11 CLB Từng Vô Địch J-League Trong Lịch Sử

11 CLB Từng Vô Địch J-League Trong Lịch Sử

Ra đời vào năm 1993, J-League đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử bóng đá Nhật Bản, khi chuyển mình từ giải bán chuyên sang chuyên nghiệp hoàn toàn. Trải qua hơn 30 mùa giải với nhiều thay đổi về thể thức và quy mô, giải J-League trở thành sân chơi lớn cho những câu lạc bộ xuất sắc nhất Nhật Bản phô diễn sức mạnh.

Tính đến nay, đã có 11 CLB khác nhau từng bước lên bục vinh quang, mỗi đội bóng đều để lại dấu ấn riêng trong từng giai đoạn phát triển của giải đấu. Hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 11 CLB từng vô địch J-League trong lịch sử giải đấu.

11 Đội Bóng Từng Vô Địch J-League

1. Urawa Red Diamonds (2006)

Là một trong những CLB lâu đời và có lượng người hâm mộ đông đảo nhất Nhật Bản, Urawa Red Diamonds, tiền thân là Mitsubishi Urawa Football Club, được thành lập cách đây hơn 75 năm. Tuy nhiên, đội bóng này mới chỉ một lần duy nhất đăng quang tại J-League 1, đó là mùa giải 2006.

Urawa Red Diamonds mới chỉ có duy nhất một lần vô địch trong lịch sử J-League.
Urawa Red Diamonds mới chỉ có duy nhất một lần vô địch trong lịch sử J-League. Ảnh: jleague.co

Sau khi chính thức đổi tên thành Urawa Reds vào năm 1996, CLB thi đấu không quá nổi bật và thường xuyên chỉ xếp giữa bảng xếp hạng. Thậm chí vào năm 2000, Urawa Reds cũng đã phải xuống chơi ở giải hạng hai, đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử đội bóng.

Mọi chuyện nhanh chóng khởi sắc với đội bóng áo đỏ. Họ liên tiếp về nhì vào các năm 2004, 2005 và 2007, đồng thời giành được chức vô địch J-League duy nhất trong lịch sử vào năm 2006. Năm đó cũng là cột mốc đặc biệt khi họ giành thêm cúp Hoàng đế và chức vô địch AFC Champions League, đưa tên tuổi Urawa lên tầm châu lục. Số lượng khán giả trung bình tại sân Saitama 2002 lên tới hơn 45.000 người mỗi trận khi đó, cao thứ 3 trong lịch sử đội bóng.

Kể từ sau năm 2006, Urawa Reds tuy vẫn có thành tích tốt ở đấu trường châu Á và các giải cúp, nhưng họ không còn là ứng cử viên thực thụ cho chức vô địch J-League, bởi phong độ trồi sụt và những bất ổn trên hàng ghế chỉ đạo.

2. Nagoya Grampus (2010)

Là một trong 10 đội bóng sáng lập J-League vào năm 1993, Nagoya Grampus mang đậm dấu ấn lịch sử và truyền thống. Tuy chỉ mới một lần lên ngôi tại J-League 1, đội bóng này vẫn luôn là cái tên được nhiều người hâm mộ nhắc đến, đặc biệt là giai đoạn được dẫn dắt bởi những HLV tên tuổi.

Năm 1996 là năm mà Nagoya Grampus (khi đó còn mang tên “Nagoya Grampus Eight”) được dẫn dắt bởi Arsène Wenger, chiến lược gia người Pháp sau này trở thành huyền thoại của Arsenal. Dưới sự chỉ đạo của ông, đội bóng về nhì tại J-League, thành tích tốt nhất mà CLB có thể đạt được trong giai đoạn đó.

Mãi đến năm 2010, dưới sự dẫn dắt của HLV Dragan Stojkovic, Nagoya Grampus mới thực sự chạm tay vào vinh quang. Với dàn cầu thủ xuất sắc như Marcus Tulio Tanaka, Mu Kanazaki, Seigo Narazaki, Yoshizumi Ogawa, Keiji Tamada và Joshua Kennedy, đội bóng áo đỏ giành chức vô địch J-League 1 với 72 điểm, bỏ xa đội á quân Gamba Osaka tới 10 điểm.

Tuy nhiên, sau chức vô địch lịch sử, Nagoya Grampus sa sút rõ rệt, thậm chí phải xuống hạng vào năm 2017. Họ nhanh chóng trở lại J-League 1 nhưng chưa thể tìm lại ánh hào quang xưa. Thành tích tốt nhất trong thời gian gần đây là vị trí thứ ba tại mùa giải 2020.

3. Kashiwa Reysol (2011)

Thành lập từ năm 1940, Kashiwa Reysol là một trong những đội bóng lâu đời nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, kể từ khi gia nhập J-League vào năm 1992, đội bóng áo vàng-đen mới chỉ một lần duy nhất chạm tay vào ngôi vương của giải đấu hàng đầu Nhật Bản.

Lần gần nhất Kashiwa Reysol vô địch J-League đã cách đây hơn một thập kỉ.
Lần gần nhất Kashiwa Reysol vô địch J-League đã cách đây hơn một thập kỉ. Ảnh: Jleague

Ở những mùa giải đầu tiên tại J-League, Kashiwa từng gây ấn tượng khi kết thúc ở vị trí thứ 3 trong hai năm liên tiếp (1999 và 2000). Nhưng sau đó, đội bóng dần sa sút và phần lớn chỉ được xếp vào nhóm trung bình khá, thậm chí phải xuống hạng hai lần vào các năm 2006 và 2010.

Điều kỳ diệu xảy ra vào năm 2011. Ngay sau khi thăng hạng trở lại, Kashiwa Reysol lập tức giành chức vô địch J-League, trở thành CLB Nhật Bản đầu tiên trong lịch sử vô địch cả J2 và J1 League trong hai mùa liên tiếp.

Chức vô địch năm đó còn giúp Kashiwa Reysol giành suất tham dự FIFA Club World Cup 2011 với tư cách là nhà vô địch quốc gia của nước chủ nhà. Họ tạo bất ngờ khi lọt vào bán kết sau khi lần lượt đánh bại Auckland City và Monterrey, trước khi dừng bước ở vòng đấu dành cho 4 đội mạnh nhất.

Từ sau mùa giải lịch sử 2011, Kashiwa Reysol dù vẫn là một đối thủ khó chịu nhưng chưa bao giờ thực sự trở thành ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch J-League. Họ giành thêm một số danh hiệu quốc nội, nhưng không có phong độ ổn định ở cuộc đua J-League.

4. Tokyo Verdy (1993,1994)

Tokyo Verdy được thành lập vào năm 1969 và đã trải qua thời kỳ hoàng kim kéo dài từ năm 1983 đến 1994. Giai đoạn này, khi còn hoạt động dưới tên gọi Verdy Kawasaki, đội bóng đã thống trị bóng đá Nhật Bản với loạt danh hiệu ấn tượng.

Họ đăng quang chức vô địch J-League liên tiếp vào các năm 1993 và 1994. Ngoài ra, Tokyo Verdy còn giành 3 chức vô địch J-League Cup liên tiếp từ 1992 đến 1994, trở thành một trong nhưng CLB mạnh nhất J-League thời bấy giờ.

Tuy nhiên, sau khi về nhì ở mùa giải 1995, Tokyo Verdy bắt đầu trượt dài. Những mùa giải tiếp theo chứng kiến đội bóng liên tục chỉ xếp giữa bảng xếp hạng và dần đánh mất vị thế trong cuộc đua vô địch. Sự tụt dốc này kéo dài suốt nhiều năm, và đỉnh điểm là mùa giải 2009, họ phải xuống chơi tại J-League 2.

Phải mất hơn một thập kỷ thi đấu ở giải hạng dưới, Tokyo Verdy mới có thể quay trở lại sân chơi cao nhất Nhật Bản, mang theo hy vọng tái thiết và tìm lại ánh hào quang đã mất.

5. Gamba Osaka (2005, 2014)

Gamba Osaka lần đầu góp mặt tại J-League ngay từ mùa giải khai mạc năm 1993. Tuy nhiên, phải đến mùa giải 2005, Gamba Osaka mới giành chức vô địch J-League đầu tiên, trong một kịch bản đầy kịch tính.

Ở vòng đấu cuối cùng mùa giải 2005, có tới 5 đội bóng còn cơ hội lên ngôi vô địch. Gamba buộc phải giành chiến thắng và trông chờ đối thủ cùng thành phố, Cerezo Osaka, mất điểm. Cuối cùng, Gamba đánh bại Kawasaki Frontale 4–2, trong khi Cerezo bị FC Tokyo gỡ hòa ở phút cuối, qua đó chính thức vô địch trong sự hân hoan.

Sau chức vô địch 2005, Gamba Osaka tiếp tục thuộc nhóm những CLB cạnh tranh cho chức vô địch. Tuy nhiên, đến năm 2012, đội bóng bất ngờ xuống hạng, dù ghi nhiều bàn nhất giải và có hiệu số bàn thắng bại dương. Đây cũng là đội bóng tụt hạng nhanh nhất sau khi từng vô địch AFC Champions League và dự FIFA Club World Cup, chỉ sau 4 năm.

Chỉ một năm sau, Gamba Osaka nhanh chóng trở lại, giành ngôi vô địch J-League 2 mùa 2013 và thăng hạng ngay lập tức. Một năm sau, họ đi vào lịch sử với cú ăn ba thần thánh: J-League 1, Cúp Hoàng đế và J-League Cup. Gamba trở thành đội bóng thứ hai sau Kashima Antlers đạt được kỳ tích này.

Dù không còn ở đỉnh cao như giai đoạn 2014–2015, Gamba Osaka hiện vẫn là một trong những đội bóng có thực lực và luôn nằm trong nhóm cạnh tranh vị trí dẫn đầu J-League.

6. Vissel Kobe (2023,2024)

Vissel Kobe từng là đội bóng ngụp lặn ở nhóm cuối bảng, nhưng nhờ chiến lược đầu tư đúng đắn, họ đã vươn mình trở thành một trong những thế lực hàng đầu J-League với 2 chức vô địch liên tiếp vào các năm 2023 và 2024.

Vissel Kobe là cái tên mới nhât vô địch J-League.
Vissel Kobe là cái tên mới nhât vô địch J-League. Ảnh: Vissel Kobe

CLB có trụ sở tại thành phố Kobe chính thức gia nhập J-League từ mùa giải 1997, nhưng trong suốt hơn một thập kỷ đầu, Vissel Kobe thi đấu chật vật, chủ yếu quanh quẩn ở nhóm cuối bảng. Họ từng xuống hạng vào năm 2006, rồi lên hạng ngay mùa sau, trước khi tiếp tục tụt xuống J2 League lần nữa vào năm 2013.

Bước ngoặt thực sự đến vào năm 2014, khi tập đoàn thương mại điện tử Rakuten chính thức mua lại CLB. Rơi vào tay chủ mới, Vissel Kobe bắt đầu một kỷ nguyên đầu tư mạnh mẽ. Đội bóng mang về hàng loạt ngôi sao từng chơi bóng ở châu Âu, tiêu biểu như, Lukas Podolski, Andrés Iniesta, David Villa.

Sự hiện diện của những cái tên này không chỉ giúp nâng cao chuyên môn đội hình mà còn mang đến giá trị thương hiệu lớn cho CLB. Thành quả đầu tiên đến vào năm 2019, khi Vissel Kobe giành chức vô địch Cúp Hoàng đế Nhật Bản, đánh dấu danh hiệu quốc nội đầu tiên trong lịch sử đội bóng.

Sau đó, đội bóng xứ cảng về đích thứ 3 J-League 2021, trước khi thực sự bùng nổ với cú đúp danh hiệu J.League liên tiếp vào các mùa 2023 và 2024. Đây là thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử CLB, biến Vissel Kobe từ một đội bóng tầm trung trở thành ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch mỗi mùa giải.

7. Júbilo Iwata (1997, 1999, 2002)

Với 3 chức vô địch J-League trong giai đoạn 1997–2002, Júbilo Iwata từng là một trong những thế lực mạnh mẽ nhất của bóng đá Nhật Bản. Tuy nhiên, hơn hai thập kỷ sau ánh hào quang đó, CLB hiện đang vật lộn để tìm lại hình ảnh của chính mình.

Được thành lập từ năm 1972 với tên gọi Yamaha FC, Júbilo Iwata chính thức ghi dấu ấn ở J-League từ thập niên 1990, sau khi đã từng vô địch giải VĐQG Nhật Bản (JSL) vào năm 1987.

Giai đoạn đỉnh cao nhất của đội bóng đến từ thành phố Iwata kéo dài từ năm 1997 đến 2003, khi họ sở hữu một lứa cầu thủ Nhật Bản đầy tài năng và trung thành, không phụ thuộc vào ngoại binh.

Trong khoảng thời gian này, Jubilo vô địch J-League 3 lần (1997, 1999, 2002), 3 lần về nhì (1998, 2001, 2003), đồng thời cũng vô địch AFC Champions League 1999 và lập hàng loạt các kỉ lục khác nhau.

Tuy nhiên, kể từ sau chức vô địch Cúp Hoàng đế năm 2003, đội hình chủ lực dần bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp. Júbilo bắt đầu sa sút, liên tục thăng hạng, rớt hạng, và chưa cho thấy được sự trở lại của mình.

8. Sanfrecce Hiroshima

Năm 1992, khi J-League được thành lập, Sanfrecce Hiroshima chính thức trở thành một phần của “Original Ten” – 10 đội sáng lập J-League. Tuy vậy, đội bóng phải chờ đến tận mùa giải 2012 mới lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch J-League, mở ra một kỷ nguyên thành công bậc nhất trong lịch sử CLB.

Dưới sự dẫn dắt của HLV Hajime Moriyasu, Sanfrecce Hiroshima giành chức vô địch J1 League đầu tiên trong lịch sử vào năm 2012, với 64 điểm. Chỉ một năm sau đó, đội bóng áo tím bảo toàn thành công danh hiệu vô địch, sau màn lội ngược dòng lịch sử trước Yokohama F.Marinos.

Năm 2015, Sanfrecce tiếp tục lên ngôi, giành danh hiệu J-League thứ 3 trong 4 năm, đồng thời về thứ ba tại FIFA Club World Cup.

Ở những năm tiếp theo, đội bóng trải qua nhiều thăng trầm nhất định. Mặc dù vậy, Sanfrecce đã lấy lại hình ảnh huỷ diệt của mình, khi về nhì ở J-League 2024 dưới thời HLV Michael Skibbe. Tại J-League 2025, Sanfrecce Hiroshima hứa hẹn tiếp tục là một ứng cử viên nặng kí cho chức vô địch.

9. Kawasaki Frontale (2017, 2018, 2020, 2021)

Kawasaki Frontale là một trong những CLB thành công nhất J-League ở thập kỷ qua, với 4 lần vô địch trong giai đoạn 2017–2021. Tuy nhiên, hành trình đi đến đỉnh cao của đội bóng này không hề dễ dàng.

Sanfrecce Hiroshima đang là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu J-league 2025.
Sanfrecce Hiroshima đang là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu J-league 2025. Ảnh: Sanfecce

Tiền thân là Fujitsu Soccer Club, Frontale gia nhập J-League từ hạng hai vào năm 1999 và ngay lập tức thăng hạng, nhưng bị rớt xuống chỉ sau một mùa. Mãi đến năm 2000, họ mới trở lại J1, rồi tiếp tục trải qua một chuỗi năm trồi sụt trước khi bùng nổ từ năm 2017 trở đi.

Kawasaki Frontale chính thức bước vào kỷ nguyên vàng với chức vô địch J-League 2017, sau 16 năm kể từ lần đầu lên hạng. Kể từ đó, đội chủ sân Todoroki Sports Park liên tục thống trị J-League ở các năm tiếp theo. Năm 2018, họ bảo vệ thành công ngôi vương. Năm 2020, Kawasaki Frontale vô địch J-League với 83 điểm, bỏ xa đội nhì bảng tới 17 điểm. Năm 2021, Kawasaki tiếp tục lên ngôi với hàng loạt kỉ lục: nhiều điểm nhất (92 điểm), ít thua nhất (2 trận), bất bại sân nhà cả mùa.

Ở những năm tiếp theo, đội bóng liên tục bán những tài năng sáng giá nhất của mình hư Kaoru Mitoma hay Ao Tanaka. Dù vậy, CLB vẫn thi đấu khá ấn tượng với các danh hiệu cúp quốc nội thời gian gần đây.

10. Yokohama F.Marinos (1995, 2003, 2004, 2019, 2022)

Yokohama F. Marinos là một trong những CLB thành công nhất trong lịch sử bóng đá Nhật Bản, với 5 chức vô địch J-League, một loạt danh hiệu quốc nội và những lần chinh chiến tại AFC Champions League.

Năm 1995, đội chủ sân Nissan, khi đó vẫn còn tồn tại dưới cái tên cũ Yokohama Marinos, có lần đầu tiên vô địch J-League với số điểm 52, đánh bại Kawasaki Verdy với số điểm sít sao là 49.

Năm 1999, Yokohama Marinos sáp nhập với Yokohama Flügels và chính thức trở thành Yokohama F. Marinos. Mặc dù gặp nhiều phản ứng từ phía CĐV Flügels, đội bóng vẫn duy trì hoạt động ổn định và từng bước gặt hái thành công. Dưới sự dẫn dắt của HLV Takeshi Okada, Yokohama F. Marinos tiếp tục có thêm hai chức vô địch J-League liên tiếp vào các năm 2003 và 2004.

Từ 2005 đến 2018, Marinos không giành được danh hiệu lớn nào, dù có sự trở lại của huyền thoại Shunsuke Nakamura. Tuy nhiên, sự xuất hiện của HLV Ange Postecoglou vào năm 2018 đã mang lại làn gió mới. Năm 2019, đội bóng giành chức vô địch J-League lần thứ tư, chấm dứt 15 năm khô hạn danh hiệu.

Sau khi Postecoglou chuyển sang Celtic, HLV Kevin Muscat tiếp quản và đưa Yokohama F. Marinos lên ngôi J-League 2022, đánh dấu chức vô địch thứ 5 trong lịch sử CLB. Cùng năm đó, đội bóng cũng lọt vào vòng 16 đội AFC Champions League.

Dẫu vậy, mọi chuyện trở nên xấu đi với Yokohama F.Marinos, khi đội bóng này thi đấu bết bát ở J-League 2025 và đứng trước khả năng xuống hạng lần đầu tiên trong lịch sử.

11. Kashima Antlers (1996, 1998, 2000, 2007, 2008, 2009)

Sở hữu 8 chức vô địch J-League, cùng hàng loạt danh hiệu quốc nội và châu lục, Kashima Antlers đã trở thành CLB thành công nhất trong kỷ nguyên bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản.

Tiền thân của Kashima Antlers là Sumitomo Metal Industries FC, thành lập năm 1947 tại Osaka, sau đó chuyển đến Kashima vào năm 1975. Đội từng thi đấu tại Japan Soccer League, nhưng không để lại nhiều dấu ấn cho đến khi J-League ra đời vào năm 1993.

Năm 1996, Kashima Antlers có lần đầu tiên vô địch J-League, lên ngôi với 66 điểm, hơn đội xếp thứ hai là Nagoya Grampus 3 điểm. Họ tiếp tục làm được điều tương tự ở J-League 1998.

Dưới ảnh hưởng của huyền thoại Zico, người giữ vai trò HLV và cố vấn trong những năm đầu, Kashima xây dựng một nền tảng kỹ thuật vững chắc, đậm chất Nam Mỹ. Đến năm 2000, Kashima Antlers đi vào lịch sử với tư cách CLB đầu tiên có cú ăn ba, bao gồm: J-League, Cúp Liên đoàn và Cúp Hoàng đế.

Từ 2007 đến 2009, Kashima tiếp tục thiết lập kỷ lục với 3 chức vô địch J-League liên tiếp, cùng nhiều danh hiệu quốc nội khác như Cúp liên đoàn và cup Hoàng đế. Tổng cộng, Kashima Antlers có đến 20 danh hiệu quốc nội trong vòng chưa tới 25 năm.

Kể từ đó, Kashima Antlers dù liên tục lên xuống thất thường về mặt phong độ, nhưng vẫn luôn được xem là ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vương. Tại J-League 2025, Kashima Antlers trải qua một mùa giải khá tốt khi nằm trong nhóm dẫn đầu và tràn trề hy vọng vô địch.