J-League 2025 đang chứng kiến nhiều bất ngờ, và một trong những điểm nhấn lớn nhất chính là việc Yokohama F. Marinos, một trong những đội bóng giàu truyền thống nhất Nhật Bản, đang đứng ở vị trí cuối bảng. Tính đến trước vòng 24, Yokohama F. Marinos mới chỉ giành được 18 điểm và hiện xếp chót BXH, điều chưa từng có trong lịch sử đội bóng này.
Dù mùa giải vẫn còn nhiều vòng đấu phía trước, nguy cơ Yokohama F. Marinos lần đầu tiên phải xuống hạng đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Trước Yokohama, đã có không ít những CLB từng là biểu tượng của J-League rơi vào hoàn cảnh tương tự, thậm chí xuống hạng với số điểm vô cùng khiêm tốn trong mùa đầu tiên.
Hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 5 CLB từng xuống hạng J-League lần đầu với số điểm thấp nhất.
5 CLB J-League Lần Đầu Xuống Hạng Với Số Điểm Thấp Nhất
5. Tokyo Verdy (2005 – 30 Điểm)
Vinh quang của Tokyo Verdy (khi đó là Verdy Kawasaki), nhà vô địch J-League đầu tiên, dần phai nhạt, và đến năm 2005, câu lạc bộ này đã phải nếm trải lần xuống hạng J2 đầu tiên trong lịch sử.
Dù là trụ cột khai sinh J-League, Verdy bắt đầu trượt dốc vào cuối thập niên 90. Những rối ren trong công tác quản lý buộc CLB phải cắt giảm chi phí, và hàng loạt cầu thủ lương cao lần lượt ra đi. Dù từng giành chức vô địch Cúp Hoàng đế năm 2004, nhưng sau khi đổi tên thành Tokyo Verdy, đội bóng này thường xuyên lâm vào cuộc chiến trụ hạng, và làm mất đi hình ảnh của một ông lớn.
Mùa giải 2005 đánh dấu lần đầu tiên mà Tokyo Verdy phải xuống hạng. Nguyên nhân chính đến từ hàng thủ chơi như mơ ngủ trong xuyên suốt giải đấu. Tổng số bàn thua của Verdy mùa đó lên tới 73 bàn – tệ nhất giải đấu. Họ có tới 8 trận để thủng lưới từ 4 bàn trở lên, chưa kể 2 trận liên tiếp thủng lưới hơn 7 bàn mỗi trận.
Với thành tích 6 thắng ,12 hòa và 16 thua, cùng với điểm số vỏn vẹn 30 điểm, Tokyo Verdy đã phải xuống chơi tại J-League 2 lần đầu tiên trong lịch sử của mình.
4. JEF United Chiba (2009 – 27 Điểm)
JEF United Chiba từng tạo nên một màn trụ hạng đầy kịch tính vào năm 2008, nhưng chỉ một năm sau đó, đội bóng này đã rơi xuống đáy BXH với vỏn vẹn 27 điểm và chính thức xuống hạng J2 lần đầu tiên trong lịch sử.
Khởi đầu mùa giải 2008, Chiba thể hiện phong độ thảm hại khi không thắng nổi trong 11 vòng đấu đầu tiên. Trước lượt đấu cuối cùng, họ đã nằm trong nhóm xuống hạng tự động. Ở trận đấu quyết định, dù bị dẫn trước hai bàn, nhưng Chiba đã tạo nên màn ngược dòng kỳ diệu với 4 bàn thắng trong 11 phút, cộng thêm các kết quả có lợi từ các sân khác, tạo ra thành tích trụ hạng ngoạn mục bậc nhất J-League thời điểm đó.
Tuy nhiên, bước vào mùa giải 2009, điềm gở đã xuất hiện ngay từ trước khi mùa giải bắt đầu, khi số lượng cầu thủ đăng ký của Chiba là ít nhất giải. Đội hình mỏng manh đã dẫn đến hệ quả nghiêm trọng, họ không thể ghi bàn.
Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho CLB mùa đó chỉ có 6 bàn, Masaki Fukai. Sau 34 trận đấu, toàn đội chỉ ghi được 33 bàn, tức chưa tới 1 bàn/trận. Phòng ngự cũng chẳng khá hơn khi để thủng lưới tới 56 bàn, xếp thứ 3 tại giải.
Công cùn, thủ kém, không quá ngạc nhiên khi JEF United Chiba kết thúc mùa giải với 5 chiến thắng, 12 hòa và 17 trận thua. Với chỉ 27 điểm, họ xuống hạng J-League 2 một cách thất vọng. 16 năm sau lần đầu xuống hạng, JEF United Chiba vẫn chưa thể thoát khỏi giải đấu hạng hai của Nhật Bản.
3. Shimizu S-Pulse (2015 – 25 Điểm)
Trong quá khứ, Shimizu từng là thế lực thực sự tại J-League. Dưới triều đại của HLV Kenta Hasegawa (2005–2010), đội bóng thường xuyên góp mặt trong cuộc đua vô địch J1 và 3 lần lọt vào chung kết các giải đấu cúp, đánh dấu thời kỳ hoàng kim của mình.
Tuy nhiên, sau khi Afshin Ghotbi lên nắm quyền thay Hasegawa, đội bóng dần đánh mất vị thế. Đến mùa giải 2014, Shimizu bắt đầu rơi vào khủng hoảng và đối mặt với nguy cơ xuống hạng. Mâu thuẫn giữa HLV và cầu thủ khiến ông bị sa thải giữa mùa. Dù cuối cùng vẫn trụ hạng thành công, nhưng dấu hiệu tụt dốc đã rõ ràng.
Bước vào mùa giải 2015, những hệ lụy của mùa giải trước đó vẫn còn tồn tại. Shimizu nhanh chóng rơi vào chuỗi trận không thắng kể từ trận mở màn. Đặc biệt, hàng phòng ngự trở thành điểm yếu chí mạng. Việc liên tục thay đổi sơ đồ khiến các hậu vệ thiếu sự ăn ý, tạo ra nhiều khoảng trống dẫn đến những bàn thua đáng tiếc. Giai đoạn một, họ chỉ giành được 3 chiến thắng và vỏn vẹn 13 điểm.
Sau khi bước vào giai đoạn hai, HLV Katsumi Oenoki từ chức, và Kazuaki Tasaka lên thay nhưng không thể xoay chuyển tình hình. Ở chặng đường còn lại, đội chỉ kiếm thêm được 12 điểm, và kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 17 với 5 chiến thắng, 10 trận hòa và 19 trận thua.
4. Jubilo Iwata (2013 – 23 Điểm)
Júbilo Iwata từng là một thế lực thực sự tại J-League, với 3 chức vô địch quốc gia cùng dàn cầu thủ huyền thoại như Masashi Nakayama và Hiroshi Nanami. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn giữa những năm 2000, thời kỳ hoàng kim dần khép lại, Iwata thường xuyên phải vật lộn với cuộc chiến trụ hạng, thay vì là một CLB đua tranh cho chức vô địch.
Mùa giải 2013 được kỳ vọng sẽ là màn trở lại mạnh mẽ của Iwata khi họ chiêu mộ Masahiko Inoha từ Vissel Kobe và có đến 3 tuyển thủ Nhật Bản trong đội hình. Về lý thuyết, đây là đội hình đủ sức cạnh tranh ngôi đầu bảng.
Thế nhưng, Iwata khởi đầu mùa giải vô cùng tệ hại. Sau 7 vòng đấu đầu tiên chỉ giành được 2 trận hòa và 5 thất bại, HLV Hitoshi Morishita bị sa thải sau vòng 9. Người thay thế là Takashi Sekizuka cũng không thể vực dậy được đội bóng. CLB gần như đứng ở vị trí thứ 17 xuyên suốt mùa giải mà không có bất kì những thay đổi tích cực nào.
Dù có thêm sự bổ sung mang tên Yuto Yasuda, một tuyển thủ quốc gia Nhật Bản thời điểm đó, nhưng sự cải thiện vẫn không đến. Cả mùa giải, Júbilo Iwata chỉ thắng vỏn vẹn 4 trận, hòa 11 trận và để thua đến 19 trận, chính thứ xuống hạng lần đầu tiên vào năm 2013 với chỉ 23 điểm.
Đến thời điểm hiện tại, Jubilo Iwawa thường xuyên lên hạng và xuống hạng, họ vẫn chưa cho thấy mình đủ sức để ở lại với giải đấu khắc nghiệt nhất Nhật Bản.
1. Vissel Kobe (2005 – 21 Điểm)
Mùa giải 2005 của Vissel Kobe là một trong những mùa giải hỗn loạn và thất vọng nhất trong lịch sử đội bóng. Dù chỉ giành được 21 điểm và có vỏn vẹn 4 chiến thắng tại giải, điều khiến người ta nhớ đến Kobe năm đó không chỉ là thành tích mà là sự rối ren trong cách vận hành của CLB.
Kể từ khi gia nhập J-League năm 1997, Vissel Kobe luôn chật vật với cuộc chiến trụ hạng. Tuy nhiên, họ vẫn giữ được vị trí ở J1 trong suốt thời gian đó. Dù không phải là một CLB mạnh Vissel Kobe vẫn khiến các cổ động viên an tâm bởi những bản hợp đồng khá chất lượng, trước mùa giải 2005.
Vissel Kobe giành chiến thắng ở trận mở màn, nhưng đó lại là “đỉnh cao duy nhất” của họ trong cả mùa. Ngay sau đó, đội bóng rơi vào chuỗi 12 trận chính thức không thắng. Trong mùa giải đó, đội bóng đã có đến 3 HLV khác nhau. Việc thay HLV liên tục là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Vissel Kobe hoàn toàn mất phương hướng.
Sau khi HLV Juhasz lên nắm quyền, nhiều trụ cột kỳ cựu như Chiharu Miura bị gạt khỏi kế hoạch, trong khi các ngoại binh như Mboma cũng rời đội. Vissel Kobe thay máu gần như toàn bộ đội hình vào giữa mùa, cố gắng tái thiết bằng những bản hợp đồng mùa hè. Nhưng tất cả đều không hiệu quả. Kobe vẫn dậm chân ở đáy bảng xếp hạng và bị chính thức rớt hạng J2 lần đầu tiên trong lịch sử khi mùa giải còn 3 vòng.
Ở mùa giải đó, họ giành được vỏn vẹn 4 chiến thắng, 9 trận hòa và thua đến 21 trận. Những bất ổn ở băng ghế chỉ đạo cùng hàng công tệ hại đã khiến Vissel Kobe rớt hạng lần đầu tiên trong lịch sử với 21 điểm.