Nếu một người hâm mộ bóng đá quốc tế đến Nhật Bản và hỏi “Đâu là câu lạc bộ mạnh nhất tại J-League?”, sẽ tương đối khó để đưa ra một câu trả lời chính xác. Tại các giải đấu châu Âu, thường sẽ có những cái tên nổi bật ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí—Real Madrid và Barcelona ở La Liga, Juventus và AC Milan ở Serie A, Bayern Munich ở Bundesliga, và tại Premier League, gần đây là Manchester City, Liverpool và Arsenal. Nhưng với J.League thì sao?
Những Đội Bóng Nổi Bật Của J-League: Kashima Antlers, Yokohama F. Marinos, và Kawasaki Frontale
Để nói về những CLB có bề dày lịch sử, thành tích nổi trội và là đại diện của giải đấu J-League, thì có 3 đội bóng có thể đại diện cho giải đấu này, bao gồm: Kashima Antlers, Yokohama F. Marinos, và Kawasaki Frontale.
Kashima Antlers có bề dày lịch sử ở bóng đá Nhật Bản, với 8 lần vô địch giải đấu và giành tổng cộng 20 danh hiệu, bao gồm cả chức vô địch AFC Champions League (ACL) năm 2018. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, họ không còn giành được danh hiệu nào, điều này khiến cho thành tích và vị thế của đội bóng này đi xuống rõ rệt.
Tương tự, Yokohama F. Marinos, một trong những đội bóng tiên phong từ khi thành lập J-League, cũng có thành tích đáng nể khi chưa từng xuống hạng. Tuy họ đã giành được hai chức vô địch trong năm mùa giải gần đây, nhưng năm nay đội bóng này lại đang ngụp lặn ở giữa BXH và gần như không còn mục tiêu để phấn đấu.
Kawasaki Frontale là cái tên thường được coi là thế lực ở những năm qua. Đáng tiếc, sau khi giành 4 chức vô địch từ năm 2017 đến 2021, họ lại không thể duy trì được phong độ đó. Giống như Kashima và Yokohama, Kawasaki hiện phải đối mặt với thử thách duy trì sự ổn định khi những cầu thủ chủ chốt của họ lần lượt rời đi.
Mỗi câu lạc bộ này đều đại diện cho sức mạnh trong những thời kỳ khác nhau, tuy nhiên duy trì sự thống trị lâu dài là một thách thức lớn đối với tất cả. Mặc dù có thành tích đáng kể, không câu lạc bộ nào có thể tự tin tuyên bố mình là đội bóng thống trị J-League một cách bền vững.
Nhân Sự, Tài Chính, Triết Lý Bóng Đá: Những Yếu Tố Mà J-League Còn Thiếu
Các câu lạc bộ mạnh tại châu Âu thường có ba yếu tố quyết định: chất lượng cầu thủ, nguồn tài chính dồi dào, và triết lý bóng đá rõ ràng. Manchester City là ví dụ điển hình về sự phát triển này. Từng là một đội bóng trung bình ở Anh, họ trở thành ông lớn ở châu Âu sau khi được Abu Dhabi United Group mua lại vào năm 2008. Những thương vụ chuyển nhượng ngôi sao và huấn luyện viên đẳng cấp Pep Guardiola từ năm 2016 đã biến họ thành một ông lớn của bóng đá thế giới.
Ngược lại, sự suy thoái của Manchester United sau khi Sir Alex Ferguson rời ghế là ví dụ điển hình cho thấy việc mất đi sự ổn định huấn luyện và triết lý của câu lạc bộ có thể làm suy yếu một đội bóng. Sự thiếu ổn định trong quản lý và xây dựng đội hình khiến Man United không thể cạnh tranh với các câu lạc bộ Anh khác có nền móng vững chắc hơn.
Thách Thức Tài Chính Và Tình Trạng Chảy Máu Nhân Tài
Báo cáo tài chính năm 2023 của các câu lạc bộ J-League cho thấy 18 câu lạc bộ ở hạng nhất đạt doanh thu trung bình khoảng 5,2 tỷ yên, với chỉ Urawa Reds đạt mốc 10 tỷ yên. Các nguồn lực tài chính hạn chế này khiến các câu lạc bộ Nhật Bản khó cạnh tranh quốc tế hay giữ chân tài năng. Không có nguồn thu dồi dào, các câu lạc bộ J-League thiếu tiềm lực để duy trì một vị thế bền vững trong giải đấu.
Hạn chế về tài chính này làm cho J-League không có một đội bóng nào thực sự thống trị. Các đội bóng không có điều kiện tài chính buộc phải dựa vào triết lý, thường là phát triển phong cách chơi bóng nhất quán, như Yokohama và Kawasaki đã áp dụng chiến thuật kiểm soát bóng. Tuy vậy, một khi các cầu thủ trong đội chơi nổi bật, họ lại gặp khó khăn vì không thể giữ chân được các trụ cột này.
Kawasaki là ví dụ điển hình cho việc phát triển tài năng và cũng là nạn nhân của việc chảy máu nhân tài. Kaoru Mitoma, Hidemasa Morita, Kou Itakura, Aoi Tanaka và Shogo Taniguchi, là một trong những cái tên đã thành danh tại đội bóng này, nhưng sớm chuyển sang châu Âu thi đấu, một phần vì CLB không đủ hấp dẫn để giữ chân những cái tên kể trên. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về sức cạnh tranh của Kawasaki. Huấn luyện viên Tatsuya Oniki đã giúp Kawasaki giành 7 danh hiệu kể từ khi được bổ nhiệm vào năm 2017 và xây dựng lối chơi kiểm soát bóng. Tuy nhiên, thành công này cũng đi kèm với việc mất đi các cầu thủ chủ chốt, hệ quả là thành tích toàn đội bắt đầu sụt giảm và đi xuống thấy rõ.
Yokohama cũng phải đối mặt với vấn đề về sự ổn định trong huấn luyện. Sau khi các chiến lược gia Ange Postecoglou và Kevin Muscat, những người từng giúp đội bóng tỏa sáng với lối chơi tấn công, ra đi, Yokohama gặp khó khăn khi bổ nhiệm Harry Kewell vào vai trò huấn luyện viên. Những mâu thuẫn nội bộ và việc thiếu kinh nghiệm dẫn dắt đã khiến cho Harry Kewell và Yokohama đường ai nấy đi chỉ sau một thời gian.
Trong khi đó, ở Kashima, việc liên tục thay đổi HLV càng làm cho đội bóng này sa sút. Với 5 lần thay tướng trong bốn năm, triết lý của Kashima đã mất đi sự rõ ràng. Thêm vào đó, đội hình của CLB này liên tục dính chấn thương, và mặc dù hHLV Ranko Popovic đã giúp Kashima duy trì phong độ ổn định, ông đã bị sa thải, cho thấy sự bất ổn trong chiến lược của họ.
Liên Tục Chảy Máu Nhân Tài, J-League Bị Ảnh Hưởng Như Thế Nào?
Do nguồn lực hạn chế, các câu lạc bộ J.League tiếp tục mất đi những cầu thủ tài năng ra nước ngoài, thường không thể cạnh tranh với các lời mời từ châu Âu. Hậu quả là nhiều câu lạc bộ J-League hoạt động như một “trạm dừng chân” tạm thời cho các cầu thủ, và những tài năng được đào tạo tốt nhất thường nhanh chóng ra đi. Điều này ngăn cản các đội bóng thiết lập một vị thế lâu dài ở vị trí mạnh nhất giải đấu.
Việc liên tục chảy máu nhân tài cũng khiến các CLB gặp khó khăn trong việc xây dựng triết lý bóng đá bền vững. Tại châu Âu, các CLB lớn luôn sẵn sàng trả mức lương hậu hình cũng hợp đồng dài hạn để giữ chân trụ cột, từ đó xây dựng được triết lý bóng đá vận hành dựa trên những cầu thủ này. Ngược lại, các đội bóng tại J-League liên tục phải thay đổi lối chơi để phù hợp với những con người hiện có, điều này khiến cho họ không thể duy trì sự ổn định trong thời gian dài.
Hướng Đi Nào Cho Giải Đấu Số 1 Nhật Bản?
Các đội bóng tại châu Âu thường duy trì thành công nhờ phát triển bản sắc riêng mà không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi nhân sự. Barcelona, với triết lý “cantera” nổi tiếng, là một ví dụ. Ngay cả khi gặp khó khăn về tài chính, họ vẫn cạnh tranh ở châu Âu nhờ đầu tư vào lớp trẻ và theo đuổi lối chơi kiểm soát bóng suốt hàng chục năm qua. Những tài năng như Gavi, Fermin López và Lamine Yamal đã mang di sản của câu lạc bộ, tiếp nối sau khi các ngôi sao như Xavi, Iniesta, Messi và Pique ra đi.
Tại Nhật Bản, việc đạt được thành tựu tương tự có thể cần thêm thời gian. Mặc dù không thể cạnh tranh tài chính với các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu, nhưng việc áp dụng phương pháp phát triển dựa trên “bản sắc” là điều hoàn toàn khả thi.
Để thúc đẩy sự phát triển, J-League đã đề ra chiến lược mới nhằm tạo ra “các câu lạc bộ hàng đầu có thể cạnh tranh với thế giới” và làm rõ sự chênh lệch trong cấu trúc giải đấu. Nếu các câu lạc bộ có thể nuôi dưỡng và giữ lại đủ tài năng, các đội bóng hàng đầu của J.League cuối cùng có thể xây dựng mình thành điểm đến mà các ngôi sao trẻ mơ ước, thậm chí giảm được hiện tượng cầu thủ xuất ngoại.
Với các câu lạc bộ như Kashima, Yokohama, và Kawasaki, con đường để trở thành đội bóng mạnh nhất Nhật Bản, thậm chí là châu Á, có thể không phụ thuộc hoàn toàn vào tài chính. Phát triển một triết lý rõ ràng để định hình chiến lược thi đấu, huấn luyện, và phát triển cầu thủ trẻ có thể tạo ra sự ổn định, giúp họ vươn lên thành những đội bóng mạnh cả trong nước và quốc tế. Mặc dù có thể không đạt tới tầm cỡ như Real Madrid hay Manchester City về nguồn lực, các đội bóng J.League có thể noi theo Barcelona, duy trì cạnh tranh thông qua phát triển cầu thủ trẻ và bản sắc câu lạc bộ.
Trong một giải đấu mà tài chính và khả năng giữ chân nhân tài là những thách thức đang tồn tại, cam kết hoàn thiện phong cách và triết lý của câu lạc bộ có thể trở thành chìa khóa để nâng tầm các câu lạc bộ Nhật Bản trên trường quốc tế. Hướng tới tăng trưởng bền vững và triết lý kiên định, J.League sẽ dần tạo nên các câu lạc bộ có thể đại diện bóng đá Nhật Bản với niềm tự hào ở châu Á.