AFC Nations League: Giải Đấu Có Thể Nâng Tầm Bóng Đá Châu Á?

AFC National League

Bóng đá châu Á đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với sự vươn lên rõ rệt của nhiều đội tuyển quốc gia. Tính đến năm 2025, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) có tới 47 đội tuyển thành viên, con số không hề kém cạnh so với các châu lục khác như châu Âu hay châu Phi. Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng không đồng nghĩa với chất lượng và cơ hội cọ xát công bằng cho tất cả.

Hiện nay, các đội tuyển châu Á phụ thuộc chủ yếu vào vòng loại World Cup và Asian Cup để có các trận đấu chính thức. Nhưng với lịch thi đấu dày đặc, cách tổ chức chưa hợp lý và sự chênh lệch trình độ quá lớn giữa các đội, những trận đấu này thường mang tính chất thủ tục hoặc một chiều, khó tạo được tính cạnh tranh thực sự.

Để giải quyết thực trạng này, nhiều chuyên gia đã đề xuất tổ chức một giải đấu hoàn toàn mới mang tên AFC Nations League – mô hình tương tự UEFA Nations League đã rất thành công ở châu Âu. Giải đấu này hứa hẹn sẽ mang lại sự công bằng cạnh tranh, tăng số lượng trận đấu chất lượng, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bền vững cho cả các đội mạnh lẫn đội yếu trong khu vực.

UEFA Nations League Là Giải Đấu Gì?

Ra đời từ năm 2018, UEFA Nations League được thiết kế nhằm thay thế các trận giao hữu quốc tế nhàm chán bằng một hệ thống thi đấu chính thức, cạnh tranh và có ý nghĩa thực tiễn. Đây cũng là mô hình được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp để AFC tham khảo khi xây dựng AFC Nations League trong tương lai.

Bồ Đào Nha là đội tuyển vô địch UEFA National League 2024/25.
Bồ Đào Nha là đội tuyển vô địch UEFA Nations League 2024/25. Ảnh: transfermakt

UEFA Nations League được chia thành 4 hạng đấu (League A, B, C và D), với mỗi hạng gồm các nhóm nhỏ, mỗi nhóm 3–4 đội tùy số lượng đội tham dự. Việc phân chia này dựa trên thứ hạng UEFA và kết quả các mùa giải trước.

Các đội sẽ thi đấu vòng tròn 2 lượt (sân nhà – sân khách) trong nhóm của mình. Sau mỗi mùa giải, sẽ diễn ra:

  • Thăng hạng: Đội đầu bảng ở các League B, C, D sẽ được lên hạng.
  • Xuống hạng: Đội xếp cuối các bảng A, B, C sẽ bị xuống hạng.
  • Play-off thăng/trụ hạng: Từ mùa giải 2024–25, UEFA áp dụng thêm vòng đấu phụ để xác định đội lên xuống hạng, giúp tăng tính cạnh tranh và công bằng.

Nhờ hệ thống phân tầng rõ ràng, các đội tuyển sẽ được thi đấu với những đối thủ có trình độ tương đương, qua đó tạo nên các trận đấu cân bằng và hấp dẫn hơn

Một điểm đột phá của UEFA Nations League chính là khả năng liên kết với vòng loại EURO và World Cup. Những đội không thể giành vé trực tiếp thông qua vòng loại vẫn có cơ hội đá vòng play-off thông qua thành tích tại Nations League. Đây được xem như là cứu cánh cho các CLB có trình độ trung bình ở châu Âu, mở ra cơ hội tham dự các giải đấu châu lục và thế giới, vốn dĩ gặp nhiều khó khăn nếu như phải cạnh tranh ở vòng loại.

Ví dụ: Tại EURO 2020, 4 suất cuối cùng được xác định qua vòng play-off Nations League, và có đến 16 đội từ các League B–D được trao cơ hội này.

Mặc dù UEFA Nations League ban đầu từng bị hoài nghi là “giao hữu trá hình“, nhưng thực tế cho thấy giải đấu này đã nhanh chóng trở nên hấp dẫn nhờ tính cạnh tranh cao, khi các trận đấu đều mang ý nghĩa và mục đíc rõ ràng.

Bối Cảnh Hiện Tại Của Bóng Đá Cấp Độ Đội Tuyển Tại Châu Á

Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hiện có tới 47 đội tuyển thành viên, là một trong những liên đoàn có số lượng đội tuyển đông nhất thế giới. Tuy nhiên, phần lớn các trận đấu cấp đội tuyển tại châu Á lại chỉ xoay quanh vòng loại chung của World Cup và Asian Cup, khiến tần suất thi đấu chính thức giữa các đội khá hạn chế. Bên cạnh đó, các giải đấu khu vực như AFF Cup, WAFF Championship, EAFF E-1 Cup hay SAFF Cup chỉ mang tính nội vùng và thường không phản ánh chính xác trình độ tổng thể của bóng đá châu Á.

EAFF E-1 là một giải đấu có nhiều đội tuyển mạnh tham dự, nhưng lại không tạo được quá nhiều sự chú ý.
EAFF E-1 là một giải đấu có nhiều đội tuyển mạnh tham dự, nhưng lại không tạo được quá nhiều sự chú ý. Ảnh: EAFF.com

Một trong những vấn đề lớn nhất của bóng đá châu lục này là khoảng cách trình độ giữa các đội tuyển quá lớn. Các đội hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran thường không có đối thủ xứng tầm ở khu vực của mình, trong khi các đội yếu hơn lại không có cơ hội thường xuyên để đối đầu và học hỏi từ những đội mạnh. Điều này dẫn đến một thực trạng kéo dài: các trận giao hữu trở nên nhàm chán, thiếu tính cạnh tranh và không mang lại động lực thi đấu thực sự.

Bên cạnh đó, hệ thống hiện tại của AFC không có cơ chế thăng – trụ hạng rõ ràng cho các đội tuyển. Các trận đấu giao hữu mang tính thử nghiệm hơn là cạnh tranh, và các đội yếu gần như bị “mắc kẹt” trong nhóm trình độ thấp, không có cơ hội cải thiện thông qua va chạm thực tế. Việc thiếu vắng một hệ thống thi đấu liên tục, cân bằng và theo cấp độ đã khiến các đội tuyển trung bình yếu khó có thể phát triển bền vững.

Chính những hạn chế này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết: AFC cần một mô hình thi đấu mới, vừa mang tính cạnh tranh, vừa mở rộng cơ hội cho tất cả các đội tuyển. Do đó, ý tưởng giải đấu AFC Nations League có thể là một ý tưởng mà AFC có thể cân nhắc.

AFC Nations League Sẽ Được Tổ Chức Như Thế Nào?

Với 47 đội tuyển thành viên, AFC hoàn toàn có đủ điều kiện để xây dựng một giải đấu nhiều hạng, cân bằng trình độ như UEFA Nations League. Và tất nhiên, AFC hoàn toàn có thể áp dụng thể thức thi đấu và mô hình mà giải đấu ở châu Âu đang áp dụng.

AFC National League mở ra nhiều cơ hội cho các đội tuyển trung bình yếu ở châu Á.
AFC Nations League mở ra nhiều cơ hội cho các đội tuyển trung bình yếu ở châu Á.

Theo đề xuất, AFC Nations League có thể được chia thành ba hạng đấu chính: League A, B và C. Việc phân chia này sẽ dựa trên thứ hạng FIFA hiện tại hoặc thành tích trong những kỳ vòng loại gần nhất. Cụ thể:

  • League A sẽ gồm 12 đội tuyển hàng đầu châu Á.
  • League B cũng gồm 12 đội tuyển trung bình khá.
  • League C bao gồm 23 đội còn lại, có thể chia thành nhiều bảng nhỏ để thi đấu.

Mỗi hạng đấu được chia thành các bảng từ 3–4 đội, thi đấu vòng tròn lượt đi và lượt về trong khuôn khổ các đợt FIFA Days (tháng 3, 6, 9, 10 và 11). Điều này đảm bảo giải đấu không chồng chéo với lịch thi đấu quốc tế chính thức và giúp các đội tuyển giữ được nhịp độ thi đấu ổn định.

Điểm then chốt của mô hình này nằm ở cơ chế thăng – trụ hạng linh hoạt sau mỗi mùa giải. Các đội:

  • Xếp nhất bảng ở League B và C sẽ được thăng hạng lên hạng đấu cao hơn.
  • Xếp cuối bảng League A và B sẽ phải xuống hạng trong mùa kế tiếp.
  • AFC cũng có thể bổ sung thêm một vòng play-off thăng/trụ hạng để tăng thêm tính cạnh tranh cho các đội đứng giữa bảng xếp hạng.

Không dừng lại ở việc phân hạng, AFC Nations League còn có thể được tích hợp với hệ thống vòng loại của Asian Cup và World Cup. Đây là điểm tạo ra sự khác biệt rõ rệt, khi giải đấu không chỉ mang tính “giữ phong độ” mà còn mở ra cơ hội thứ hai cho các đội tuyển không vượt qua vòng loại chính thức. Cụ thể, những đội không giành vé trực tiếp có thể được tham dự vòng play-off cuối mùa để tranh suất tham dự Asian Cup hoặc World Cup, tương tự cơ chế “vé vớt” trong UEFA Nations League.

Những Thách Thức mà AFC Nations League Có Thể Gặp Phải

Ý tưởng tổ chức giải đấu AFC Nations League rõ ràng rất hứa hẹn và mang lại nhiều lợi uchs, song giải đấu này đứng trước nhiều thách thức mà nếu không giải quyết, sẽ rất khó để quyết định hình thành giải đấu được thông qua.

1. Lịch Thi Đấu Không Đồng Bộ Giữa Các Giải VĐQG

Khác với châu Âu với phần lớn các giải vô địch quốc gia diễn ra từ tháng 8 đến tháng 5, các giải đấu ở châu Á có sự khác biệt rất rõ rệt. Một số giải đấu như J-League (Nhật Bản), K-League (Hàn Quốc), V-League (Việt Nam) tổ chức theo lịch năm dương lịch.

Trong khi đó, nhiều giải Trung Đông như Saudi Pro League, Qatar Stars League lại thi đấu theo lịch mùa đông (tương tự như châu Âu), việc lịch thi đấu có sự khác biệt có thể khiến AFC gặp khó trong việc tổ chức giải đấu, bởi lịch trình của các cầu thủ và CLB khi đó sẽ chồng chéo và phức tạp.

2. Chi Phí Di Chuyển Và Tổ Chức Cao

Nếu như các quốc gia ở châu Âu có diện tích tương đồng và nằm sát cạnh nhau, thì vị trí địa lý và diện tích không đồng đều giữa các đội tuyển châu Á có thể là một thách thức lớn. Trong trường hợp giải đấu được tổ chức, nhiều ĐTQG có thể di chuyển hàng nghìn km để đá một trận đấu.

Bên cạnh đó, kinh phí di chuyển cũng là một trở ngại lớn. Kinh tế và chi phí của các đội tuyển châu Á có sự chênh lệch rõ rệt. Các đội tuyển nghèo tài chính (như Yemen, Nepal, Mông Cổ…) sẽ gặp khó trong việc tham dự đều đặn nếu không được AFC hỗ trợ ngân sách.

3. Sự Đồng Thuận Của Các Liên Đoàn Thành Viên

Mô hình AFC Nations League Là một mô hình đày tiềm năng, nhưng không chắc rằng các liên đoàn bóng đá đều sẽ bỏ phiếu đồng ý. Điều này có thể đến từ:

  • Lo ngại về lịch thi đấu bị chồng chéo với giải quốc nội.
  • Các liên đoàn nhỏ không có đủ lực lượng để duy trì thi đấu quanh năm.
  • Những quốc gia có trình độ thấp có thể không mặn mà vì sợ bị loại sớm, thi đấu không hiệu quả.

4. Thiếu Hụt Nhà Tài Trợ

Sức hút của UEFA Nations League có tác động rất lớn từ các giải VĐQG châu Âu. Đây là điều mà AFC chưa thể có Trong trường hợp đó, AFC Nations League khó có thể tạo tiếng vang ngay từ mùa đầu tiên. Ngoài ra, việc khán giả không quá mặn mà cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng bán bản quyền truyền hình, vốn là yếu tố then chốt để giải đấu tồn tại.

Kết Luận

AFC Nations League hứa hẹn sẽ nâng cao trình độ các đội tuyển châu Á, tạo ra môi trường thi đấu cạnh tranh, đồng thời gia tăng giá trị thương mại thông qua bản quyền truyền hình và tài trợ.

Tuy nhiên, để thành công, dự án này cần vượt qua nhiều thách thức thực tế về lịch thi đấu, tài chính và tổ chức. Dù vậy, đây vẫn là một sáng kiến đầy triển vọng, đáng để AFC cân nhắc nghiêm túc trong thời gian tới.