Trụ hạng chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là ở một đấu trường khốc liệt như J-League. Các đội bóng không chỉ cần bản lĩnh và tinh thần chiến đấu bền bỉ, mà còn phải biết cách tận dụng những khoảnh khắc xuất thần, và may mắn, để níu giữ hy vọng ở lại giải đấu cao nhất Nhật Bản.
Trong suốt chiều dài lịch sử J-League, đã không ít lần người hâm mộ được chứng kiến những màn trụ hạng mang tính “kỳ tích”, khi các đội bóng tưởng chừng như xuống hạng cuối cùng cũng có thể ở lại giải đấu cao nhất Nhật Bản một cách ngoạn mục.
Hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua 5 CLB từng có màn trụ hạng thần kì nhất lịch sử J-League.
5 CLB Trụ Hạng Kịch Tính Nhất Lịch Sử J-League
5. JEF United Chiba (2008)
Chỉ những ai không từ bỏ mới có thể tạo nên điều kỳ diệu. Mùa giải 2008 chính là minh chứng rõ ràng của JEF United Chiba.
Cho đến những vòng cuối cùng của mùa giải 2008, chắc hẳn đã có không ít cổ động viên Chiba chuẩn bị tâm lý cho viễn cảnh đội bóng của mình phải xuống chơi ở J2. Dưới sự dẫn dắt của tân HLV Yojip Kuze, đội bóng không thể thắng nổi một trận nào trong 11 vòng đấu đầu tiên (2 hòa, 9 thua), và rơi xuống đáy bảng xếp hạng.
Khi Kuze bị sa thải vào tháng 5 năm 2008, Alex Miller, người từng giữ chức HLV tại Liverpool, đã được mời về nắm quyền tại Chiba.
Trong kỳ nghỉ giữa mùa hè, đội bóng đã chiêu mộ những cái tên giàu kinh nghiệm như Kazuyuki Toda từ Sanfrecce Hiroshima và Masaki Fukai từ Kashima Antlers để tăng cường sức mạnh tức thì. Thế nhưng, đến vòng 32 của giải đấu, Chiba vẫn ngụp lặn ở vị trí thứ 17, một trong hai vị trí xuống hạng trực tiếp.
Trong trận đấu với FC Tokyo ở vòng 34 (vòng cuối cùng), JEF United Chiba đã thể hiện một tinh thần quật cường đáng kinh ngạc. Trong bối cảnh bị dẫn trước 2 bàn và buộc phải thắng để nuôi hy vọng trụ hạng, họ đã ghi liên tiếp 4 bàn chỉ trong 11 phút, bắt đầu từ phút 74, để lội ngược dòng ngoạn mục.
Nhờ việc hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Jubilo Iwata và Tokyo Verdy đều sảy chân, JEF United Chiba, đội bóng đứng thứ 17 trước vòng đấu cuối, đã chính thức trụ hạng J1 vào đúng thời điểm cuối cùng.
4. Albirex Niigata (2012)
Nhắc đến những CLB trụ hạng thành công ở vòng đấu cuối cùng trong lịch sử J-League, không thể không nhắc tới Albirex Niigata mùa giải 2012.
Ngay từ đầu mùa giải 2012, Albirex Niigata đã gặp khó khăn khi nhận liên tiếp 3 thất bại, khiến đội bóng trượt dài ngay từ những vòng đầu tiên. Đến tháng 5 cùng năm, HLV Hisashi Kurosaki đã xin từ chức. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử CLB có sự thay đổi huấn luyện viên giữa mùa.
Người được giao trọng trách dẫn dắt đội bóng khi ấy là Masaaki Yanagita, cựu cầu thủ từng thi đấu nổi bật trong màu áo Jubilo Iwata và Consadole Sapporo. Ông bắt tay vào xây dựng lại hệ thống phòng ngự và cải tổ tinh thần toàn đội, với hy vọng vực dậy một Albirex Niigata đang gặp khủng hoảng.
Ngày 1/12/2012, vòng đấu cuối cùng, vòng 34, giữa Albirex Niigata và Consadole Sapporo đã trở thành trận “sinh tử”. Khi đó, Niigata đang xếp thứ 17 và ngay cả khi thắng, họ vẫn chưa nắm chắc quyền trụ hạng trong tay.
Tuy vậy, Niigata đã có một trận đấu quả cảm, để rồi kết thúc 90 phút thi đấu với tỉ số 4-1. Cùng lúc đó, cả Vissel Kobe và Gamba Osaka, hai đối thủ trực tiếp trong cuộc đua trụ hạng, đều thất bại, giúp Albirex Niigata chính thức trụ lại J1 theo cách ngoạn mục.
3. Nagoya Grampus (2018)
Kiên định với triết lý bóng đá chưa bao giờ là điều dễ dàng. Mùa giải 2018, Nagoya Grampus đã giữ vững lối chơi tấn công và vì vậy, họ bị cuốn vào cuộc chiến trụ hạng đầy nghẹt thở ở J1.
Đó là năm thứ hai của HLV Kazama Yahiro trên cương vị thuyền trưởng, và cũng là mùa đầu tiên Nagoya trở lại J1 sau 2 năm, kể từ khi CLB lần đầu tiên trong lịch sử xuống chơi ở J2 vào năm trước. Để chuẩn bị cho mùa bóng này, họ đã chiêu mộ một loạt ngoại binh chất lượng như, và tiếp tục giữ chân Gabriel Xavier, người được xem là một trong những cầu thủ hay nhất J1 thời điểm đó.
Tuy nhiên, khởi đầu mùa giải lại là thảm họa với Nagoya, khi đội bóng thua liền 8 trận từ vòng 4 đến vòng 11, và kết thúc giai đoạn lượt đi với vị trí bét bảng: chỉ có 2 trận thắng, 3 trận hòa và thua tới 12 trận.
Phong cách tấn công “Kazama style” tuy đẹp mắt nhưng để lộ quá nhiều sơ hở nơi hàng thủ. Dù vậy, HLV Kazama vẫn kiên định với triết lý của mình. Sau kỳ nghỉ hè, Nagoya thắng liền 7 trận và vươn lên vị trí thứ 11. Nhưng rồi, phong độ sa sút trở lại khi họ chỉ thắng 3 trong 9 trận tiếp theo (thua 6 trận) và bước vào vòng đấu cuối với vị trí thứ 16, đồng nghĩa với việc phải tham dự trận play-off trụ hạng nếu không cải thiện được thứ hạng.
Ngày 1/12/2018, vòng đấu cuối cùng, vòng 34 gặp Shonan Bellmare, đã diễn ra cực kỳ căng thẳng. Nagoya bị dẫn trước 2 bàn trong hiệp 1, nhưng vẫn xuất sắc gỡ hòa trong hiệp 2, để giữ lại 1 điểm quý giá.
Trận hòa đó, cộng với việc các đối thủ cạnh tranh trực tiếp cũng không thể giành chiến thắng, khiến cục diện trở nên hỗn loạn: từ vị trí thứ 12 đến thứ 16 đều cùng có 41 điểm. Nhưng Nagoya đã vượt qua Jubilo Iwata nhờ hiệu số bàn thắng bại, qua đó trụ lại J1 theo cách kịch tính nhất có thể.
2. Shonan Bellmare (2020, 2021)
Shonan Bellmare đã từng trụ hạng J1 theo một cách vô cùng hiếm có trong lịch sử giải đấu. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lan rộng không chỉ tại Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới, J-League đã quyết định áp dụng quy định đặc biệt “không có đội xuống hạng” cho mùa giải 2020 ở tất cả các hạng đấu.
Chính vì vậy, dù rơi xuống vị trí cuối bảng ở mùa giải năm đó, Shonan đã “thoát” khỏi việc phải xuống chơi ở J2. Một cách đầy trớ trêu, họ được cứu bởi bối cảnh hỗn loạn của đại dịch. Đội bóng dưới sự dẫn dắt của HLV Satoshi Ukishima trong năm thứ hai tại vị, nhờ thế tiếp tục góp mặt ở J1 mùa giải kế tiếp.
Sang đến mùa 2021, Shonan tiếp tục thi đấu chật vật và thường xuyên nằm ở nhóm cuối BXH. Điều này cũng dễ hiểu, bởi họ trụ lại ở J-League 1 mùa trước không hẳn là nhờ thực lực của mình.
Ngày 4/12/2021, vòng 38, vòng đấu cuối cùng của J1, trở thành trận đấu định đoạt số phận của Shonan khi đối đầu với Gamba Osaka.
Một bất lợi lớn với Shonan là hậu vệ Kamitani Kosei, người đang thi đấu cho đội theo dạng cho mượn từ chính Gamba Osaka, không được ra sân do quy định của giải. Dù vậy, các cầu thủ Shonan đã thi đấu kiên cường, quyết tâm giữ vững tấm vé trụ lại J1. Dù không ghi được bàn thắng nào, nhưng họ đã phòng ngự rất hiệu quả và kết thúc trận đấu với tỷ số 0-0.
Chung cuộc, khoảng cách giữa Shonan (xếp thứ 16) và Tokushima Vortis (xếp thứ 17, phải xuống J2) chỉ là “1 điểm”. Khoảnh cách mong manh này đã giúp Shonan Bellmare ở lại với J-League 1 năm đó một cách không thể kịch tính hơn.
1. Vissel Kobe (2022)
Ở mùa giải 2022, Vissel Kobe sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia Nhật Bản như Yuya Osako, Yoshinori Muto, Hotaru Yamaguchi, cùng sự hiện diện của siêu sao đẳng cấp thế giới Andres Iniesta. Dù vậy, đội bóng áo bã trầu vẫn thi đấu hết sức chật vật ở mùa giải năm đó.
Việc đội bóng thay HLV tới 3 lần trong một mùa giải đã phần nào nói lên sự khủng hoảng mà họ phải đối mặt. Kobe phải đợi đến vòng đấu thứ 12 mới có được chiến thắng đầu tiên. Nhưng kể cả sau trận thắng ấy, họ vẫn không thể giữ được phong độ và đã nằm trong nhóm cuối bảng suốt thời gian dài.
Phải đến khi HLV Takayuki Yoshida, HLV thứ tư trong mùa, lên nắm quyền Kobe mới dần lấy lại phong độ. Cuối mùa, họ có chuỗi 5 chiến thắng liên tiếp. Đặc biệt, những chiến thắng trực tiếp trước Gamba Osaka và Avispa Fukuoka, hai đối thủ cùng cạnh tranh suất trụ hạng, mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Cuối cùng, trận hòa 1-1 giữa Shimizu S-Pulse và Jubilo Iwata vào ngày 22/10/2022 đã chính thức giúp Vissel Kobe trụ hạng thành công.