Là một trong những giải đấu khắc nghiệt nhất châu Á, giải J-League không chỉ là cuộc đấu trí của các chiến lược gia hàng đầu Nhật Bản mà còn là sân chơi để các HLV quốc ngoại thử sức.
Dù có thể được đào tạo và có kinh nghiệm cao ở các giải đấu hàng đầu châu Âu, không phải HLV ngoại quốc nào cũng thành công và gây được tiếng vang lớn tại J-League. Ngược lại, có nhiều vị chiến lược gia khởi đầu với sự kì vọng lớn nhưng sau cùng lại rời đi “không kèn không trống”.
Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 6 HLV ngoại quốc gây thất vọng tại J-League.
6 Huấn Luyện Viên Ngoại Quốc Có Sự Nghiệp Kém Cỏi Tại J-League
1. Graham Arnold (Vegalta Sendai)
Trước khi bổ nhiệm Graham Arnold, Vegalta Sendai đã từng đạt được những thành tích chưa từng có trong lịch sử đội bóng. Đội bóng này về đích ở vị trí thứ 4 vào năm 2011, trong giai đoạn Nhật Bản gặp nhiều khó khăn vì thảm hoạ sóng thần. Sang mùa giải 2012, đội bóng này còn làm tốt hơn khi về đích ở vị trí á quân.
Tưởng chừng như Vegalta có thể thách thức cho chức vô địch ở mùa giải tiếp theo, thì họ lại về đích ở vị trí thứ 13 vào năm 2013. Năm 2014, đội bóng kì vọng sự có mặt của Graham Arnold sẽ là bước đội phá về mặt thành tích. Trước khi đến với Nhật Bản, vị chiến lược gia người Úc từng có quãng thời gian làm trợ lý HLV cho ĐTQG, cũng như có 3 năm dẫn dắt CLB Central Coast.
Tuy vậy, cuộc hành trình trên đất Nhật Bản của Arnold nhanh chóng kết thúc. Trong 8 trận đấu ông nắm quyền, Vengalta Sendai không dành bất kì chiến thắng nào, ghi vỏn vẹn 3 bàn và để thủng lưới đến 18 lần. Vị HLV này chỉ làm việc trong 2 tháng trước khi bị sa thải vì thành tích bết bát.
2. Zeljko Petrovic (Urawa Red Diamonds)
Hồ sơ của HLV Zeljko Petrovic thực sự không quá ấn tượng. Ông chủ yếu làm việc dưới dạng trợ lý HLV và không gắn bó quá lâu với một CLB. Tuy vậy, Urawa Reds vẫn quyết định tin tưởng cựu cầu thủ của mình, hy vọng Zeljko Petrovic sẽ mang đến lối chơi tấn công đẹp mắt.
Tuy vậy, hành trình của vị chiến lược gia người Montenegro mau chóng trở thành ác mộng khi đội bóng thi đấu tệ hại dưới sự chỉ đạo của ông, đứng trước bờ vực xuống hạng ở mùa giải 2011/12. Trong 36 trận đấu mà HLV Petrovic dẫn dắt, Urawa Reds chỉ thắng 13 trận, trong đó chỉ có 6 chiến thắng tại J-League.
Phong độ tệ hại của đội bóng đã khiến các cổ động viên phàn nàn và quay lưng, sau cùng ban lãnh đạo Urawa Reds quyết định sa thải Zeljko Petrovic sau hơn 6 tháng nắm quyền.
3. Zé Carlos (Gamba Osaka)
Zé Carlos là HLV người Brazil đầu tiên trong lịch sử Gamba Osaka, và “lần đầu tiên” này của đội bóng vùng Osaka đã kết thúc với một kết cục không thể nào tồi tệ hơn.
Zé Carlos trên thực tế không được chọn để kế nhiệm cựu HLV Akira Nishino, người tạo nền tảng cho một “thế hệ vàng” cho Gamba Osaka. Người mà Gamba Osaka định bổ nhiệm là HLV Wagner Lopes, tuy nhiên vị chiến lược gia mang hai dòng máu Nhật Bản-Brazil khi đó chưa được cấp chứng chỉ huấn luyện của JFA.
Tuy vậy, mặc dù trên lý thuyết Zé Carlos là HLV trưởng, mọi quyết định của đội bóng thực chất đều là của Wagner Lopes, điều này tạo sự rối rắm và bất đồng trong nội bộ đội bóng. Zé Carlos chỉ có 5 trận nắm quyền tại Gamba Osaka trước khi bị sa thải, đội bóng của ông đã thua cả 5 trận đấu đó.
Masanobu Matsunami được bổ nhiệm sau đó nhưng không thể cứu vớt được Gamba Osaka, dẫn đến lần đầu tiên xuống hạng tỏng lịch sử đội bóng.
4. Juanma Lillo (Vissel Kobe)
Juanma Lillo được bổ nhiệm ở Vissel Kobe vào tháng 10 năm 2018, ông được kì vọng sẽ giúp đội bóng có được lối chơi ban bật và kiểm soát bóng như Barcelona. Vissel Kobe khi đó còn có được sự phục vụ của Iniesta cùng bộ đôi chân sút David Villa và Lukas Podolski, những cầu thủ từng có đẳng cấp thế giới.
Tưởng chừng như đây sẽ là cơ sở để Juanma Lillo biến Vissel Kobe thành một đội bóng bất khả chiến bại, thì mọi chuyện lại diễn ra theo chiều ngược lại. Hàng thủ của Vissel Kobe chơi tệ dưới quyền chỉ đạo của vị chiến lược gia người Tây Ban Nha, khi để thủng lứoi đến 26 bàn thắng trong 16 trận đấu. Thành tích chung của đội bóng cũng không mấy khả quan thời điểm đó với 6 chiến thắng, 6 trận hoà và 4 trận thua. Sau cùng, Juanma Lillo bị sa thải vào tháng 4 năm 2019, kết thúc quãng thời gian ngắn ngủi thử tài tại J-League.
5. Lluís Carreras (Sagan Tosu)
Có sự nghiệp cầu thủ tương đối ổn tại Tây Ban Nha, tuy nhiên sự nghiệp huấn luyện của Lluís Carreras lại không mấy ấn tượng. Câu lạc bộ mà ông dẫn dắt lâu nhất là CE Sabadell, trong khi quãng thời gian làm việc của vị chiến lược gia người Tây Ban Nha tại cách đội bóng khác thường không kéo dài quá 6 tháng.
Dù vậy, Sagan Tosu vẫn tin tưỏng Lluís Carreras và tin rằng sự có mặt của người đồng hương sẽ giúp Fernando Torres, cầu thủ khi đó đang thi đấu cho Sagan Tosu chơi bùng nổ hơn.
Đáng tiếc, ông thầy 51 tuổi lại không làm tốt như những gì người ta kì vọng. Trong 13 trận đấu được trao cơ hội, Sagan Tosu chỉ có duy nhất 1 chiến thắng tại J-League. Hàng công của đội bóng chỉ ghi được 4 bàn thắng trong quãng thời gian đó. Vào tháng 5 năm 2019, ban lãnh đạo đội bóng quyết định sa thải Lluís Carreras để tránh rơi vào khủng hoảng. Vị chiến lược gia 51 tuổi thất nghiệp cho đến thời điểm hiện tại.
6. Fábio Carille (V-Varen Nagasaki)
Trước khi làm việc ở Nhật Bản, Fábio Carille chủ yếu dẫn dắt các đội bóng ở Brazil. Ông được bổ nhiệm làm thuyền trưởng của V-Varen Nagasaki vào tháng 7 năm 2022 và đạt thành tích tương đối tốt khi về đích ở vị trí thứ 7 trên BXH J-League 2. Vì vậy, Fábio Carille được gia hạn hợp đồng thêm một năm và kì vọng sẽ giúp đội bóng thăng hạng tại J-League.
Tuy vậy, mọi chuyển sau đó đã diễn ra theo một cách không thể bất ngờ hơn. Santos, đội bóng ở Brazil, bất ngờ thông báo Fábio Carille là HLV trưởng của họ. Nagasaki sau đó đã liên hệ với vị chiến lược gia 50 tuổi để yêu cầu bồi thường vi phạm hợp đồng nhưng không nhận được sự phản hồi từ phía Santos.
Đội bóng Nhật Bản sau đó đã khiếu nại với FIFA. Dù có thành tích không hề tệ khi dẫn dắt V-Varen Nagasaki, với 23 trận thắng, 17 trận hoà và 23 trận thua sau 63 trận, nhưng cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và đơn phương chấm dứt hợp đồng của HLV người Brazil đã khiến các CĐV phẫn nộ và chỉ trích gay gắt.