Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển, nhiều cầu thủ đã có cơ hội thi đấu ở nước ngoài, nơi họ không chỉ khẳng định tài năng cá nhân mà còn góp phần làm rạng danh tên tuổi bóng đá nước nhà.
So với các nền bóng đá ở khu vực Đông Nam Á, số lượng cầu thủ Việt Nam được troa cơ hội ở các giải đấu nước ngoài không phải là ít, song không phải cầu thủ nào cũng gặt hái được thành công. Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 7 cầu thủ Việt Nam thành công nhất khi thi đấu tại nước ngoài.
7 Cầu Thủ Việt Nam Ghi Dấu Ấn Tại Các Giải Đấu Nước Ngoài
1. Lê Công Vinh (Leixões SC, Consadole Sapporo)
Lê Công Vinh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại một giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu châu Âu khi gia nhập Leixões SC tại Giải Vô địch Quốc gia Bồ Đào Nha vào năm 2009.
Ngay khi đặt chân đến Leixões SC, Công Vinh nhanh chóng hòa nhập bằng việc ghi hai bàn thắng trong các trận giao hữu đầu tiên. HLV José Mota đánh giá cao khả năng di chuyển linh hoạt, tư duy chiến thuật của anh nhưng cũng thừa nhận hạn chế về thể hình so với các cầu thủ châu Âu.
Dù vậy, Công Vinh vẫn được trao cơ hội ra sân ở các đấu trường chính thức. Anh thi đấu trọn vẹn trận đấu trong vai trò tiền vệ trái và để lại dấu ấn đậm nét khi ghi bàn mở tỷ số, góp công lớn trong chiến thắng 2-1 trước Casa Pia AC.
Sau thành công bước đầu tại châu Âu, Công Vinh tiếp tục hành trình xuất ngoại khi chuyển đến thi đấu tại J-League 2 trong màu áo Consadole Sapporo vào năm 2013. Tại đây, anh sớm thể hiện sự chuyên nghiệp, nỗ lực học tiếng Nhật để giao tiếp tốt hơn với đồng đội và thích nghi với triết lý bóng đá của HLV Keiichi Zaizen. Tổng cộng trong khoảng thời gian ngắn khoác áo Consadole Sapporo, Công Vinh đã ghi được 2 bàn thắng và đóng góp nhiều vào lối chơi chung của đội bóng.
Dù thời gian thi đấu tại Nhật Bản không kéo dài, nhưng Công Vinh đã để lại ấn tượng tích cực. Sau khi kết thúc hợp đồng, CLB Consadole Sapporo muốn gia hạn nhưng anh quyết định trở về Việt Nam để cống hiến cho đội tuyển quốc gia.
2. Nguyễn Quang Hải (Pau FC)
Với khát khao thử sức ở một môi trường bóng đá đẳng cấp hơn V-League, Nguyễn Quang Hải đã rời Hà Nội FC vào tháng 4/2022 sau khi hết hạn hợp đồng và chọn Pau FC – đội bóng tầm trung của Ligue 2 để tiếp tục thử thách bản thân.
Ngày Quang Hải ra mắt Pau FC, dù chỉ thi đấu 30 phút, anh đã thể hiện sự tự tin và có những pha xử lý tốt trong vai trò hộ công, nhận điểm số 6,9 khá cao trên trang Sofascore. Tuy nhiên, áp lực thể lực, sự khác biệt về tốc độ và chiến thuật giữa Ligue 2 và V-League khiến Quang Hải gặp khó khăn trong việc duy trì phong độ.
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Quang Hải tại Pau FC đến vào ngày 8/10/2022, khi anh ghi bàn thắng đầu tiên tại Ligue 2 trong trận hòa 2-2 với Rodez ở vòng 11. Tuy nhiên, sau đó Quang Hải không còn được HLV Didier Tholot trọng dụng. Anh dần mất vị trí trong đội hình chính, thường xuyên phải ngồi dự bị và chỉ được vào sân ở những phút cuối trận.
Đến ngày 5/6/2023, anh đã chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Dù không thể tạo ra bước đột phá lớn tại châu Âu, nhưng việc dám ra nước ngoài thi đấu, chấp nhận thử thách và nỗ lực hết mình của Quang Hải vẫn là một tấm gương cho các cầu thủ Việt Nam trẻ dám mơ ước và vươn xa.
3. Nguyễn Công Phượng (Mito Hollyhock, Incheon United, Sint-Truiden, Yokohama FC)
Sau khi tạo dựng được tên tuổi tại V-League, Nguyễn Công Phượng có cơ hội đầu tiên xuất ngoại khi gia nhập Mito Hollyhock tại J-League 2 vào năm 2016 theo bản hợp đồng cho mượn trị giá 100.000 USD.
Tuy nhiên, giấc mơ chơi bóng tại Nhật Bản nhanh chóng biến thành thử thách khắc nghiệt khi Công Phượng gặp chấn thương ngay từ khi mới đến. Cả mùa giải, anh chỉ ra sân vỏn vẹn 5 trận, chủ yếu từ băng ghế dự bị và không ghi được bàn thắng nào.
Năm 2019, Công Phượng gia nhập CLB Incheon United tại K-League theo dạng cho mượn nhưng Công Phượng lại gặp phải vấn đề về thể hình, thể lực và sự thích nghi với chiến thuật thiên về thể lực của K-League. Trong 4 tháng thi đấu tại Incheon, anh ra sân tổng cộng 9 trận nhưng không ghi được bàn thắng hay kiến tạo nào. Cuối cùng, hai bên quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vào tháng 6/2019.
Ngay sau khi rời Incheon, Công Phượng tiếp tục hành trình xuất ngoại với bản hợp đồng cho mượn tại Sint-Truiden ở giải VĐQG Bỉ nhưng Công Phượng nhanh chóng một lần nữa nhận ra sự chênh lệch trình độ. Anh chỉ được ra sân đúng 1 lần ở đội một và sau nửa năm, anh buộc phải rời Bỉ để trở về Việt Nam.
Lần xuất ngoại gần đây nhất, Công Phượng một lần nữa thử sức ở Nhật Bản khi gia nhập Yokohama FC vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đây là quãng thời gian đáng quên nhất trong sự nghiệp của anh.
Trong suốt mùa giải J-League 2023, Công Phượng không được đăng ký thi đấu quá 10 trận, thậm chí có thời điểm anh bị loại khỏi danh sách thi đấu liên tục. Sau hơn một năm chỉ ngồi dự bị, Yokohama FC cuối cùng cũng thông báo chia tay Công Phượng vào ngày 14/9/2024, khép lại lần xuất ngoại thất bại thứ tư của anh.
Trong 4 lần xuất ngoại, Công Phượng chưa từng ghi bàn hay kiến tạo ở bất kỳ giải đấu nào. Anh cũng không có trận đấu nào được đá trọn vẹn 90 phút và chưa từng có mùa giải nào được ra sân quá 3 lần từ đội hình xuất phát. Dù vậy, Công Phượng vẫn xứng đáng được ghi nhận vì sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc chinh phục những thử thách ngoài biên giới Việt Nam.
4. Đoàn Văn Hậu (SC Heerenveen)
Ngày 31/8/2019, Văn Hậu chính thức gia nhập SC Heerenveen theo bản hợp đồng cho mượn một năm từ CLB Hà Nội, với mức phí 1,4 triệu USD. Đây là một con số kỷ lục đối với một cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại.
Ngay khi gia nhập Heerenveen, Văn Hậu đã không thể ra sân ngay lập tức vì chưa quen với môi trường bóng đá Hà Lan. Trong các buổi tập, anh được đánh giá có tiềm năng về thể chất và khả năng phòng ngự nhưng lại gặp khó khăn trong việc thích nghi với cường độ và tốc độ trận đấu tại Hà Lan.
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Văn Hậu tại SC Heerenveen đến vào ngày 17/12/2019, khi anh được tung vào sân ở phút 89 trong trận đấu với Roda JC tại Cúp Quốc gia Hà Lan. Dù chỉ có 4 phút trên sân, sự kiện này đã tạo nên hiệu ứng truyền thông lớn và thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Một số người cho rằng đây chỉ là động thái mang tính thương mại để thu hút sự quan tâm từ Việt Nam, tuy nhiên, xét trên khía cạnh chuyên môn, việc Văn Hậu được vào sân vẫn là một bước tiến quan trọng.
Sau một năm tại SC Heerenveen, Văn Hậu không được đội bóng Hà Lan gia hạn hợp đồng và trở lại Hà Nội FC vào tháng 7/2020. Anh về lại V-League với sự trưởng thành rõ rệt về thể lực, tư duy chiến thuật và kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Việc được rèn luyện trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu giúp Văn Hậu trở thành một trong những hậu vệ xuất sắc nhất Đông Nam Á.
5. Đặng Văn Lâm (Muangthong United)
Đặng Văn Lâm sinh ra và trưởng thành trong môi trường bóng đá tại Nga, tuy nhiên, sự nghiệp chuyên nghiệp của anh lại bắt đầu ở Việt Nam. Màn trình diễn xuất sắc tại V-League giúp anh được triệu tập lên ĐTQG Việt Nam và trở thành thủ môn số một từ thời HLV Park Hang-seo.
Sau khi cùng tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2018 và lọt vào tứ kết Asian Cup 2019, Văn Lâm lọt vào tầm ngắm của CLB Muangthong United tại Thai League. Đội bóng Thái Lan đã chi 500.000 USD để giải phóng hợp đồng của anh với Hải Phòng và trao cho anh mức lương 10.000 USD/tháng.
Khi gia nhập Muangthong United, Đặng Văn Lâm nhanh chóng khẳng định vị thế của mình khi được bắt chính toàn bộ 30 trận đấu ở Thai League mùa giải đó. Anh không chỉ là thủ môn số một của đội mà còn trở thành một trong những thủ môn xuất sắc nhất giải đấu.
Đầu năm 2021, Văn Lâm chấm dứt hợp đồng với Muangthong United và gia nhập CLB Cerezo Osaka tại J-League, trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở giải đấu cao nhất Nhật Bản.
Nhưng tại một môi trường có tính cạnh tranh khốc liệt như J-League, anh không có nhiều cơ hội ra sân. Anh chỉ được bắt chính 2 trận tại Cúp Hoàng đế Nhật Bản và AFC Champions League, và còn không may gặp phải chấn thương vai khiến thời gian thi đấu của anh tại Nhật Bản càng thêm hạn chế. Sau gần 2 năm tại Nhật Bản, Văn Lâm quyết định trở về Việt Nam.
6. Lương Xuân Trường (Incheon United, Gangwon FC, Buriram United)
Lương Xuân Trường, một trong những tiền vệ tài năng của bóng đá Việt Nam đã có hành trình đáng chú ý khi thi đấu ở nước ngoài, đặc biệt tại Hàn Quốc và Thái Lan. Sự nghiệp quốc tế của anh bắt đầu vào năm 2016 khi đầu quân cho CLB Incheon United tại K-League theo dạng cho mượn từ HAGL.
Tại Incheon United, Xuân Trường gặp nhiều khó khăn và chỉ ra sân vỏn vẹn 4 trận trong mùa giải 2016, phần lớn thời gian phải ngồi ghế dự bị do chưa thể cạnh tranh với các cầu thủ có nền tảng thể lực và tốc độ tốt hơn. Tuy nhiên, việc được tập luyện và thi đấu ở K-League vẫn giúp anh cải thiện đáng kể khả năng đọc trận đấu, tư duy chiến thuật và sức bền.
Sau một mùa giải không mấy thành công tại Incheon, Xuân Trường tiếp tục được cho mượn đến Gangwon FC vào năm 2017. Dù khởi đầu khá tích cực với một số trận đấu đá chính, nhưng anh vẫn không thể duy trì phong độ ổn định để giành suất đá chính lâu dài. Sau một năm thi đấu tại Gangwon với chỉ 2 lần ra sân ở K-League, Xuân Trường trở về HAGL vào cuối năm 2017.
Năm 2019, Xuân Trường tiếp tục hành trình xuất ngoại khi gia nhập CLB Buriram United – một trong những đội bóng hàng đầu của Thai League. Dù có một số khoảnh khắc ấn tượng, đáng chú ý nhất là bàn thắng sút phạt tuyệt đẹp vào lưới Nakhon Ratchasima, nhưng chỉ sau nửa mùa giải, anh đã phải chia tay Buriram United do không đáp ứng được kỳ vọng của CLB.
7. Nguyễn Tuấn Anh (Yokohama FC)
Năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai và Yokohama FC đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác chiến lược, qua đó Nguyễn Tuấn Anh chính thức gia nhập đội bóng Nhật Bản để thi đấu tại J-League 2 mùa giải 2016.
Dù mang theo nhiều kỳ vọng, Tuấn Anh sớm nhận ra rằng việc cạnh tranh ở một đội bóng có hàng tiền vệ chật chội với nhiều cầu thủ giàu kinh nghiệm khiến anh gặp khó khăn trong việc giành suất đá chính, và thực tế cho thấy rằng thể lực vẫn là điểm yếu khiến Tuấn Anh không thể tạo dựng chỗ đứng tại Yokohama FC.
Tuy nhiên, cơ hội đã đến khi anh được ra sân tại Cúp Hoàng Đế Nhật Bản. Cầu thủ người Thái Bình không làm người hâm mộ thất vọng khi chơi xuất sắc và ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2 cho Yokohama FC ở hiệp phụ.
Khoảnh khắc ấy đã giúp Tuấn Anh khẳng định được tài năng, nhưng đáng tiếc đó cũng là một trong những lần hiếm hoi anh được ra sân ở Nhật Bản. Sau trận đấu thăng hoa ấy, anh tiếp tục bị lãng quên tại J-League và chấn thương đầu gối cuối năm 2016 đã đặt dấu chấm hết cho giấc mơ chơi bóng tại Nhật.
Sau khi hồi phục chấn thương và thi đấu ấn tượng tại V-League 2019, Tuấn Anh bất ngờ nhận được lời mời thử việc từ CLB Deportivo Alaves của La Liga. Ngoài Alaves, nhiều đội bóng từ Hàn Quốc, Thái Lan và châu Âu cũng dành sự quan tâm đến Tuấn Anh. Đây là cơ hội cực kỳ hiếm hoi với một cầu thủ Việt Nam, nhưng anh đã từ chối để tiếp tục cống hiến cho bóng đá nước nhà.\