J-League 2025 sắp sửa khởi tranh, hứa hẹn nhiều sự kịch tính và độc đáo. Bên cạnh màn so tài của những cầu thủ, cuộc chiến trên băng ghế chỉ đạo cũng thu hút sự chú ý của khán giả.
Mùa giải năm nay, có đến tám CLB J-League chào đón HLV mới, mỗi người đều có thành tích và triết lý bóng đá khác nhau. Trong số đó, có những chiến lược gia lão luyện am hiểu J1, những HLV ngoại quốc với thành tích ấn tượng ở nước ngoài, và thậm chí là những cái tên ít được biết đến. Hãy cùng Bóng Đá Châu Á xem xét những kỳ vọng dành cho các HLV mới này, cũng như những đặc điểm riêng biệt của họ.
8 Tân Huấn Luyện Viên Của J-League 2025
1. Tatsu Oniki (Kashima Antlers)
Tại Kashima Antlers, cựu HLV Masaki Nakago đã được thăng chức từ vai trò trợ lý HLV lên vị trí HLV trưởng sau khi HLV Ranko Popovic bị sa thải vào tháng 10 năm 2024. Đồng thời, đội bóng cũng đã thực hiện hàng loạt thay đổi trong bộ máy quản lý: Kenji Haneda được bổ nhiệm làm trợ lý HLV, Masashi Motoyama đảm nhiệm vai trò tuyển trạch viên học viện, và Koji Nakata trở thành giám đốc bóng đá. Đây đã là lần thay đổi HLV thứ năm của Kashima trong vòng 5 năm qua.
Khi đó, chủ sở hữu đội bóng, ông Fumiaki Koizumi, Chủ tịch công ty Mercari Inc., từng tuyên bố rằng đội sẽ “tăng cường sức mạnh từ góc nhìn trung và dài hạn.” Tuy nhiên, khi lời hứa này còn chưa kịp lắng xuống, tin tức về việc nghỉ hưu của HLV Tatsu Oniki từ Kawasaki Frontale đã xuất hiện, và Kashima ngay lập tức tiếp cận ông. Đây lại là một sự thay đổi trên băng ghế chỉ đạo cho mùa giải 2025.
Đây cũng là lần trở lại của Oniki tại CLB mà ông từng bắt đầu sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp cách đây 26 năm. Tuy nhiên, trong sáu mùa giải khoác áo Kashima (1993-1999), ông chỉ ra sân 24 trận tại giải VĐQG. Ngay cả với những CĐV trung thành lâu năm của Kashima, không nhiều người nhớ rõ phong cách thi đấu của Oniki trong giai đoạn này.
HLV Oniki không phải là kiểu HLV đưa ra mọi quyết định một cách độc đoán. Ông thường tham khảo ý kiến từ đội ngũ trợ lý trước khi đưa ra chỉ đạo. Một trong những lý do dẫn đến sự sa sút của Kawasaki, đội chỉ xếp thứ tám mùa trước, là việc thiếu một trợ lý HLV dám lên tiếng phản biện. Tài năng của Oniki không thể phủ nhận, nhưng sự thiếu kinh nghiệm của đội ngũ trợ lý có thể là một điểm yếu cho Kashima trong mùa giải năm nay.
2. Ricardo Rodriguez (Kashiwa Reysol)
HLV Ricardo Rodriguez đã được mời về dẫn dắt Tokushima Vortis tại J2 vào năm 2017, trở thành người tiên phong trong việc áp dụng “phong cách huấn luyện Tây Ban Nha” tại J-League. Trong mùa giải 2020, ông dẫn dắt Tokushima vô địch J-League 2 và giành quyền thăng hạng J1. Sau đó, Urawa Reds nhanh chóng chiêu mộ ông, và trong mùa giải 2021, ông cùng đội bóng này giành được danh hiệu Cúp Hoàng đế Nhật Bản. Tuy nhiên, do không thể giành chức vô địch J1, ông rời đội sau hai mùa giải cầm quân.
Sau một năm gián đoạn, HLV Rodriguez chuyển đến dẫn dắt Wuhan Three Towns tại giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League) vào mùa giải 2024. Tuy nhiên, tình hình tài chính khó khăn của tập đoàn Wuhan Naowen, chủ sở hữu đội bóng, khiến đội phải đối mặt với cuộc chiến trụ hạng. HLV Rodriguez đã thành công trong việc giữ đội ở lại giải đấu, nhưng do không đủ nguồn lực tài chính để gia hạn hợp đồng với ông, Kashiwa Reysol đã nhanh chóng đưa ra lời mời khi ông trở thành HLV tự do.
Kashiwa Reysol là đội bóng có truyền thống thành công với các HLV ngoại. Các HLV như Ze Sergio (1994), Antoninho (1995), Nicanor (1996-1997), Marco Aurelio (2002-2003), và Milton Mendes (2016) từng đảm nhiệm vai trò thuyền trưởng của đội. Trong số đó, HLV Nelsinho (2009-2014, 2019-2023) là người thành công nhất khi giúp đội bóng vô địch J2 năm 2010 và ngay lập tức giành quyền thăng hạng và vô địch J1 vào năm 2011.
HLV Rodriguez sẽ trở thành HLV người Tây Ban Nha đầu tiên của Kashiwa Reysol. Ông có hiểu biết sâu sắc về bóng đá Nhật Bản và được xem là lựa chọn phù hợp để điều chỉnh đội bóng theo triết lý hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc tăng cường lực lượng. Kashiwa đã giữ chân thành công tiền đạo Masahiro Hosoya, nhưnglại để mất tiền vệ Matheus Savio về tay Urawa Reds, trong khi các tài năng trẻ như tiền đạo Tomogo Masukake và hậu vệ Daiki Sekine đều ra đi với kỳ vọng chuyển sang thi đấu ở nước ngoài.
Dù đội bóng đã chia tay 16 cầu thủ và bổ sung 17 tân binh, nhưng họ vẫn chưa công bố bất kỳ cầu thủ ngoại nào có thể thay thế vai trò của Savio. Bên cạnh việc bổ sung cầu thủ phù hợp với triết lý bóng đá, vị chiến lược gia này còn phải tim cách sắp xếp các gương mặt hiện tại vào một vị trí phù hợp. Nếu đội hình không được củng cố thêm, nguy cơ Kashiwa Reysol phải xuống hạng J2 là rất lớn trong mùa giải này.
3. Rikizo Matsuhashi (FC Tokyo)
Kể từ khi HLV Kenta Hasegawa từ chức giữa mùa giải 2021, đội bóng liên tục thay đổi người cầm quân, gây ra sự bất ổn rõ rệt trong định hướng và lối chơi. Sau hai mùa giải liên tiếp được dẫn dắt của HLV Albert Puig Ortoneda, FC Tokyo đã bổ nhiệm Rikizo Matsuhashi, cựu HLV của Albirex Niigata, làm HLV trưởng cho mùa giải 2025.
Tại Niigata, HLV Matsuhashi triển khai thành công lối chơi kiểm soát bóng, khiến cho đối thủ gặp nhiều khó chịu. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của ông, đội bóng chỉ giành chức vô địch J2 năm 2022 và á quân Cúp Levain năm 2024. Dù có phong cách thi đấu đẹp mắt, nhưng nếu xét về mục tiêu giành danh hiệu lớn, việc FC Tokyo đặt niềm tin quá lớn vào năng lực của Matsuhashi có thể là một quyết định mạo hiểm.
Lực lượng hiện tại của FC Tokyo cũng đang có nhiều bất ổn. Khoảng trống mà tiền đạo Diego Oliveira để lại sau khi giải nghệ đã được lấp đầy bằng Marcelo Ryan cầu thủ đến từ Sagan Tosu. Tuy nhiên, việc tiền vệ Ryotaro Araki, cầu thủ ghi bàn và kiến tạo nhiều nhất mùa trước, rời đội, đã để lại một khoảng trống lớn chưa được khắc phục. Hàng tiền vệ của FC Tokyo có nhiều cầu thủ chạy cánh sở hữu kỹ năng đột phá tốt như Kota Tawarazukita, Keita Endo, và tiền đạo người Brazil Everton Gaudino, nhưng không ai đủ khả năng đóng vai trò chuyền bóng chủ lực để vận hành lối chơi mà HLV Matsuhashi mong muốn.
Dù đã chia tay tới 14 cầu thủ, FC Tokyo vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc bổ sung lực lượng. Sự thiếu vắng một “nhạc trưởng” kiểm soát lối chơi có thể trở thành điểm yếu lớn nhất của đội bóng. Điều này dẫn đến sự không phù hợp giữa chiến thuật lý tưởng của HLV Matsuhashi và năng lực của các cầu thủ hiện tại trong đội hình.
Nếu tình hình không được cải thiện, dễ dàng hình dung rằng mùa giải 2025 sẽ lặp lại kịch bản giống thời HLV Albert Puig Ortoneda. Và khi đội bóng sa sút, khả năng cao ban lãnh đạo sẽ lại sa thải HLV. Là một đội bóng mang danh “CLB thủ đô,” FC Tokyo cần phải thể hiện được tầm vóc xứng đáng, nhưng có lẽ hành trình để họ giành được một danh hiệu lớn tiếp theo, kể từ chức vô địch Cúp Hoàng đế năm 2020, vẫn còn rất xa vời.
4. Shigetoshi Hasebe (Kawasaki Frontale)
Sau khi tuyên bố chia tay cương vị HLV trưởng Avispa Fukuoka vào cuối tháng 10, giai đoạn cuối mùa giải 2024, HLV Shigetoshi Hasebe đã bước vào một cuộc chiến thầm lặng để chuẩn bị cho thử thách mới. Lựa chọn của ông là Kawasaki Frontale, đội bóng với tham vọng chinh phụ các danh hiệu vô địch.
Trong thời gian dẫn dắt Fukuoka, Hasebe xây dựng lối chơi phòng ngự chắc chắn và giúp đội bóng giành danh hiệu lớn đầu tiên, Cúp Levain 2023. Tuy nhiên, yêu cầu tại Kawasaki lại hoàn toàn trái ngược. Từ giữa mùa giải 2012, Kawasaki đã liên tục gặt hái được những thành công vang đội, bao gồm 4 chức vô địch J1 (2017, 2018, 2020, 2021), 2 Cúp Hoàng đế (2020, 2023) và Cúp Levain (2019). Tiếp quản di sản của HLV Oniki, người đã dẫn dắt đội suốt 8 mùa giải, sẽ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Dù vậy, HLV Hasebe đã nhanh chóng chỉ ra vấn đề lớn nhất của Kawasaki: số bàn thua quá cao. Ông đã đề xuất áp dụng sơ đồ 3 hậu vệ để cải thiện khả năng phòng ngự. Ngoài ra, đội ngũ ban huấn luyện cũng được bổ sung chất lượng với việc bổ nhiệm cựu cầu thủ Yasuhiro Nagahashi làm trợ lý chính và cựu tiền đạo ĐTQG Nhật Bản Masashi Oguro làm HLV phụ trách chiến thuật.
Ở thời điểm hiện tại, Kawasaki chưa có nhiều hoạt động trên thị trường chuyển nhượng. Tân binh duy nhất hiện tại của họ là trung vệ người Brazil, Cesar Aydal. Tuy nhiên, việc không mất đi những trụ cột quan trọng ra nước ngoài, điều thường xuyên xảy ra trong các mùa trước, đã giúp Kawasaki giữ được đội hình đủ sức cạnh tranh ngôi vô địch. Nếu HLV Hasebe có thể bổ sung chất “thép” vào đội hình hiện tại, kỳ vọng rằng Kawasaki sẽ trở lại cuộc đua danh hiệu là hoàn toàn có cơ sở.
5. Steve Holland (Yokohama F.Marinos)
Yokohama F. Marinos đã quyết định bổ nhiệm Steve Holland làm HLV trưởng thay cho John Hutchinson, người tạm thời tiếp quản đội bóng ở giữa mùa giải 2024. Đây là một phần trong chiến lược tận dụng mạng lưới rộng lớn của City Football Group, tổ chức sở hữu câu lạc bộ.
Steve Holland là một tên tuổi lớn trong giới huấn luyện. Ông từng là trợ lý HLV của các đội bóng hàng đầu Ngoại hạng Anh như Chelsea dưới thời Jose Mourinho (hiện tại dẫn dắt Fenerbahce) và Antonio Conte (hiện tại dẫn dắt Napoli). Cho đến năm ngoái, Holland là trợ lý chính cho HLV Gareth Southgate ở đội tuyển Anh, góp mặt tại World Cup 2022 tại Qatar và Euro 2024.
Tuy nhiên, khó khăn của HLV này chính là áp lực. Steve Holland chỉ là trợ lý HLV tạm quyền trước đó, vì thế ông cần phải có sự chuẩn bị kĩ lượng trên cương vị mới. Bên cạnh đó, đội ngũ ban huấn luyện phần lớn vẫn được giữ nguyên, điều này đảm bảo triết lý bóng đá tấn công mà Ange Postecoglou (hiện tại dẫn dắt Tottenham Hotspur) khởi xướng từ mùa giải 2018 sẽ tiếp tục được kế thừa.
Thành tích quốc nội của Yokohama F.Marinos ở mùa giải vừa qua rõ ràng là đáng thất vọng, khi đội bóng chỉ về đích ở vị trí thứ 9. Dù vậy, họ vẫn đang chơi rất tốt ở đấu trường châu lục. Đây có thể là điểm tựa cho hành trình của đội bóng này ở chiến dịch sắp tới.
Marinos đã chia tay tới 16 cầu thủ, bao gồm các hậu vệ Makinosuke Hatanaka, Eduardo và tiền đạo Takuma Nishimura. Đến nay, đội bóng chỉ mới công bố hai tân binh: tiền đạo Daiya Tono từ Kawasaki Frontale và thủ môn Park Il-kei trở về từ Sagan Tosu. Dù hoạt động trên thị trường chuyển nhượng có vẻ chậm chạp, nhưng với sự hậu thuẫn từ City Football Group, không loại trừ khả năng họ sẽ bất ngờ chiêu mộ một ngôi sao tầm cỡ quốc tế.
Yokohama F.Marinos đang đặt kỳ vọng rất lớn vào HLV Holland và Tsutomu Nishino, người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Thể thao. Việc kết hợp kinh nghiệm quốc tế của Holland cùng sự quản lý chiến lược của Nishino hứa hẹn sẽ giúp đội bóng lấy lại vị thế hàng đầu tại J-League cũng như chinh phục đấu trường châu lục.
6. Daisuke Kimori (Albirex Niigata)
HLV Daisuke Kimori đã được bổ nhiệm thay thế HLV Rikizo Matsuhashi, người giành được khá nhiều thành công và tình cảm của người hâm mộ Albirex Niigata . Tuy nhiên, khi cái tên này được công bố, nhiều cổ động viên Niigata không khỏi tự hỏi: “Đây là ai?”
Khi còn là cầu thủ, sự nghiệp bóng đá của Daisuke Kimori không mấy ấn tượng. Ông chỉ có một khoảng thời gian ngắn thi đấu tại J-League 1, trước khi chuyển xuống cạnh tranh tại J-League và giải nghệ không lâu sau đó.
Sau khi giải nghệ, Kimori bắt đầu sự nghiệp huấn luyện với đội trẻ của Mito Hollyhock từ năm 2012. Ông đã nhận được giấy phép huấn luyện hạng S và giữ vai trò HLV đội một Mito Hollyhock cho đến mùa giải trước. Trong buổi họp báo ra mắt tại Albirex Niigata, Kimori thừa nhận mình cảm thấy bất ngờ trước lời mời bất ngờ từ câu lạc bộ.
Điểm mạnh của HLV Kimori là khả năng đào tạo và phát triển các cầu thủ trẻ. Trong khi đó, nhiều cổ động viên vẫn đang thắc mắc liệu rằng đội bóng của mình sẽ thi đấu theo lối chơi nào ở mùa giải mới, khi những gì mà tân HLV này tiết lộ còn quá mơ hồ.
Đội bóng đã chiêu mộ 13 tân binh, trong đó có tiền đạo Ken Yamura, người ghi 16 bàn thắng cho J2 Fujieda MYFC theo dạng cho mượn mùa trước, và hậu vệ người Úc Jason Kato Guerria. Dù đã chuẩn bị lực lượng khá kỹ lưỡng, HLV Kimori cần đảm bảo mình tận dụng được tối đa nguồn nhân lực này.
7. Arthur Pappas (Cerezo Osaka)
HLV người Úc Arthur Pappas, người vừa được bổ nhiệm làm HLV trưởng Cerezo Osaka, đã có một hành trình sự nghiệp đáng chú ý. Từng là trợ lý HLV tại Yokohama F. Marinos (2019-2020), ông trở thành HLV trưởng của Kagoshima United ở J-League 3 năm 2021. Tuy nhiên, ông buộc phải rời Nhật Bản do tình trạng sức khỏe của gia đình và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Sau đó, Pappas trở về quê nhà để dẫn dắt Newcastle United Jets và tiếp tục sự nghiệp tại Buriram United, một trong những câu lạc bộ lớn nhất Thái Lan. Buriram không chỉ dẫn đầu Thai League 1 mà còn thi đấu xuất sắc ở AFC Champions League Elite, Thai FA Cup và ASEAN Club Championship. Sau đó, Pappas đã nhận lời mời nhiệt tình từ Cerezo Osaka, một cơ hội đầy hứa hẹn để trở lại Nhật Bản.
Cerezo Osaka đã thực hiện một cuộc cải tổ lớn khi chia tay 15 cầu thủ, bao gồm tiền vệ Hirotsugu Kiyotake, người từng là biểu tượng của đội bóng, tiền đạo Leo Ceara, và tiền vệ Kapishaba. Để bù đắp, họ đã chiêu mộ hậu vệ Makinosuke Hatanaka từ Yokohama F.Mảinos theo dạng chuyển nhượng chính thức và gọi trở lại tiền đạo Motohiko Nakajima, người được cho mượn tại CLB J2 Vegalta Sendai.
Arthur Pappas là một HLV trẻ tuổi nhưng giàu kinh nghiệm. Triết lý bóng đá mà HLV này hướng tới là “chủ động và áp đặt lối chơi”, một phong cách hứa hẹn sẽ làm mới lối chơi của Cerezo. Đáng chú ý, dù chỉ mới 44 tuổi, ông đã bắt đầu theo học chuyên ngành huấn luyện bóng đá từ năm 16 tuổi, điều này cho thấy sự quyết tâm và tầm nhìn của ông trong lĩnh vực này.
Giám đốc Satoshi Kajino đã tiết lộ kế hoạch chiêu mộ thêm các ngoại binh ở vị trí số 9 và số 11 để tăng cường sức mạnh đội hình. Với những sự bổ sung phù hợp và nếu các cầu thủ nhanh chóng hòa nhập với triết lý của Pappas, Cerezo Osaka có thể trở thành một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch.
8. Kim Myung-hui (Avispa Fukuoka)
Dù mùa giải chưa bắt đầu, việc bổ nhiệm HLV Kim Myung-hui tại Avispa Fukuoka đã gây ra làn sóng phản đối chưa từng thấy. Từ khi xuất hiện tin đồn, những lời chỉ trích đã lan rộng và đạt đến mức độ chưa từng có.
Nguyên nhân của sự phản đối này nằm ở quá khứ gây tranh cãi của HLV Kim. Trong thời gian dẫn dắt Sagan Tosu (2018-2021), một đối thủ từ tỉnh lân cận, Kim bị cáo buộc có hành vi bạo lực không chỉ với đội một mà còn với các cầu thủ trẻ. Hệ quả là Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) đã thu hồi giấy phép HLV hạng S của ông, hạ xuống hạng A, và buộc ông tham gia các hoạt động cộng đồng trong một năm.
Bất chấp những tranh cãi này, ban lãnh đạo Avispa vẫn quyết định bổ nhiệm Kim, đồng thời đưa về các cầu thủ như tiền vệ Shintaro Nako từ Kashima Antlers và tiền vệ Tomoya Miki từ Tokyo Verdy. Ngoài ra, họ cũng đôn tiền đạo trẻ Sani-Brown Abdelhanan từ đội U-18 lên đội một.
Tuy nhiên, quyết định này đã kéo theo một loạt hệ lụy. Nhóm cổ động viên lớn nhất của đội, “Ultra Oburi”, công khai phản đối, trong khi nhà tài trợ lớn là hãng sản xuất mentaiko Fukuya không gia hạn hợp đồng. Thậm chí, chính quyền thành phố Fukuoka, nơi hỗ trợ tài chính cho đội bóng, cũng bày tỏ sự không đồng tình.
Áp lực đang đè nặng lên HLV Kim, khi ông tuyên bố mục tiêu là đạt vị trí thứ sáu hoặc cao hơn. Dù rất nhiệt huyết trong các buổi phỏng vấn và thể hiện tham vọng, nhưng những câu hỏi từ báo chí liên tục xoáy vào quá khứ thay vì tập trung vào đội bóng. Điều này khiến việc xây dựng đội hình trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Dù đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ ban lãnh đạo đội bóng, nếu kết quả không tốt, nguy cơ sụp đổ tinh thần có thể xảy ra trước cả khi đội bóng đạt được mục tiêu. HLV Kim Myung-hui sẽ phải chứng minh giá trị của mình bằng những kết quả thuyết phục trên sân cỏ để xóa tan những nghi ngờ và áp lực hiện tại.