Đã 32 năm kể từ khi J-League được thành lập và trở thành giải đấu chất lượng hàng đầu châu Á. Không chỉ là sân khấu nâng tầm những cầu thủ quốc nội, J-League còn là điểm đến chất lượng cho những cầu thủ quốc tế muốn thử sức ở châu Á.
Mặc dù giải đấu cấp độ cao nhất Nhật Bản không hề thiếu những ngoại binh đã làm nên tên tuổi, J-League cũng chứng kiến rất nhiều ngoại binh cập bến với những kì vọng để rồi ra đi “không kèn không trống” với bảng thành tích kém cỏi. Hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua 6 cầu thủ ngoại binh tệ nhất lịch sử J-League.
6 Ngoại Binh Tệ Nhất Lịch Sử J-League
1. Beto (Tiền Vệ)
- Câu Lạc Bộ: Consadole Sapporo, Sanfrecce Hiroshima
- Thành tích: 55 trận, 3 bàn, 0 kiến tạo
Beto là một cựu cầu thủ người Brazil từng có thời gian được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Ông chơi cho 2 CLB tại J-League và không quá thành công ở cả 2.
Năm 2003, sau khi chơi bóng tại Flamengo và Fluminense tại Brazil, Beto gia nhập Sapporo, khi đó vừa xuống hạng J-League 2 và được kì vọng sẽ trở thành niềm hy vọng của đội bóng. Tuy nhiên, nỗi nhớ nhà khiến cho cựu cầu thủ sinh năm 1972 không thể hòa nhập được với đội bóng và sớm bật bãi chỉ sau 5 tháng gia nhập Sapporo với vỏn vẹn 7 lần ra sân.
Năm 2004, Beto một lần nữa quay trở lại J-League. Lần này, ông khoác áo Sanfrecce Hiroshima, thay thế cho một ngoại binh khác vừa mới rời đội. Sau hai năm rưỡi, cầu thủ này có cho mình 55 lần ra sân. Tháng 9 năm 2006, Beto bị bắt vì tội hành hung, buộc Hiroshima ngay lập tức kết thúc hợp đồng và sa thải, chấm dứt quãng thời gian ngắn ngủi trên đất Nhật Bản.
2. Thiago Galhardo (Tiền Đạo)
- Câu Lạc Bộ: Albirex Niigata
- Thành tích: 23 trận, 3 bàn, 1 kiến tạo
Năm 2017, Thiago Galhardo được trải nghiệm J-League trong màu áo Albirex Niigata dới dạng cho mượn. Tuy vậy, anh vẫn được CLB đánh giá cao, xem là hạt nhân của đội bóng, thậm chí được trao chiếc áo số 10 danh giá.
Để đáp lại kì vọng của đội bóng, Thiago Galhardo thể hiện thái độ và cách hành xử thiếu chuyên nghiệp. Trong một trận đấu dành cho những cổ động viên đang chống chọi với bệnh tật, Thiago Galhardo lại tạo điểm nhấn cho mình bằng cách…chọn một kiểu tóc lập dị không giống ai. Cầu thủ này cũng thường xuyên tiệc tùng trong quá trình thi đấu cho đội bóng, dẫn đến việc bỏ lỡ các buổi tập vì thể trạng đi xuống. Thiago Galhardo cũng được cho là thường xuyên va chạm, vào bóng thô bạo với các đồng đội và các cầu thủ trẻ trên mức cần thiết.
Những đóng góp của Thiago Galhardo cho Albirex Niigata cũng không mấy ấn tượng. Với chỉ 3 bàn thắng và 1 kiến tạo sau 23 trận, anh không thể giúp CLB của mình trụ hạng thành công. Ngay sau đó, cầu thủ sinh năm 1989 cũng rời Albirex Niigata và trở về Brazil.
3. Edmundo (Tiền Đạo)
- Câu Lạc Bộ: Tokyo Verdy, Urawa Red Diamonds
- Thành tích: 31 trận, 18 bàn, 0 kiến tạo
Là thành phần của đội tuyển Brazil ở giai đoạn 1992, Edmundo từng được cho là đủ khả năng để đứng ngang hàng với những Bebeto, Rivaldo hay Romario, những huyền thoại của bóng đá Brazil ở thời điểm đó. Lối chơi của Edmundo cũng đặc biệt đến mức người ta gọi ông với biệt danh “The Beast”.
Dù lắm tài, nhưng Edmundo cũng nhiều tật. Khi còn khoác áo Fiorentina, cầu thủ sinh năm 1971 từng chỉ trích HLV của mình vì thay ông ra giữ trận. Bên cạnh đó, ông còn tỏ thái độ thiếu chuyên nghiệp khi rời đội để tham dự lễ hội Rio Carnival khi Fiorentina đang đua vô địch ở Serie A. Edmundo còn từng dính vào một vụ tai nạn gây chết người do lái xe khi say rượu.
Năm 2001, Edmundo gia nhập Tokyo Verdy dưới dạng chuyển nhượng tự do. Ở mùa giải đầu tiên, ông ghi 2 bàn trong 5 trận, giúp CLB này trụ lại J-League. Sang mùa giải thứ 2, Edmundo còn tỏa sáng hơn với 12 bàn sau 14 trận. Thành tích và màn trình diễn ấn tượng của tiền đạo người Brazil khiến Urawa Red Diamonds móc hầu bao chiêu mộ ông với mức giá cao nhất thời điểm đó.
Dù thế, Edmundo vẫn “chứng nào tật nấy” khi bất đồng với HLV của Urawa Red Diamonds về phương pháp tập luyện. Edmundo nổi loạn và rời đội, trở về Brazil khi mùa giải còn chưa kết thúc.
4. Kayke (Tiền Đạo)
- Câu Lạc Bộ: Yokohama F. Marinos
- Thành tích: 23 trận, 4 bàn, 3 kiến tạo
Với nhiều cổ động viên của Yokohama F. Marinos, Kayke là cái tên mà nhiều người không bao giờ muốn nghe đến.
Chuyển đến Yokohama F. Marinos từ Flamengo năm 2016, Kayke ngay lập tức được trao áo số 9 và trao hy vọng trở thành chủ công của đội bóng. Tuy nhiên, dù thi đấu cao nhất trên hàng công, Kayke chỉ đóng góp vỏn vẹn 4 bàn thắng sau 23 trận, thành tích quá tệ với một tiền đạo. Ben cạnh đó, cầu thủ sinh năm 1988 thường xuyên đi tập muộn. Khi vào sân từ băng ghế dự bị, anh còn để lại hình ảnh kém chuyên nghiệp khi nhắn tin riêng tư lên mạng xã hội.
Với những hành vi vi phạm kỉ luật trên, Kayke bị loại bỏ khỏi kế hoạch của toàn đội và thậm chí không được đến sân tập. Mặc dù vậy, do kí hợp đồng dài hạn với cầu thủ sinh năm 1988, Yokohama không thể bán anh hoặc thanh lý hợp đồng mà buộc phải cho mượn ở các đội bóng Brazil cho tới khi đáo hạn hợp đồng. Cầu thủ này ngay sau đó cũng bật bãi khỏi Qatar và trở về Brazil chơi bóng.
5. Will (Tiền Đạo)
- Câu Lạc Bộ: Oita Trinita, Hokkaido Consadole Sapporo, Yokohama F. Marinos
- Thành tích: 66 trận, 40 bàn, 0 kiến tạo
Dù có thành tích ghi bàn không đến nỗi nào, tuy nhiên điều khiến Will trở thành cái gai trong mắt người hâm mộ chính là thái độ thi đấu và những lùm xùm ngoài sân cỏ.
Gia nhập Oita Trinita khi đó đang thi đấu ở J-League 2, tiền đạo sinh năm 1973 cho thấy đẳng cấp của mình khi ghi đến 40 bàn thắng trong 2 năm. Với phong độ cao, Will gia nhập Sapporo dưới dạng cho mượn vào năm 2001. Tại đây, ông thậm chí còn bùng nổ hơn với 24 bàn thắng sau 26 trận, giúp Sapporo trụ lại J-League 1 và bản thân ông cũng trở thành Vua phá lưới mùa giải năm đó.
Mọi chuyện dần trở nên xấu đi khi ông chuyển sang khoác áo Yokohama F. Marinos dưới dạng cho mượn ngay ở năm sau đó. Rõ ràng Yokohama F. Marinos là một môi trường cạnh tranh và chất lượng hơn Sapporo, Will từ một ngôi sao hàng đầu trở thành một cầu thủ bình thường trong số đông những cầu thủ nổi bật.
Bất mãn vì không còn là “số 1”, cầu thủ này thậm chí “tung cước” vào người đồng đội Daisuke Oku vì không chịu chuyền bóng cho mình, dẫn đến án kỷ luật treo giò 6 trận. Bản thân ông cũng sớm bị CLB thải loại ngay sau đó. Ngay sau khi trở về Oita Trinita, Will chỉ còn là cái bóng của chính mình và sớm rời J-League sau đó không lâu.
6. Guilherme Santos (Hậu Vệ)
- Câu Lạc Bộ: Jubilo Iwata
- Thành tích: 11 trận, 0 bàn, 1 kiến tạo
Gia nhập Jubilo Iwata vào năm 2018, Guilherme Santos được xem là một sự bổ sung chất lượng cho vị trí hậu vệ trái. Cầu thủ người Brazil thể hiện được những phẩm chất của mình trong cả công và thủ.
Ngay sau khi gia nhập đội bóng mới, Guilherme Santos thi đấu liên tục ở giai đoạn đầu của mùa giải. Và biến cố bắt đầu xảy ra ở vòng 12, khi Jubilo Iwata đụng độ với Yokohama F. Marinos. Guilherme Santos bị trọng tài truất quyền thi đấu sau khi nhận thẻ vàng thứ 2, tuy nhiên thay vì chấp nhận án phạt, cầu thủ này tác động thô bạo với tiền vệ Takuya Kida bên phía đội khách và sau đó hành hung thông dịch viên bên phía Yokohama F. Marinos.
Hành động của cầu thủ sinh năm 1988 khi đó đơn giản là không thể được chấp nhận. Guilherme Santos nhận án treo giò 6 trận và bị CLB kết thúc hợp đồng ngay sau đó. Kể cả khi trở về Brazil, Guilherme Santos vẫn tiếp tục những hành vi tương tự, cho thấy bản tính thiếu chuyên nghiệp và đáng xấu hổ của mình.