J-League 2024 đã trải qua gần 1/3 mùa giải và đang dần bước vào giai đoạn khốc liệt. Trong số các tân binh được chiêu mộ trước thềm mùa giải, có không ít những cầu thủ đang thực sự tỏa sáng và đóng góp đáng kể cho đội bóng mới. Ngược lại, vẫn có rất nhiều tân binh được kì vọng nhưng lại đang chật vật tìm lại phong độ của mình.
6 Tân Binh Đánh Mất Phong Độ Tại J-League 2024
1. Yosuke Ideguchi (Vissel Kobe)
Yosuke Ideguchi, cầu thủ từng có thời gian khoác áo đội tuyển Nhật Bản, đang trải qua quãng thời gian khó khăn tại Vissel Kobe khi mà thời gian anh ra sân cho đội bóng mới là quá ít ỏi.
Trước khi đầu quân cho Vissel Kobe, Yosuke Ideguchi được Celtic cho Avispa Fukuoka mượn một năm. Không mất quá nhiều thời gian, cầu thủ sinh năm 1996 thể hiện được nhiệt huyết và tinh thần của mình khi đóng góp vào chức vô địch YBC Levain Cup trước đối thủ mạnh Urawa Red Diamonds vào năm 2023.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này của mùa giải, Yosuke Ideguchi mới chỉ ra sân 4 lần cho nhà ĐKVĐ J-League với thời lượng khiêm tốn (214 phút), và vẫn chưa có đóng góp gì đáng kể. Bên cạnh việc tỏ ra khó thích nghi với chiến thuật và lối chơi của đội bóng mới, cầu thủ 27 tuổi còn gặp bất lợi lớn khi cặp đôi Takahiro Ogihara và Hotaru Yamaguch đang chơi rất hay ở mùa giải năm nay. Theo thống kê, hai cái tên trên có tỉ lệ chuyền bóng thành công lên tới 74% và tắc bóng 1.9 lần mỗi trận. Rõ ràng, Yosuke Ideguchi cần phải cố gắng hơn nữa nếu như không muốn “mài đũng quần” trên ghế dự bị.
2. Musashi Suzuki (Sapporo)
Trong bối cảnh Sapporo đang ngụp lặn dưới đáy bảng xếp hạng với phong độ tệ hại, lần quay trở lại này của Musashi Suzuki đang trở nên đáng buồn hơn bao giờ hết.
Thực tế, Musashi Suzuki đã từng khoác áo Sapporo vào năm 2019-2020, tuy nhiên sau khi “nhảy” sang một loạt CLB, anh lại một lần nữa quay trở lại đội bóng này dưới dạng cho mượn từ Gamba Osaka. Ở giai đoạn đầu tiên khoác áo đội chủ sân Sapporo Dome, cầu thủ 30 tuổi đóng góp 18 bàn thắng và 2 kiến tạo sau 37 trận, tuy nhiên ở lần này, Musashi Suzuki vẫn chưa thể hiện được phong độ chói sáng như lần trước. Sau 7 lần ra sân ở mùa giải này, đóng góp của cầu thủ sinh năm 1994 là con số 0 tròn trĩnh.
Muốn trụ lại J-League, Sapporo cần phải phụ thuộc vào những cầu thủ đã khẳng định được tên tuổi như Musashi Suzuki. Bản thân cầu thủ mang áo số 7 cũng cần phải sớm nỗ lực lấy lại phong độ, bằng không anh có thể sớm bị gửi trả về Gamba Osaka và tiếp tục sự nghiệp “đánh thuê” của mình.
3. Inoue Shion (Nagoya Grampus)
Inoue Shion , một người mang trong mình ADN của Nagoya Grampus, đang chật vật khẳng định chỗ đứng trong đội hình của CLB mà anh đã gắn bó ở lứa U18.
Trước khi chuyển sang Nagoya Grampus, bảng thành tích của trung vệ 23 tuổi tương đối ấn tượng. Trong màu áo Ventforet Kofu, cầu thủ mang áo số 4 ra sân 30 trận và có 5 trận thi đấu tại cúp C1 châu Á. Tuy nhiên, Inoue Shion đã “biến mất” khỏi Nagoya Grampus chỉ sau vài tháng ngắn ngủi.
Inoue Shion có màn “debut” cho Nagoya ở ngay vòng đấu đầu tiên, tuy nhiên đó lại là một ngày đáng quên của bản thân anh cũng như Nagoya khi họ bị Kashima Antlers vùi dập với tỉ số 0-3. Ở vòng 2, cầu thủ sinh năm 2000 có thêm 8 phút vào sân thay người trước khi bị loại khỏi danh sách đăng kí thi đấu ở các vòng đấu tiếp theo.
Trải qua 3 trận đầu tiên toàn thua, Nagoya đã kịp tỉnh giấc và quay trở lại với 6 trận liên tiếp bất bại. Dù Inoue Shion không đóng góp gì nhiều trong quãng thời gian vừa qua, cơ hội để cầu thủ sinh năm 2000 quay trở lại và chiếm một suất đá chính là vẫn còn.
4. Van Welmeskerken (Kawasaki Frontale)
Gia nhập Kawasaki Frontale vào tháng 1, Van Welmeskerken ngay lập tức tạo điểm nhấn ở trận “debut” của mình khi anh ghi bàn thắng duy nhất giúp Kawasaki Frontale đánh bại Vissel Kobe, qua đó giành lấy chức vô địch FUJIFILM Super Cup 2024. Thật không may, đó là tất cả những gì cầu thủ 29 tuổi làm được.
Ngay sau khi tỏa sáng ở trận đấu cup, Van Welmeskerken không hề xuất hiện thêm một lần nào ở J-League. Về phía câu lạc bộ, không hề có thông báo chính thức nào về việc Van Welmeskerken chấn thương hay nhận án phạt. Lý do hợp lý nhất có lẽ là Van Welmeskerken cần thêm thời gian để thích nghi và làm quen.
Các cổ động viên có lẽ sẽ rất mong chờ người hùng ở trận tranh cup Nhật Bản trở lại sân Todoroki. Kawasaki Frontale đang trải qua khó khăn với một loạt những trận đấu thất vọng, cũng như nhiều hậu vệ sẽ chuẩn bị ra đi, đây cũng sẽ là thời cơ để Van Welmeskerken một lần nữa xuất hiện trên sân cỏ và khẳng định tên tuổi của mình.
5. Riku Matsuda (Gamba Osaka)
Riku Matsuda là một trong những cầu thủ hiếm hoi gặp khó trong việc tìm kiếm suất đá chính do chấn thương.
Từ khi còn ở Ventforet Kofu, Riku Matsuda đã gặp khó khi không thể cạnh tranh được với Shinya Makuma, cầu thủ được gọi lên tuyển. Sau khi chuyển sang Gamba Osaka, Riku Matsuda ngay lập tức được tin tưởng và có cho mình 2 lần ra sân nhưng bất ngờ dính chấn thương rách cơ bắp chân trái. Hiện thời điểm quay trở lại của cầu thủ 32 tuổi vẫn chưa được tiết lộ.
Chấn thương này của Riku Matsuda thực sự là một tổn thất lớn với bản thân anh và cả CLB bởi những hậu vệ phải hiện tại của Gamba Osaka đang thi đấu không tốt.
6. Ono Masahito (Nagoya Grampus)
Gia nhập Nagoya Grampus, Ono Masahito được kì vọng rất nhiều bởi sự đa năng trong lối chơi (có thể chơi được tiền vệ cánh trái và tiền vệ phòng ngự) và thể lực bền bỉ của mình. Ở trận ra mắt đội bóng mới (thua Kashima Antlers 0-3 ở vòng 1), Ono Masahito đã có 25 phút thi đấu và tạo dựng được những ấn tượng đáng kể.
Tuy vậy kể từ sau trận ra mắt, Ono Masahito đã vắng mặt trong tất cả các trận đấu còn lại vì chấn thương. Bản thân cầu thủ sinh năm 1997 cũng chia sẻ sự thất vọng khi buộc phải ngồi ngoài, đồng thời bày tỏ quyết tâm quay trở lại với sự trưởng thành hơn nữa. Trong bối cảnh Nagoya Grampus đang hồi sinh mạnh mẽ, sự có mặt của Ono Masahito sẽ giúp cho đội chủ sân Toyota có thêm nhiều phương án nhân sự chất lượng.