mang đến sức sống mới cho đội bóng thủ đô. Tuy nhiên, thực tế lại đi ngược hoàn toàn với mong đợi.
Kashiwa chỉ ra sân 11 trận tại J-League mùa này, do phải nghỉ ba tháng từ tháng 4 vì chấn thương lặp đi lặp lại. Trong số đó, anh chỉ đá chính hai trận và hầu như không tạo được dấu ấn nào. Đây là một thất bại của FC Tokyo, khi họ bỏ ra đến 1,3 triệu Euro để chiêu mộ cầu thủ sinh năm 1998.
Dù mùa giải 2024 không như kỳ vọng, Kashiwa vẫn là một tài năng đáng chú ý nếu anh có thể vượt qua chấn thương. Người hâm mộ hy vọng anh sẽ tìm lại phong độ và trở thành nhân tố quan trọng trong đội hình FC Tokyo mùa tới.
3. Ola Solbakken (Urawa Red Diamonds)
Trong mùa giải J-League năm nay, sự thất vọng lớn nhất có lẽ thuộc về Ola Solbakken.
Solbakken là một cầu thủ tài năng từng thi đấu cho đội tuyển Na Uy bên cạnh những cái tên đình đám như Erling Haaland. Từ năm 2023, anh khoác áo Roma và được kỳ vọng sẽ tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp. Tuy nhiên, do không phù hợp với chiến thuật của đội bóng, anh đã được chuyển sang Olympiacos theo dạng cho mượn vào tháng 9 cùng năm.
Vào tháng 1 năm nay, Urawa Red Diamonds đã chiêu mộ Solbakken theo bản hợp đồng cho mượn tạm thời đến cuối tháng 6. Sự xuất hiện của một ngôi sao từng thi đấu tại châu Âu đã tạo nên sự phấn khích lớn trong lòng người hâm mộ. Tuy nhiên, những kỳ vọng nhanh chóng bị dập tắt bởi một chấn thương đầu gối mà anh gặp phải ngay sau khi gia nhập đội bóng.
Solbakken chỉ có thể ra mắt Urawa vào ngày 22 tháng 5, gần bốn tháng sau khi gia nhập. Dù anh thể hiện đẳng cấp của một cầu thủ từng chơi tại châu Âu, hợp đồng của cầu thủ sinh năm 1998 sớm hết hạn vào cuối tháng 6, và những dấu ấn của cầu thủ này là quá mờ nhạt.
Trong hơn một tháng thi đấu thực tế với chỉ sáu lần ra sân ở các trận chính thức, thật khó để nói rằng Solbakken đã đáp ứng được kỳ vọng. Việc chiêu mộ anh đã trở thành một thất bại của Urawa.
4. Tiago Alves (Tokyo Verdy)
Thiago Alves, người từng là “chiến binh” xuất sắc tại J2 mùa giải trước, đã không thể hiện được phong độ như kỳ vọng trong mùa giải này.
Tiago Alves bắt đầu gây dựng tên tuổi khi thi đấu nổi bật ở J-League 2 mùa giải 2023. Anh ghi được 14 bàn thắng trong 30 trận, bao gồm chuỗi 6 trận ghi bàn liên tiếp, trở thành một trong những chân sút đáng gờm nhất J2.
Trong kỳ nghỉ giữa mùa, Alves rời Yamagata để chuyển đến Botafogo. Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng, anh quay trở lại Nhật Bản và gia nhập Tokyo Verdy, đội bóng vừa được thăng hạng J1. Với kinh nghiệm và khả năng ghi bàn, Alves được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột trong hàng công của Tokyo Verdy, giúp đội bóng mới thăng hạng cạnh tranh tại J-League 1.
Tuy nhiên, thực tế mùa giải này lại gây thất vọng lớn. Do sự vươn lên của các cầu thủ trẻ, Alves chỉ được đá chính hai trận, một con số quá ít đối với một ngoại binh được kỳ vọng tạo ra ảnh hưởng tức thì. Phải đến vòng 30, cầu thủ sinh năm 1996 mới được ăn mừng bàn thắng đầu tiên
Kể từ sau đó, Thiago Alves không còn được trao cơ hội ra sân và thậm chí không có mặt trong danh sách dự bị . Với tình hình hiện tại, việc anh bị đội bóng thanh lý hợp đồng sau mùa giải là điều gần như không thể tránh khỏi.
Sự sa sút của Alves từ một ngôi sao sáng tại J-League 2 đến một cái bóng mờ nhạt tại J-League 1 là minh chứng cho sự khó khăn trong việc duy trì phong độ khi chuyển lên một đấu trường đẳng cấp hơn. Người hâm mộ giờ đây chỉ còn biết tiếc nuối cho tiềm năng chưa được phát huy của cầu thủ này.
5. Bruno Jose (Jubilo Iwata)
Bruno Jose, tân binh của Jubilo Iwata, đã kết thúc mùa bóng mà không thể hiện được hết tiềm năng của mình.
Trước khi đến với Nhật Bản, cầu thủ sinh năm 1998 chủ yếu thi đấu trong màu áo các đội bóng tại quê nhà Brazil. Dù vậy, phong độ tương đối ấn tượng cùng lối chơi đậm chất Samba của Bruno Jose đã mê hoặc Jubilo, khiến đội bóng này chi số tiền không nhỏ để có được anh.
Dù vậy, cuộc hành trình của cầu thủ 26 tuổi tại J-League đang trải qua nhiều chông gai. Jose có trận ra mắt đội bóng mới trong trận gặp Albirex Niigata ở vòng 6, nhưng sau đó anh không được trao đủ cơ hội thi đấu và chủ yếu xuất phát từ băng ghế dự bị. Mặc dù thể hiện một số khoảnh khắc sáng giá, bao gồm chịu khó tham gia phòng ngự và chuyển trạng thái nhanh, nhưng chừng đó là không đủ để che đậy đi thành tích kém cỏi 0 bàn thắng và 0 kiến tạo sau 21 trận ra sân.
Việc không tạo được ảnh hưởng trong đội hình đã khiến Bruno Jose không thể đáp ứng được kỳ vọng tại J-League. Người hâm mộ Jubilo Iwata có lẽ đã kỳ vọng nhiều hơn từ anh, nhưng mùa giải này đã khép lại như một sự thất vọng đối với cầu thủ người Brazil.
6. Inoue Shion (Nagoya Grampus)
Shion Inoue, xuất thân từ lò đào tạo trẻ Nagoya Grampus, từng gây ấn tượng mạnh mẽ ngay mùa giải đầu tiên trong màu áo Ventforet Kofu. Phong độ tương đối ấn tượng của cầu thủ sinh năm 2000 ở mùa giải trước đã nhanh chóng thuyết phục Nagoya Grampus chi tiền chiêu mộ.
Tuy vậy, mọi chuyện lại chuyển biến theo một chiều hướng tiêu cực. Được trao cơ hội ở hai vòng đấu đầu tiên, nhưng màn trình diễn của Inoue Shion là dưới mức trung bình. Và kể từ đó, cầu thủ này không ra sân thêm bất kì trận đấu nào cho Nagoya tại J-League 1.
Ở tuổi 24, Inoue Shion còn nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai. Mùa giải tới sẽ là thời điểm quyết định sự nghiệp của anh, nơi anh cần chứng minh bản thân để giữ vững vị trí hoặc đối mặt với nguy cơ mất cơ hội.
7. Vinicius Araújo (Sagan Tosu)
Vinicius Araújo, từng khoác áo đội tuyển U-23 Brazil, có một quãng thời gian dài thi đấu cho các đội bóng tại J-League. Dù vậy, những kinh nghiệm có được không giúp cầu thủ này thành công tại Sagan Tosu.
Trong màu áo CLB mới, Vinicius Araújo sớm có được bàn thắng ra mắt ở vòng đấu thứ hai, nhưng kể từ đó, số bàn thắng của cầu thủ sinh năm 1993 không thay đổi. Araújo chủ yếu được sử dụng như một phương án từ ghế dự bị và chỉ đá chính trong 4 trận đấu ở J-League mùa này.
So sánh với Marcelo Hiang, đồng đội chơi cùng vị trí và đã ghi được 12 bàn thắng ở giải đấu, màn trình diễn của Araújo với chỉ một bàn thắng càng trở nên đáng thất vọng. Việc đội bóng xuống hạng càng làm cho vị trí của Araújo trở nên bất ổn, và tương lai của anh tại Sagan Tosu đang bị đặt nhiều dấu hỏi.
Một tài năng từng được kỳ vọng sẽ tỏa sáng tại J-League giờ đây lại trở thành nỗi thất vọng lớn, và Araújo sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn hồi sinh sự nghiệp ở J-League hoặc tìm kiếm cơ hội mới tại một môi trường khác.
8. Suzuki Musashi (Sapporo)
Tham gia J-League từ năm 2012, kinh nghiệm là điểm cộng đáng chú ý nhất của Musashi. Dù vậy, cầu thủ này không còn là chính mình trong màu áo Sapporo.
Trong nửa đầu mùa giải, Musashi không ghi được bất kì bàn thắng nào, bất chấp thi đấu ở vị trí tiền đạo cắm, và sự sa sút phong độ của anh dường như phản ánh lên cả đội bóng, khiến Sapporo liên tục đứng ở nhóm cuối bảng.
Phải đến vòng 23 trong trận đấu với Urawa Red Diamonds, Suzuki mới có bàn thắng đầu tiên của mùa giải. Từ đó, anh ghi thêm 6 bàn thắng trong 13 trận còn lại, cho thấy dấu hiệu hồi sinh. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đã quá muộn để có thể cứu vãn tình hình, và Sapporo đã phải xuống hạng lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Hàng phòng ngự tệ có thể là nguyên nhân chính lý giải vì sao Sapporo xuống hạng, nhưng rõ ràng với màn trình diễn kém cỏi của mình, Misashi cũng chịu trách nhiệm cho sự sa sút đó.
Mùa giải tới, Suzuki Musashi sẽ đóng vai trò quan trọng trong hành trình tìm lại vị trí tại J1 của Consadole Sapporo. Người hâm mộ hy vọng rằng anh sẽ phát huy hết khả năng để mang lại thành công cho đội bóng.
9. Naoki Maeda (Urawa Red Diamonds)
Mùa giải năm nay, Maeda gia nhập Urawa Reds, với kì vọng sẽ tạo ra được nhiều cơ hội ngon ăn cho đồng đội nhờ kĩ năng đi bóng lắt léo của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, cầu thủ sinh năm 1994 đã có một năm thi đấu dưới sức.
Được trao cơ hội khá nhiều ở đầu mùa giải, nhưng những đóng góp của Naoki lại không mấy thuyết phục. Phong độ không ổn định khiến anh dần mất suất thi đấu trong giai đoạn sau, thậm chí có những trận anh không được ra sân.
2 bàn thắng và 2 kiến tạo sau 23 trận rõ ràng là thống kê không ấn tượng của cầu thủ 30 tuổi, và Maeda sẽ cần nỗ lực rất lớn để tái khẳng định vị thế của mình trong đội hình Urawa Reds.
10. Nassim Ben Khalifa (Avispa Fukuoka)
Đầu năm 2024, Ben Khalifa chuyển đến Avispa Fukuoka, nơi anh được kỳ vọng sẽ mang lại sự đột phá cho đội bóng. Tuy nhiên, trước khi mùa giải bắt đầu, cầu thủ sinh năm 1992 đã gặp chấn thương nặng, cụ thể là rách gân cơ thẳng đùi phải, buộc cầu thủ này phải ngồi ngoài gần như toàn bộ mùa giải.
Sau khi hồi phục, Ben Khalifa lần đầu ra sân trong màu áo Avispa ở trận đấu với Urawa Red Diamonds tại vòng 37. Dù chỉ vào sân từ băng ghế dự bị, anh đã đóng góp vào chiến thắng của đội bóng, điều này phần nào giúp Fukuoka khép lại mùa giải trong không khí tích cực.
Dù vậy, phần lớn mùa giải của Ben Khalifa bị bao phủ bởi thời gian bên lề sân cỏ, và tương lai của anh tại Avispa Fukuoka vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Với việc đội bóng sẽ chào đón một huấn luyện viên mới vào mùa tới, vị trí của anh trong đội hình vẫn chưa rõ ràng.
Người hâm mộ hy vọng rằng mùa giải tới, khi đã hoàn toàn hồi phục, Ben Khalifa sẽ trở lại với phong độ đỉnh cao, khẳng định giá trị của mình trong màu áo Avispa Fukuoka. Liệu anh có thể vượt qua khó khăn và tỏa sáng tại J-League một lần nữa? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.