6 Đội Tuyển Sa Sút Sau World Cup 2022

6 Đội Tuyển Sa Sút Sau World Cup 2022

World Cup 2026 đang đến rất gần, và các đội tuyển quốc gia trên khắp thế giới đang gấp rút chuẩn bị để góp mặt tại giải đấu danh giá nhất hành tinh. Trong khi những “ông lớn” như Nhật Bản, Argentina, Pháp hay Bồ Đào Nha vẫn duy trì được phong độ ổn định và lộ trình phát triển rõ ràng, thì không ít cái tên từng làm mưa làm gió trong quá khứ lại đang rơi vào giai đoạn sa sút đáng lo ngại.

Sự đi xuống về thế hệ cầu thủ, vấn đề huấn luyện viên, nội bộ bất ổn hay chiến lược phát triển thiếu định hướng đang khiến nhiều đội tuyển không còn giữ được vị thế vốn có. Cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua 6 đội tuyển đang gặp khó khăn sau World Cup 2022, và liệu họ có kịp trở lại trước khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh khởi tranh hay không.

6 Đội Tuyển Suy Yếu Thấy Rõ Sau World Cup 2022

1. Bỉ

  • Thứ hạng FIFA: 8
World Cup 2022 là một sự thất bại của đội tuyển Bỉ.
World Cup 2022 là một sự thất bại của đội tuyển Bỉ. Ảnh: UEFA

Tại thời điểm diễn ra World Cup 2022, đội tuyển Bỉ xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng FIFA và được đánh giá là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. Thế nhưng, mọi thứ đã nhanh chóng sụp đổ.

Dù vẫn sở hữu nhiều ngôi sao, nhưng Eden Hazard và Romelu Lukaku đều gây thất vọng nặng nề, trong khi đội tuyển lại phụ thuộc quá nhiều vào Kevin De Bruyne. Hệ quả là Bỉ đã bị loại ngay từ vòng bảng.

Sau World Cup, tình hình của “Quỷ đỏ” vẫn không mấy khả quan. Tại EURO 2024, họ tiếp tục bị loại sớm sau thất bại trước Pháp ở vòng 16 đội. Ở UEFA Nations League (bảng A2), Bỉ thi đấu bạc nhược với chỉ 1 chiến thắng, 1 trận hòa và tới 4 thất bại trong 6 trận.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự sa sút này là do “Thế hệ Vàng” của Bỉ đã kết thúc. Eden Hazard tuyên bố chia tay đội tuyển ngay sau World Cup và chính thức giải nghệ vào năm 2023. Kevin De Bruyne giờ đã 33 tuổi và không còn duy trì được màn trình diễn đỉnh cao do liên tục chấn thương. Dù những cái tên trẻ như Jérémy Doku (55 triệu euro) hay Zeno Debast (26 triệu euro) đang từng bước trưởng thành, nhưng rõ ràng họ chưa đủ kinh nghiệm để thay thế các đàn anh.

Huấn luyện viên Domenico Tedesco, người được bổ nhiệm từ tháng 2/2023, đã bị sa thải vào tháng 1/2024. Rudi Garcia được chỉ định làm HLV trưởng mới, với nhiệm vụ không hề dễ dàng: tái thiết một thế lực đang thiếu bản sắc và động lực thi đấu.

Nếu không có sự đột phá từ các cầu thủ trẻ, rất khó để Bỉ có thể trở lại hình ảnh của một đội tuyển từng làm khuynh đảo bóng đá thế giới. Liệu “Quỷ đỏ châu Âu” có thể tìm lại ánh hào quang hay sẽ tiếp tục chìm trong khủng hoảng?

2. Brazil

  • Thứ hạng FIFA: 5

Brazil từng đứng đầu bảng xếp hạng FIFA tại thời điểm diễn ra World Cup 2022 và được xem là ứng cử viên số một cho chức vô địch. Thế nhưng, họ đã gục ngã trước Croatia trong loạt sút luân lưu ở vòng tứ kết, đánh mất cơ hội lên ngôi lần đầu tiên sau 20 năm.

Sau kỳ World Cup đó, HLV Tite từ chức sau 6 năm rưỡi dẫn dắt đội tuyển. Việc tìm người kế nhiệm gặp rất nhiều khó khăn, và đội tuyển rơi vào tình trạng rối ren với nhiều HLV tạm quyền khác nhau. HLV Ramón Menezes, người từng dẫn dắt U20 Brazil, chỉ có được 1 chiến thắng và để thua 2 trận. Trong khi đó, triều đại của Fernando Diniz bắt đầu từ tháng 7/2023 cũng gây thất vọng, với 2 chiến thắng, 1 hòa và 3 thất bại.

Phải đến tháng 1/2024, Dorival Júnior mới chính thức được bổ nhiệm làm HLV trưởng, giúp hệ thống huấn luyện phần nào đi vào ổn định. Dù hiện tại Brazil đang xếp thứ tư tại vòng loại khu vực Nam Mỹ cho World Cup 2026, nhưng đã có thời điểm họ rơi xuống vị trí thứ sáu – nằm ngoài nhóm được dự vòng chung kết. So với thành tích bất bại với 14 trận thắng và 3 trận hòa ở kỳ vòng loại trước, sự tụt dốc này là rất đáng báo động.

Trong khi đó, Argentina, đại kình địch của Brazil, không chỉ giành chức vô địch World Cup mà còn đang dẫn đầu vòng loại Nam Mỹ. Sự hoán đổi vị thế này càng khiến người hâm mộ Brazil thêm phần thất vọng.

Tuy nhiên, đội tuyển vẫn còn đó những cái tên sáng giá như Vinicius Júnior, Rodrygo, cùng các tài năng trẻ đầy triển vọng như Endrick hay Estêvão Willian. Nếu có thể cải thiện được sự gắn kết trong một năm tới, World Cup 2026 hoàn toàn có thể là sân khấu đánh dấu trở lại đầy mạnh mẽ của Seleção.

3. Ả Rập Xê Út

  • Thứ hạng FIFA: 58

Từng gây chấn động tại FIFA World Cup Qatar 2022, nhưng hiện tại đội tuyển Ả Rập Xê Út đang gặp nhiều khó khăn ngay cả ở cấp độ châu Á.

Chiến thắng trước Argentina là dấu ấn duy nhất của Ả Rập Xê Út tại World Cup 2022.
Chiến thắng trước Argentina là dấu ấn duy nhất của Ả Rập Xê Út tại World Cup 2022. Ảnh: CNBC

Tại thời điểm World Cup ở Qatar, thứ hạng FIFA của Ả Rập Xê Út không cao (51), nhưng họ đã tạo ra “cơn địa chấn” khi đánh bại Argentina, ứng cử viên số một cho chức vô địch, ngay trong trận đấu mở màn vòng bảng. Sau đó, Argentina lên ngôi vô địch, và Ả Rập Xê Út trở thành đội duy nhất khiến nhà vô địch nhận thất bại tại giải đấu, gây tiếng vang toàn cầu.

Tuy nhiên, sau chiến tích đó, phong độ của đội tuyển Ả Rập Xê Út tụt dốc không phanh. Tháng 8/2023, họ bổ nhiệm HLV người Ý, Roberto Mancini, nhưng lại thi đấu vô cùng chật vật trước Jordan và Tajikistan tại vòng 2 vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á.

Tại AFC Asian Cup 2023, Ả Rập Xê Út bị loại từ vòng 1/8 sau loạt luân lưu trước Hàn Quốc. Thậm chí, ở vòng loại cuối cùng World Cup 2026, họ còn gây sốc khi để thua trước Indonesia.

Kết quả tồi tệ này khiến HLV Mancini bị sa thải, và LĐBĐ Ả Rập Xê Út quyết định gọi trở lại HLV Hervé Renard để tái thiết lại đội tuyển.

Trong thời gian qua, Ả Rập Xê Út nổi bật trên truyền thông nhờ chi tiêu mạnh tay để đưa các ngôi sao thế giới về giải VĐQG trong nước. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo hệ lụy: các cầu thủ nội ngày càng ít được ra sân, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của đội tuyển quốc gia.

Mặc dù vậy, Ả Rập Xê Út vẫn sở hữu nhiều cầu thủ trẻ chất lượng trong độ tuổi 20, như tiền đạo Firas Al-Buraikan (Al Ahli) hay hậu vệ Saud Abdulhamid (AS Roma). Với những nhân tố này, không lý do gì khiến họ lại thi đấu bết bát tại châu Á.

4. Hàn Quốc

  • Thứ hạng FIFA: 58

Đội tuyển Hàn Quốc đã lọt vào vòng 1/8 tại FIFA World Cup Qatar 2022, và thứ hạng FIFA của họ cũng được cải thiện, từ vị trí thứ 28 lên vị trí thứ 23. Tuy nhiên, sự phát triển ổn định và nhất quán của đội tuyển vẫn chưa thực sự được cảm nhận.

Sau World Cup tại Qatar, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã mời HLV Jurgen Klinsmann dẫn dắt đội tuyển vào tháng 2/2023, tuy nhiên ông bị sa thải chỉ sau một năm (tháng 2/2024) do thất bại trước Jordan ở bán kết AFC Asian Cup 2023. HLV Hong Myung-bo đã chính thức tiếp quản ghế nóng từ tháng 7/2024.

Tại vòng loại cuối cùng World Cup 2026 khu vực châu Á, Hàn Quốc khởi đầu bằng trận hòa trước Palestine, sau đó thắng liên tiếp 4 trận. Tuy nhiên, ở trận lượt về vào tháng 11/2024, họ lại bị Palestine cầm hòa, gây ra làn sóng phản ứng dữ dội từ người hâm mộ trong nước. Không chỉ vậy, ở các trận đấu với Oman và Jordan trong tháng 3 năm nay, Hàn Quốc cũng thi đấu thiếu ổn định và chỉ có được các kết quả hòa.

Ngôi sao số một Son Heung-min vẫn đang thi đấu, nhưng ở tuổi 32, anh không còn giữ được sự bùng nổ như thời kỳ đỉnh cao. Trong khi đó, những tài năng trẻ như Lee Kang-in (Paris Saint-Germain) được kỳ vọng rất nhiều, nhưng số lượng cầu thủ Hàn Quốc thi đấu thường xuyên tại các giải châu Âu hàng đầu là rất hạn chế. Chiều sâu đội hình hiện tại vẫn là vấn đề lớn của Hàn Quốc.

Không chỉ ở cấp độ ĐTQG, đội tuyển U-23 Hàn Quốc cũng gây thất vọng khi không thể giành vé dự Olympic Paris 2024, đánh dấu lần đầu tiên sau 40 năm bóng đá nam Hàn Quốc vắng mặt tại Thế vận hội. Điều này càng cho thấy lực lượng kế cận đang ngày càng mỏng và thiếu đột phá, đặt ra nhiều dấu hỏi cho tương lai.

Nhật Bản và Hàn Quốc luôn có mối kình địch truyền thống, nhưng gần đây ngay cả truyền thông Hàn Quốc cũng phải thừa nhận sự tiến bộ vượt bậc của Nhật Bản, đồng thời bày tỏ sự thất vọng trước màn trình diễn kém sắc của đội nhà. Trên thực tế, năm 2018 là lần gần nhất Hàn Quốc có thứ hạng FIFA cao hơn Nhật Bản, một thực tế đáng buồn với bóng đá xứ kim chi.

5. Mỹ

  • Thứ hạng FIFA: 16

Đội tuyển quốc gia Mỹ đã lọt vào vòng 1/8 tại FIFA World Cup Qatar 2022. Với việc trở thành nước chủ nhà tại kỳ World Cup 2026, người hâm mộ kỳ vọng rằng đội tuyển sẽ tiếp tục tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, những kết quả gần đây lại gây thất vọng.

Đội tuyển Mỹ sẽ tham dự World Cup 2026 với nhiều áp lực lớn.
Đội tuyển Mỹ sẽ tham dự World Cup 2026 với nhiều áp lực lớn. Ảnh: The New Yorker

Họ bị loại ở bán kết Gold Cup 2023, một thành tích gây bất ngờ bởi ngoại trừ năm 2015, Mỹ luôn lọt vào trận chung kết ở giải đấu này. Đây là lần đầu tiên sau tám năm, Mỹ không thể góp mặt trong trận đấu cuối cùng. Không những vậy, Mỹ còn chỉ về đích ở vị trí thứ tư tại CONCACAF Nations League 2024, không thể đòi lại ngôi vương như kỳ vọng.

Việc là chủ nhà tại World Cup 2026 đồng nghĩa với việc Mỹ nghiễm nhiên có vé tham dự, điều đó hạn chế các cơ hội cọ xát ở những trận đấu mang tính cạnh tranh cao. Vì thế, Gold Cup và Nations League là những dịp cực kỳ quan trọng để kiểm chứng sức mạnh thật sự của đội tuyển, nhưng Mỹ đã không thể hiện được điều đó.

Đội hình tuyển Mỹ hiện tại quy tụ nhiều tài năng trẻ triển vọng. Hầu hết các cầu thủ đều đang ở độ tuổi 20 và thi đấu tại châu Âu như Christian Pulisic (AC Milan), Weston McKennie (Juventus), và Giovanni Reyna (Nottingham Forest). Tuy nhiên, không có nhiều cái tên đạt bước tiến vượt bậc kể từ sau World Cup 2022, và nhiều người vẫn chưa có được vị trí ổn định tại câu lạc bộ, làm dấy lên những lo ngại về khả năng duy trì phong độ đỉnh cao.

Sau World Cup tại Qatar, nội bộ đội tuyển Mỹ cũng gặp nhiều rối ren, điển hình là vụ tranh cãi giữa Giovanni Reyna và HLV Greg Berhalter về cách sử dụng cầu thủ. Tháng 7/2024, ông chính thức bị sa thải sau khi Mỹ bị loại ngay từ vòng bảng Copa America 2024.

Tới tháng 9 cùng năm, HLV Mauricio Pochettino chính thức tiếp quản đội tuyển, mở ra một chương mới cho bóng đá Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là liệu ông có đủ thời gian và điều kiện để xây dựng một đội bóng thực sự trưởng thành trước thềm World Cup 2026 hay không.

6. Serbia

  • Thứ hạng FIFA: 31

Đội tuyển Serbia xếp hạng 21 trên BXH FIFA vào thời điểm diễn ra FIFA World Cup Qatar 2022. Với nhiều cầu thủ thi đấu tại các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, họ từng được kỳ vọng sẽ là “ngựa ô” của giải đấu.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, Serbia đã kết thúc vòng bảng ở vị trí cuối cùng. Nằm cùng bảng G với Thụy Sĩ, Brazil và Cameroon, Serbia chỉ giành được 1 trận hòa và để thua 2 trận, bị thủng lưới tới 6 bàn sau 3 trận đấu.

Họ giành vé tham dự Euro 2024 với vị trí nhì bảng sau Hungary, nhưng một lần nữa phải dừng bước ngay từ vòng bảng tại giải đấu này.

Tổng giá trị đội hình cũng đang trên đà sụt giảm mạnh. Tại World Cup Qatar, tổng giá trị chuyển nhượng của Serbia là 359,5 triệu euro, nhưng đến tháng 3/2025, con số này đã giảm xuống còn 234,1 triệu euro. Dušan Vlahović, tiền đạo số 1 của Serbia, từng được định giá 80 triệu euro, nhưng hiện tại chỉ còn 45 triệu euro.

Việc thiếu hụt tài năng trẻ cũng là một vấn đề lớn. Dù Andrija Maksimović, 17 tuổi, được kỳ vọng là “Messi của Serbia”, nhưng hiện tại anh vẫn chỉ là cầu thủ tiềm năng trong tương lai.

HLV Dragan Stojković, người được bổ nhiệm từ năm 2021, đã tạo nên tiếng vang khi giúp Serbia vượt qua cả Bồ Đào Nha để giành vé tới Qatar World Cup mà không thua trận nào ở vòng loại. Tuy nhiên, năm 2024, ông chỉ giúp Serbia giành được vỏn vẹn 2 chiến thắng trong các trận đấu chính thức, khiến đà tiến bộ trước đó bị mất hút và không cho thấy dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Đội hình Serbia vẫn có những cái tên tài năng, và nếu khai thác đúng, họ vẫn có thể trở thành “ngựa ô” tại World Cup 2026. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thành tích thời gian gần đây, thật khó để đặt kỳ vọng lớn như thời điểm họ đến với World Cup tại Qatar.