J-League 2024 đã chính thức khép lại. Sau 38 vòng đấu căng thẳng, Vissel Kobe xuất sắc lên ngôi, qua đó có năm thứ hai liên tiếp giành được chức vô địch. Ngoài ra, giải J-League năm nay còn ghi nhận những đội bóng ấn tượng khác, có thể kể đến như Machida Zelvia hay Tokyo Verdy.
Dù vậy, vẫn có những đội bóng được đầu tư rất mạnh mẽ và thi đấu tốt ở một số giai đoạn, nhưng nhanh chóng sa sút và trở thành nỗi thất vọng trong mắt các cổ động viên. Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 6 đội bóng tệ nhất J-League 2024.
6 Câu Lạc Bộ Gây Thất Vọng Nhất J-League 2024
1. Urawa Reds (Hạng 13)
Trước khi mùa giải khởi tranh, Urawa Reds là đội bóng hoạt động rất năng nổ trên thị trường chuyển nhượng. Họ chiêu mộ một loạt những cái tên chất lượng, có thể kể đến như Naoki Maeda, Ryoma Watanabe, Thiago Santana và các ngoại binh Samuel Gustafsson, Yusuke Matsuo, cùng Ola Solbakken.
Được dự đoán là ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch, Urawa Reds đã khởi đầu mùa giải một cách chậm chạp và đặc biệt gặp khó khăn với chuỗi sáu trận không thắng vào tháng 5. HLV Per Matthias Haegmo đã không thể giúp đội bóng vượt qua những thách thức, để rồi ông bị sa thải vào tháng 8.
HLV Maciej Skorja, người từng dẫn dắt Urawa ở mùa giải trước, quay trở lại thay thế nhưng cũng không tạo được bước ngoặt. Urawa tiếp tục gặp vấn đề lớn ở cả khâu tấn công lẫn phòng ngự, khiến họ không chỉ mất khả năng cạnh tranh danh hiệu mà còn rơi vào cuộc chiến trụ hạng. Dù nỗ lực hết sức, đội bóng chỉ cán đích ở vị trí thứ 13 trên bảng xếp hạng, một kết quả không thể chấp nhận đối với một đội bóng đầy tham vọng như Urawa.
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến mùa giải thất vọng chính là sự bất ổn trong đội hình. Chấn thương của các trụ cột như Naoki Maeda và những sự ra đi trong kỳ chuyển nhượng mùa hè đã khiến đội bóng mất đi tính cân bằng cần thiết. Việc thiếu sự thay thế xứng đáng và không thể duy trì phong độ ổn định đã dẫn đến một loạt trận đấu kém thuyết phục.
Về chiến thuật, sự thay đổi liên tục trên băng ghế huấn luyện cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. HLV Per Matthias Haegmo bị sa thải khi đội bóng không tìm được lối chơi phù hợp, trong khi HLV Maciej Skorja, dù có kinh nghiệm, vẫn không thể tạo nên sự khác biệt trong thời gian ngắn. Hàng phòng ngự lỏng lẻo và sự thiếu sắc bén trên hàng công đã khiến Urawa rơi vào cuộc chiến trụ hạng, điều mà ít ai có thể tưởng tượng trước khi mùa giải bắt đầu.
Người hâm mộ của Urawa đang rất mong đợi một sự trở lại mạnh mẽ vào mùa giải 2025. Áp lực đặt lên đội bóng là rất lớn, bởi họ không chỉ cần cải thiện thành tích mà còn phải khẳng định lại vị thế của mình ở J-League. Những vấn đề về lực lượng và chiến thuật cần được giải quyết triệt để nếu Urawa muốn lấy lại niềm tin từ người hâm mộ và tái lập thành công trong tương lai.
2. Albirex Niigata (Hạng 16)
Mùa giải 2024 của Albirex Niigata không phải hoàn toàn thất vọng, nhưng cũng để lại nhiều tiếc nuối. Điểm sáng lớn nhất của đội bóng trong năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử, họ tiến vào trận chung kết YBC Levain Cup. Đối đầu với Nagoya Grampus trong trận chung kết, chiến lược thay người đã giúp Niigata kéo trận đấu đến loạt sút luân lưu. Dù không thể giành được chức vô địch, tinh thần chiến đấu kiên cường của đội bóng trên sân khấu lớn đã để lại ấn tượng mạnh mẽ không chỉ với các cổ động viên của Niigata mà còn với nhiều người yêu bóng đá.
Tuy nhiên, trái ngược với thành công tại Levain Cup, phong độ ở J-League của Niigata lại rất tệ. Xuyên suốt mùa giải, Albirex gần như chỉ luẩn quẩn ở nửa cuối BXH và liên tục lâm vào cuộc chiến trụ hạng. Phải đến vòng đấu cuối cùng, họ mới có thể chắc suất ở lại J-League.
Rõ ràng, Albirex cần phải rút ra những bài học cho riêng mình nếu như muốn đạt được thành công ở mùa giải 2025. Dù có khoảnh khắc thăng hoa, nhưng sự bất ổn trong giải đấu chính là điểm yếu cần khắc phục của đội bóng này.
3. Cerezo Osaka (Hạng 10)
Đã tùng có thời điểm Cerezo Osaka đứng đầu BXH và được xem như là ứng cử viên cho chức vô địch. Đáng tiếc, Cerezo Osaka kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 10, gây thất vọng lớn đối với người hâm mộ.
Cerezo Osaka khởi đầu gần như hoàn hảo khi không thua trong tám vòng đấu đầu tiên. Sau hai trận hòa trước FC Tokyo (2-2) và Kashima Antlers (1-1), họ giành ba chiến thắng liên tiếp, nhanh chóng vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng. Tuy nhiên, chuỗi trận đáng tự hào đó lại chính là đỉnh cao duy nhất của họ. Từ thất bại trước Nagoya Grampus (1-2) ở vòng 9, đội bóng rơi vào khủng hoảng với chuỗi sáu trận không thắng, trong đó có ba trận thua liên tiếp, khiến họ tụt dốc không phanh.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành tích kém cỏi này là sự phụ thuộc quá mức vào tiền đạo chủ lực Leo Ceará. Ceará đã ghi 21 bàn trong 38 trận mùa này, chứng minh mình là một chân sút chất lượng. Tuy nhiên, một khi cầu thủ người Brazil bị phong toả, Cerezo gần như không có phương án khác để giải quyết trận đấu. Rõ ràng, để có thể cạnh tranh với các đội top đầu, đội bóng áo hồng cần bổ sung nhiều cầu thủ khác để chia lửa với Leonardo de Sousa Pereira.
Kết thúc ở vị trí thứ 10 rõ ràng không phải điều người hâm mộ kỳ vọng, nhất là khi họ đã có khởi đầu ấn tượng. HLV Kokiku, người đã dẫn dắt đội suốt bốn năm, cũng sẽ rời khỏi cương vị vào cuối mùa. Với việc bước vào một kỷ nguyên mới, Cerezo Osaka cần chuẩn bị kỹ lưỡng và cải thiện cả về chiều sâu đội hình lẫn chiến thuật nếu muốn giành được danh hiệu trong tương lai.
4. Sagan Tosu (Hạng 20)
Mùa giải thứ 13 của Sagan Tosu tại J1 League đã khép lại trong nỗi buồn, khi họ đã phải xuống hạng kể từ năm 2012. Với kinh nghiệm trụ hạng nhiều năm, rõ ràng Sagan Tosu có khả năng làm tốt hơn ở mùa giải này. Vì vậy, việc họ phải xuống hạng đã để lại sự thất vọng nơi người hâm mộ.
Ngay từ những vòng đấu đầu tiên, Sagan Tosu đã có khởi đầu không tốt và cho thấy mình là ứng cử viên hàng đầu cho tấm vé xuống hạng. Họ trải qua chuỗi sáu trận không thắng từ tháng 3 đến tháng 4 (1 hòa, 5 thua) và chuỗi 12 trận không thắng liên tiếp từ tháng 7 đến tháng 10 (3 hòa, 9 thua), đồng thời không bao giờ xếp trên vị trí thứ 15 trên BXH.
Kết quả tệ hại này đã khiến ban lãnh đạo quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV Kawai vào tháng 8, trao quyền dẫn dắt tạm thời cho giám đốc kỹ thuật Kimiya Kimiya. Tuy nhiên, những thay đổi này là không đủ để giúp Sagan Tosu trụ hạng thành công.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc xuống hạng là sự mất mát của các cầu thủ trụ cột. Ayumu Yokoyama ra nước ngoài thi đấu, trong khi Yoichi Naganuma và Hajime Kawahara chuyển sang các câu lạc bộ nội địa. Những khoảng trống mà các cầu thủ này để lại quá lớn và không thể được bù đắp kịp thời, khiến đội bóng ngày càng sa sút.
Dẫu vậy, vẫn có một số tín hiệu tích cực xuất hiện trong những vòng đấu cuối sau khi đội đã chắc chắn xuống hạng. Trong bốn trận cuối cùng, họ giành được ba chiến thắng và chỉ thua một trận. Những kết quả này ít nhiều mang lại hy vọng cho mùa giải tới tại J2 League.
5. Sapporo (Hạng 19)
Hokkaido Consadole Sapporo đã khép lại mùa giải 2024 với một kết cục đáng buồn khi bị rớt hạng xuống J-League 2. Trong mùa giải thứ sáu sự dẫn dắt của HLV Mihajlo Petrović, Sapporo vẫn duy trì lối chơi tấn công đẹp mắt, tiếc là hiệu quả đã không còn như trước.
Sapporo khởi đầu mùa giải một cách chậm chạp, với trận hòa 0-0 trước Avispa Fukuoka ở vòng mở màn. Ngay sau đó, họ rơi vào ác mộng với chuỗi năm trận thua liên tiếp. Chiến thắng đầu tiên của mùa giải chỉ đến ở vòng 7, khi họ vượt qua Gamba Osaka với tỷ số 1-0. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi đội bóng tiếp tục trải qua chuỗi năm trận không thắng ngay sau đó. Đến thời điểm này, Sapporo đã chìm sâu trong nhóm xuống hạng, và người hâm mộ đã bắt đầu la ó, yêu cầu sa thải HLV Mihajlo Petrović.
Phong độ tồi tệ của đội bóng áo sọc đỏ đen tiếp tục kéo dài ở quãng thời gian sau đó. Kể từ vòng 15, Sapporo trải qua chuỗi 8 trận liên tiếp toàn thua, điều này khiến họ ngụp lặn ở vị trí cuối bảng và đối mặt với áp lực rất lớn.
Mặc dù vậy, trong kỳ chuyển nhượng mùa hè, Sapporo đã mang về Reo Osaki, một hậu vệ tài năng, để củng cố đội hình. Dù phong độ trong nửa sau mùa giải đã được cải thiện, họ không thể tích lũy đủ điểm để vượt qua các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, dẫn đến việc chính thức xuống hạng ở vòng 37.
Mùa giải này không chỉ khép lại hành trình tám năm liên tiếp của Sapporo tại J-League 1, mà còn đánh dấu sự kết thúc triều đại của HLV Petrović. Với một ban huấn luyện mới sắp được bổ nhiệm, Sapporo sẽ phải đối mặt với thử thách lớn ở J-League 2 trong mùa giải tới. Mục tiêu của đội bóng chắc chắn sẽ là quay lại J-League 1, dù vậy, sau một mùa giải thất bại toàn tập, liệu Sapporo có đủ sức gượng dậy?
6. Nagoya Grampus (Hạng 11)
Mùa giải 2024 của Nagoya Grampus là một mùa giải đầy cảm xúc lẫn lộn, với những điểm sáng đáng khen nhưng cũng tồn tại nhiều hạn chế khiến người hâm mộ khó lòng hài lòng. Chiến thắng tại YBC Levain Cup lần thứ hai trong ba năm là một thành tựu quan trọng, giúp nâng cao danh tiếng của đội bóng.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thành tích tại J-League, Nagoya buồn nhiều hơn là vui. Từng có khởi đầu thảm hoạ khi để thua 3 trận mở màn đầu mùa, Nagoya sau đó bừng tỉnh và cải thiện phần nào thành tích. Dù vậy, đội bóng liên tục trải qua tình cảnh trận hay trận dở, không nằm trong nhóm nguy hiểm, nhưng cũng không đủ sức để cạnh tranh danh hiệu. Để rồi kết thúc 38 vòng đấu, Nagoya dậm chân ở vị trí thứ 11.
Dưới thời HLV Kenta Hasegawa, Nagoya đã phát triển nhiều lựa chọn chiến thuật hơn, nhưng sự phụ thuộc vào một số cầu thủ nhất định là điểm yếu cần khắc phục. Nếu muốn tham gia cuộc đua vô địch, đội bóng cần cải thiện khả năng điều chỉnh chiến thuật và thích nghi trong các trận đấu then chốt. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng đội hình tổng thể sẽ là chìa khóa để Nagoya tiến xa hơn trong tương lai.