5 Thương Vụ Chuyển Nhượng Gây Tranh Cãi Trong Lịch Sử J-League

5 Thương Vụ Chuyển Nhượng Gây Tranh Cãi Trong Lịch Sử J-League

Chuyển nhượng là một phần tất yếu trong bóng đá chuyên nghiệp, nhưng không phải thương vụ nào cũng diễn ra trong êm đẹp. Trong môi trường J-League vốn đề cao sự gắn bó và tôn trọng giữa cầu thủ và CĐV, việc một ngôi sao chia tay đội bóng cũ để gia nhập đại kình địch thường gây ra làn sóng phẫn nộ dữ dội.

Hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 5 thuơng vụ chuyển nhượng J-League khiến nhiều cổ động viên phẫn nộ nhất.

5 Thương Vụ Chuyển Nhượng Dậy Sóng J-League

5. Naoto Arai (Albirex Niigata → Sanfrecce Hiroshima, Tháng 3/2024)

Việc Naoto Arai chuyển sang thi đấu cho Sanfrecce vào năm 2024 đã cho thấy mặt tối của mạng xã hội Nhật Bản những năm gần đây.

Ở mùa giải 2023, khi còn thi đấu cho Albirex Niigata, Naoto Arai đã có một trong những năm hay nhất sự nghiệp khi thi đấu 24 trận tại và ghi 3 bàn thắng, thể hiện rõ năng lực của một hậu vệ cánh linh hoạt có thể chơi cả hai bên.

Chuyển đến Sanfrecce, dù khiến các cổ động viên Albirex tức giận, nhưng lại là quyết định đúng đắn của Arai.
Chuyển đến Sanfrecce, dù khiến các cổ động viên Albirex tức giận, nhưng lại là quyết định đúng đắn của Arai. Ảnh: Footballchannel

Tuy nhiên, khi Albirex công bố thông tin Arai chuyển đến Hiroshima vào tháng 3/2024, anh bất ngờ phải hứng chịu làn sóng chỉ trích tiêu cực trên mạng xã hội. Những bình luận này vượt xa phạm vi phê bình chính đáng và biến thành những lời vu khống, công kích cá nhânThậm chí, sự ác ý ẩn danh còn hướng đến cả gia đình Arai, buộc anh phải lên tiếng để bảo vệ người thân của mình.

Rõ ràng, cú sốc từ việc mất đi một trụ cột nơi hàng thủ ngay đầu mùa đã khiến các cổ động viên Albirex phân nộ, dẫn đến các hành vi “vượt kiểm soát” như đã nói trên mạng xã hội.

Trong màu áo đội bóng mới, Arai tiếp tục lột xác, vươn mình trở thành một trong những hậu vệ hay nhất giải. Ở mùa đầu tiên tại Hiroshima, anh ra sân 32 trận, ghi 6 bàn và có 5 kiến tạo. Ở J-League 2025, anh tiếp tục thi đấu ấn tượng với 17 trận, 3 bàn thắng và 2 kiến tạo, góp công lớn trong mục tiêu cạnh tranh danh hiệu của đội bóng áo tím.

4. Takuya Aoki (RB Omiya Ardija → Urawa Red Diamonds, Tháng 1 Năm 2014)

Tại châu Âu hay Nam Mỹ, việc một cầu thủ chuyển sang đội bóng kình địch cùng thành phố thường dẫn đến làn sóng chỉ trích dữ dội từ người hâm mộ. Tại Nhật Bản, tình trạng như vậy ít khi diễn ra. Tuy nhiên, thương vụ Takuya Aoki chuyển từ Omiya Ardija (nay là RB Omiya Ardija) sang Urawa Red Diamonds vào tháng 1/2014 là một trong những trường hợp ngoại lệ.

Vào đầu năm 2014, tức năm thứ 6 trong màu áo Omiya Ardija, Aoki quyết định chuyển sang khoác áo Urawa Red Diamonds, vốn là đại kình địch với Omiya.

Trong lịch sử, chưa có bất kì thương vụ chuyển nhượng nào được thực hiện giữa hai đội, và cầu thủ sinh năm 1989 là trường hợp đầu tiên. Thời điểm đó, mạng xã hội chưa phổ biến như hiện nay, nên làn sóng chỉ trích xuất hiện dày đặc trên các blog cá nhân và diễn đàn.

Đáng chú ý hơn, Takuya Aoki thi đấu thăng hoa ở đội bóng mới, anh còn “đổ thêm dầu vào lửa” khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ. Sau thời gian thi đấu cho Urawa, Aoki tiếp tục khoác áo FC Tokyo và FC Gifu trước khi tuyên bố giải nghệ sau mùa giải 2024.

3. Hotaru Yamaguchi (Cerezo Osaka → Vissel Kobe, Tháng 1 Năm 2019)

Cerezo Osaka là đội bóng đã làm nên tên tuổi của Hotaru Yamaguchi, từ khi cầu thủ này chơi cho đội trẻ, cho tới khi mang băng đội trưởng và khoác lên mình chiếc áo số 10 danh giá.

Hotaru Yamaguchi khiến những người yêu mến mình phải quay lưng vì quyết định năm 2019.
Hotaru Yamaguchi khiến những người yêu mến mình phải quay lưng vì quyết định năm 2019. Ảnh: Footballchannel

Sau quãng thời gian ra nước ngoài chơi bóng không thành công, cầu thủ sinh năm 1990 quyết định hồi hương, gia nhập Cerezo Osaka vào năm 2016, đồng thời khẳng định đây là “ngôi nhà” của mình.

Dẫu vậy, lời hứa gắn bó với đội bóng áo hồng của Hotaru Yamaguchi chỉ kéo dài thêm 3 năm, trước khi ảnh quyết định gia nhập Vissel Kobe vào đầu năm 2019. Dù Cerezo và Vissel Kobe không phải là đại kình địch, việc anh dứt áo ra đi trong sự yêu mến của cổ động viên đã khiến cầu thủ này đón nhận sự chỉ trích và la ó gay gắt.

2. Byron Vásquez (Tokyo Verdy → FC Machida Zelvia, Tháng 7 Năm 2023)

Vào tháng 7 năm 2023, Byron Vásquez đã có một nước đi táo bạo khi quyết định chuyển từ Tokyo Verdy sang khoác áo FC Machida Zelvia. Ở thời điểm đó, cả hai đội đang chơi tại J-League 2, đồng thời xếp ở hai vị trí đầu bảng, cạnh tranh gay gắt cho tấm vé thăng hạng.

Do đó, việc một cầu thủ chủ chốt của đội bóng này chuyển sang thi đấu cho đội bóng cạnh tranh trực tiếp, ở giai đoạn then chốt của giải đấu, đã khiến hàng vạn cổ động viên Tokyo Verdy phản ứng tiêu cực, đồng thời khiến trận derby “Tokyo Classic” trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Chỉ sau hơn một năm gia nhập Tokyo Verdy, Byron Vásquez đã quyết định rời CLB trong thời điểm vô cùng khó hiểu. Dù có thể hiểu được mong muốn thi đấu cho đội bóng có cơ hội thăng hạng cao hơn, nhưng thời điểm chuyển nhượng quá nhạy cảm đã khiến anh trở thành “kẻ phản bội” trong mắt không ít người hâm mộ.

1. Manabu Saito (Yokohama F. Marinos → Kawasaki Frontale, Tháng 1 Năm 2018)

Là một cầu thủ của Yokohama F.Marinos từ khi còn nhỏ, việc Manabu Saito chuyển sang thi đấu cho kình địch Kawasaki Frontale rõ ràng là điều mà không cổ động viên nào của Yokohama F.M có thể thông cảm.

Saito trưởng thành từ hệ thống đào tạo trẻ của Marinos và được đôn lên đội một ở mùa giải 2009. Đến mùa 2017, anh tiếp quản chiếc áo số 10 và băng đội trưởng. Saito được kỳ vọng sẽ trở thành thủ lĩnh mới, đầu tàu đưa Marinos đến những thành công mới.

Thế nhưng, chỉ sau đúng một mùa giải đảm nhận trọng trách này, cầu thủ sinh năm 1990 lại quyết định rời Marinos. Không những vậy, điểm đến của anh lại là Kawasaki Frontale, đại kình địch cùng tỉnh Kanagawa. Việc anh ra đi không phải do chấn thương hay mâu thuẫn lớn, mà là do hết hợp đồng, càng khiến người hâm mộ Marinos phẫn nộ vì cho rằng anh “bỏ rơi” CLB khi vẫn đang sung sức.

Nếu Saito từng giúp Marinos giành chức vô địch, nếu anh hoàn thành vai trò số 10 và đội trưởng trọn vẹn, nếu điểm đến không phải là Kawasaki, nếu CLB còn thu về được phí chuyển nhượng… có lẽ mọi thứ đã khác. Nhưng không có “nếu”, và vì thế, thương vụ này mãi là nỗi day dứt trong lòng các fan Marinos.