Dù có tài năng đến đâu, thì khi chuyển sang câu lạc bộ mới, hoặc giải đấu mới, các cầu thủ cũng sẽ cảm thấy những khó khăn nhất định. Tuy vậy, cũng có một số cầu thủ ngay lập tức toả sáng và không mất nhiều thời gian để thích nghi.
Trải qua nửa mùa giải, J-League 2024 đã chứng kiến 10 tân binh xuất sắc, thi đấu nổi bật vào góp phần vào thành công của CLB. Vậy, 10 cái tên đó là ai?
10 Tân Binh Hay Nhất J-League 2024
10. Taisei Miyashiro (Vissel Kobe)
Taisei Miyashiro là sản phẩm của lò đào tạo Kawasaki Frontale và được đôn lên đội một của CLB này vào năm 2018. Là một cầu thủ trẻ, Taisei Miyashiro khi đó gặp nhiều khó khăn để có được cơ hội đá chính. Sau khi được cho mượng tại Sagan Tosu, Taisei Miyashiro quay trở lại Kawasaki, tuy nhiên vẫn tỏ ra không thể thích nghi với lối chơi của câu lạc bộ này và chuyển sang gia nhập nhà ĐKVĐ J-League 2023, Vissel Kobe.
Sang CLB mới, Taisei Miyashiro thi đấu như cá gặp nước. Anh tỏ ra phù hợp ở vị tí tiền đạo lùi sâu, chơi đằng sau Yuya Osako, và toả sáng với 7 bàn thắng cùng 2 kiến tạo sau 20 trận ra sân.
Thêm vào đó, anh có 39 lần rê bóng thành công, cùng 34 lần chuyền bóng vào vòng cấm chính xác, các thông số này đứng thứ hai ở Vissel Kobe, biến tiền đạo sinh năm 2000 trở thành một nhân tố tạo đột biến ở đội bóng mới.
9. Shahab Zahedi (Avispa Fukuoka)
Avispa Fukuoka chỉ mới ghi được 23 bàn thắng sau 23 trận J-League, thì có đến 1/3 trong số đó có công của Shahab Zahedi, tân binh người Iran.
Sự nghiệp của Shahab Zahedi có những bước chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây. Sau khi được gọi lên ĐTQG Iran vào tháng 6 năm ngoái, cầu thủ này chuyển sang Avispa dưới dạng cho mượn ở mùa giải năm nay. Đến lúc này, anh có 7 bàn thắng cùng 2 kiến tạo cho đội bóng này tại J-League, qua đó trở thành trụ cột của đội và có thể được mua đứt khi mùa giải khép lại.
Tiền đạo 28 tuổi được đánh giá cao ở khả năng đánh đầu với chiều cao 1m87 cùng khả năng chơi tốt ở cả hai chân. Xếp ở vị trí thứ 8 là một bất ngờ lớn của Avispa, và Shahab góp công không nhỏ trong thành công này.
8. Shinnosuke Nakatani (Gamba Osaka)
Gamba Osaka đang có một mùa giải thành công ngoài mong đợi với vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng. Điểm mạnh của họ chính là hàng phòng ngự vững chắc, thủng lưới ít nhất giải, với điểm nhấn đến từ trung vệ tân binh Shinosuke Nakatani.
Chuyển đến Gamba Osaka từ Nagoya Grampus, Shinosuke Nakatani ngay lập tức trở thành sự lựa chọn không thể thay thế ở hàng phòng ngự. Anh ra sân 23 trận đấu, có 56 lần thắng không chiến và 48 lần ngăn chặn đối phương. Các chỉ số này không chỉ giúp trung vệ sinh năm 1996 đứng đầu đội bóng, mà còn biến anh trở thành một trong những trung vệ đáng gờm nhất giải.
Khả năng tấn công của Nakatani cũng là một điểm mạnh khác. Khả năng chọn vị trí chính xác khi tham gia tấn công giúp cầu thủ 28 tuổi ghi được một bàn thắng ở mùa giải năm nay.
7. Yudai Kimura (Tokyo Verdy)
Tưởng chừng như việc chuyển tới Tokyo Verdy dưới dạng cho mượn từ Kyoto Sanga sẽ là cơ hội để Yudai Kimura học hỏi và hoàn thiện thêm kĩ năng của mình, thì anh bất ngờ toả sáng và trở thành sự lựa chọn hàng đầu trên hàng công đội bóng mới.
Sau 23 vòng đấu, chân sút 23 tuổi ra sân 22 trận và đóng góp 9 bàn thắng cùng 1 kiến tạo. Thể hình ấn tượng cùng lối chơi rộng và không ngại va chạm là điểm mạnh của Yudai Kimura.
Trong bối cảnh Kyoto Sâng chỉ mới ghi được 20 bàn thắng ở mùa giải này và thực sự thiếu vắng một chân sút chủ lực, Yudai Kimura có thể là hướng giải quyết tối ưu nhất của họ. Tuy vậy, cầu thủ này đang hạnh phúc tại Tokyo Verdy và hứa hẹn sẽ còn bay cao hơn nữa ở phần còn lại của mùa giải.
6. Ryotaro Araki (FC Tokyo)
Tương tự như những trường hợp trẻ khác, Ryotaro Araki được Kashima Antlers cho mượn ở Tokyo FC nhằm mục đích tích lũy thêm kinh nghiệm, nhưng màn trình diễn của cầu thủ được gọi tham dự Olympic này đang thành công ngoài mong đợi.
Ngay ở trận đấu đầu tiên ra mắt đội bóng mới, cầu thủ sinh năm 2002 lập một cú đúp, và chỉ sau 6 vòng đấu đầu tiên, anh có cho mình 5 bàn thắng. Sau khi tham dự U23 Asian Cup, phong độ của Ryotaro Araki có phần đi xuống tuy nhiên không thể phủ nhận anh đang có đóng góp rất nhiều trong lối chơi của đội bóng thành Tokyo.
Với 6 bàn thắng sau 15 trận, Ryotaro Araki là chân sút tốt nhất của FC Tokyo. Bên cạnh đó, cầu thủ này còn là một chân sút phạt cừ khôi, nhiều lần gây khó dễ cho hàng thủ đối phương.
5. Yuki Ohashi (Sanfrecce Hiroshima)
Vừa mới chân ướt chân ráo đến với Sanfrecce Hiroshima, Yuki Ohashi đã ngay lập tức để lại dấu ấn với 10 bàn thắng cùng 3 kiến tạo sau 21 trận, vượt ngoài kì vọng của tất cả những người hâm mộ đội bóng này.
Dù gặp nhiều chấn thương ở các mùa giải trước đó, tiền đạo sinh năm 1996 chưa gặp bất cứ vấn đề nào ở mùa giải năm nay. Không chỉ tỏa sáng ở J-League, cầu thủ này còn ghi bàn ở các giải đấu cúp. Tính rộng ra, anh có 15 bàn thắng và 3 kiến tạo sau tổng cộng 26 trận ra sân. Đặc biệt hơn, Sanfrecce Hiroshima sở hữu chân sút này dưới dạng tự do.
Sanfrecce Hiroshima chỉ ghi được 42 bàn thắng ở mùa giải trước, nhưng họ đã có được 37 bàn thắng khi mùa giải năm nay trôi qua được một nửa. Rõ ràng, sự có mặt của Yuki Ohashi đã giúp thay đổi bộ mặt của đội bóng áo tím theo hướng tích cực.
4. Kosei Tani (Machida Zelvia)
Là sản phẩm của lò đào tạo Gamba Osaka, Kosei Tani đã được trao cơ hội bắt chính nhưng ở thời điểm đầu của sư nghiệp, thủ môn này thường xuyên mắc sai lầm, buộc anh phải rời đi để dưới dạng cho mượn.
Chuyển sang Machida Zelvia, sự nghiệp của Kosei Tani bước sang một chương mới, khi thủ thành 23 tuổi bắt chính 22 trên tổng số 23 trận đấu từ đầu mùa, để thủng lưới 15 bàn và có đến 11 trận giữ sạch lưới. Thêm vào đó, sải tay rộng cùng khả năng phán đoán chính xác giúp Kosei Tani có tỉ lệ bắt các đường căng ngang lên đến 43%.
Từ vị thế thủ môn trẻ, Kosei Tani dần chứng minh bản lĩnh trận mạc của mình và được gọi lên cả ĐTQG. Bản thân anh đang được nhiều đội bóng trong và ngoài nước chú ý vì thế chỉ cần duy trì sự tập trung, một chương mới trong sự nghiệp có thể mở ra với thủ thành sinh năm 2000.
3. Oh Se-hun (Machida Zelvia)
Có nhiều nhân tố tác động đến sự thành công của Machida Zelvia ở mùa giải năm nay. Bên cạnh thủ môn Kosei Tani, họ còn hưởng lợi nhờ phong độ cao của trung phong người Hàn Quốc, Oh Se-hun.
Trong bối cảnh Machida Zelvia ưu tiên lối chơi phòng ngự phản công, phất bóng dài cho các tiền đạo, thì Oh Se-hun tỏ ra vô cùng phù hợp với chiến thuật này. Trung phong 26 tuổi sở hữu chiều cao lên đến 1 mét 94, cho phép anh dành được lợi thế trước những tình huống tranh chấp trên không. Theo thống kê, Oh Se-hun đã có đến hơn 158 lần thắng tranh chấp trên không trước các đối thủ.
Sau 19 trận ra sân, tiền đạo sinh năm 1999 có cho minh 6 bàn thắng cùng 1 đường kiến tạo. Sức ảnh hưởng của Oh Se-hun còn được thể hiện rõ ở khả năng tì đè và tạo khoảng trống. Machida Zelvia thường xuyên mất điểm ở những trận đấu mà anh vắng mặt, điều này thể hiện rõ tầm quan trọng của Oh Se-hung trong màu áo đội bóng mới vừa thăng hạng này.
2. Kimito Nono (Kashima Antlers)
Vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng của Kashima Antlers hiện tại có công rất lớn của Kimito Nono, một tân binh có xuất phát là cầu thủ thuộc trường đại học.
Gia nhập Kashima Antlers từ đầu tháng 2, cầu thủ này trở thành sự lựa chọn số một bên hành lang cánh phải và ra sân trọn vẹn 23 trận đấu tại J-League. Ngoài ra, anh còn ghi đến 5 bàn thắng.
Với xuất thân là một tiền đạo, Kimito Nono có tư duy tấn công và biết cánh để khai thác khoảng trống hàng phòng ngự đối phương. Ngoài khả năng lên công về thủ nhịp nhàng, hậu vệ 22 tuổi còn là một chân phân phối bóng tốt, khi anh thường xuyên bó vào giữa sân và phối hợp với các tiền vệ để tổ chức tấn công.
1. Ibrahim Dresevic (Machida Zelvia)
Là một trong hai câu lạc bộ có số bàn thua ít nhất giải, có thể nói sự thành công của Machida Zelvia đến từ nền tảng hàng phòng ngự vững chắc, với Dresevic là một thủ lĩnh ở hàng phòng ngự.
Thi đấu ở vị trí trung vệ, Dresevic chịu trách nhiệm kết nối hàng thủ và tuyến giữa, tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng và giữ được cự li đội hình. Tuyển thủ Kosovo còn cho thấy sự mạnh mẽ và vượt trội ở những tình huống 1 vs 1. Khả năng phát động tấn công của trung vệ 27 tuổi cũng được đánh giá cao, đặc biệt khi Machida Zelvia vốn dĩ theo đuổi lối chơi phòng ngự phản công.
Machida Zelvia đang gây được tiếng vang lớn tại J-League năm nay và đang nắm giữ lợi thế lớn trong cuộc đua vô địch. Nếu như họ làm nên lịch sử, thì Ibrahim Dresevic chính là một trong những tân binh có đóng góp nhiều nhất cho đội bóng này.