10 Ngoại Binh Đang Chật Vật Tại J-League 2024

Ngoại Binh J-League 2024

Dù đến từ những quốc gia có nền bóng đá phát triển, nhưng không phải cầu thủ ngoại quốc nào cũng có thể dễ dàng tỏa sáng và thích nghi tại J-League, một trong những giải đấu bóng đá khắc nghiệt nhất châu Á. Trải qua nửa mùa giải, có rất nhiều ngoại binh của những CLB hàng đầu J-League đang chật vật và thậm chí chưa có cơ hội ra sân thể hiện mình.

Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua 10 cầu thủ J-League đang gặp nhiều khó khăn trong việc thể hiện mình ở mùa giải năm nay.

10 Ngoại Binh Chưa Thể Tỏa Sáng Tại J-League 2024

1. Bryan Linssen (Urawa Red Diamonds)

Chấn thương khiến Bryan Linssen không thể đóng góp cho Urawa Reds.
Chấn thương khiến Bryan Linssen không thể đóng góp cho Urawa Reds. Ảnh: Football Channel

Gia nhập Urawa Red Diamonds với thành tích 13 bàn thắng và 8 kiến tạo sau 34 trận tại Feyenoord vào năm 2022, Bryan Linssen được kì vọng sẽ trở thành một ngôi sao chủ lực trên hàng công đội bóng mới và đưa họ quay trở lại thời hoàng kim.

Tuy nhiên, vận may đã không đồng hành cùng với cầu thủ 34 tuổi. Ở mùa giải đầu tiên cập bến Urawa Reds, Bryan Linssen dính chấn thương nặng ở những trận đấu giao hữu tiền mùa giải, để rồi gặp khó trong việc hồi phục và chỉ có vỏn vẹn 3 lần ra sân. Năm tiếp theo, mọi thứ trở nên khó khăn hơn với cầu thủ người Hà Lan, khi anh ra sân 19 trận, dù trên thực tế có đến 14 trận từ ghế dự bị.

Ở mùa giải thứ ba, Bryan Linssen lại tiếp tục dính chấn thương và chỉ mới có vỏn vẹn 3 trận ra sân tại J-League. Theo quy định, mỗi đội bóng J-League chỉ được phép ra sân với 5 ngoại binh trong một trận đấu, và với tình hình hiện tại, khả năng góp mặt của Bryan Linssen ở các trận đấu tiếp theo là không mấy lạc quan.

2. Jay-Roy Grot (Kashiwa Reysol)

Jay-Roy Grot chỉ là sự lựa chọn thứ tư trên hàng công Kashiwa Reysol.
Jay-Roy Grot chỉ là sự lựa chọn thứ tư trên hàng công Kashiwa Reysol. Ảnh: Football Channel

Trước khi đến với Kashiwa Reysol, Jay-Roy Grot cũng không phải là một tiền đạo hạng “xoàng”, khi anh là thành viên của đội U21 Hà Lan, cũng như có quãng thời gian thi đấu ở các đội bóng tại Anh và Đức.

Đến J-League với mức phí 1,75 triệu Euro, Jay-Roy Grot được xem như là chủ công mới của đội bóng. Mặc dù vậy, anh không được trao nhiều cơ hội khi Masahiro Hosoya tiến bộ vượt bật và trở thành tiền đạo cắm số 1 của đội bóng áo vàng.

Ở mùa giải năm nay, bất chấp Kashiwa Reysol chuyển sang đội hình với hai tiền đạo mũi nhọn, Jay-Roy Grot vẫn không thể cạnh tranh với các đồng đội và trở thành sự lựa chọn thứ 4, sau Masahiro Hosoya, Matheus Savio, Tomoya Koyamatsu và Kosuke Kinoshita. Cho đến thời điểm hiện tại, anh chỉ mới có vỏn vẹn 20 phút ra sân tại J-League và đang đối mặt với tương lai tăm tối.

Masahiro Hosoya sẽ tạm rời J-League để thi đấu tại thế vận hội trong thời gian sắp tới, đó sẽ là thời cơ để chân sút sinh năm 1998 khẳng định tầm quan trọng của mình. Bằng không, anh nên cân nhắc đến việc ra đi để cứu vãn sự nghiệp.

3. Mitchell Duke (Machida Zelvia)

Mitchell Duke chỉ còn là kép phụ của Machida ở mùa giải năm nay. Ảnh: Football Channel

Dù là nhân tố chính giúp Machida Zelvia thăng hạng lên J-League 1 ở mùa giải năm ngoái, Mitchell Duke đã dần trở thành kép phụ trong chiến hết sức thành công của họ ở mùa giải này.

Đóng góp 11 bàn thắng và 6 kiến tạo tại J-league 2, Mitchell Duke trở thành quân bài ưu thích của HLV Tsuyoshi Kuroda ở mùa giải trước nhờ vào thể hình nổi bật cũng như sức bền. Tuy vậy, mọi chuyện trở nên đảo chiều ở mùa giải năm nay khi Mitchell Duke không còn được trọng dụng quá nhiều.

Cầu thủ sinh năm 1991 ra sân 15 trận và có cho mình 2 bàn thắng, tuy nhiên trên thực tế anh chỉ có 212 phút ở trên sân và không hề đá chính bất kì lần nào. Lý do khiến cho Mitchell Duke mất chỗ đứng trong đội hình của Machida không phải vì chấn thương, mà là sự tỏa sáng vượt kì vọng của tiền đạo người Hàn Quốc, Oh Se-hoon.

Ngoài Oh Se-hoon, Shota Fujio cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc và dần chiếm lấy suất đá chính của người đàn anh. Nếu như Shota Fujio được triệu tập vào đội hình U23 Nhật Bản cho Olympic sắp tới, cơ hội sẽ lại đến tay Mitchell Duke.

4. Marcos Júnior (Sanfrecce Hiroshima)

Marcos Júnior đối mặt với tương lai không mấy khả quan tại Sanfrecce Hiroshima.
Marcos Júnior đối mặt với tương lai không mấy khả quan tại Sanfrecce Hiroshima. Ảnh: Football Channel

Trong đội hình của Sanfrecce Hiroshima hiện tại, cơ hội ra sân của Marcos Júnior đang trở nên ít dần.

Từng là một trong những sát thủ tại Yokohama F. Marinos, những chấn thương đã khiến cho Marcos Júnior đánh mất chính mình và cơ hội ra sân của cầu thủ này do đó cũng trở nên hiếm hoi.

Ở mùa giải năm nay, tiền đạo sinh năm 1993 liên tục gặp những chấn thương nhẹ, khi cho anh chỉ mới có vỏn vẹn 5 trận thi đấu cho Sanfrecce Hiroshima tại J-League, đóng góp 1 bàn thắng và 1 kiến tạo. Bên cạnh đó, sự tỏa sáng của Yuki Ohashi và Rikutsuki Kato càng khiến cho tình thế của Marcos Júnior tại đội bóng càng trở nên khó khăn hơn.

Ở tuổi 31, sự nghiệp của Marcos Júnior chưa hẳn đã đi đến hồi kết, tuy vậy những chấn thương liên miên khiến anh khó hấp dẫn được những đội bóng khác. Cầu thủ người Brazil cần sớm cải thiện phong độ để lấy lại đẳng cấp vốn có của mình.

5. Issam Jebali (Gamba Osaka)

Issam Jebali không có nhiều thời gian chơi bóng ở mùa giải năm nay.
Issam Jebali không có nhiều thời gian chơi bóng ở mùa giải năm nay. Ảnh: Football Channel

Tuyển thủ Tunisa, Issam Jebali, người từng góp mặt 3 trận tại World Cup 2022 ở Qatar, đang trải qua những tháng ngày khó khăn trong sự nghiệp tại Gamba Osaka.

Mùa giải năm nay là mùa giải thứ hai mà Issam Jebali thi đấu trong màu áo đội bóng vùng Osaka. Ở mùa giải đầu tiên, anh chơi không đến nỗi nào với 3 kiến tạo và 5 bàn thắng sau 29 trận. Tuy nhiên ở mùa giải năm nay, anh vấp phải sự canh tranh cực lớn đến từ Takashi Usami và dần trở thành phương án hai trong đội hình của Gamba Osaka.

Issam Jebali mới chỉ có vỏn vẹn 140 phút ra sân tại J-League năm nay và vẫn đang tịt ngòi. Với việc Gamba đang bay cao trên BXH, HLV Dani Poyatos sẽ không mạo hiểm thay đổi hàng công. Dù Issam Jebali vẫn sẽ là một phương án dự bị hữu hiệu, anh cần phải thể hiện nhiều hơn để cải thiện thời gian thi đấu.

6. Thales Paula (Nagoya Grampus)

Thales Paula, Ngoại Binh Đang Chật Vật Tại J-League,  vẫn còn nhiều thời gian để thể hiện mình.
Thales Paula vẫn còn nhiều thời gian để thể hiện mình. Ảnh: Football Channel

Ở tuổi 22, đáng ra Thales Paula phải trải qua những trận đấu cam go để rèn luyện những kĩ năng của mình, thì anh lại dần trở nên biến mất trong màu áo Nagoya Grampus.

Cầu thủ chạy cánh người Brazil bắt đầu sự nghiệp ngay tại Nhật Bản, tham dự các giải đấu ở trường trung học và gây được ấn tượng cho nhóm tuyển trạch của Nagoya Grampus. Sau khi kí hợp đồng chuyên nghiệp, sự nghiệp của Thales Paula trở nên xấu đi khi những chấn thương liên miên khiến cho thời gian thi đấu của anh liên tục bị gián đoạn.

Ở mùa giải năm nay, Thales Paula không những vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt đến từ Katsuhiro Nakayama hay Kyota Sakakibara, mà còn từ sự thay đổi chiến thuật của HLV Kenta Hasegawa. Dẫu sao, Thales Paula mới chỉ 22 tuổi và còn nhiều thời gian để khẳng định mình.

7. Kim Gun-hee (Sapporo)

Kim Gun-hee, Ngoại Binh Đang Chật Vật Tại J-League,  cần lấy lại phong độ để cứu nguy cho Sapporo.
Kim Gun-hee cần lấy lại phong độ để cứu nguy cho Sapporo. Ảnh: Football Channel

Với chiều cao 1 mét 87, Kim Gun-hee là một trong những tiền đạo có khả năng không chiến tốt nhất mà Hàn Quốc sở hữu, bản thân cầu thủ này từng được triệu tập lên ĐTQG vào năm 2022.

Gây ấn tượng trong màu áo ĐTQG, cầu thủ sinh năm 1995 được Sapporo chiêu mộ ở giai đoạn giữa màu giải 2022 và cho anh thời gian nửa năm để thích nghi. Mọi chuyện tương đối khả quan ở mùa giải tiếp theo cho đến khi chấn thương đầu gối khiến cho Kim Gun-hee mất nhiều thời gian mới có thể trở lại.

Sapporo đang có phong độ không mấy khả quan ở mùa giải năm nay, và bản thân Kim Gun-hee cũng vậy. Cầu thủ 29 tuổi ra sân 8 trận và vẫn chưa có bất kì đóng góp nào cho đội bóng chủ quản. Kim cần phải sớm trở lại để gánh vác hàng công của Sapporo.

8. Ekanit Panya (Urawa Red Diamonds)

Tài năng của bóng đá Thái Lan - Ekanit Panya Ngoại Binh Đang Chật Vật Tại J-League
Tài năng của bóng đá Thái Lan – Ekanit Panya đang chật vật tại Urawa Reds. Ảnh: Football Channel

Không dễ gì để những ngôi sao Đông Nam Á được những CLB hàng đầu Nhật Bản chú ý, vậy mà Ekanit Panya lại lọt vào mắt xanh của Urawa Red Diamonds, điều này chứng tỏ tiềm năng lớn mà ngôi sao người Thái Lan có.

Tuy vậy, sân chơi J-League hiện đang quá tầm so với khả năng của cầu thủ sinh năm 1999. Ở vị trí tiền vệ công, Ekanit Panya không thể cạnh tranh được với những tên tuổi khác. Cho đén thời điểm hiện tại, viên ngọc quý của bóng đá Thái Lan mới chỉ có vỏn vẹn 55 phút ra sân tại J-League.

Hợp đồng của Ekanit Panya với Urawa Red Diamonds sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và với tình hình như hiện tại, những kì vọng Ekanit Panya sẽ nối tiếp Chanathip Songrasing thành công tại J-League là rất khó xảy ra.

9. Danilo Gomez (Albirex Niigata)

Chấn thương là rào cản lớn nhất của Danilo Gomez, Ngoại Binh Đang Chật Vật Tại J-League .
Chấn thương là rào cản lớn nhất của Danilo Gomez. Ảnh: Football Channel

Là cầu thủ Brazil, Danilo Gomez sở hữu lối chơi hoa mỹ và kĩ thuật, điều giúp anh trở thành bản hợp đồng được kì vọng tại Albirex Niigata.

Cầu thủ sinh năm 1999 có mùa giải đầu tiên không đến nỗi nào với Albirex. Với 14 lần ra sân, chủ yếu từ ghế dự bị, Danilo Gomez vẫn có đến 42 lần rê bóng thành công, thành tích cao thứ ba của đội. Tuy vậy, những chấn thương liên miên đã khiến cho những đóng góp của anh ở mùa giải năm nay trở nên nhỏ giọt và ít dần.

Sau 8 trận ra sân tại J-League, Danilo Gomez không có bất kì bàn thắng hay kiến tạo nào. Dù có nhiều phẩm chất đặc biệt để trở thành một ngôi sao, Danilo Gomez lại đang phải giải quyết vấn đề chấn thương đang khiến anh bị chững lại.

10. Warner Hahn (Kyoto Sanga)

Warner Hahn, một Ngoại Binh Đang Chật Vật Tại J-League, là sự lựa chọn thứ tư ở vị trí thủ môn của Kyoto Sanga
Warner Hahn là sự lựa chọn thứ tư ở vị trí thủ môn của Kyoto Sanga. Ảnh: Football Channel

Warner Hahn đến với Kyoto Sanga với một bảng thành tích không hề tệ, khi anh là thủ môn của ĐTQG Suriname, cũng như từng là cầu thủ của Ajax, Anderlecht hay Feyenoord. Tuy nhiên, hành trình của thủ thành 32 tuổi trên đất Nhật Bản lại đang diễn ra không mấy suôn sẻ.

Ngay từ khi chuyển đến Kyoto, Warner Hahn chỉ là sự lựa chọn thứ 3 sau Takeshi Ota và Tomoya Wakahara. Sau khi Wakahara rời đi, tưởng chừng như Warner Hahn sẽ trở thành sự lựa chọn thứ hai, thì sự có mặt của thủ môn Hàn Quốc Gu Sung-yun làm cho tình hình của Hahn không khá khẩm hơn là mấy. Thủ môn vốn dĩ không phải là vị trí thường xuyên bị thay đổi, vì vậy Warner Hahn nên cân nhắc việc rời đi để cứu vãn sự nghiệp của mình.