Incheon United Rớt Hạng Sau 21 Năm – Đâu Là Nguyên Nhân?

INcheon United

Để thua trước Daejeon ở trận đấu sinh tử, Incheon United đã chính thức phải xuống hạng thi đấu ở K-League 2, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử 21 năm kể từ khi được thành lập vào năm 2003. Suốt nhiều năm liền phải đấu tranh cho tấm vé trụ hạng, Incheon United lần này đã thất bại, và có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa sút và hậu quả mà Incheon phải hứng chịu.

Những Hạn Chế Dẫn Đến Sự Sa Sút Của Incheon United

Giới Hạn Của Mô Hình “Câu Lạc Bộ Công Dân”

Incheon United được thành lập vào năm 2003 với sự ủng hộ từ 47.000 cổ đông nhỏ lẻ, chiếm 58% quyền sở hữu, được dẫn dắt bởi Hiệp hội Thể thao Incheon (nắm giữ 13,7% cổ phần). Như vậy, Incheon United nghĩa là đây là một câu lạc bộ bóng đá được thành lập và vận hành với sự tham gia của người dân địa phương, thường do sự hỗ trợ của các cổ đông công dân và ngân sách từ chính quyền địa phương.

Cụ thể với Incheon United, điều này nghĩa là câu lạc bộ không phải là tài sản riêng của một cá nhân hoặc tổ chức tư nhân mà được sở hữu và hỗ trợ bởi cộng đồng và thành phố Incheon. Với hình thức thành lập này, Incheon gặp nhiều khó khăn trong cách vận hành và phát triển, so với các đội bóng khác.

Dù có một số thành công nhỏ, như xếp thứ tư và giành quyền tham dự giải đấu AFC Champions League (ACL) lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 2022, Incheon rơi xuống vị trí thứ 6 ở năm tiếp theo và rớt hạng ở mùa giải này.

Thiếu Sự Chuyên Nghiệp Trong Quản Lý

Theo các chuyên gia, sự thiếu chuyên nghiệp trong quản lý là vấn đề lớn nhất của Incheon United. Mặc dù thi đấu kém hiệu quả, đội bóng không có những biện pháp phân tích và điều chỉnh chiến thuật một cách hệ thống. Thay vì đổi mới và tìm cách tăng cường sức cạnh tranh, Incheon United chủ yếu hướng tới các kết quả ngắn hạn, và không hề có kể hoạch đường dài.

Ông Choi Young-geun, HLV trưởng Incheon United, trong buổi họp báo ở vòng loại thứ 4 K-League 2024.
Ông Choi Young-geun, HLV trưởng Incheon United, trong buổi họp báo ở vòng loại thứ 4 K-League 2024. Ảnh: Incheon

Hiện nay, hội đồng quản trị của câu lạc bộ phần lớn là những người không có chuyên môn bóng đá. Trong số 17 thành viên, chỉ có ba người là Lim Jung-yong, chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Incheon, Jeong Tae-joon và Kim Jin-hee là giám đốc Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc có kiến thức về bóng đá. Phần còn lại là quan chức chính quyền, các nhà tài trợ và doanh nhân trong lĩnh vực thể thao hoặc kinh doanh. Sự thiếu hụt chuyên môn này khiến các quyết định của câu lạc bộ trở nên thiếu chiến lược và không phù hợp với yêu cầu của một đội bóng chuyên nghiệp.

Khó Khăn Tài Chính – Một Vấn Đề Căn Bản

Một yếu tố khác góp phần vào sự xuống dốc của Incheon United là tình trạng tài chính yếu kém. Mỗi năm, thành phố Incheon phải hỗ trợ hơn 10 tỷ won, tương đương khoảng 7 triệu đô, cho câu lạc bộ để chi trả lương cầu thủ.

Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này chỉ chiếm một nửa so với mức lương trung bình của các đội bóng khác cùng hạng đấu, khiến Incheon United gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân các cầu thủ tài năng. Thậm chí, khi phát hiện ra một cầu thủ có năng lực xuất sắc, đội bóng thường phải bán họ cho đối thủ để lấy lãi. Điều này dẫn đến tình trạng đội hình của Incheon United luôn mỏng và phụ thuộc vào các cầu thủ lớn tuổi hoặc kém chất lượng.

Hiện nay, trong số 40 cầu thủ của đội, 19 người đã trên 30 tuổi (chiếm 47,5%), một con số cao so với các đội bóng khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cầu thủ chủ chốt dễ gặp chấn thương và hồi phục chậm.

Incheon Cần Làm Gì Để Quay Lại K-League 1?

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, Incheon United vẫn có cơ hội trở lại K-League 1 nếu họ thực hiện các biện pháp cải cách và đầu tư vào đội bóng một cách hợp lý. Trước hết, một hội đồng quản trị mới với những người có kiến thức chuyên môn về bóng đá và quản lý thể thao là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cải thiện chiến lược quản lý và phân tích hiệu quả thi đấu của đội sẽ giúp câu lạc bộ xây dựng một đội hình vững mạnh và phát triển lâu dài.

Incheon cần tiếp tục chiến đấu để sớm quay trở lại K-League 1
Incheon cần tiếp tục chiến đấu để sớm quay trở lại K-League 1. Ảnh: Incheon

Việc duy trì một hệ thống đào tạo trẻ cũng là một hướng đi quan trọng. Incheon United có thể đầu tư vào các học viện đào tạo trẻ để phát triển các cầu thủ tiềm năng và giữ họ trong đội hình lâu dài. Điều này không chỉ giúp giảm bớt chi phí chuyển nhượng mà còn tạo ra nguồn lực ổn định cho đội bóng trong tương lai.

Cuối cùng, việc cải thiện tài chính bằng cách kêu gọi các nhà tài trợ và tìm kiếm các nguồn tài trợ khác cũng là một bước đi cần thiết. Khi có đủ tài chính, câu lạc bộ có thể giữ chân các cầu thủ chủ chốt và xây dựng một đội hình mạnh mẽ để cạnh tranh trở lại ở K-League 1.