Dù có một khởi đầu hoàn hảo ở vòng bảng, nhưng các cầu thủ U23 Nhật Bản đã phải gặp một đối thủ quá mạnh là U23 Tây Ban Nha ở vòng 1/8 và đành chấp nhận dừng cuộc chơi.
Tuy không thể tiến xa để dành lấy huy chương, nhưng dấu ấn mà thầy trò HLV Oiwa Go để lại là rất ấn tượng, với nhiều cầu thủ thi đấu chói sáng. Trong số đó, có 6 cầu thủ U23 Nhật Bản nhiều khả năng được gọi lên đội tuyển và có thể trở thành trụ cột trong thời gian tới.
Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua 6 cái tên tiềm năng, đủ khả năng khoác áo ĐTQG Nhật Bản sau khi thi đấu thành công tại Thế vận hội Paris.
6 Gương Mặt U23 Nhật Bản Sáng Giá Được Kỳ Vọng Lên Tuyển Quốc Gia
1. Leo Kokubo (Thủ Môn/Sint-Truidense VV)
Với những gì đã thể hiện ở Paris vừa qua, cửa lên tuyển dành cho thủ môn Leo Kokubo là rất sáng. Người gác đền sinh năm 2004 hoàn toàn đủ khả năng để cạnh tranh sòng phẳng với Zion Suzuki, thủ thành của đội tuyển Nhật Bản.
Xuyên suốt 4 trận đấu, tài năng trẻ này có màn trình diễn chững chạc và bản lĩnh. Ba bàn thua trong trận gặp U23 Tây Ban Nha không có lỗi của Leo Kokubu, khi những pha dứt điểm của đối phương quá xuất sắc và hàng phòng ngự đã làm không tốt nhiệm vụ kèm cặp.
Theo thống kê từ Sofascore, tỉ lệ cứu thua của Leo Kokubo ở Thế vận hội lên tới 82%, xếp thứ ba trong danh sách những thủ môn có tỉ lệ cứu thua cao nhất giải.
Thực chất, Leo Kokubo đã chơi hay từ U23 Asian Cup 2024, khi anh là nhân tốt chính giúp U23 Nhật Bản lên ngôi vô địch. Tư duy chơi bóng hiện đại cùng khả năng ra vào hợp lý là những điểm mạnh của thủ thành đang chơi bóng cho Sint-Truidense VV.
2. Hiroki Sekine (Hậu Vệ/Kashiwa Reysol)
Sự nghiệp của Hiroki Sekine đang lên như diều gặp gió kể từ sau khi thi đấu ấn tượng ở Thế vận hội 2024.
Dù đã 22 tuổi, tuy nhiên đây mới chỉ là mùa giải đầu tiên mà HIroki Sekine thi đấu chuyên nghiệp. Hiroki Sekine trở thành sự lựa chọn số 1 ở hành lang cánh phải của U23 Nhật Bản, anh chỉ vắng mặt ở lượt trận thứ ba gặp Israel, trận đấu mà HLV Oiwa Go chủ động cho các trụ cột nghỉ ngơi.
Điểm mạnh của cầu thủ sinh năm 2002 là thể hình vượt trội cùng tốt độ tốt. Ở Thế vận hội, Sekine thường xuyên bó vào trung lộ, lấp khoảng trống của các tiền vệ và đôi khi thực hiện nhiệm vụ phân phối bóng.
Ở câu lạc bộ, Sekine cũng đã ra sân 19 trận cho Kashiwa Reysol mùa giải này. Cơ hội được gọi lên tuyển của hậu vệ cao 1m87 là rất khả quan khi Yukinari Sugawara và Seiya Maikuma, những người đàn anh trên đội tuyển, không phải là những hậu vệ có thể chất tốt. Cầu thủ 22 tuổi có thể là một phương án thay thế hiệu quả của Nhật Bản.
3. Kota Takai (Trung Vệ/Kawasaki Frontale)
Ở tuổi 19, Kota Takai đã có 14 trận ra sân cho Kawasaki Frontale, và được nếm trải sự khắc nghiệt của J-League từ rất sớm.
Chính vì vậy, Kota Taikai trở thành sự lựa chọn hàng đầu của U23 Nhật Bản ở Thế vận hội. Trung vệ này có màn trình diễn vượt ngoài kì vọng, góp công lớn vào thành tích giữ sạch lưới của Nhật Bản ở vòng bảng, cùng với tỉ lệ thắng tranh chấp trên không lên đến 89%.
Takai còn cho thấy khả năng thích nghi tốt ở vị trí tiền vệ phòng ngự, khi cầu thủ này được đẩy lên chơi cao hơn ở trận gặp U23 Mali. Dù cơ hội để đá chính bên cạnh các đàn anh ở ĐTQG là không cao, không loại trừ khả năng Takai sẽ được triệu tập để học hỏi thêm kinh nghiệm.
4. Ohata Ayumu (Hậu Vệ/Urawa Reds)
Ayumu có thể là một phương án chất lượng của ĐTQG trong tương lai, sau những gì anh đã trình diễn.
Ở Thế vận hội, Ohata gây ấn tượng bởi khả năng phòng ngự. Theo thống kê, Ohata có tỉ lệ thắng tranh chấp tay đôi lên tới 60%. Cần nhớ rằng các đối thủ của U23 Nhật Bản ở vòng bảng đều có thể chất và tốc độ tốt, vì thế đây là con số rất đáng khen ngợi.
Nhật Bản của HLV Hajime Moriyasu đang thi đấu với sơ đồ 3-4-3, điều này khiến cho cơ hội ra sân của Ohata gặp nhiều khó khăn. Nhưng ở sơ đồ truyền thống 4-2-3-1, cơ hội để anh góp mặt trên sân là rất khả quan.
5. Fujita Joel Chima (Tiền Vệ/Sint-Truidense VV)
Tâm quan trọng của Fujita Joel Chima không chỉ được thể hiện trên sân cỏ, mà còn ở cả phòng thay đồ.
Đá chính 4 trận của U23 Nhật Bản ở Thế vận hội, là nhân tố không thể thay thế ở U23 Asian Cup, chừng đó là đủ để thấy được vai trò thiết yếu của cầu thủ sinh năm 2002 trong đội hình của HLV Oiwa Go. Fujita Chima cho thấy sự cân bằng giữa công và thủ, không chỉ phân phối bóng, anh còn có khả năng sút xa nguy hiểm.
Gần như chắc chắn cầu thủ mang áo số 8 sẽ được gọi lên tuyển trong thời gian tới. Tất nhiên trong tay HLV Moriyasu có nhiều cầu thủ ở đẳng cấp cao như Wataru Endo, Orita Hidemasa và cả Daichi Kamada, vì thế Fujita Chima cần phải tích luỹ thêm kinh nghiệm bằng cách ra sân nhiều hơn.
6. Araki Ryotaro (Tiền Đạo/FC Tokyo)
Không cần phải đợi đến Thế vận hội thi Araki mới được chú ý. Trên thực tế Araki đã là một ngôi sao đáng chú ý ở đầu mùa giải năm nay.
6 bàn thắng sau 15 trận không phải là một con số tệ với một tiền đạo chuyên làm nhiệm vụ quấy rối hàng thủ đối phương. Điểm mạnh của Ryotaro Araki là nhãn quan chiến thuật và khả năng tạo cơ hội cho các tiền đạo. Araki có thể thu hút hậu vệ đối phương và tạo khoảng trống cho các chân sút khác dứt điểm.
Mặc dù vậy, đóng góp của Araki tại Thế vận hội chỉ là một kiến tạo, sự thiếu ổn định trong các trận đấu đang là một vấn đề mà cầu thủ thuộc biến chế FC Tokyo cần khắc phục. Nhật Bản đang có hai ngôi sao có lối chơi tương tự trên hàng công là Kaoru Mitoma và Takefusa Kubo, vì thế Araki cần cải thiện khả năng của mình hơn nữa nếu muốn cạnh tranh sòng phẳng với những người đàn anh.