14 Tuyển Thủ Nhật Bản Đã Và Đang Thi Đấu Tại Serie A

Tuyển thủ Nhật Bản

Bắt đầu với mùa giải 1929/30, Serie A, hay giải VĐQG Ý, đã liên tục duy trì vị thế của mình trong suốt gần 100 năm qua để trở thành một trong 5 giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu.

Trong suốt thời gian đó, Serie A, cùng với Bundesliga, có lẽ là hai giải đấu quy tụ nhiều cầu thủ Nhật Bản nhất, cũng là bệ phóng để đưa một số cầu thủ vươn lên đến đỉnh cao sự nghiệp.

Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 14 tuyển thủ Nhật Bản đã và đang chơi bóng tại Serie A.

14 Tuyển Thủ Nhật Bản Từng Thi Đấu Ở Serie A

1. Tomoyoshi Miura (Genoa / 1994-1995)

Tomoyoshi Miura khi còn thi đấu cho Genoa.
Tomoyoshi Miura khi còn thi đấu cho Genoa. Ảnh: X.com

Tomoyoshi Miura, được biết đến với biệt danh “King Kazu” (CLB Atletico Suzuka), là cầu thủ châu Á đầu tiên chơi tại Serie A khi gia nhập Genoa. Lúc bấy giờ, Kenwood đã mua quyền quảng cáo trên áo đấu của Genoa, tạo nên nhiều sự chú ý về thương vụ chuyển nhượng này.

Miura ra mắt trong trận khai mạc mùa giải Serie A, nhưng không may bị chấn thương mũi và tổn thương dây thần kinh mắt. Bàn thắng duy nhất của ông đến trong trận derby Genoa gặp Sampdoria. Cựu huyền thoại của bóng đá Nhật Bản chỉ ra sân 21 trận tại Serie A và ghi được 1 bàn thắng.

2. Hidetoshi Nakata (Perugia / 1998-2000, Roma / 2000-2001, Parma / 2001-2004, Bologna / 2004, Fiorentina / 2004-2006)

Hidetoshi Nakata (giải nghệ năm 2006) là cầu thủ Nhật Bản thành công nhất tại Serie A và châu Âu. Anh gia nhập Perugia vào năm 1998 và ngay lập tức ghi 2 bàn vào lưới Juventus trong trận ra mắt. Năm 2000, anh chuyển đến Roma và giành Scudetto (chức vô địch Serie A) trong mùa giải 2000/01, trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên làm được điều này.

Sau đó, anh chuyển sang Parma, nơi anh giúp đội giành Coppa Italia năm 2002. Dù ít cơ hội ra sân tại Bologna và Fiorentina, Nakata đã ghi 24 bàn trong 182 trận Serie A, trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên thu hút sự chú ý toàn cầu.

3. Hiroshi Nanami (Venezia / 1999-2000)

Trong sự nghiệp bóng đá của mình, Venezia là đội bóng duy nhất mà Hiroshi Nanami thi đấu nằm ngoài Nhật Bản. Chỉ có một mùa giải tại nước Ý, ông ra sân 24 trận và có 1 bàn thắng. Sau đó, Venezia xuống hạng Serie B và Naba trở về Nhật Bản.

Dù không quá thành công tại nước Ý, nhưng Hiroshi Nanami vẫn là một trong những cầu thủ thành công nhất của Bóng Đá Nhật Bản thế hệ trước. Ông thi đấu tổng cộng 447 trận trong sự nghiệp, chưa kể 67 trận cho ĐTQG.

4. Shunsuke Nakamura (Reggina / 2002-2005)

Shunsuke Nakamura chuyển đến Reggina vào năm 2002 và nhanh chóng tạo dấu ấn với chuỗi 3 trận ghi bàn liên tiếp. Ông nổi bật với khả năng sút phạt và đá penalty, giúp đội trụ hạng thành công trong mùa đầu tiên. Dù gặp chấn thương ở mùa 2003/04, Nakamura vẫn ghi 11 bàn trong 80 trận tại Serie A và được chọn vào “Đội hình hay nhất mọi thời đại” của Reggina.

5. Atsushi Yanagisawa (Sampdoria / 2003-2004, Messina / 2004-2006)

Yanagisawa (giải nghệ năm 2014) thi đấu 44 trận tại Serie A nhưng không ghi được bàn thắng nào. Dù là tiền đạo, anh gặp khó khăn trong việc thích nghi và không đạt được kỳ vọng.

6. Mitsuo Ogasawara (Messina / 2006-2007)

Mitsuo Ogasawara (giải nghệ năm 2018) gia nhập Messina năm 2006. Anh ghi bàn đầu tiên trong trận gặp Empoli, nhưng cơ hội ra sân dần ít đi. Anh chỉ thi đấu 6 trận và ghi 1 bàn tại Serie A.

7. Masashi Oguro (Torino / 2006-2008)

Masashi Oguro (giải nghệ năm 2021) chỉ ra sân 10 trận trong hai năm tại Torino và không ghi được bàn nào. Cầu thủ sinh năm 1980 gặp khó khăn với yêu cầu cao về thể lực và chiến thuật tại Serie A, vì thế không đáp ứng được kì vọng của HLV.

8. Takayuki Morimoto (Catania / 2006-2011 & 2012-2013, Novara / 2011-2012)

Tiền đạo Takayuki Morimot gia nhập Catania theo dạng cho mượn năm 2006 khi mới 18 tuổi và lần đầu tiên có tên trên băng ghế dự bị trong trận gặp Ascoli vào tháng 12 cùng năm. Vào tháng 1 năm 2007, anh ra mắt Serie A trong trận gặp Atalanta và trở thành cầu thủ Nhật Bản trẻ nhất ghi bàn chỉ sau 4 phút thi đấu. Năm 2008, anh tiếp tục cải thiện phong độ, ghi 2 bàn trong trận đấu với Roma, và năm 2009 anh ghi dấu ấn với bàn thắng vào lưới Juventus và màn trình diễn trong trận derby Sicily gặp Palermo.

Năm 2011, Morimoto chuyển đến Novara để tìm kiếm cơ hội ra sân nhiều hơn và ghi bàn thắng đầu tiên vào lưới Cagliari vào tháng 9 cùng năm. Dù để lại nhiều dấu ấn quan trọng, nhưng anh không thể duy trì phong độ ổn định do chấn thương. Trở lại Catania năm 2012, anh tiếp tục bị chấn thương làm gián đoạn và khép lại sự nghiệp Serie A mà không có thêm cơ hội thi đấu. Anh đã ra sân 104 trận tại Serie A và ghi 19 bàn thắng.

9. Yuto Nagatomo (Cesena: 2010-2011, Inter: 2011-2018)

Yuto Nagatomo là một trong những cầu thủ Nhật Bản thành công nhất tại ý.
Yuto Nagatomo là một trong những cầu thủ Nhật Bản thành công nhất tại ý. Ảnh: The Independent

Hậu vệ Yuto Nagatomo bắt đầu sự nghiệp tại Serie A trong màu áo Cesena theo dạng cho mượn vào tháng 7 năm 2010. Tại đây, anh thi đấu ở vị trí hậu vệ trái và nổi bật với tốc độ và khả năng tấn công lẫn phòng ngự. Màn trình diễn ấn tượng của Nagatomo đã giúp anh được chuyển đến Inter Milan dưới dạng cho mượn vào tháng 1 năm 2011, và đến tháng 6 cùng năm, Inter Milan quyết định mua đứt cầu thủ người Nhật Bản.

Tại Inter, Nagatomo nhanh chóng khẳng định vị trí chính thức ở cả vai trò hậu vệ trái lẫn wing-back, góp phần giúp câu lạc bộ giành Coppa Italia mùa 2011/12. Tuy nhiên, từ mùa giải 2014/15, số lần ra sân của anh giảm sút do chấn thương liên tiếp và sự xuất hiện của các tân binh. Dù vậy, trong mùa giải 2015/16, anh được bổ nhiệm làm đội phó, trở thành điểm tựa tinh thần quan trọng cho cả đội.

Nagatomo đã ra sân tổng cộng 186 trận tại Serie A, ghi được 9 bàn thắng, và giữ kỷ lục cầu thủ Nhật Bản có số lần ra sân nhiều nhất trong lịch sử giải đấu.

10. Keisuke Honda (Milan / 2014-2017)

Tiền đạo Keisuke Honda gia nhập AC Milan danh tiếng vào tháng 1 năm 2014 và ghi 6 bàn trong 7 trận đầu tiên của mùa giải 2014/15. Tuy nhiên, khi các đội bóng áp dụng các biện pháp hạn chế, cơ hội ghi bàn của anh giảm dần, và thời gian ra sân cũng ít hơn. Mùa giải 2015/16, anh chuyển sang thi đấu ở vị trí tiền vệ phải, ra sân 30 trận nhưng chỉ ghi được 1 bàn thắng. Mùa giải 2016/17, số lần ra sân của Honda giảm mạnh do sự xuất hiện của các cầu thủ trẻ.

Honda đã thi đấu tổng cộng 81 trận tại Serie A, ghi được 9 bàn thắng. Dù tinh thần chuyên nghiệp và đóng góp chiến thuật của anh được đánh giá cao, nhưng áp lực truyền thông đã góp phần khiến cho Keisuke Honda không thể hiện đúng với kì vọng, bất chấp có thời điểm cầu thủ này được trao chiếc áo số 10 danh giá.

11. Takehiro Tomiyasu (Bologna / 2019-2021)

Takehiro Tomiyasu (Arsenal) chuyển đến Bologna vào tháng 7 năm 2019 theo bản hợp đồng chính thức. Anh ra mắt ở vị trí hậu vệ phải trong trận mở màn gặp Hellas Verona vào ngày 25 tháng 8 và được đánh giá cao nhờ khả năng phòng ngự chắc chắn và tham gia tấn công hiệu quả. Tomiyasu thi đấu chủ yếu ở vị trí hậu vệ phải và trung vệ, chiếm được niềm tin của HLV và trở thành sự lựa chọn hàng đầu ở hàng thủ Bologna.

Mùa giải 2020/21, Tomiyasu tiếp tục là trụ cột của đội với 61 lần ra sân và 3 bàn thắng trước khi chuyển sang Arsenal.  Cầu thủ này là một trong số những tuyển thủ Nhật Bản thành công tại Ý, nơi anh được biết đến với phong cách thi đấu chắc chắn và tư duy phòng ngự.

12. Maya Yoshida (Sampdoria / 2020-2022)

Hậu vệ Maya Yoshida gia nhập Sampdoria theo dạng cho mượn vào tháng 1 năm 2020. Anh ra mắt trong trận gặp Hellas Verona vào tháng 3 và giúp ổn định hàng thủ trong nửa sau mùa giải. Tháng 8 cùng năm, Yoshida chính thức ký hợp đồng dài hạn và trở thành trụ cột của Sampdoria.

Tháng 1 năm 2021, anh gia hạn hợp đồng và ghi bàn thắng đầu tiên tại Serie A vào lưới Parma ở vòng 19. Mùa giải 2021/22, Yoshida tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo hàng phòng ngự trước khi rời đội bóng vào mùa hè 2022 khi hợp đồng hết hạn. Anh đã ra sân 72 trận tại Serie A và ghi được 3 bàn thắng.

13. Daichi Kamada (Lazio / 2023-2024)

Tiền vệ Daichi Kamada (Crystal Palace) gia nhập Lazio theo dạng chuyển nhượng tự do từ Eintracht Frankfurt vào tháng 8 năm 2023. Được trao chiếc áo số 6, Daichi Kamada nghiễm nhiên trở thành sự lựa chọn nơi tuyến giữa của Lazio và không mất nhiều thời gian để toả sáng. Ở giai đoạn đầu mùa giải đó, cầu thủ này thi đấu ổn định, đóng góp vào khâu tấn công và phòng ngự của Lazio.

Tuy nhiên, dưới thời Maurizio Sarri, anh mất dần cơ hội ra sân do ưu tiên các cầu thủ thiên về thể lực. Tháng 3 năm 2024, khi Igor Tudor lên nắm quyền, Kamada lấy lại vị trí quan trọng và ghi 2 bàn trong 28 trận. Đã có những tin đồn gia hạn hợp đồng với Lazio ở giai đoạn cuối mùa, tuy nhiên Kamada lựa chọn rời đi và gia nhập Crystal Palace.

14. Zion Suzuki (Parma, 2024-)

Thủ môn Zion Suzuki chuyển đến Parma vào tháng 7 năm 2024 và ngay lập tức được trao cơ hội ra sân. Anh trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên thi đấu ở vị trí thủ môn tại Serie A, thu hút sự chú ý lớn từ giới chuyên môn và người hâm mộ. Tính đến thời điểm hiện tại của mùa giải 2024/25, Suzuki đã có 14 lần ra sân và giữ sạch lưới 1 trận.

Với trung bình 1,45 bàn thua mỗi 90 phút, anh đã được đánh giá là một trong những thủ môn xuất sắc nhất của Serie A. Sau Hidetoshi Nakata, Suzuki là cầu thủ Nhật Bản thứ hai chơi cho Parma và đang viết tiếp câu chuyện thành công tại Ý. Tài năng 22 tuổi cũng đang là sự lựa chọn số 1 trong khung gỗ đội tuyển Nhật Bản.