10 Cầu Thủ Nhật Bản Tỏa Sáng Ở J-League Từ Bệ Phóng JFL

J-League

Hệ thống bóng đá của Nhật Bản được chia làm nhiều cấp bậc khác nhau, từ J-League, giải đấu bóng đá chuyên nghiệp, cho tới JFL, giải đấu nghiệp dư cấp độ cao nhất. Với sự khác biệt về khâu tổ chức và trình độ chuyên môn, không dễ để một cầu thủ thi đấu tại JFL có thể đủ khả năng để chinh chiến tại J-League. Dù vậy, vẫn có nhiều cầu thủ cho thấy sự tiến bộ đáng kinh ngạc trong sự nghiệp, khi góp mặt tại J-League bất chấp xuất phát diểm từ các hạng đấu thấp hơn.

10 Ngôi Sao J-League Từng Thi Đấu Ở JFL

1. Jun Ichimori (Thủ Môn/Gamba Osaka)

Jun Ichimori là thủ môn số một của Gamaba Osaka ở mùa giải năm nay. Dù vậy, ít ai biết rằng trong quá khứ thủ môn sinh năm 1991 từn có thời gian thi đấu ở hạng bán chuyên Nhật Bản.

Jun Ichimori bắt chính toàn bộ 38 trận đấu cho Gamba Osaka tại J-League 2024.
Jun Ichimori bắt chính toàn bộ 38 trận đấu cho Gamba Osaka tại J-League 2024. Ảnh: Footballchannel

Hành trình của Ichimori bắt đầu tại Renofa Yamaguchi vào năm 2014, khi đội bóng vừa thăng hạng lên JFL. Ngay trong mùa giải đầu tiên, anh ra sân toàn bộ 26 trận và giữ sạch lưới tới 10 lần, góp phần giúp đội kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4 và giành quyền thăng hạng lên J-League 3. Mùa giải 2015, Ichimori tiếp tục thể hiện phong độ xuất sắc, thi đấu đủ 36 trận, giữ sạch lưới 16 lần và giúp Yamaguchi tiếp tục thăng hạng.

Sau khi cùng Yamaguchi thăng hạng lên J2 League, Ichimori tiếp tục là trụ cột trong mùa giải 2016 trước khi chuyển đến Fagiano Okayama vào năm 2017. Trong ba mùa giải tại đây, anh phát triển không ngừng, và cuối cùng gia nhập Gamba Osaka vào tháng 1 năm 2020. Dù phải cạnh tranh với thủ môn kỳ cựu Higashiguchi Noriaki trong hai mùa đầu, Ichimori dần khẳng định mình, đặc biệt qua những màn trình diễn ấn tượng tại Cúp Levain YBC năm 2022.

Sau những mùa giải thi đấu ấn tượng, anh trở lại Gamba Osaka vào năm 2024 và ngay lập tức giành suất bắt chính. Mùa giải 2024 chứng kiến Ichimori đạt phong độ cao nhất sự nghiệp, khi anh bắt chính toàn bộ các trận đấu, giữ sạch lưới 12 lần và giúp Gamba trở thành đội có hàng thủ vững chắc thứ hai giải đấu, chỉ để lọt lưới 35 bàn sau 38 vòng.

2. Park Il-kyu (Thủ Môn/Sagan Tosu/Yokohama F.Marinos)

Thủ môn 34 tuổi Park Il-kyu đã trải qua một hành trình rất ấn tượng trong sự nghiệp của mình. Từ những ngày đầu tại giải nghiệp dư JFL đến việc trở thành biểu tượng nơi khung gỗ của Sagan Tosu, câu chuyện của anh là minh chứng cho sự kiên trì và cống hiến.

Park Il-kyu bắt đầu thi đấu vào năm 2012 khi anh gia nhập Fujieda MYFC từ Đại học Chosun. Trong mùa giải đầu tiên, anh được trao cơ hội ra sân, nhưng càng về cuối mùa giải, anh dần mất suất và thậm chí không được điền tên vào danh sách dự bị. Năm 2013, anh chuyển đến FC KOREA ở hạng Nhất Kanto để tìm lại phong độ. Sau đó, anh trở lại Fujieda khi đội thăng hạng J3 vào năm 2014 và nhanh chóng chiếm lấy vị trí thủ môn chính thức, khẳng định mình tại môi trường chuyên nghiệp.

Tháng 1 năm 2016, Park chuyển sang FC Ryukyu, đội bóng cũng đang chơi tại J3. Trong 5 mùa giải tại đây, anh trở thành nhân tố không thể thiếu trước khi nhận được lời mời của Yokohama F. Marinos vào tháng 1 năm 2019. Tại đây, thủ môn sinh năm 1989 có 25 lần ra sân trong mùa giải 2019, dù gặp phải một số chấn thương.

Đến tháng 10 năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Park được cho mượn đến Sagan Tosu và ngay lập tức gây ấn tượng mạnh. Không lâu sau đó, vào tháng 2 năm 2021, anh chính thức chuyển nhượng vĩnh viễn và trở thành thủ môn số một của đội bóng.

Ở mùa giải năm nay, Park Il-kyu vẫn là thủ môn số 1 của Sagan Tosu, nhưng đáng tiếc anh không thể giúp đội bóng của mình trụ lại J-League 1. Với kinh nghiệm thăng hạng của mình, liệu thủ thành 34 tuổi có thể giúp Sagan Tosu quay trở lại ở mùa giải năm sau?

3. Wataru Harada (Hậu Vệ/Sagan Tosu)

Một cầu thủ khác đang thi đấu tại Sagan Tosu ở mùa giải năm nay, Wataru Harada, là một trong những trường hợp điển hình của bóng đá Nhật Bản khi xuất phát từ giải nghiệp dư JFL và vươn lên đến J1 League. Hành trình của anh không chỉ là câu chuyện về tài năng mà còn là minh chứng cho sự cống hiến và tinh thần không ngừng nỗ lực.

Harada bắt đầu sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp của mình sau khi giành chức vô địch Giải bóng đá trung học toàn Nhật Bản lần thứ 93 khi còn khoác áo trường trung học Seiryo. Sau đó, anh gia nhập Đại học Thể thao Nhật Bản (NSSU) để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, Harada ký hợp đồng với FC Imabari vào năm 2019 và bắt đầu hành trình tại giải JFL.

Ngay trong mùa giải đầu tiên, Harada đã tạo dấu ấn khi ra sân toàn bộ 30 trận đấu, góp công lớn giúp đội bóng cán đích ở vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng và giành vé thăng hạng J3. Cầu thủ sinh năm 1996 nổi bật ở khả năng chơi đa năng khi không chỉ chơi tốt ở vị trí hậu vệ phải sở trường mà còn thường xuyên được sử dụng ở vị trí tiền đạo.

Sau khi tiếp tục gắn bó với Imabari ở mùa giải 2021, Harada đã có bước tiến lớn trong sự nghiệp khi gia nhập Sagan Tosu vào tháng 1 năm 2022, qua đó có lần đầu tiên góp mặt tại J-League 1. Mặc dù đây là lần đầu tiên thi đấu ở hạng đấu cao nhất Nhật Bản, Harada đã nhanh chóng hòa nhập và có 27 lần ra sân tại J1, đảm nhận vai trò quan trọng trong hệ thống phòng ngự của Tosu ở cánh phải trong sơ đồ ba trung vệ.

Trong mùa giải 2024, dù Sagan Tosu không thể trụ lại J-League, Harada vẫn giữ được phong độ ổn định với 31 lần ra sân. Anh tiếp tục là nhân tố chủ chốt trong hệ thống phòng ngự của Sagan Tosu, đồng thời có những đóng góp quan trọng ở mặt trận tấn công với ba bàn thắng và hai pha kiến tạo khi được sử dụng chủ yếu ở vị trí hậu vệ phải.

Trong bối cảnh Sagan Tosu chuẩn bị cho một giai đoạn mới tại J2, Harada chắc chắn sẽ tiếp tục là ngọn đuốc dẫn lối cho đội bóng trên hành trình trở lại đỉnh cao.

4. Taisuke Muramatsu (Trung Vệ/Shonan Bellmare)

Taisuke Muramatsu bắt đầu sự nghiệp bóng đá của mình tại Honda FC, đội bóng khi đó thi đấu tại JFL. Ngay từ năm đầu tiên, anh đã được triệu tập vào đội tuyển U-19 Nhật Bản, một thành tích đáng tự hào với bất kỳ cầu thủ trẻ nào. Sự xuất sắc của Muramatsu đã thu hút sự chú ý từ các câu lạc bộ chuyên nghiệp, và chỉ sau một mùa giải, anh đã nhận được lời mời gia nhập đội bóng ở cấp độ cao hơn.

Năm 2009, Muramatsu gia nhập Shonan Bellmare, đội đang thi đấu tại J-League 2 vào thời điểm đó. Anh nhanh chóng khẳng định mình khi ra sân ở mọi trận đấu có thể. Với tổng cộng 50 trận và 4,500 phút thi đấu trong mùa giải, anh là một trong những cầu thủ không thể thay thế của Shonan Bellmare.

Taisuke Muramatsu giúp cho Shonan Bellmare lên hạng và thi đấu tại J-League 1. Dù vậy, chỉ một năm sau đó, đội bóng này xuống hạng và anh quyết định gia nhập Shimizu S-Pulse để tiếp tục có cơ hội góp mặt tại giải đấu số 1 Nhật Bản. Sau đó, cầu thủ này còn khoác áo Vissel Kobe và đạt được một số thành công nhất định.

Muramatsu giải nghệ vào năm 2019 sau khi đã thi đấu tổng cộng 138 trận tại J-League, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người hâm mộ với sự bền bỉ và nỗ lực không ngừng nghỉ của mình.

5. Koike Ryuta (Hậu Vệ/Kashiwa Reysol/Yokohama F.Marinos)

Chỉ mất vài năm ngắn ngủi, Koike Ryuta đã có bước nhảy vọt trong sự nghiệp, từ JFL chuyển lên thi đấu tại J-League và đóng vai trò quan trọng tại mỗi đội bóng mà mình góp mặt.

Sau khi tốt nghiệp Học viện JFA Fukushima vào năm 2014, Koike gia nhập Renofa Yamaguchi, khi đó đang thi đấu tại JFL. Bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2017, Koike Ryuta liên tục giúp đội bóng của mình gặt hái chiến thắng và thăng hạng lên các hạng đấu cao hơn. Năm 2017, anh chuyển sang khoác áo Kashiwa Reysol, đội bóng khi đó đang thi đấu tại J-League.

Tại đây, cầu thủ sinh năm 1999 khẳng định mình đủ khả năng thi đấu ở đấu trường khốc liệt nhất. Anh ra sân trong 31 trận (trừ ba trận đầu mùa), trở thành nhân tố quan trọng nơi hành lang phải của đội bóng, giúp Kashiwa Reysol giành vé tham dự AFC Champions League. Năm 2020, Koike Ryuta gia nhập Yokohama F. Marinos, nơi anh tiếp tục khẳng định mình là một trong những hậu vệ xuất sắc của bóng đá Nhật Bản.

Hành trình của Ryuta Koike không chỉ thể hiện tài năng và sự bền bỉ mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều cầu thủ trẻ đang tìm cách chinh phục những đỉnh cao mới trong sự nghiệp bóng đá. Từ JFL đến J1, mỗi bước đi của anh đều chứng minh rằng nỗ lực không ngừng nghỉ luôn mang lại thành quả xứng đáng.

6. Keigo Sakakibara (Tiền Vệ/Yokohama F.Marinos)

Keigo Sakakibara vẫn còn một tương lai dài phía trước để thể hiện mình.
Keigo Sakakibara vẫn còn một tương lai dài phía trước để thể hiện mình. Ảnh: Footballchannel

Keigo Sakakibara từng được kỳ vọng sẽ trở thành ngôi sao tương lai của Yokohama F. Marinos Youth, nhưng anh không thể gia nhập đội một sau khi tốt nghiệp trung học. Thay vào đó, anh bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp tại Rheinmeer Aomori vào tháng 4 năm 2019. Tuy nhiên, mùa giải đầu tiên tại JFL là một thử thách lớn khi Sakakibara không có cơ hội thi đấu và mùa giải 2019 khép lại mà anh không ra sân trận nào.

Dẫu vậy, mọi thứ bắt đầu thay đổi vào nửa sau của mùa giải 2020. Sakakibara dần được trao cơ hội và có trận đấu trọn vẹn đầu tiên. Đến mùa giải 2021, cầu thủ sinh năm 2000 được ra sân thường xuyên hơn và đã tham gia 24 trận đấu tại giải JFL.

Sự nỗ lực của Sakakibara đã được ghi nhận khi vào tháng 1 năm 2022, đội bóng cũ Yokohama F. Marinos quyết định chiêu mộ anh theo dạng chuyển nhượng chính thức. Tuy nhiên, anh tiếp tục chơi cho Rheinmeer Aomori theo dạng cho mượn tại JFL trong suốt mùa giải đó. Đến tháng 1 năm 2023, Sakakibara chính thức gia nhập đội hình Marinos, mở ra một chương mới trong sự nghiệp bóng đá của mình tại J-League.

Hiện tại, Sakakibara đã ra sân 8 lần tại J1 mùa này. Dù chưa thể được coi là một cầu thủ đá chính, nhưng với tuổi đời chỉ mới 24, thời gian để cầu thủ này thể hiện mình vẫn còn ở phía trước. Nếu tiếp tục duy trì phong độ và nỗ lực không ngừng, Sakakibara chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tương lai.

7. Daiya Tono (Tiền Đạo/Kawasaki Frontale)

Daiya Tono, hiện đang là một trong những mũi nhọn tấn công của đội bóng mạnh Kawasaki Frontale, đã có một hành trình vươn lên chuyên nghiệp đầy ấn tượng, khởi đầu từ JFL.

Sau khi tốt nghiệp trung học Fujieda Meisei vào năm 2017, Tono gia nhập Honda FC. Ngay trong mùa giải đầu tiên, anh đã thể hiện tiềm năng lớn với 16 lần ra sân, ghi được 4 bàn thắng và kiến tạo 1 lần. Khi mùa giải diễn ra, Tono ngày càng chứng tỏ được năng lực của mình. Đến mùa giải 2019, anh ghi được 9 bàn thắng và thực hiện 7 pha kiến tạo sau 26 trận đấu, cùng với đó là màn trình diễn ấn tượng tại Cúp Hoàng đế với 4 bàn thắng và 1 kiến tạo chỉ sau 5 trận.

Tại giải đấu này, Honda FC đã tạo nên bất ngờ lớn khi lần lượt đánh bại các đội bóng như Sapporo, hay Urawa Red Diamonds để tiến vào tứ kết. Màn trình diễn xuất sắc của Tono không chỉ giúp Honda FC đạt được thành công mà còn thu hút sự chú ý từ những đội bóng lớn, trong đó có Kawasaki Frontale và Avispa Fukuoka.

Tháng 1 năm 2020, Kawasaki chiêu mộ Tono theo dạng chuyển nhượng chính thức, đồng thời đưa anh đến Fukuoka theo dạng cho mượn để tích lũy kinh nghiệm tại J2. Trong mùa giải 2020, dù lần đầu bước chân vào môi trường chuyên nghiệp, Tono vẫn tỏa sáng với 11 bàn thắng và 3 kiến tạo sau 41 lần ra sân.

Đến mùa giải 2021, Tono chính thức trở thành thành viên của Kawasaki Frontale và có trận đấu đầu tiên tại J-League 1. Từ đó đến nay, anh đã có 165 lần ra sân trên mọi đấu trường, ghi được 20 bàn thắng và thực hiện 14 pha kiến tạo. Hành trình từ JFL đến Kawasaki của Daiya Tono là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ và tài năng của anh, khẳng định vị trí của mình trong hàng ngũ các cầu thủ tấn công hàng đầu tại J-League.

8. Noriaki Fujimoto (Tiền Đạo/Oita Trinita)

Noriaki Fujimoto, hiện đang thi đấu cho Kagoshima United FC, có lẽ là cầu thủ gây tiếng vang lớn nhất trong số những cầu thủ bước ra từ JFL và chinh phục các giải đấu chuyên nghiệp. Từ một cầu thủ thi đấu tại giải nghiệp dư, Fujimoto đã không ngừng nỗ lực để thể hiện minh ở sân chơi số 1 Nhật Bản.

Sau khi tốt nghiệp trường trung học Aomori Yamada, Fujimoto tiếp tục con đường học vấn và gia nhập SP Kyoto FC, đội bóng đang thi đấu tại JFL vào năm 2012. Trong năm đầu tiên, anh không đạt được nhiều thành công về mặt thành tích, nhưng đến mùa giải 2013, cầu thủ sinh năm 1989 bắt đầu ghi bàn đều đặn. Đỉnh cao trong thời gian này là mùa giải 2015, khi anh ghi được 9 bàn thắng và thực hiện 4 pha kiến tạo trong 28 trận đấu, trở thành nhân tố quan trọng trong hàng công của đội bóng.

Tuy nhiên, vào tháng 10 cùng năm, câu lạc bộ thông báo rời khỏi JFL, buộc Fujimoto phải tìm bến đỗ mới. Anh quyết định đầu quân cho Kagoshima United FC, đội bóng đang thi đấu tại J-League, vào tháng 1 năm 2016, bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp. Ngay trong mùa giải đầu tiên, anh đã gây ấn tượng mạnh mẽ với 15 bàn thắng sau 27 trận, đoạt danh hiệu Vua phá lưới J3. Sang mùa giải 2017, Fujimoto tiếp tục thể hiện phong độ chói sáng khi ghi tới 24 bàn thắng và có cho mình danh hiệu Vua phá lưới hai năm liên tiếp.

Những màn trình diễn đỉnh cao tại J3 đã thu hút sự chú ý của Oita Trinita, đội bóng đang thi đấu ở J2. Tháng 1 năm 2018, Fujimoto chuyển đến Oita theo dạng chuyển nhượng chính thức và ngay lập tức tỏa sáng ở giải hạng nhì Nhật Bản. Trong 26 trận đấu, anh ghi được 12 bàn thắng và thực hiện 5 pha kiến tạo, góp phần quan trọng giúp đội bóng xếp thứ hai trên bảng xếp hạng và giành quyền thăng hạng J1.

Đến giữa mùa giải 2019, Fujimoto gia nhập Vissel Kobe, đội bóng sở hữu hàng loạt ngôi sao quốc tế như Andres Iniesta, David Villa và Thomas Vermaelen. Mặc dù phải cạnh tranh trong một đội hình đầy rẫy những tên tuổi lớn, Fujimoto vẫn tìm được chỗ đứng khi ghi được 6 bàn thắng sau 28 trận ở mùa giải 2020.

Hiện tại, Fujimoto đang khoác áo đội bóng cũ Kagoshima United FC, nơi anh bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp. Với chiếc áo số 10 trên lưng, cầu thủ 35 tuổi này vẫn duy trì được khả năng ghi bàn sắc bén khi đã có 5 pha lập công tại J2 mùa giải năm nay.

9. Eiji Miyamoto (Trung Vệ/Albirex Niigata)

Eiji Miyamoto, hiện đang khoác áo Albirex Niigata, là một trong những cầu thủ nổi bật xuất thân từ JFL và đã từng bước khẳng định mình ở những cấp độ cao hơn của bóng đá Nhật Bản. Từ những ngày đầu ở giải đấu nghiệp dư, anh đã không ngừng nỗ lực để đạt được thành công tại J-League.

Sau khi tốt nghiệp Học viện JFA Fukushima, Miyamoto tiếp tục học tại Đại học Kokushikan và gia nhập Iwaki FC vào năm 2021, đội bóng khi đó đang thi đấu tại JFL. Với vai trò tiền vệ phòng ngự, cầu thủ sinh năm 1998 nhanh chóng trở thành nhân tố quan trọng trong đội hình ngay từ mùa giải đầu tiên. Trong 30 trận đấu tại giải, anh góp phần quan trọng giúp Iwaki FC giành chức vô địch JFL.

Ở những mùa giải tiếp theo, cầu thủ này tiếp tục tỏa sáng và gồng gánh CLB chủ quản ở các hạng đấu cao hơn, màn trình diễn của cầu thủ này sau đó đã lọt vào tầm ngắm của các đội bóng tại J-League. Albirex Niigata đã nhanh chóng chiêu mộ anh theo hợp đồng chuyển nhượng chính thức vào tháng 1 năm nay. Dù gặp chấn thương gãy xương ổ mắt giữa mùa giải, anh vẫn kịp ra sân trong 21 trận đấu và tiếp tục để lại dấu ấn trong lối chơi của đội bóng.

10. Tatsuya Furuhashi (Tiền Đạo/Cerezo Osaka)

Tatsuya Furuhashi, người đã lập kỷ lục ghi bàn trong 14 trận liên tiếp tại JFL từ năm 2003 đến 2004, là một trong những cầu thủ xuất sắc đã vượt qua ranh giới giữa bóng đá nghiệp dư và chuyên nghiệp để khẳng định mình tại J-League.

Bắt đầu sự nghiệp tại Honda Motor Co., Ltd. Soccer Club (nay là Honda FC), Furuhashi nhanh chóng tạo nên dấu ấn khi thi đấu tại giải nghiệp dư. Với thành tích xuất sắc trong màu áo Honda FC, anh đã thu hút sự chú ý từ Cerezo Osaka, đội bóng quyết định chiêu mộ anh vào tháng 6 năm 2004. Điều đặc biệt là Furuhashi đã bỏ qua giai đoạn J2 để gia nhập thẳng một đội bóng J1.

Anh ra mắt Cerezo Osaka vào giữa mùa giải 2004 và không mất nhiều thời gian để chứng minh năng lực. Trong trận đấu đầu tiên của giai đoạn hai, đối đầu với FC Tokyo vào ngày 14 tháng 8, Furuhashi ghi bàn thắng chuyên nghiệp đầu tiên. Mùa giải đầu tiên của anh khép lại với 14 lần ra sân và 5 bàn thắng, một khởi đầu tương đối ấn tượng.

Mùa giải 2005 chứng kiến sự tỏa sáng rực rỡ của Furuhashi khi anh trở thành đầu tàu trên hàng công của Cerezo Osaka. Nhờ phong độ chói sáng, anh đã giúp đội bóng dẫn đầu bảng xếp hạng trong một phần lớn mùa giải và giành được danh hiệu J.League Best Eleven, một vinh dự cao quý dành cho những cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Thời điểm đó, những ngôi sao như Yasuhito Endo và Araujo của Gamba Osaka, đội vô địch mùa giải, cũng được vinh danh.

Sau khi Cerezo Osaka xuống hạng không lâu sau đó, Furuhashi chuyển đến thi đấu cho Montedia Yamagata và Shonan Bellmare, nơi anh ghi dấu ấn trong tổng cộng 125 trận đấu tại J1 League. Cầu thủ này giải nghệ vào năm 2020 và được nhiều cổ động viên yêu quý vì sự chuyên nghiệp của mình.