Với màn trình diễn hoàn hảo ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, đội tuyển Nhật Bản đã trở thành cái tên đầu tiên góp mặt tại giải đấu lớn nhất hành tinh, diễn ra ở khu vực Bắc Mỹ sau đây một năm.
Sau khi hoàn thành xuất sắc mục tiêu giành vé tham dự World Cup, giờ đây nhiệm vụ của HLV Moriyasu và ban lãnh đạo là tiếp tục cải thiện lối chơi, đồng thời tìm ra những cái tên xứng đáng nhất, đại diện cho Nhật Bản ở sân chơi lớn nhất hành tinh. Trong số những cầu thủ được triệu tập ở vòng loại vào tháng 3, đâu sẽ là những cầu thủ chắc suất tham dự World Cup?
Danh Sách Cầu Thủ Nhật Bản Có Thể Tham Dự World Cup 2026
1. Thủ Môn (Zion Suzuki, Keisuke Osako, Kosei Tani)
Với mức độ tin tưởng tuyệt đối từ HLV Hajime Moriyasu, có thể khẳng định rằng Zion Suzuki gần như chắc chắn sẽ góp mặt trong đội hình tham dự World Cup 2026. Không những thế, anh còn được kỳ vọng là thủ môn bắt chính – người bảo vệ khung thành trong các trận cầu quan trọng.
Sở hữu chiều cao 1m92 và sải tay dài, Suzuki nổi bật với khả năng bao quát không gian và phản xạ tuyệt vời. Những pha bay người cứu thua “không tưởng” của anh đã nhiều lần giữ sạch lưới cho CLB và đội tuyển.
Gia nhập Parma từ đầu mùa giải 2024/25, Suzuki nhanh chóng chiếm suất bắt chính và khẳng định mình tại nước Ý. Tuy nhiên, Suzuki vẫn còn một số điểm cần cải thiện, đặc biệt là ở các tình huống lao ra bắt bóng và chọn vị trí. Tại Asian Cup 2023, anh từng bị chỉ trích vì mắc lỗi trong một số bàn thua do phản xạ và bắt bóng không chắc chắn.
Dẫu vậy, Suzuki đang dần hoàn thiện mình cả trong màu áo Parma lẫn đội tuyển quốc gia. Để Nhật Bản có thể tiến sâu và đạt mục tiêu lọt vào tứ kết hoặc xa hơn, phong độ của thủ môn này sẽ đóng vai trò then chốt.
Keisuke Osako là cái tên tiếp theo được dự đoán sẽ góp mặt trong danh sách đến World Cup 2026. Được HLV Moriyasu gọi lên đội tuyển từ năm 2019, Osako luôn là sự lựa chọn đáng tin cậy mỗi khi cần thay thế trong khung gỗ.
Điểm mạnh của Osako nằm ở sự điềm tĩnh, bắt bóng chắc chắn và khả năng phán đoán tình huống. Những tình huống cản phá xuất thần trong các pha đối mặt không còn xa lạ với người hâm mộ Sanfrecce Hiroshima.
Sau khi được đôn lên đội một vào mùa giải 2018, Osako không ngừng tiến bộ và hiện là trụ cột không thể thiếu của Hiroshima. Mùa 2024, anh chính thức khoác áo số 1 – minh chứng cho sự tin tưởng tuyệt đối từ BHL CLB.
Dù có thể Suzuki sẽ là lựa chọn số một, nhưng Osako vẫn là phương án dự phòng chất lượng và hoàn toàn có thể trở thành người gác đền chính bất cứ lúc nào nếu cần thiết.
Từng là trụ cột của U23 Nhật Bản tại Olympic Tokyo 2020 và không được triệu tập tham dự World Cup 2022, Kosei Tani đang khát khao chứng minh mình xứng đáng có mặt trên sân khấu lớn.
Thừa hưởng tố chất thể thao từ người mẹ từng là vận động viên bóng chuyền, Tani cao 1m87 và đặc biệt mạnh ở các tình huống xử lý bóng bổng.
Mùa 2024, anh chuyển sang FC Machida Zelvia theo dạng cho mượn và ngay lập tức chiếm suất bắt chính. Tani thi đấu tổng cộng 37 trận (chỉ vắng mặt một trận vì án treo giò) và góp công lớn giúp Machida lần đầu trong lịch sử giành vị trí thứ 3 tại J1 League.
Thực tế, Tani nhiều khả năng sẽ là thủ môn thứ ba trong danh sách World Cup 2026. Tuy nhiên, với phong độ ổn định và bề dày kinh nghiệm thi đấu từ trẻ, anh là cái tên đầy tiềm năng cho tương lai.
2. Trung Vệ (Ko Itakura, Koki Machida, Hiroki Ito, Takehiro Tomiyasu, Shogo Taniguchi, Yuta Nakayama, Daiki Sekine)
Sau màn trình diễn không mấy sáng sủa tại Qatar năm 2022, Ko Itakura đã có sự trưởng thành vượt bậc sau bốn năm. Trên sân khấu lớn vào năm sau, người hâm mộ có thể kỳ vọng sẽ thấy Itakura là trụ cột vững chắc nơi hàng phòng ngự, chặn đứng mọi pha tấn công của đối thủ.
Sau World Cup 2022, Itakura tập trung phát triển bản thân tại Borussia Mönchengladbach (Đức). Khả năng phòng ngự một đối một và tranh chấp bóng bổng của anh trở nên nổi bật hơn bao giờ hết, trong khi kỹ năng chuyền bóng cũng được nâng lên một tầm cao mới. Trong nửa sau mùa giải 2023/24, anh thậm chí còn được sử dụng ở vị trí tiền vệ phòng ngự, cho thấy sự linh hoạt và kỹ thuật với bóng rất đáng nể.
Là nhân tố chủ chốt tại Borussia, Itakura đang hướng đến kỳ World Cup thứ hai trong sự nghiệp. Với sự trưởng thành toàn diện và ổn định, thật khó để hình dung huấn luyện viên Hajime Moriyasu sẽ loại bỏ một trung vệ đáng tin cậy như anh khỏi danh sách đội tuyển.
Koki Machida cũng là một gương mặt gần như chắc suất dự World Cup nếu xét theo cách HLV Moriyasu lựa chọn nhân sự ở vòng loại cuối cùng.
Machida đá chính cả sáu trận đấu tại vòng loại châu Á, đồng thời gây ấn tượng với chiều cao 1m90 và khả năng kiểm soát hàng phòng ngự rất tốt. Là một trung vệ thuận chân trái, một điều hiếm có trong bóng đá hiện đại, anh có thể tham gia vào quá trình triển khai bóng từ hàng thủ mà không dễ bị đối phương gây áp lực.
Ở sơ đồ ba trung vệ của Moriyasu, vị trí lệch trái rõ ràng là dành cho Machida. Thêm vào đó, việc Machida có thể chơi cả hậu vệ cánh trái lẫn trung vệ sẽ giúp HLV có thêm nhiều phương án chiến thuật. Trong một giải đấu như World Cup, nơi mọi điều bất ngờ đều có thể xảy ra, khả năng thích ứng linh hoạt của Machida là điểm cộng lớn.
Hiroki Ito là cái tên tiếp theo “chắc suất” dự World Cup. Tiềm năng của Ito đã được chứng minh rõ ràng khi anh gia nhập Bayern Munich mùa 2024/25 và dù nghỉ thi đấu dài ngày, Ito vẫn thể hiện phong độ đỉnh cao và nhanh chóng trở thành trụ cột của đội bóng nước Đức.
Với đội tuyển Nhật Bản, khả năng đá cả sơ đồ ba và bốn hậu vệ của Ito là cực kỳ quý giá. Bên cạnh chiều cao 1m88, anh vẫn sở hữu tốc độ tốt và khả năng phát động tấn công xuất sắc. Một trung vệ đẳng cấp hội tụ đủ chiều cao, sức mạnh, tốc độ và kỹ thuật như Ito chắc chắn sẽ là nhân tố chủ chốt tại World Cup.
Nếu vượt qua được vấn đề lớn nhất là chấn thương, Takehiro Tomiyasu chắc chắn sẽ có mặt tại World Cup.
Sở hữu chiều cao 1m88 cùng tốc độ ấn tượng, Tomiyasu là trung vệ hiếm hoi vừa cao lớn lại vừa nhanh nhẹn. HLV Moriyasu luôn xem anh là hạt nhân trong chiến thuật phòng ngự của mình và sẽ không loại trừ anh trừ khi cầu thủ này dính chấn thương.
Cầu thủ này đang gặp phải một chấn thương nặng và dự kiến anh sẽ trở lại vào cuối năm 2025, tức chỉ khoảng sáu tháng trước World Cup. Dù vậy, hoàn toàn có khả năng HLV Moriyasu sẽ “đánh cược” gọi anh nếu thể trạng cho phép, bởi tài năng của cầu thủ đang thi đấu cho Arsenal là không phải bàn cãi.
Shogo Taniguchi, lão tướng của đội tuyển Nhật Bản, cũng có cơ hội dự World Cup trong vai trò hỗ trợ tinh thần và dẫn dắt đội.
Dù thường xuyên bị lấn lướt bởi các ngôi sao như Tomiyasu hay Itakura, Taniguchi vẫn luôn hoàn thành tốt vai trò mỗi khi được trao cơ hội. Trong bối cảnh Tomiyasu thường xuyên dính chấn thương, Taniguchi đã thi đấu ổn định khi được đá chính. Khả năng đọc tình huống và những đường chuyền chuẩn xác giúp đội chuyển trạng thái mượt mà từ phòng ngự sang tấn công.
Tuy nhiên, Taniguchi bị đứt gân Achilles vào tháng 11/2024 và đang trong quá trình hồi phục. Việc anh kịp trở lại trước World Cup hay không vẫn còn là dấu hỏi, nhưng kinh nghiệm và sự điềm tĩnh của anh vẫn là yếu tố mà Moriyasu sẽ cân nhắc kỹ.
Yuta Nakayama là cái tên đáng chú ý khác bởi sự đa năng. Ngoài vị trí trung vệ thuận chân trái, anh còn có thể chơi tốt vai trò hậu vệ cánh, điều cực kỳ hữu ích trong hệ thống chiến thuật của Moriyasu.
Đặc biệt ở cánh trái, Nhật Bản có các cầu thủ tấn công như Mitoma hay Keito Nakamura, nhưng thiếu vắng những người có khả năng phòng ngự. Nakayama là lựa chọn lý tưởng để gia cố sự chắc chắn nơi hành lang trái. Anh từng được HLV Moriyasu tin tưởng tại Olympic Tokyo và hiểu rõ triết lý chiến thuật của đội.
Một sự lựa chọn có thể gây bất ngờ cho giới mộ điệu là Daiki Sekine. Dù chưa có trận nào khoác áo ĐTQG, anh đã được gọi lên tuyển vào tháng 10/2024 thay cho Kodai Takai bị chấn thương.
Là một hậu vệ phải cao to (1m87), xuất thân từ trung vệ, Sekine có thể đảm nhiệm cả hai vị trí khi cần. Sự xuất hiện của anh sẽ đem đến nhiều phương án chiến thuật hơn cho HLV Moriyasu. Sự linh hoạt trong sơ đồ ba hoặc bốn hậu vệ cùng khả năng phòng ngự rộng khắp khiến Sekine trở thành một nhân tố tiềm năng nếu HLV Moriyasu quyết định tạo bất ngờ.
3. Hậu Vệ/Tiền Vệ Cánh (Sugawara Yukinari, Ritsu Doan, Ito Junya, Kaoru Mitoma, Nakamura Keito)
Gia nhập Southampton trong mùa giải 2024/25 và vẫn đang chật vật để thể hiện đúng năng lực vốn có, nhưng không ai nghi ngờ về tài năng của Sugawara. Đối với HLV Hajime Moriyasu, không có lý do gì để không mang theo một cầu thủ có cảm quan tấn công vượt trội đến World Cup.
Sugawara là một hậu vệ phải thuần túy, có thể mang đến chiều sâu tấn công cho đội tuyển với những quả tạt chính xác, các đường chuyền hiệu quả, cũng như khả năng chồng biên và di chuyển vào trung lộ.
Ngoài ra, anh còn có khả năng đá phạt trực tiếp tốt. Tại World Cup, sẽ có những thời điểm đội tuyển cần phải mạo hiểm để dồn lên tấn công, tùy theo tình hình. Dù vai trò của Sugawara trong sơ đồ 3 hậu vệ của Moriyasu có thể bị hạn chế, nhưng khả năng tấn công của anh hoàn toàn đủ để bù đắp cho những lo ngại phòng ngự và biến anh trở thành “quân bài thay đổi cục diện” trong tình huống khẩn cấp.
Trong hệ thống của Moriyasu Japan, các cầu thủ chạy cánh đóng vai trò chiến thuật quan trọng. HLV Moriyasu có rất nhiều kỳ vọng ở Ritsu Doan, người đang khoác trên lưng chiếc áo số 10 danh giá.
Moriyasu từng sử dụng những cầu thủ có thiên hướng tấn công ở vị trí wing-back. Ngoài ra, ông cũng hay xếp cầu thủ thuận chân phải ở biên trái và ngược lại. Doan, thuận chân trái, thường được sử dụng ở cánh phải.
Trong khi Mitoma sử dụng tốc độ và nhịp độ để xuyên phá biên trái, Doan lại có xu hướng dùng khả năng di chuyển chiến thuật và phối hợp cùng đồng đội để đột phá – hai cách tiếp cận khác nhau giúp HLV Moriyasu đa dạng hóa lối chơi hai biên.
Ngoài ra, việc Ritsu Doan từng chơi wing-back phải tại Freiburg càng củng cố khả năng anh được triệu tập. Với khả năng ghi bàn trong các trận then chốt như tại World Cup Qatar trước Đức và Tây Ban Nha, Ritsu Doan hoàn toàn xứng đáng góp mặt trong kỳ World Cup thứ hai của mình.
Với bộ kĩ năng cá nhân xuất sắc, cùng khả năng khuấy đảo hàng thủ đối phương, Ito Junya là mẫu cầu thủ mà ban huấn luyện Nhật Bản ưu tiên trong đội hình ra sân.
Với khả năng bức tốc ấn tượng, Ito là mẫu cầu thủ mà Nhật Bản cần để xuyên phá hàng thủ đối phương. Ngoài ra, cầu thủ 32 tuổi còn được biết đến với khả năng tạt bóng tốt. Bên cạnh đó, nền tảng thể lực sung mãn cho phép Ito còn có thể chơi trọn vẹn 90 phút mà vẫn có thể lên công về thủ liên tục.
Gần đây, khả năng ghi bàn của Ito cũng tăng vượt bậc, đáng nhớ là trong vòng loại cuối châu Á của World Cup 2022, anh ghi 4 bàn liên tiếp và là nhân tố quan trọng giúp Nhật Bản giành vé đến Qatar.
Với Kaoru Mitoma, cầu thủ này gần như sẽ chắc suất đến với Bắc Mỹ năm 2026, trừ khi gặp chấn thương nghiêm trọng. Lối chơi của Nhật Bản hiện tại tập trung vào cánh trái, nơi Mitoma đang phụ trách. Với những pha đi bóng tốc độ, thay đổi nhịp điệu và rê dắt lắt léo, Mitoma đủ khả năng để phá vỡ bất kì hàng thủ chặt chẽ nào. Chơi bóng ở đẳng cấp cao mỗi tuần giúp Mitoma tiến bộ rõ rệt và anh là sự lựa chọn số một ở hành lang cánh trái của Moriyasu Japan.
Nakamura Keito, hiện khoác áo Stade Reims (Pháp), cũng đã ghi 8 bàn và có 1 kiến tạo trong 15 trận cho đội tuyển.
Việc Mitoma là người đá chính bên hành lang trái không đồng nghĩa với việc Nakamura mất đi giá trị. Trên thực tế, Nakamura cho thấy anh có thể cạnh tranh với Mitoma, và mang lại nhiều lựa chọn chiến thuật cho HLV Moriyasu.
Trong màu áo ĐTQG, Nakamura cũng thường xuyên được xếp thi đấu ở vị trí tiền đạo. Tại Stade Reims, Nakamura đang thi đấu rất tốt ở vai trò đó, và đây có thể là phát hiện mới của Nhật Bản tại World Cup 2026.
4. Tiền Vệ (Wataru Endo, Hidemasa Morita, Kaishu Sano, Ao Tanaka, Takefusa Kubo, Daichi Kamada, Takumi Minamino)
Wataru Endo, người đang mang chiếc băng đội trưởng tuyển Nhật Bản, chắc chắn sẽ có tên trong danh sách dự World Cup. Trừ khi có một sự cố bất ngờ như chấn thương, không có lý do nào để HLV Moriyasu bỏ qua cầu thủ này.
Gia nhập Liverpool ở mùa 2023/24, dù phải đối mặt với nguy cơ mất suất đá chính, nhưng mỗi khi được ra sân, anh đều thi đấu xuất sắc. Thậm chí khi bị đẩy xuống đá trung vệ, vị trí không phải sở trường, Endo vẫn hoàn thành tốt vai trò được giao.
Với tuyến giữa tuyển Nhật Bản hiện tại đang sở hữu nhiều cầu thủ thiên hướng tấn công, việc loại bỏ Endo, một cầu thủ phòng ngự, có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong lối chơi. Mặc dù không phải kiểu thủ lĩnh la hét để truyền cảm hứng, Endo vẫn là trụ cột tinh thần của tuyển Nhật khi luôn sẵn sàng hỗ trợ và động viên đồng đội trong âm thầm.
Nếu Wataru Endo là “lá chắn thép” thì Hidemasa Morita là “bộ não” của tuyến giữa tuyển Nhật Bản. Với vai trò không thể thiếu, Morita cũng gần như chắc chắn góp mặt tại World Cup.
Dù không sở hữu thể hình vượt trội hay lối chơi cơ bắp như Endo, nhưng Morita có điểm mạnh là khả năng đọc tình huống tinh tế và phòng ngự bằng đầu óc. Ngoài ra, nhờ kỹ thuật điêu luyện, anh có thể thoát pressing một cách nhẹ nhàng, tạo ra các pha đột phá bằng rê dắt hoặc tung ra những đường chuyền quyết định – điều mà Endo còn thiếu.
Morita sở hữu tầm nhìn chiến thuật tuyệt vời, giống như đang quan sát sân đấu từ trên cao, và khả năng chọn vị trí đón bóng cực kỳ chuẩn xác. Sự kết hợp giữa Morita và Endo chính là xương sống của tuyển Nhật. Trừ khi gặp chấn thương, rất khó để bộ đôi này bị thay thế.
Tuyến giữa của Nhật Bản quả thực rất chật chội. Trong hoàn cảnh đó, Kaishu Sano – người đang chơi ấn tượng tại Bundesliga – có thể là cái tên gây “bất ngờ thú vị” nếu được triệu tập.
Kể từ khi gia nhập Mainz ở mùa 2024/25, Sano lập tức trở thành nhân tố chủ chốt nơi tuyến giữa với khả năng thu hồi bóng vượt trội. Anh là mẫu tiền vệ “thợ săn” thực thụ, chuyên cắt bóng và chuyển nhanh lên tuyến trên. Khả năng kết nối phòng ngự và tấn công của Sano ngày càng hoàn thiện.
Dù vướng vào cáo buộc ngoài sân cỏ vào năm 2024, khiến cho Sano bị mất đi phần nào hình ảnh của mình trong mắt người hâm mộ, nhưng nếu chỉ xét về chuyên môn, Sano hoàn toàn xứng đáng có mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Dù Endo và Morita vẫn đang là “ông chủ” khu trung tuyến, nhưng HLV Moriyasu chưa bao giờ ngó lơ Ao Tanaka.Cầu thủ sinh năm 1998 đang từng bước trưởng thành tại Leeds United – CLB mà anh mới gia nhập từ mùa 2024/25.
Tanaka từng gây ấn tượng mạnh tại Qatar 2022, đặc biệt là khi kiến tạo cho bàn thắng nổi tiếng “1mm của Mitoma”. Từ một tài năng trẻ, anh đã trở thành trụ cột tuyến giữa. Giờ đây, Tanaka không chỉ là phương án dự bị cho Endo hay Morita, mà còn là người có thể tạo ra sự khác biệt từ đội hình xuất phát.
Tại Leeds, Tanaka không chỉ duy trì được cú sút xa uy lực và những pha băng lên tuyến đầu, mà còn phát triển thêm khả năng đọc trận đấu, kiểm soát nhịp độ và phòng ngự. Anh đã trở thành một tiền vệ trung tâm hoàn thiện hơn rất nhiều. Nếu như Endo không thể ra sân, Tanaka chính là sự lựa chọn chất lượng tiếp theo mà HLV Moriyasu có thể cân nhắc.
Trong sơ đồ 3-4-2-1 của HLV Moriyasu, vị trí hộ công giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Và Takefusa Kubo chính là ngòi nổ đáng gờm nhất ở vị trí này. Thi đấu chói sáng tại Real Sociedad, Kubo gần như chắc chắn có vé đi World Cup.
Với khả năng rê bóng sắc bén, nhãn quan chiến thuật rộng mở và những đường chuyền dọn cỗ, Kubo là cầu thủ có thể tạo ra “sát thương” lớn khi di chuyển gần khung thành.
Anh có thể xử lý nhanh, gọn trong không gian hẹp, tung ra đường kiến tạo hoặc tự mình dứt điểm sắc lẹm. Những tình huống đập nhả và hoán đổi vị trí với Minamino trong vòng loại cũng cho thấy Kubo chính là “bản sao hoàn hảo” cho hình mẫu hộ công mà Moriyasu theo đuổi.
Dù chưa thể hiện phong độ như kỳ vọng tại Crystal Palace, giá trị của Daichi Kamada trong đội tuyển Nhật vẫn là điều không thể chối cãi.
Khác với Minamino hay Kubo, Kamada sở hữu khả năng “ẩn mình” giữa các tuyến đối thủ cực kỳ khó chịu. Anh có thể di chuyển vào những khoảng trống không bị kèm và tung ra đường chuyền quyết định đúng thời điểm.
Chỉ riêng việc có mặt trên sân, Kamada cũng đủ để giúp tuyển Nhật luân chuyển bóng mượt mà hơn nhờ khả năng kết nối tuyệt vời. Đó là lý do vì sao Moriyasu luôn tìm cách để đưa Kamada vào trong đội hình ra sân.
Takumi Minamino sẽ có cơ hội rửa hận sau nỗi đau Qatar 2022. Là người đá hỏng quả luân lưu đầu tiên trong trận thua Croatia, Minamino đã trưởng thành vượt bậc tại Monaco, và nhiều khả năng sẽ được triệu tập tham dự World Cup một lần nữa.
Cầu thủ 30 tuổi có thể đá được ở nhiều vị trí: số 9, số 10 và thậm chí là số 8, nên vai trò của Minamino cực kỳ linh hoạt. Anh có thể kết nối với tiền vệ trụ, hậu vệ cánh và tiền đạo để phá vỡ hệ thống phòng ngự đối phương. Trong sơ đồ 3-4-2-1 của tuyển Nhật, Minamino vẫn là quân bài chiến thuật tối quan trọng. Khả năng nhận bóng giữa hai tuyến, xoay người và tung ra đường chuyền đảo chiều là những điểm mạnh không thể thay thế của Minamino.
5. Tiền Đạo (Ayase Ueda, Daizen Maeda, Koki Ogawa, Kyogo Furuhashi)
Ayase Ueda gần như chắc chắn sẽ là tiền đạo đá chính của tuyển Nhật dưới thời HLV Moriyasu. Khả năng mà cầu thủ được mệnh danh là “tiền đạo toàn diện nhất trong lịch sử tuyển Nhật Bản” bị loại khỏi danh sách World Cup là gần như bằng không.
Ueda sở hữu thể hình và sức mạnh thể chất vượt trội so với mặt bằng chung cầu thủ Nhật Bản. Anh mạnh trong tranh chấp bóng bổng dù chỉ cao 1m82, và sở hữu khả năng dứt điểm hai chân đầy uy lực. Tốc độ, kỹ năng xoay trở trong vòng cấm và sự điềm tĩnh khi đối mặt thủ môn khiến Ueda trở thành một “sát thủ vòng cấm” đúng nghĩa.
Với khả năng toàn diện đã được hoàn thiện, Ueda hiện là sự lựa chọn số 1 của HLV Moriyasu và gần như chắc chắn góp mặt tại kỳ World Cup sắp tới.
Dựa trên phong độ tại tuyển quốc gia và màn trình diễn ấn tượng trong màu áo Celtic ở mùa giải 2024/25, Daizen Maeda gần như chắc chắn sẽ có tên trong danh sách World Cup.
Vũ khí lợi hại nhất của Maeda chính là tốc độ. với những pha nước rút liên tục như không biết mệt mỏi. Ở Champions League mùa này, Maeda thực hiện tới 208 pha nước rút chỉ sau 6 trận vòng bảng – con số cao nhất giải.
Không chỉ nhanh, Maeda còn tiến bộ rõ rệt trong khâu dứt điểm. Anh đã ghi 28 bàn trong 42 trận đấu chính thức mùa này, thể hiện khả năng săn bàn ngày càng sắc bén. Với phong cách thi đấu khác biệt hoàn toàn so với các tiền đạo khác của tuyển Nhật, Maeda chắc chắn là một “vũ khí bí mật” khiến các đối thủ e ngại tại World Cup.
Koki Ogawa, siêu dự bị đầy tin cậy của tuyển Nhật trong giai đoạn vòng loại cuối cùng khu vực châu Á, cũng có cơ hội rất cao được góp mặt tại World Cup.
Với khả năng chọn vị trí, dứt điểm sắc bén và làm tường hiệu quả, anh thậm chí có phần nhỉnh hơn Ueda ở khả năng làm tường và phối hợp. Là mẫu tiền đạo vào sân từ ghế dự bị nhưng luôn biết cách tạo ra khác biệt, Ogawa chắc chắn là “át chủ bài” mà HLV Moriyasu muốn mang theo như một quân bài chiến lược.
Kyogo Furuhashi là mẫu tiền đạo mà khả năng tham dự World Cup 2026 vẫn còn rất rộng mở. Từng giành danh hiệu Vua phá lưới giải VĐQG Scotland mùa 2022/23 với 27 bàn, Furuhashi là người Nhật đầu tiên làm được điều này tại một giải đấu lớn của châu Âu. Tuy nhiên, anh lại không được trọng dụng nhiều ở tuyển quốc gia và thậm chí vắng mặt tại World Cup 2022.
Dù vậy, tình hình đang thay đổi. Furuhashi tiếp tục được triệu tập trong danh sách mới nhất của HLV Moriyasu và có vẻ như cánh cửa dự World Cup đang rộng mở trở lại với anh, tiền đạo sẽ bước sang tuổi 30 trong năm nay.