7 CLB Có Nhiều Ngoại Binh Nhất J-League 2025

ngoại binh J-League 2025

Dù sức mạnh của các đội bóng J-League phần lớn đến từ nền tảng cầu thủ nội địa chất lượng và đồng đều, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các ngoại binh trong việc tạo nên sự đột phá về chuyên môn. Những bản hợp đồng quốc tế không chỉ bổ sung sức mạnh cho đội hình mà còn mang lại màu sắc chiến thuật đa dạng, kinh nghiệm quốc tế và khả năng tạo đột biến ở thời điểm then chốt.

Tại J-League 2025, nhiều CLB sở hữu tới 6–7 ngoại binh trong đội hình, trải dài từ các tên tuổi giàu kinh nghiệm đến những tài năng trẻ đầy triển vọng. Vậy đâu là những đội bóng có nhiều ngoại binh nhất tại giải năm nay? Cùng điểm qua danh sách 7 CLB sở hữu nhiều ngoại binh nhất J-League 2025.

7 CLB Sở Hữu Nhiều Ngoại Binh Nhất J-League 2025

1. Yokohama F.Marinos (7 Cầu Thủ)

Yokohama F. Marinos đang là một trong những CLB sở hữu nhiều ngoại binh nhất tại J-League 2025 với tổng cộng 7 cầu thủ. Dẫn đầu về thâm niên là Anderson Lopes, chân sút người Brazil gia nhập từ năm 2022. Anh từng là “sát thủ” số 1 trên hàng công Yokohama F. Marinos, với đỉnh cao là mùa 2024 khi ghi tới 24 bàn và giành danh hiệu Vua phá lưới. Tuy nhiên, phong độ của Lopes ở mùa giải năm nay lại gây thất vọng lớn với chỉ 1 bàn sau 12 trận.

Anderson Lopes là cầu thủ ngoại binh nổi bật nhất của Yokohama F.Marinos.
Anderson Lopes là cầu thủ ngoại binh nổi bật nhất của Yokohama F.Marinos.

Cùng gia nhập Yokohama trong năm 2022, Yan Matheus đã trở thành mũi tấn công không thể thiếu với khả năng khuấy đảo và gây rối hàng thủ đối phương. Hai mùa giải vừa qua, Matheus đều đóng góp đáng kể vào lối chơi của đội (5 bàn, 8 kiến tạo tại J-League 2024; 6 bàn, 11 kiến tạo tại J-League 2023). Tuy vậy, năm nay anh cũng chỉ mới có 2 bàn và 1 kiến tạo sau 12 trận, phần nào phản ánh khó khăn chung của hàng công Yokohama F. Marinos.

Một ngoại binh khác cũng từng rất được kỳ vọng là Eiber. Sau khởi đầu ấn tượng, Eiber đã sa sút đáng kể, chỉ ghi được 2 bàn thắng và 3 kiến tạo ở mùa trước, còn mùa này mới có khoảng 200 phút thi đấu. Sự đóng góp của anh ngày càng mờ nhạt trong bối cảnh cạnh tranh vị trí ngày càng quyết liệt.

Jean Claude, gia nhập Yokohama F.Marinos mùa trước, năm nay đã được ra sân nhiều hơn với 8 trận, nhưng nhìn chung vẫn chưa thể hiện được điểm mạnh về thể chất, thường xuyên để mất bóng và chưa tạo ra nhiều ảnh hưởng ở tuyến giữa.

Sandy Walsh, niềm tự hào của bóng đá Indonesia, dù đến với Yokohama ở tuổi 30 nhưng vẫn chưa thực sự bứt phá tại vị trí hậu vệ phải. Anh mới chỉ có hơn 400 phút thi đấu, chủ yếu vào sân từ ghế dự bị và chưa để lại nhiều dấu ấn rõ nét.

Thomas Deng, bản hợp đồng đầu năm nay, đã có kinh nghiệm tại J-League nhưng giai đoạn đầu phải nghỉ vì chấn thương. Sau khi trở lại, Deng cho thấy sự ổn định với 8 trận và gần 700 phút ra sân, song vẫn cần thêm thời gian để thực sự khẳng định mình trong đội hình chính.

Bản hợp đồng bom tấn Jerson Quionones (giá trị 1,75 triệu Euro) được kỳ vọng gia cố hàng thủ, đã tạo dấu ấn tốt trong 9 trận đầu mùa. Tuy nhiên, kể từ sau vòng 10 J-League 2025, trung vệ này bất ngờ vắng mặt và chưa trở lại thi đấu.

2. Machida Zelvia (7 Cầu Thủ)

Thành công của Machida Zelvia mùa này phần lớn đến từ sức mạnh của dàn nội binh, tuy nhiên trong đội hình của họ vẫn có tới 7 cầu thủ ngoại quốc, với một vài cái tên rất đáng chú ý.

Mitchell Duke là cầu thủ ngoại quốc gắn bó lâu nhất với Machida Zelvia, gia nhập CLB từ năm 2023. Ở mùa giải đầu tiên, tiền đạo người Úc tạo ấn tượng mạnh khi ghi tới 10 bàn và có 6 kiến tạo, trở thành điểm sáng trên hàng công. Thế nhưng, phong độ của Duke đã đi xuống rõ rệt ở mùa này, chỉ mới có hơn 300 phút ra sân và không còn là lựa chọn hàng đầu cho vị trí tiền đạo.

Oh Se-hun là tân binh được Machida Zelvia mua đứt đầu mùa, nhưng thực ra cầu thủ người Hàn Quốc đã khoác áo đội bóng theo dạng cho mượn từ mùa trước. Ở J-League 2024, Oh Se-hun ghi dấu ấn với 8 bàn và 2 kiến tạo sau 33 trận, song mùa này anh cũng đang chật vật tìm lại cảm giác ghi bàn khi chỉ có 1 bàn thắng sau 17 trận.

Byron Vásquez, cầu thủ người Chile, lại không để lại nhiều dấu ấn. Sau 13 trận ra sân mùa trước, anh không còn tên trong danh sách đăng ký của Machida mùa này, chủ yếu do lý do chuyên môn. Nhiều khả năng Byron sẽ rời đội bóng trong kỳ chuyển nhượng tới.

Na Sang-ho, ngoại binh người Hàn Quốc, là một bản hợp đồng khá thành công của Machida Zelvia. Mùa trước, Na Sang-ho có 3 bàn thắng và 2 kiến tạo; mùa này, chỉ sau 14 trận, anh đã san bằng thành tích cá nhân và khẳng định vai trò quan trọng trên hàng công.

Kaung Zan Mara (thủ môn sinh năm 2002) và Je hoon Cha (tiền vệ 19 tuổi) là hai tân binh trẻ được chiêu mộ đầu năm nay. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa có cơ hội ra sân và chưa đóng góp gì nổi bật cho đội bóng.

Cuối cùng, trung vệ Ibrahim Dresevic là điểm tựa vững chắc của Machida Zelvia ở hàng phòng ngự. Gia nhập CLB từ năm ngoái, cầu thủ sinh năm 1997 nổi bật nhờ khả năng đọc tình huống và giữ vị trí tốt, góp phần xây dựng hệ thống phòng ngự kiên cố cho đội bóng sọc xanh đen.

3. Kawasaki Frontale (7 Cầu Thủ)

Với vị thế của một ông lớn tại J-League, Kawasaki Frontale luôn là điểm đến hấp dẫn với nhiều ngoại binh chất lượng. Ở mùa giải năm nay, đội bóng này sở hữu tới 7 cầu thủ nước ngoài trong đội hình, nổi bật trong số đó là những cái tên đang có phong độ cao hoặc có thâm niên gắn bó lâu dài.

Erison là chủ công trên hàng tấn công của Kawasaki Frontale.
Erison là chủ công trên hàng tấn công của Kawasaki Frontale. Ảnh: Getty Images

Gia nhập Kawasaki Frontale đầu năm 2024, tiền đạo Erison nhanh chóng trở thành một trong những cầu thủ đắt giá nhất đội với giá trị chuyển nhượng lên tới 2,2 triệu Euro. Anh ghi 5 bàn sau 14 trận, nổi bật với lối chơi tập thể, mạnh mẽ và rất chịu khó di chuyển. Erison hiện được xem là một trong những quân bài chủ lực trên hàng công của Kawasaki.

Ở tuyến giữa, tiền vệ người Brazil Marcinho là một trong những ngoại binh kỳ cựu nhất của đội bóng áo xanh, khi đã thi đấu gần 5 năm tại Kawasaki. Sau mùa giải trước thăng hoa với 9 bàn và 2 kiến tạo, mùa này Marcinho chỉ mới có một lần lập công, phần nào cho thấy dấu hiệu sa sút.

Trung vệ 31 tuổi Jesiel là cái tên ngoại binh có thời gian gắn bó lâu nhất tại Kawasaki Frontale, từ năm 2019. Tuy nhiên, chấn thương liên miên khiến anh không đóng góp được nhiều, riêng mùa này mới chỉ ra sân vỏn vẹn 2 trận và bỏ lỡ tới 23 trận đấu.

Bộ đôi thủ môn Sung-ryong Jung (40 tuổi) và Geun-Hyeong Lee (18 tuổi) đều là những phương án dự bị trong khung gỗ. Cả hai chưa có nhiều cơ hội ra sân và cũng chưa đóng góp vào thành tích chung của đội bóng ở mùa giải năm nay.

4. Kyoto Sanga (7 Cầu Thủ)

Kyoto Sanga là một trong những đội bóng có phong độ khá cao ở J-League mùa này, với tổng cộng 7 ngoại binh góp mặt trong đội hình, trong đó có một số cái tên rất đáng chú ý. Bộ đôi tiền vệ trẻ Yoon Sung-jun (18 tuổi) và thủ môn Gu Sung-yun là hai nhân tố ngoại mang quốc tịch Hàn Quốc. Yoon Sung-jun được đôn lên từ đội U18 nhưng chưa có nhiều cơ hội thể hiện ở đội một. Trong khi đó, thủ môn Gu Sung-yun – người từng có mùa giải xuất sắc với 32 trận ra sân mùa trước – lại gặp chấn thương và mới chỉ có 2 lần ra sân mùa này.

Ở hàng công, tiền đạo Rafael Elias là bản hợp đồng thực sự thành công của Kyoto Sanga. Gia nhập đội bóng giữa mùa giải năm ngoái, anh nhanh chóng tạo dấu ấn với 11 bàn và 1 kiến tạo sau chỉ 15 trận. Sang mùa này, Rafael Elias tiếp tục tỏa sáng khi đã có 8 bàn thắng và 4 kiến tạo chỉ sau 15 lần ra sân, trở thành người hùng đưa Kyoto Sanga bay cao trên BXH.

Một tiền đạo khác là Marco Túlio, gia nhập đầu mùa trước, từng có khởi đầu ấn tượng với 3 bàn và 6 kiến tạo sau 29 trận. Tuy nhiên, mùa này anh đang có dấu hiệu sa sút khi chỉ mới có 1 bàn sau 6 trận đấu.

Ở hành lang cánh, Murilo de Souza – cầu thủ người Brazil – lại không thực sự hạnh phúc tại Kyoto. Sau nửa mùa giải trước chỉ chơi 73 phút, năm nay anh có thêm 194 phút thi đấu nhưng vẫn chưa ghi dấu ấn về bàn thắng hay kiến tạo.

Joao Pedro là tân binh đến dưới dạng cho mượn từ đầu năm và được trao không ít cơ hội ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Dù vậy, anh vẫn chưa thể thích nghi hoàn toàn với môi trường mới khi chưa lần nào được thi đấu trọn vẹn 90 phút.

Ở hàng thủ, trung vệ 27 tuổi Patrick William cũng là một trong những bản hợp đồng mới của Kyoto Sanga mùa này. Anh đã có 13 lần ra sân tại J-League và phần nào thể hiện được phẩm chất cũng như sự chắc chắn của mình nơi tuyến dưới.

5. Vissel Kobe (6 Cầu Thủ)

Nhà đương kim vô địch J-League Vissel Kobe hiện có tổng cộng 6 ngoại binh trong đội hình, với sự kết hợp giữa những cầu thủ giàu kinh nghiệm và các tân binh tiềm năng. Tuy nhiên, đóng góp của nhóm cầu thủ này cho mùa giải 2025 vẫn còn khá chênh lệch.

Thủ môn trẻ Richard Monday Ubong, mới 19 tuổi, là tân binh được chiêu mộ từ một đội bóng đại học. Dù được đánh giá khá cao, nhưng thủ thành người Nigeria vẫn chưa ra sân lần nào ở đội một.

Trung vệ người Brazil Caetano, được đưa về đầu mùa với mức giá 2 triệu Euro, mới chỉ có 3 lần đá chính và liên tục vắng mặt trong những vòng đấu gần đây. Sự hòa nhập chậm cùng hạn chế về phong độ anh chưa thể đáp ứng kỳ vọng của ban huấn luyện.

Trong khi đó, một trung vệ Brazil khác là Thuler vẫn đang là trụ cột ở hàng thủ Vissel Kobe. Anh góp mặt đều đặn trong đội hình xuất phát và tiếp tục là mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng ngự giúp đội bóng duy trì sự ổn định ở J-League.

Thuler là trung vệ quan trọng ở hàng thủ Vissel Kobe.
Thuler là trung vệ quan trọng ở hàng thủ Vissel Kobe.

Klismahn – cầu thủ tấn công người Brazil đến theo dạng cho mượn – lại chưa để lại dấu ấn rõ rệt. Do chấn thương và chưa thích nghi với môi trường mới, anh chỉ có 75 phút thi đấu ở mùa này và không có đóng góp nào nổi bật.

Jean Patrick, cầu thủ chạy cánh từng được kỳ vọng khi gia nhập từ năm 2023, đang dần bị lãng quên. Trong hai mùa giải liên tiếp, thời lượng thi đấu của anh không vượt quá 900 phút mỗi mùa. Ở mùa giải 2025, anh mới ra sân 97 phút và chưa để lại bất kỳ dấu ấn nào đáng chú ý.

Trái ngược với sự mờ nhạt của phần lớn ngoại binh, Erik lại đang cho thấy giá trị thực sự. Gia nhập từ Machida Zelvia, tiền đạo người Brazil nhanh chóng hòa nhập và trở thành mũi nhọn nguy hiểm trên hàng công nhờ khả năng đi bóng kỹ thuật và chọn vị trí thông minh. Sau 10 trận ra sân mùa này, Erik đã có 3 bàn thắng cùng 2 kiến tạo, là một trong những nhân tố tấn công hiệu quả nhất của Vissel Kobe hiện tại.

6. Cerezo Osaka (6 Cầu Thủ)

Tổng cộng 6 ngoại binh đang góp mặt trong đội hình Cerezo Osaka ở J-League 2025, với nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Jaroensak Wonggorn là cái tên gây chú ý bởi đến từ Thái Lan – quốc gia không thường xuyên có cầu thủ chơi ở J-League. Tuy nhiên, sự chênh lệch về chuyên môn khiến hậu vệ từng chơi tại Thai League này vẫn chưa có bất kỳ lần ra sân nào tại J-League mùa này.

Thủ thành kỳ cựu Jin-hyeon Kim – người đã gắn bó với Cerezo từ năm 2009 – từng là lựa chọn số một trong khung gỗ suốt nhiều năm. Dù vậy, mùa giải năm nay chứng kiến sự suy giảm rõ rệt về vai trò của anh, khi mới chỉ bắt chính 8 trận và hiện đã mất vị trí vào tay một thủ môn trẻ hơn.

Lucas Fernandes là một trong những cầu thủ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong đội hình Cerezo Osaka lúc này. Gia nhập từ Sapporo, tiền vệ người Brazil thi đấu nổi bật ở hành lang cánh phải. Mùa trước anh có 3 bàn và 10 kiến tạo sau 35 trận, còn năm nay thậm chí ấn tượng hơn với 9 kiến tạo và 2 bàn chỉ sau 17 trận – trở thành một phần không thể thiếu trong lối chơi của đội bóng áo hồng.

Ngược lại, Vitor Bueno lại đang gặp khó khăn trong việc hòa nhập với hệ thống chiến thuật mới. Là mẫu tiền vệ công cần nhiều bóng để tổ chức, anh mới có 184 phút ra sân mùa này và chưa đóng góp gì rõ rệt, cho thấy dấu hiệu sa sút khá rõ.

Tân binh Rafael Ratão – đến theo dạng cho mượn – lại đang tạo ấn tượng mạnh. Với 6 bàn thắng và 2 kiến tạo sau 17 trận, tiền đạo người Brazil đang chứng minh giá trị và nhiều khả năng sẽ được Cerezo mua đứt nếu duy trì phong độ như hiện tại.

Trái ngược với Ratão, Thiago Andrade lại có màn trình diễn khá mờ nhạt. Dù sở hữu tốc độ và kỹ thuật tốt, nhưng cầu thủ chạy cánh này vẫn chưa thể tạo đột biến trước các hàng thủ J-League. Với chỉ 2 bàn thắng và 1 kiến tạo sau 14 trận, phần lớn bị rút ra sớm, tương lai của anh tại Cerezo đang trở nên không chắc chắn.

7. Yokohama FC (6 Cầu Thủ)

Với đội hình lên tới 42 cầu thủ, Yokohama FC sở hữu 6 ngoại binh – và tất cả đều đến từ Brazil, phản ánh xu hướng sử dụng cầu thủ Nam Mỹ của đội bóng này. Dù vậy, đóng góp của nhóm ngoại binh là khá chênh lệch.

Trong khung gỗ, thủ môn Phelipe Megiolaro chỉ được xem là phương án dự bị và mới có duy nhất một lần ra sân chính thức từ đầu mùa. Tương tự, trung vệ Léo Bahia thậm chí vẫn chưa có trận đấu nào cho đội bóng tính đến thời điểm hiện tại.

Ngược lại, tiền vệ phòng ngự Yuri Lara là ngoại binh có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Là trụ cột tuyến giữa và thường xuyên mang băng đội trưởng trong suốt ba mùa giải gần đây, Yuri không chỉ đóng vai trò then chốt trong kiểm soát thế trận mà còn là thủ lĩnh tinh thần trong phòng thay đồ của Yokohama FC.

Tân binh João Paulo khởi đầu mùa giải 2025 khá ấn tượng, cho thấy phẩm chất kỹ thuật cao trong những trận đầu. Tuy nhiên, chấn thương nặng từ tháng 3 đã khiến anh phải nghỉ thi đấu dài hạn, làm gián đoạn quá trình hòa nhập và ảnh hưởng đến chiều sâu đội hình của Yokohama.

Trên hàng công, Michel – một tiền đạo Brazil khác – chỉ có vỏn vẹn 7 phút thi đấu từ đầu mùa, gần như không để lại dấu ấn gì đáng kể.

Ngược lại, Lukian là cái tên đang nhận được nhiều kỳ vọng từ ban huấn luyện. Sau 11 lần ra sân, anh ghi được 2 bàn thắng. Dù hiệu suất không quá ấn tượng, nhưng cầu thủ sinh năm 1991 cho thấy giá trị ở khả năng phối hợp và làm tường, giúp hàng công Yokohama FC vận hành hiệu quả hơn.