10 Cầu Thủ Nhật Bản Có Sự Nghiệp Bị Lỡ Dở Vì Chấn Thương

10 Tài Năng Nhật Bản Có Sự Nghiệp Bị Lỡ Dở Vì Chấn Thương

Đối với các cầu thủ bóng đá, chấn thương khi thi đấu gần như là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp của họ. Dù vậy, với nhiều cầu thủ Nhật Bản, họ gần như đã đánh mất sự nghiệp của mình vì chấn thương, bất chấp tài năng bóng đá lớn.

Ở bài viết này, Bóng Đá Châu Á sẽ điểm qua danh sách 10 cầu thủ Nhật Bản có tài năng nhưng sự nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi chấn thương.

10 Cầu Thủ Nhật Bản Xuất Chúng Nhưng Sự Nghiệp Bị Lỡ Dở Vì Chấn Thương

1. Shinji Ono

Shinji Ono khi còn thi đấu cho Feyenoord ở Hà Lan.
Shinji Ono khi còn thi đấu cho Feyenoord ở Hà Lan. Ảnh: Footballchannel

Mang biệt danh Tensai, Ono là một trong những ngôi sao lớn của bóng đá châu Á, nổi tiếng về khả năng quan sát, kỹ thuật xử lý bóng và chuyền bóng.

Ono bắt đầu sự nghiệp bóng đá của mình trong màu áo Urawa Red Diamonds và nhanh chóng có được suất đá chính. Năm 1999, bi kịch đến với cựu cầu thủ 45 tuổi khi anh bị đứt dây chằng đầu gối trái, buộc anh phải rời xa sân cỏ trong thời gian dài.

Sau khi phục hồi và trở lại thi đấu, Ono tiếp tục đại diện Nhật Bản tại ba kỳ World Cup và giành cúp UEFA (nay là UEFA Europa League) cùng Feyenoord tại Hà Lan. Thi đấu ở vị trí tiền vệ, Ono thường xuyên đối mặt với những pha tranh chấp, điều này cũng gián tiếp khiến cho cầu thủ sinh năm 1979 đối diện với những lần chấn thương, khiến cho sự nghiệp của anh liên tục gián đoạn.

Shinji Ono quyết định giải nghệ vào tháng 2 năm nay, đánh dấu sự nghiệp hơn 25 năm nhiều thăng trầm và trắc trở. Trong màu áo ĐTQG, anh có 56 trận đấu, ghi được 6 bàn thắng và có 4 kiến tạo.

2. Atsuto Uchida

Atsuto Uchida được xem là một trong những hậu vệ phải xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Nhật Bản, nhưng nếu không gặp chấn thương, có lẽ anh đã đạt được danh tiếng lớn hơn nữa.

Bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp với Kashima Antlers vào năm 2006, Uchida trở thành tân binh đầu tiên trong lịch sử CLB được ra sân ngay trong trận mở màn J-League và nhanh chóng giành vị trí chính thức. Với khả năng di chuyển linh hoạt, kỹ thuật cao, tham gia tấn công hiệu quả, Atsuto Uchida tạo nên sự khác biệt trong nhiều trận đấu. Uchida đã góp phần giúp Kashima giành ba chức vô địch J-League liên tiếp từ năm 2007.

Vào mùa hè năm 2010, Uchida gia nhập Schalke 04 và nhanh chóng khẳng định mình tại một trong những CLB danh tiếng nhất nước Đức. Tuy nhiên, sự nghiệp của Uchida bắt đầu gặp khó khăn bởi chấn thương. Tháng 2 năm 2014, anh bị tổn thương gân ở phía sau đầu gối phải trong trận đấu Bundesliga, buộc phải nghỉ thi đấu dài hạn. Ngay sau đó không lâu, Uchida bị viêm gân xương bánh chè ở đầu gối phải.

Chấn thương này là hậu quả của việc lạm dụng đầu gối quá mức và thường rất khó để chữa lành hoàn toàn. Uchida bắt đầu phải nghỉ thi đấu liên tục, và đến tháng 5 năm 2015, anh phải phẫu thuật.

Sau thời gian nghỉ thi đấu khoảng một năm rưỡi, Uchida trở lại sân cỏ nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc lấy lại phong độ đỉnh cao. Những năm cuối sự nghiệp, anh liên tục gặp các chấn thương cơ, có thể do cách di chuyển bù đắp để bảo vệ đầu gối. Cuối cùng, Uchida quyết định giải nghệ ở tuổi 32, độ tuổi còn khá trẻ đối với một cầu thủ.

Với 78 lần ra sân cho ĐTQG, cùng việc được thi đấu tại Bundesliga, không thể nói sự nghiệp của cầu thủ sinh năm 1988 là thất bại. Dù vậy, nếu như không gặp chấn thương, có lẽ anh sẽ còn bay cao hơn nữa.

3. Nobuyuki Zaizen

Nobuyuki Zaizen được coi là một “thiên tài” của bóng đá Nhật Bản ngay sau khi J-League được thành lập và là cầu thủ mang lại nhiều kỳ vọng lớn lao, nhưng sự nghiệp của anh đã không thể đạt đến đỉnh cao vì những chấn thương liên tiếp.

Zaimae khoác áo số 10 của Đội tuyển U-17 Nhật Bản tại Giải vô địch bóng đá U-17 thế giới FIFA tổ chức ở Nhật Bản năm 1993, và anh đã ra sân trong tất cả các trận đấu cho đến khi đội tuyển bị loại ở vòng đầu tiên của vòng chung kết. Trong trận đấu thứ hai của vòng bảng gặp đội U-17 Ý – đội có sự góp mặt của Francesco Totti, Hidetoshi Nakata, một huyền thoại khác của bóng đá Nhật Bản, phải ngồi trên ghế dự bị. Điều này cho thấy Zaimae có tầm quan trọng như thế nào đối với thế hệ của mình.

Bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp năm 1995 với Verdi Kawasaki (hiện là Tokyo Verdy), Zaimae đã có cơ hội học tập và rèn luyện tại Lazio, Ý. Tuy nhiên, sau khi trở về Verdi, anh bị rách dây chằng chéo trước ở đầu gối trái và phải nghỉ thi đấu trong thời gian dài.

Năm 1996, Zaimae chuyển sang chơi cho Logroñez, đội bóng khi đó đang thi đấu tại La Liga, theo dạng cho mượn. Nhưng một lần nữa, anh lại gặp chấn thương dây chằng và phải rời Tây Ban Nha mà không có bất kỳ lần ra sân chính thức nào.

Sau đó, vào năm 1999, Zaimae gia nhập Vegalta Sendai, một CLB thuộc J2 League, sau khi từng chơi cho Rijeka ở Croatia. Cầu thủ này tiếp tục bị rách dây chằng ngay trong trận ra mắt CLB và tiếp tục phải ngồi ngoài trong phần lớn thời gian.

Sau khi hồi phục chấn thương dây chằng lần thứ ba, Zaimae tiếp tục ra sân cho Sendai và Montedio Yamagata, giúp cả hai CLB thăng hạng lên J-League 1. Không thể phủ nhận rằng anh là một cầu thủ xuất sắc khi có thể thi đấu đến năm 35 tuổi và đạt được những thành tích đáng kể trong sự nghiệp chuyên nghiệp. Nhưng khi nhìn lại, với kỳ vọng mà anh nhận được khi còn trẻ, nhiều người không khỏi tiếc nuối cho sự nghiệp của cầu thủ sinh năm 1976.

4. Kohei Higa

Nếu như nghiệp không bị tàn phá nghiêm trọng bởi chấn thương, có lẽ giờ này Higa vẫn còn đang thi đấu trên sân cỏ với những pha bóng mãn nhãn.

Dược trui rèn tại lò đào tạo Kashiwa Reysol, nơi sản sinh ra nhiều thế hệ cầu thủ tài năng, Higa từ nhỏ đã thể hiện được những phẩm chất của một ngôi sao, với khả năng tạo khoảng trống và tấn công siêu hạng. Cầu thủ sinh năm 1990 từng là thành viên của các đội trẻ đội tuyển Nhật Bản.

Tháng 12 năm 2007, Higa chính thức được đăng ký vào đội một của Kashiwa Reysol cho mùa giải tiếp theo. Tuy nhiên, cầu thủ này đã dính chấn thương nặng vào tháng 1 năm 2008. Trong một trận đấu giao hữu sau đó không lâu, Higa gặp chấn thương nghiêm trọng ở đầu gối, qua đó phải ngồi ngoài đến hết năm 2008.

Năm 2009, anh được đôn lên đội một nhưng không bao giờ tìm lại được phong độ đỉnh cao. Trong hai mùa giải tiếp theo, Higa chỉ có duy nhất một lần ra sân chính thức.

Mùa giải 2011, Higa rời Kashiwa để gia nhập Blaublitz Akita. Anh ra sân 30 lần tại JFL, ghi 7 bàn thắng và thực hiện 2 pha kiến tạo, nỗ lực xây dựng lại sự nghiệp. Tuy nhiên, khi chuyển đến Montedio Yamagata ở J-League 2 năm 2012, chấn thương lại tiếp tục đeo bám cầu thủ này. Cuối cùng, Higa quyết định giải nghệ năm 2016 khi mới chỉ 26 tuổi.

5. Ryota Oshima

Ryota Oshima bắt đầu nổi danh tại J-League khi khoác áo Kawasaki Fronatle vào năm 2011.

Dù được đánh giá cao, Ryota Oshima chỉ có duy nhất một mùa giải trong sự nghiệp đang được đỉnh cao phong độ.
Dù được đánh giá cao, Ryota Oshima chỉ có duy nhất một mùa giải trong sự nghiệp đang được đỉnh cao phong độ. Ảnh: Transfermarkt

Nhờ tài năng vượt trội, Oshima nhanh chóng được công nhận là một trong những tiền vệ hàng đầu thế hệ của mình. Năm 2016, anh được triệu tập tham dự Thế vận hội Rio de Janeiro và được kỳ vọng kế thừa vai trò của Kengo Nakamura tại Kawasaki Frontale.

Tuy nhiên, sự nghiệp của Oshima bắt đầu đi xuống kể từ thời điểm này. Mùa giải 2016, anh gặp phải ba chấn thương bắp chân liên tiếp, buộc phải nghỉ thi đấu nhiều lần. Đến mùa giải tiếp theo, cầu thủ sinh năm 1993 tiếp tục đối mặt với các chấn thương cơ bắp. Dù không gặp phải những chấn thương nặng, nhưng việc các chấn thương cũ liên tục tái phát khiến cho thời gian chơi bóng của cầu thủ này liên tục bị gián đoạn. Oshima được triệu tập tham dự FIFA World Cup 2018, nhưng anh không thể ra sân do gặp chấn thương.

Mùa giải 2018 có thể coi là thời kỳ đỉnh cao của Oshima, khi anh ra sân 29 trận tại J-League, giúp Kawasaki Frontale giành chức vô địch và được vinh danh trong đội hình xuất sắc nhất giải đấu. Ở những năm tiếp theo, số trận đấu của cầu thủ tài hoa này giảm xuống đáng kể, với không có mùa giải nào anh thi đấu quá 15 trận.

6. Ryo Miyaichi

Để chỉ ra được một cầu thủ Nhật Bản tài năng nhưng không bao giờ vượt tới đỉnh cao sự nghiệp, có lẽ Ryo Miyaichi là cái tên nổi tiếng nhất của bóng đá Nhật Bản. Từng là gương mặt đại diện cho các đội tuyển trẻ Nhật Bản từ lứa U-14, Miyaichi đã sớm khẳng định tài năng và sự kỳ vọng lớn lao trong làng bóng đá.

Tài năng của Miyaichi được đánh giá cao đến mức anh được Arsenal chiêu mộ từ khi còn rất trẻ. Cần biết rằng ở thập kỉ trước, số lượng các cầu thủ châu Á lọt vào tầm ngắm của các CLB lớn là không nhiều.

Không thể có giấy phép lao động tại Anh, Miyaichi được cho mượn tới Feyenoord, đội bóng thuộc giải VĐQG Hà Lan. Dù chỉ gia nhập giữa mùa giải, anh đã chơi 12 trận, ghi 3 bàn thắng và có 5 đường kiến tạo, mở ra một tương lai xán lạn và sự kì vọng của người hâm mộ Nhật Bản.

Tuy nhiên, những khó khăn bắt đầu ập đến. Từ mùa giải 2012/13 đến năm 2017, Miyaichi liên tục gặp phải các chấn thương nặng, điều này không những khiến anh không thể vươn lên đỉnh cao sự nghiệp, mà còn chấm dứt giấc mơ được thi đấu cho Arsenal.

Miyaichi trở về Nhật Bản và gia nhập Yokohama F. Marinos vào mùa hè năm 2021. Lần đầu tiên thi đấu tại J-League ở tuổi 28, cầu thủ này gây ấn tượng mạnh và được trao cơ hội trong màu áo ĐTQG. Dù vậy, chấn thương lại tiếp tục đến với cầu thủ sinh năm 1992 khi anh bị đứt dây chằng chéo trước vào năm 2022, buộc phải ngồi ngoài một khoảng thời gian rất dài.

Đối với một cầu thủ có phong cách thi đấu tốc độ và bùng nổ, những chấn thương nghiêm trọng như vậy có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp.

Ở tuổi 31, việc Miyaichi vẫn thi đấu sau liên tiếp những chấn thương là một điều đáng khích lệ, nhưng không ít người hâm mộ không khỏi tiếc nuối: “Nếu không vì những chấn thương, anh ấy đã có thể vươn xa đến mức nào?”

7. Kubo Tatsuhiko

Nếu không phải vì những chấn thương dai dẳng, Kubo có lẽ đã được vinh danh như một huyền thoại lớn hơn trong làng bóng đá.

Kubo bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình vào năm 1995 khi gia nhập Sanfrecce Hiroshima. Anh nhanh chóng tạo được dấu ấn nhờ thể hình mạnh mẽ và cái chân trái uy lực. Trong mùa giải 1998, Kubo ghi được 12 bàn thắng tại J-League và lần đầu tiên được triệu tập vào đội tuyển quốc gia Nhật Bản.

Sự nghiệp của Kubo tiếp tục thăng hoa khi anh chuyển tới Yokohama F. Marinos vào năm 2003. Tại đây, anh ghi 16 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên, giúp đội bóng giành chức vô địch J1 League. Thành tích này cũng giúp ngôi sao sinh năm 1976 nhận được giải thưởng “Cầu thủ xuất sắc nhất Nhật Bản”.

Được triệu tập vào ĐTQG Nhật Bản, Kubo tiếp tục thể hiện khả năng săn bàn đáng gờm, và dần trở thành một cầu thủ chất lượng trên hàng công của những chiến binh Samurai xanh.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó, sự nghiệp của Kubo bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chấn thương. Dù không gặp phải những chấn thương nặng, nhưng các vấn đề mãn tính ở đầu gối và hông khiến anh khó duy trì phong độ cao nhất trên sân cỏ. Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị cho FIFA World Cup 2006, Kubo được xem là ứng viên sáng giá cho suất tham dự, nhưng những cơn đau lưng kéo dài đã khiến anh không thể đảm bảo thể trạng và bị loại khỏi đội hình.

Khi thể lực không còn đảm bảo, Kubo buộc phải chơi bóng ở các giải đấu hạng dưới. Dù có phong cách thi đấu đặc biệt là hiếm có ở châu Á thời điểm bấy giờ, những chấn thương đã cản trở quá nhiều đến sự nghiệp của Kubo, khiến người hâm mộ không thể thấy anh phô diễn trọn vẹn tài năng trên sân khấu lớn nhất của bóng đá.

8. Naohiro Ishikawa

Naohiro Ishikawa được coi là một huyền thoại của FC Tokyo, nhưng sự nghiệp của anh cũng là một hành trình đầy thử thách với những chấn thương dai dẳng.

Ishikawa là sản phẩm từ lò đào tạo của Yokohama F. Marinos, chính thức ra mắt đội một vào năm 2000. Tuy nhiên, anh thực sự bùng nổ khi gia nhập FC Tokyo vào năm 2002. Với tốc độ vượt trội và khả năng rê bóng, Ishikawa đã ghi được rất nhiều bàn thắng, góp phần đưa FC Tokyo đến với những thành công ấn tượng.

Tuy nhiên, bi kịch bắt đầu ập đến vào năm 2005 khi Ishikawa bị rách dây chằng chéo trước và sụn chêm ở đầu gối phải, khiến anh phải nghỉ thi đấu suốt phần còn lại của mùa giải. Sau những nỗ lực trở lại, mùa giải 2009 đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của anh với 15 bàn thắng trong 24 trận đấu tại J-League, đặc biệt là những pha lập công xuất sắc từ cánh trái. Nhưng vào tháng 10 cùng năm, cầu thủ sinh năm 1981 tiếp tục phải nghỉ thi đấu bởi chấn thương dây chằng chéo trước ở đầu gối trái.

Không chỉ dừng lại ở đó, chấn thương tiếp tục đeo bám Ishikawa trong những năm sau. Năm 2014, anh phải nghỉ dài hạn vì thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Đến năm 2015, dây chằng chéo trước ở đầu gối trái lại một lần nữa bị tổn thương. Năm 2016, Ishikawa gặp chấn thương ở sụn chêm trong đầu gối trái, khiến anh phải rời sân cỏ thêm một thời gian dài.

Bất chấp chấn thương, Ishikawa vẫn thi đấu đến năm 36 tuổi. Cầu thủ này vẫn là hình mẫu cho các tài năng trẻ bởi nỗ lực phi thường trong bóng đá, bất chấp các khó khăn khách nhau.

9. Tatsuya Tanaka

Tatsuya Tanaka, cựu tiền đạo đội tuyển Nhật Bản, là một trong những cầu thủ tài năng nhưng sự nghiệp lại bị gián đoạn bởi những chấn thương nghiêm trọng.

Tanaka bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp vào năm 2001 trong màu áo Urawa Red Diamonds. Dù chỉ cao 167 cm, nhưng anh sở hữu tốc độ ấn tượng, khả năng rê bóng khéo léo và sự nhạy bén trước khung thành. Năm 2003, Tanaka góp công lớn vào chức vô địch Yamazaki Nabisco Cup (nay là YBC Levain Cup) của Urawa, đồng thời giành danh hiệu MVP và giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải đấu.

Tanaka lần đầu khoác áo đội tuyển Nhật Bản vào tháng 7 năm 2005 và nhanh chóng khẳng định mình là một trong những tiền đạo hàng đầu của đất nước. Tuy nhiên, bi kịch đã xảy ra vào tháng 10 cùng năm.

Trong một trận đấu ở J-League, Tanaka bị phạm lỗi nghiêm trọng dẫn đến trật khớp và gãy xương mắt cá chân phải. Chấn thương này không chỉ khiến anh phải nghỉ thi đấu dài hạn mà còn làm tiêu tan hy vọng tham dự World Cup 2006 tại Đức.

Sau khi trở lại, Tanaka đã giúp Urawa Reds giành chức vô địch J-League 1 năm 2006 và AFC Champions League năm 2007. Tuy nhiên, anh tiếp tục phải vật lộn với những chấn thương dai dẳng và không thể duy trì phong độ ổn định. Năm 2012, Tanaka chuyển sang thi đấu cho Albirex Niigata.

Trong 9 mùa giải tại Niigata, Tanaka chỉ ghi được 13 bàn thắng tại giải đấu quốc nội. Điều này khiến người hâm mộ không khỏi tiếc nuối khi so sánh với thời kỳ đỉnh cao tại Urawa, nơi mỗi lần anh chạm bóng đều mang đến sự kỳ vọng lớn lao.

Dù đã 18 lần khoác áo đội tuyển Nhật Bản, nhưng Tanaka chưa từng có cơ hội thi đấu tại các sân khấu lớn như FIFA World Cup hay AFC Asian Cup. Sự tận tụy và niềm đam mê bóng đá của anh luôn được người hâm mộ yêu mến, khiến cho sự nghiệp bị ảnh hưởng bởi chấn thương của Tanaka trở thành một trong những nỗi tiếc nuối lớn trong làng bóng đá Nhật Bản.

10. Takafumi Ogura

Takashi Ogura cũng là ví dụ tiêu biểu của những trường hợp cầu thủ tài năng có sự nghiệp bị cản trở nghiêm trọng bởi một chấn thương đáng tiếc.

Ogura bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp khi gia nhập Nagoya Grampus vào năm 1992. Một năm sau, cựu cầu thủ sinh năm 1973 đến Hà Lan để tích lũy kinh nghiệm và gia nhập CLB Excelsior, nơi anh ghi được 14 bàn thắng.

Khi trở lại Nhật Bản vào năm 1994, Ogura ngay lập tức tỏa sáng tại J-League. Thời điểm đó, Ogura được chú ý bởi khả năng dứt điểm rất tốt bằng chân trái, cùng khả năng đi bóng khéo léo mà ít có cầu thủ nào có cùng đẳng cấp.

Tuy nhiên, năm 1996 đánh dấu bước ngoặt đau buồn trong sự nghiệp của Ogura. Trong một đợt tập huấn chuẩn bị cho vòng loại cuối cùng Olympic Atlanta, anh gặp chấn thương nghiêm trọng với việc rách dây chằng chéo sau đầu gối phải. Sau ca phẫu thuật thất bại tại Nhật Bản, Ogura phải sang Hà Lan để thực hiện ca mổ thứ hai, khiến anh mất đến hai năm để hồi phục.

Quay trở lại sân cỏ, Ogura không còn là chính mình và không bao giờ lấy lại được phong độ đỉnh cao như ngày nào. Anh giải nghệ vào năm 2006 ở tuổi 32. Nếu không gặp phải chấn thương định mệnh đó, Takashi Ogura hoàn toàn có thể trở thành một tiền đạo chủ lực của đội tuyển Nhật Bản, một ngôi sao thực sự trên bản đồ bóng đá quốc tế.