Không giống như giải đấu cấp CLB, World Cup chỉ diễn ra 4 năm một lần, và không phải ai cũng may mắn góp mặt, dù sở hữu tài năng kiệt xuất hay sự nghiệp rực rỡ đến đâu. Không thiếu những ngôi sao bóng đá tài năng, góp mặt tại World Cup, đồng thời tỏa sáng và giành chức vô địch, như Messi, Zidane, hay Neuer. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều huyền thoại với sự nghiệp cấp CLB không hề tầm thường, nhưng không có lấy một lần góp mặt ở sân chơi lớn nhất hành tinh.
Hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 10 huyền thoại bóng đá thế giới chưa từng góp mặt tại World Cup.
10 Huyền Thoại Bóng Đá Chưa Từng Góp Mặt Tại World Cup
10. Duncan Edwards (Anh)
Duncan Edwards là một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất trong lịch sử bóng đá Anh, nhưng đáng tiếc chưa từng có cơ hội tham dự một kỳ World Cup nào. Sinh ngày 1 tháng 10 năm 1936 tại Dudley, Anh, ông gia nhập Manchester United năm 1952 và nhanh chóng trở thành trụ cột trong đội hình “Busby Babes” dưới sự dẫn dắt của HLV Matt Busby. Ở tuổi 16, Edwards đã ra mắt đội một và đến năm 18 tuổi, ông trở thành cầu thủ trẻ nhất sau Thế chiến II thi đấu cho đội tuyển Anh.
Trong sự nghiệp ngắn ngủi kéo dài chưa đầy 5 năm, Edwards đã có 177 lần ra sân cho Manchester United, ghi được 21 bàn thắng và cùng đội bóng giành hai chức vô địch First Division (1955–56, 1956–57). Ông cũng có 18 lần khoác áo đội tuyển Anh, ghi 5 bàn thắng và được kỳ vọng sẽ là trụ cột của đội tuyển tại World Cup 1958.
Tuy nhiên, thảm họa hàng không Munich ngày 6 tháng 2 năm 1958 đã cướp đi sinh mạng của Edwards khi ông mới 21 tuổi. Duncan Edwards được nhiều người trong giới bóng đá, bao gồm cả Sir Bobby Charlton, coi là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mà họ từng biết. Sự ra đi của ông không chỉ là mất mát lớn cho Manchester United mà còn cho cả bóng đá Anh, khi một tài năng kiệt xuất chưa kịp tỏa sáng trên sân khấu lớn nhất thế giới – World Cup.
9. Ian Rush (Xứ Wales)
Là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử Liverpool, nhưng Ian Rush lại chưa góp mặt ở bất kì giải đấu World Cup nào trong sự nghiệp của mình.
Trong hai giai đoạn khoác áo Liverpool (1980–1987 và 1988–1996), tiền đạo sinh năm 1961 đã ghi tổng cộng 346 bàn thắng trong 660 trận đấu, trở thành chân sút vĩ đại nhất lịch sử đội bóng thành phố cảng.
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Rush có 73 lần ra sân cho Wales từ năm 1980 đến 1996, ghi được 28 bàn thắng. Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp quốc tế của mình, ông chưa từng được tham dự một kỳ World Cup nào. Nguyên nhân chính là do đội tuyển Wales không thể giành quyền tham dự giải đấu này trong giai đoạn đó.
Sự nghiệp lẫy lừng của Ian Rush là minh chứng cho việc một cầu thủ có thể đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp dù không có cơ hội thi đấu tại sân khấu lớn nhất của bóng đá thế giới.
8. Eric Cantona (Pháp)
Với phong cách thi đấu đầy ngẫu hứng và cái tôi không thể thuần hóa, Cantona không chỉ được xem là biểu tượng của Premier League thập niên 1990, mà còn là nhân vật truyền cảm hứng cho cả một thế hệ cầu thủ tại Anh, đặc biệt trong màu áo Manchester United.
Tài năng là điều không ai phủ nhận ở Cantona, nhưng những lùm xùm, xung đột và án phạt đôi khi đã che mờ ánh sáng sự nghiệp của ông ở cấp độ quốc tế. Dù từng khoác áo tuyển Pháp 45 trận và ghi 20 bàn thắng, Cantona chưa từng góp mặt tại một kỳ World Cup nào – điều được xem là một trong những thiếu sót đáng tiếc nhất của bóng đá Pháp trong thập niên 90.
Giai đoạn Cantona khoác áo đội tuyển cũng là lúc Les Bleus rơi vào thời kỳ chuyển giao khó khăn, khi thế hệ vàng của Michel Platini đã khép lại, còn những Zidane, Henry hay Trezeguet vẫn chưa thực sự trưởng thành. Nội bộ bất ổn, lối chơi thiếu gắn kết cùng những vấn đề về kỷ luật đã khiến Pháp liên tiếp vắng mặt tại các kỳ World Cup 1990 và 1994 – thời điểm Cantona ở đỉnh cao phong độ.
Đặc biệt, án phạt đình chỉ 9 tháng vì cú kung-fu vào CĐV Crystal Palace năm 1995 gần như đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp quốc tế của ông, dù khi đó Cantona vẫn đang là đầu tàu tại Man United. Sau đó không lâu, HLV Aimé Jacquet quyết định gạt Cantona khỏi kế hoạch nhân sự, trao cơ hội cho Zidane, người sau này trở thành huyền thoại của bóng đá Pháp.
Dù không bao giờ được góp mặt tại World Cup, Cantona vẫn là biểu tượng của sự khác biệt và cá tính, một nhân vật vượt khỏi giới hạn bóng đá thuần túy.
7. Gunnar Nordahl (Thụy Điển)
Thụy Điển có thể không phải là một cường quốc bóng đá hàng đầu thế giới, nhưng quốc gia Bắc Âu này vẫn sản sinh ra nhiều cầu thủ kiệt xuất. Trong số đó, Gunnar Nordahl, huyền thoại từng làm mưa làm gió tại Serie A, là một trong những chân sút vĩ đại nhất mà đất nước này từng sản sinh.
Là cây săn bàn vĩ đại nhất trong lịch sử AC Milan, Nordahl ghi đến 221 bàn sau 268 trận cho Rossoneri, và là Vua phá lưới Serie A 5 lần trong 6 mùa liên tiếp từ 1949 đến 1955, một kỳ tích chưa ai có thể vượt qua cho đến nay.
Tuy nhiên, dù có sự nghiệp chói sáng ở cấp độ CLB, Gunnar Nordahl chưa bao giờ được tham dự một kỳ World Cup nào. Nguyên nhân đến từ chính sách của LĐBĐ Thụy Điển thời kỳ đó, vốn không cho phép các cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp ở nước ngoài được triệu tập vào đội tuyển quốc gia.
Năm 1948, Nordahl cùng Thụy Điển giành HCV Olympic London – giải đấu quy tụ nhiều đội tuyển mạnh trước khi World Cup trở thành sân khấu lớn nhất. Cũng chính sau giải đấu này, ông chuyển sang thi đấu cho AC Milan và ngay lập tức phải chấm dứt sự nghiệp quốc tế. Thành tích của ông trong màu áo ĐTQG dừng lại ở con số 33 bàn sau 43 trận – một hiệu suất đáng kinh ngạc nhưng mãi mãi không được nối dài.
Cái giá phải trả cho giấc mơ chinh phục châu Âu là đánh mất cơ hội khoác áo đội tuyển tại World Cup, và Gunnar Nordahl trở thành một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự mâu thuẫn giữa bóng đá nhà nghề và quốc gia trong kỷ nguyên sơ khai của môn thể thao vua. Mãi sau này, chính sách ấy mới được thay đổi – nhưng với Nordahl, cơ hội để góp mặt tại World Cup đã mãi mãi chấm dứt.
Ngày nay, dù không có cơ hội bước ra sân khấu World Cup, những cống hiến cầu thủ sinh năm 1921 trong màu áo AC Milan là đủ để Gunnar Nordahl có chỗ đứng trong danh sách những huyền thoại của bóng đá thế giới.
6. George Weah (Liberia)
George Weah không chỉ là biểu tượng vĩ đại nhất của bóng đá Liberia, mà còn là một trong những huyền thoại của bóng đá thế giới, người đã tạo ra dấu ấn vượt xa sân cỏ. Là cầu thủ châu Phi đầu tiên và duy nhất đến nay đoạt Quả bóng Vàng (Ballon d’Or) vào năm 1995, Weah đã khắc tên mình vào lịch sử khi tỏa sáng trong màu áo AC Milan, PSG và AS Monaco suốt thập niên 90.
Thế nhưng, bất chấp sự nghiệp thi đấu lẫy lừng, George Weah chưa từng một lần được dự World Cup. Ở kì World Cup 2002, đội tuyển Liberia của ông đã rất gần với tấm vé tham dự, song lại vụt mất ở những vòng đấu cuối cùng.
Một suất tham dự World Cup chắc chắn sẽ khiến sự nghiệp của George Weah trở nên “siêu thực” hơn nữa, nhưng kể cả khi thiếu đi cột mốc đó, ông vẫn là biểu tượng toàn cầu về nghị lực, tài năng và sức ảnh hưởng vượt giới hạn bóng đá. Với người dân Liberia và những ai yêu mến bóng đá châu Phi, George Weah luôn là hình mẫu lý tưởng – trên cả tư cách cầu thủ lẫn một người dẫn đường.
5. Valentino Mazzola (Ý)
Valentino Mazzola là một trong những cái tên huyền thoại của bóng đá Ý thời kỳ hậu chiến, người không chỉ là thủ lĩnh của CLB Torino lừng lẫy – “Grande Torino”, mà còn là niềm hy vọng lớn nhất của đội tuyển Ý trong hành trình tái thiết sau Thế chiến II. Thế nhưng, cũng như Duncan Edwards của Anh, Mazzola chưa từng được góp mặt tại World Cup, bởi tan nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của cầu thủ này.
Ngày 4 tháng 5 năm 1949, máy bay chở toàn đội Torino đã gặp tai nạn tại đồi Superga, gần Turin. Tất cả 31 người trên máy bay, bao gồm cầu thủ, ban huấn luyện và thành viên CLB, đều thiệt mạng – trong đó có Valentino Mazzola. Anh mới chỉ 30 tuổi.
Mazzola là thủ quân của đội hình Torino thống trị Serie A với 5 chức vô địch liên tiếp từ 1943 đến 1949. Sự áp đảo của họ lớn đến mức phần lớn đội tuyển Italia thời kỳ đó được hình thành dựa trên chính các cầu thủ Torino. Ngày nay, dù chưa từng bước ra sân trong một kỳ World Cup, tên tuổi của Mazzola vẫn được nhắc đến như một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử calcio, một ngôi sao rực sáng nhưng bị vụt tắt quá sớm vì định mệnh khắc nghiệt.
4. László Kubala (Hungary)
László Kubala là một trong những cầu thủ đặc biệt nhất trong lịch sử bóng đá thế giới – một biểu tượng không chỉ trên sân cỏ mà còn trong bối cảnh chính trị châu Âu thế kỷ 20. Thế nhưng, dù sở hữu một sự nghiệp rực rỡ, thi đấu cho ba đội tuyển quốc gia khác nhau và là huyền thoại vĩ đại của Barcelona, Kubala vẫn chưa từng được ra sân tại một kỳ World Cup nào.
Sinh ra tại Budapest (Hungary) năm 1927, Kubala bắt đầu sự nghiệp quốc tế với đội tuyển quê hương nhưng sớm rơi vào cảnh lưu vong chính trị, buộc phải rời khỏi Đông Âu trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Nhờ các quy định lỏng lẻo thời kỳ đó, ông sau này đã khoác áo cả Tiệp Khắc và Tây Ban Nha, trở thành một trong số rất ít cầu thủ từng thi đấu cho ba đội tuyển quốc gia chính thức.
Sự nghiệp cấp CLB của Kubala bùng nổ khi gia nhập FC Barcelona năm 1950, nơi ông trở thành huyền thoại sống với 193 bàn thắng sau 254 trận đấu và là người đặt nền móng cho thời kỳ hoàng kim đầu tiên của đội bóng xứ Catalan. Tài năng, kỹ thuật, và nhãn quan chiến thuật của ông là vũ khí không thể thay thế ở hàng công Blaugrana.
Tuy nhiên, giấc mơ World Cup mãi mãi là điều dang dở. Dù nhiều lần tiệm cận cơ hội, Kubala luôn bị ngăn cản bởi các yếu tố ngoài chuyên môn – từ bất ổn chính trị, quy định thi đấu phức tạp, cho đến điều cay đắng nhất: chấn thương. Năm 1962, László Kubala đủ tư cách thi đấu cho đội tuyển Tây Ban Nha và được triệu tập vào đội hình chuẩn bị cho World Cup ở Chile, một chấn thương nghiêm trọng đã buộc Kubala rút lui vào phút chót.
Với một cầu thủ từng ghi bàn cho ba đội tuyển, và để lại di sản sâu sắc tại Camp Nou, Kubala là minh chứng cho việc tài năng và lịch sử không phải lúc nào cũng song hành với định mệnh. Việc huyền thoại gốc Hungary không góp mặt tại World Cup sẽ mãi là một sự tiếc nuối với người hâm mộ bóng đá.
3. George Best (Bắc Ireland)
George Best – một trong những cái tên mang tính biểu tượng nhất của bóng đá thế giới – chưa từng được góp mặt tại một kỳ World Cup, và điều đó không phải vì ông thiếu tài năng, mà bởi anh khoác áo một đội tuyển không đủ mạnh để có thể tranh tài tại giải đấu này.
Sinh ra tại Belfast (Bắc Ireland), Best từng thẳng thắn thừa nhận rằng việc đại diện cho Bắc Ireland đồng nghĩa với việc không bao giờ được dự các giải đấu quốc tế lớn. Trong một phát ngôn thẳng thắn nhưng nổi tiếng, anh từng mô tả các trận đấu trong màu áo đội tuyển là “giống như bóng đá giải trí“. Dù vậy, ông vẫn ra sân 37 lần và ghi 9 bàn cho Bắc Ireland từ năm 1964 đến 1977, cho thấy lòng trung thành và sự gắn bó với màu áo quê hương.
Trong màu áo CLB, George Best là huyền thoại bất tử của Manchester United. Anh là người dẫn dắt Quỷ đỏ đến chức vô địch Cúp C1 châu Âu năm 1968. Cũng trong năm đó, Best được trao danh hiệu Quả bóng Vàng, trở thành cầu thủ Bắc Ireland đầu tiên (và duy nhất tính đến nay) nhận được vinh dự này.
Tuy nhiên, sự nghiệp quốc tế của anh luôn bị giới hạn bởi thực lực yếu kém của đội tuyển Bắc Ireland, khi đội bóng này không thể vượt qua vòng loại World Cup trong suốt thời kỳ George Best thi đấu. Phải đến năm 1982, Bắc Ireland mới giành được vé tham dự World Cup, đang tiếc khi đó George Best không thể góp mặt.
Mặc dù chưa từng bước ra sân cỏ World Cup, George Best vẫn là một biểu tượng bất diệt của bóng đá thế giới, là minh chứng cho việc di sản và tầm ảnh hưởng không chỉ được đo bằng số lần góp mặt ở các giải đấu lớn, mà còn bằng cảm xúc và sự kính trọng mà anh để lại trong lòng người hâm mộ.
2. Alfredo Di Stéfano (Tây Ban Nha)
Alfredo Di Stéfano là cái tên mang tính biểu tượng trong lịch sử bóng đá thế giới – một huyền thoại không chỉ của Real Madrid mà còn của cả một thời đại. Dù ngày nay ít ai còn có cơ hội được chứng kiến ông thi đấu bằng mắt thường, nhưng những câu chuyện được kể lại, cùng việc chính Pele từng gọi ông là “cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại”, là quá đủ để khẳng định tầm vóc phi thường của ông.
Thời hoàng kim của cầu thủ sinh năm 1926 gắn liền với Real Madrid, nơi ông cùng đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha thống trị bóng đá châu Âu với 5 chức vô địch Cúp C1 liên tiếp (1956–1960). Ông không chỉ là một tiền đạo sắc bén mà còn là cầu thủ toàn diện, thi đấu hiệu quả ở mọi vị trí trên sân, từ hậu vệ đến tiền vệ và tiền đạo.
Thế nhưng, trớ trêu thay, Di Stéfano chưa từng chơi một phút nào tại World Cup – một trong những nghịch lý lớn nhất trong lịch sử túc cầu. Alfredo Di Stéfano từng khoác áo ba đội tuyển quốc gia khác nhau: Argentina (1947), Colombia (1951–52, không chính thức) và Tây Ban Nha (1957–61), nhờ vào thời kỳ chưa có luật giới hạn quốc tịch thi đấu như hiện tại.
Tuy nhiên, Argentina rút lui khỏi World Cup 1950 và không tham dự 1954, trong khi Tây Ban Nha không vượt qua vòng loại năm 1958. Và khi Di Stéfano cuối cùng cũng được gọi lên tuyển Tây Ban Nha dự World Cup 1962, một chấn thương đã khiến ông phải ngồi ngoài cả giải đấu, nhìn các đồng đội bị loại ngay từ vòng bảng.
Một cầu thủ xuất sắc như Di Stéfano, người từng ghi 216 bàn sau 282 trận cho Real Madrid tại La Liga và là linh hồn của thế hệ Galácticos đầu tiên, lẽ ra phải được tỏa sáng tại sân khấu World Cup. Nhưng bóng đá luôn có những bi kịch như thế, và thiếu vắng World Cup chính là “vết xước” duy nhất trong sự nghiệp lẫy lừng của ông.
Dù vậy, tầm ảnh hưởng của Di Stéfano vượt xa mọi danh hiệu cá nhân, và ông vẫn được ghi nhớ như một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử – một tượng đài mà không cần World Cup vẫn đủ để bất tử với thời gian.
1. Ryan Giggs (Xứ Wales)
Cũng giống như Ian Rush, Ryan Giggs chưa từng có cơ hội đưa đội tuyển Xứ Wales góp mặt ở một kỳ World Cup nào. Dù gắn bó gần trọn sự nghiệp quốc tế với “The Dragons”, thi đấu 64 trận và ghi 12 bàn thắng, nhưng Giggs không thể vượt qua rào cản lớn nhất trong màu áo đội tuyển: tấm vé đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Xứ Wales suốt một thời gian dài luôn chật vật tại vòng loại, thiếu chiều sâu đội hình và thường phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh trong khu vực châu Âu. Ngay cả khi Giggs đang ở đỉnh cao phong độ, với những mùa giải thăng hoa cùng Manchester United, đội tuyển của anh vẫn không đủ thực lực để bứt phá.
Có thời điểm, người hâm mộ hy vọng Giggs có thể chuyển sang thi đấu cho đội tuyển Anh thông qua luật lệ đặc biệt về xuất thân, nhưng tiền vệ sinh năm 1973 luôn trung thành tuyệt đối với quê hương Xứ Wales. Chính điều đó càng khiến việc anh không bao giờ được góp mặt tại World Cup trở nên tiếc nuối hơn, bởi không thể hoàn thiện bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ của mình bằng một lần hiện diện ở sân khấu quốc tế lớn nhất.
Tuy nhiên, sự nghiệp vĩ đại của Ryan Giggs không cần đến World Cup để được công nhận. Anh là cầu thủ có số lần ra sân nhiều nhất lịch sử Manchester United, với 963 trận đấu, giành tới 13 chức vô địch Premier League, 2 Champions League và vô số danh hiệu quốc nội khác. Giggs được xem là một biểu tượng về sự trung thành, đẳng cấp và ổn định hiếm có.