Đội tuyển Nhật Bản sẽ tiếp tục có đợt tập trung cho loạt trận đấu thuộc vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á sắp tới. Dù rằng HLV Hajime Moriyasu vẫn đang đi đúng hướng, khi giúp những chiến binh Samurai xanh giành được kết quả tốt đồng thời tràn trề cơ hội có mặt ở World Cup 2026, rất nhiều lo ngại đã được đặt ra khi vị chiến lược gia 55 tuổi chỉ sử dụng một nhóm cầu thủ nhất định, bất chấp Nhật Bản có rất nhiều cái tên chất lượng khác.
Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua 6 cầu thủ nên được ra sân thường xuyên hơn trong màu áo đội tuyển Nhật Bản thời gian tới.
6 Tuyển Thủ Cần Được Ra Sân Nhiều Hơn Ở Đội Tuyển Nhật Bản
1. Yukinori Sugawara (Hậu Vệ/Southampton)
Là cầu thủ thi đấu cho AZ Alkmaar tại Hà Lan ở mùa giải trước, Yukinori Sugawara có bước tiến lớn trong sự nghiệp khi chuyển sang khoác áo Southampton ở Premier League, một giải đấu khắc nghiệt hơn, và có 8 lần ra sân ở mùa giải năm nay.
Tuy nhiên, trái ngược với màn trình diễn ở câu lạc bộ, Sugawara lại gặp khó khăn trong màu áo đội tuyển quốc gia. Ở thời điểm trước, anh là lựa chọn số một ở vị trí hậu vệ phải, nhưng trong 5 trận đấu gần đây, cầu thủ sinh năm 2000 đã liên tục ngồi trên băng ghế dự bị. Nguyên nhân chính của điều này là sự thay đổi chiến thuật của đội tuyển Nhật Bản khi chuyển sang sơ đồ ba trung vệ.
Kết quả là vị trí hậu vệ biên, sở trường của Sugawara, đã không còn phù hợp. Sugawara có thể chơi ở vị trí tiền vệ cánh phải, nhưng vị trí này đòi hỏi khả năng tấn công cao. Anh đã mất ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh như Junya Ito và Ritsu Doan, những người có lối chơi tấn công tốt hơn và khả năng xuyên phá tốt hơn, khiến Sugawara ít có cơ hội ra sân.
Tài năng của Sugawara và trong trường hợp Nhật Bản triển khai sơ đồ 4 hậu vệ, HLV Moriyasu nên trao cho hậu vệ 24 tuổi cơ hội ra sân nhiều hơn.
2. Keito Nakamura (Tiền Đạo/Stade de Reims)
Trong đội hình đội tuyển Nhật Bản với nhiều ngôi sao, tiền đạo Keito Nakamura hiện là một trong những cầu thủ được chú ý nhất. Từ tháng 9, Nakamura đã thi đấu ấn tượng tại Stade Reims. Trong 5 trận đầu tiên ở Stade de Reims, cầu thủ này liên tục tỏa sáng với 5 bàn thắng và 1 kiến tạo.
Tuy nhiên, dù có phong độ tốt ở câu lạc bộ, Nakamura vẫn chưa có nhiều thời gian thể hiện mình trong màu áo đội tuyển Nhật Bản. Ở vị trí tiền đạo trái, Keito Nakamura đang phải cạnh tranh gắt gao với Kaoru Mitoma và Daizen Maeda. Ở những trận đấu gần đây, Nakamura chỉ được tung vào sân từ phút 70 hoặc 80.
Thật đáng tiếc nếu để một tiền đạo cánh đang có phong độ cao ở Pháp ngồi trên ghế dự bị quá lâu. Mặc dù Mitoma là cầu thủ không thể thiếu, việc Nakamura có thêm cơ hội thi đấu sẽ mang lại lợi ích lớn. Kaoru Mitoma thi đấu ở một trong những giải hàng đầu châu Âu, và Keito Nakamura cũng đang thể hiện phong độ xuất sắc. Mỗi người đều có một điểm mạnh khác nhau, đây là bài toán khó nhưng thú vị cho HLV Hajime Moriyasu.
3. Reo Hatate (Tiền Vệ/Celtic)
Gia nhập Celtic vào năm 2021, Reo Hatate giành luôn suất đá chính và trở thành một trong những cầu thủ ổn định nhất đội bóng. Dù vậy, anh vẫn chưa thể giành được vị trí ổn định trong đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Vấn đề chủ yếu đến từ việc cầu thủ sinh năm 1997 thi đấu trùng vị trí với những Wataru Endo, Hidemasa Morita và Aoi Tanaka và chưa thể cạnh tranh được suất đá chính với những cái tên trên.
Khả năng đa năng của Hatate khi có thể thi đấu ở nhiều vị trí là điểm mạnh nổi bật của cầu thủ này, nhưng với đội hình hiện tại, vốn có nhiều cầu thủ chất lượng ở mỗi vị trí, đây không phải là ưu điểm để Hatate tận dụng.
4. Koki Ogawa (Tiền Đạo/NEC Nijmegen)
Koki Ogawa gia nhập NEC Nijmegen từ Yokohama FC dưới dạng cho mượn vào mùa hè năm ngoái. Trong lần đầu tiên thử sức ở nước ngoài, cầu thủ sinh năm 1997 đã có màn trình diễn vượt ngoài mong đợi khi ghi được 11 bàn thắng trong 31 trận đấu tại giải vô địch quốc gia. Với thành tích này, NEC Nijmegen đã nhanh chóng giữ chân ngôi sao này bằng một bản hợp đồng chính thức.
Trong mùa giải thứ hai tại nước ngoài, Ogawa vẫn duy trì phong độ ổn định và có được hai bàn thắng ở mùa giải năm nay. Dù đạt thành tích ổn định tại câu lạc bộ, Ogawa vẫn chưa nhận được sự tin tưởng từ HLV Hajime Moriyasu tại đội tuyển quốc gia Nhật Bản.
Cơ hội thi đấu của anh ở đội tuyển quốc gia khá hạn chế. Lần gần nhất Ogawa ra sân từ đầu cho đội tuyển là trong trận đấu với Myanmar vào tháng 6. Trong các đợt tập trung vào tháng 9 và tháng 10vừa qua, anh đều phải ngồi dự bị trong cả 4 trận, chỉ được tung vào sân hỗ trợ cho Ueda Ayase.
Có thể, HLV Moriyasu xem Koki Ogawa là quân bài dự bị cho những khoảnh khắc quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta nên trao cho Ogawa thêm cơ hội thi đấu, bởi hai tiền đạo Ueda và Ogawa nếu cạnh tranh lành mạnh và đạt phong độ cao sẽ là lợi thế lớn, giúp đội tuyển Nhật Bản mạnh mẽ hơn.
5. Daizen Maeda (Tiền Đạo/Celtic)
Trong đội hình của đội tuyển Nhật Bản hiện tại, Daizen Maeda là một trong những cái tên sở hữu tốc độ đáng gờm nhất. Ở mùa giải thứ tư liên tiếp khoác áo Celtic, cầu thủ sinh năm 1997 tiếp tục cho sự ổn định và bền bỉ của mình.
Dù vậy, Maeda lại không có nhiều cơ hội ra sân cho đội tuyển Nhật Bản. Anh phải cạnh tranh với các cầu thủ xuất sắc như Kaoru Mitoma và Keito Nakamura ở vị trí cánh trái. Ở loạt trận đấu vừa qua của đội tuyển Nhật Bản, Maeda chỉ có tổng cộng 60 phút góp mặt trên sân.
Chủ đích của HLV Moriyasu là tung Maeda vào sân trong hiệp 2, khi đó những pha nước rút và tăng tốc của cầu thủ này sẽ khiến cho hàng phòng ngự đối phương, vốn đã xuống sức, bị chao đảo. Tuy nhiên, thể lực vượt trội hoàn toàn có thể cho phép Maeda thi đấu xuyên suốt 90 phút. Nhật Bản hoàn toàn có thể ra sân với Maeda ở đội hình xuất phát, sau đó thay thế bằng Mitoma để tạo nên sự biến ảo.
Ngoài Maeda, hiếm có cầu thủ Nhật Bản nào sở hữu sự kết hợp giữa tốc độ và sức bền cao đến vậy. Chính điều này khiến việc sử dụng tốc độ của Maeda trở thành một thách thức chiến thuật cho HLV Hajime Moriyasu.
6. Junya Ito (Tiền Đạo/Stade de Reims)
Bị cáo buộc tấn công tình dục, Junya Ito liên tục bị ngó lơ trong chiến dịch của đội tuyển Nhật Bản ở năm 2024. Mãi đến đợt tập trung vào tháng 9, cầu thủ sinh năm 1993 mới được gọi trở lại. Không phụ lòng HLV Moriyasu, ngôi sao 31 tuổi đã có màn trình diễn xuất xắc.
Trong loạt trận đấu ấn tượng của đội tuyển Nhật Bản ở vòng loại thứ 3, Ito đã đóng góp nhiều ở cả lối chơi chung lẫn số bàn thắng và kiến tạo, giúp Nhật Bản liên tục giành chiến thắng trước đối thủ. Mặc dù thể hiện phong độ tốt, cách sử dụng Ito của đội tuyển vẫn đặt ra câu hỏi. Kể từ khi trở lại đội tuyển, anh chưa một lần ra sân từ đầu trận.
Giống như Wataru Endo và Hidemasa Morita, sự hiện diện của Ito có liên hệ trực tiếp đến chiến thắng của đội tuyển Nhật Bản. Theo ý kiến của nhiều người, Ito là trụ cột của đội bóng và nên được sử dụng như một cầu thủ chủ lực, chứ không chỉ là phương án dự bị.