Không chỉ đứng trước áp lực từ sự cạnh tranh khu vực, giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng tồn đọng nhiều vấn đề, khiến cho chất lượng đội tuyển Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, việc VFF cần phải hành động, thay đổi chiến lược là cần thiết nhằm duy trì vị thế cho đội tuyển Việt Nam.
Chất Lượng Đội Tuyển Việt Nam Đứng Trước Quá Nhiều Thách Thức
VFF hiện đang đứng trước yêu cầu cấp bách là phải tìm kiếm và phát triển các cầu thủ Việt kiều tài năng như một chiến lược dài hạn để bảo vệ vị thế, giữ vững và nâng cao thành tích cho đội tuyển.
Mặc dù VFF rất quan tâm đến việc tìm kiếm cầu thủ Việt kiều tài năng, quá trình này không hề dễ dàng do gặp nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý và chi phí cao. Việc xin quốc tịch Việt Nam cho cầu thủ Việt kiều đã có nhiều cải tiến, song vẫn tồn tại những trở ngại, đặc biệt với những cầu thủ sinh ra ở nước ngoài hoặc trong các gia đình đã mất giấy tờ gốc.
Ngoài ra, không phải cầu thủ Việt kiều nào cũng sẵn sàng trở về thi đấu tại Việt Nam, khiến cho việc tuyển chọn càng trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, việc đánh giá chất lượng cầu thủ Việt kiều cũng là một thử thách không nhỏ, khi VFF phải đầu tư thời gian và nguồn lực vào từng hồ sơ để lựa chọn những cầu thủ có tiềm năng thật sự.
Một vấn đề lớn nữa là chất lượng của các cầu thủ Việt kiều không đồng đều, khiến cho việc lựa chọn càng trở nên khó khăn. Phần lớn các cầu thủ này chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn cao, VFF vẫn phải tiếp tục “đãi cát tìm vàng” trong việc tìm kiếm cầu thủ Việt kiều có tiềm năng và cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho những tài năng này, bao gồm cả các thủ tục xin quốc tịch, để khuyến khích họ về nước thi đấu.
Đối với các cầu thủ nội thì chấn thương cũng là 1 vấn đề nan giải. Trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh, một trụ cột quan trọng trong hàng thủ của đội tuyển Việt Nam, đang đối mặt với chấn thương và khả năng bình phục để kịp tham gia ASEAN Cup 2024 hiện vẫn chưa được xác định.
Bên cạnh Việt Anh, các trung vệ kỳ cựu như Đỗ Duy Mạnh và Nguyễn Thành Chung cũng đang gặp phải vấn đề chấn thương, tình trạng này gây lo ngại lớn cho HLV trưởng Kim Sang Sik, khi thiếu đi một cầu thủ có thể hình, sức mạnh và kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Bên cạnh những thách thức từ chấn thương, đội tuyển Việt Nam còn gặp vấn đề về quân số do một số cầu thủ chủ chốt thuộc biên chế CLB Nam Định sẽ khó có mặt sớm trong quá trình tập trung cho ASEAN Cup. Kế hoạch chuẩn bị cho trận ra quân ASEAN Cup vào ngày 9/12 sẽ gặp nhiều khó khăn khi CLB Nam Định vẫn đang phải tham dự AFC Champions League 2.
Chất Lượng V-League Ngày Càng Xấu Đi
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu của đội tuyển quốc gia đó chính là lối chơi thô bạo của một số cầu thủ tại V-League. Để nâng cao hình ảnh và chất lượng bóng đá nước nhà, cần phải triệt tiêu lối chơi thô bạo ngay từ trong ý thức của các cầu thủ, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh và thành tích của bóng đá Việt Nam.
Cụ thể, số liệu thống kê sau 7 vòng đấu cho thấy đã có tổng cộng 16 thẻ đỏ, riêng vòng 7 V-League năm nay chứng kiến hàng loạt tình huống căng thẳng trên sân cỏ, với tổng cộng 6 thẻ đỏ được rút ra trong đó phần lớn là nhờ sự can thiệp của công nghệ VAR vào các pha đánh nguội và lỗi cố ý.
Vòng 7 V-League còn ghi nhận một số hành vi tiêu cực từ CĐV Hải Phòng, với tình trạng đốt pháo sáng và rải tiền âm phủ tại sân Hàng Đẫy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh sân bãi. Từ lâu, CĐV Hải Phòng đã nổi tiếng với lối cổ vũ cuồng nhiệt nhưng không ít lần đi quá giới hạn, tạo ra những vấn đề phức tạp cho công tác an ninh.
Để tránh những vấn đề tiêu cực như bạo lực sân cỏ, tranh cãi về trọng tài hay các hành vi thiếu chuẩn mực trở thành “đặc sản” không mong muốn của V-League, VPF cần cải tiến trong công tác điều hành, từ việc phân công trọng tài, quản lý an ninh cho đến khâu tổ chức các trận đấu. Đồng thời, các CLB và cầu thủ cần rút kinh nghiệm từ các sự cố trong quá khứ, từ đó đảm bảo một mùa giải an toàn, chất lượng và đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương cũng đã nhấn mạnh chiến lược phát triển TDTT Việt Nam với tầm nhìn đến năm 2045, lấy mục tiêu phát triển bền vững và chuyên nghiệp làm trọng tâm.
Theo ông Cương, Việt Nam cần xây dựng một nền thể thao không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ thể thao thế giới.
VFF cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, bao gồm việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng, kỹ năng quản lý và đào tạo. Để cải thiện, ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF, đề xuất tập trung phát triển cầu thủ trẻ và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, huấn luyện bóng đá, nhằm tạo ra một lứa cầu thủ đủ sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.
Với sự nỗ lực của tất cả các bên, kỳ vọng rằng chiến lược được đưa ra sẽ giúp Việt Nam trở thành một quốc gia văn minh và có vị thế thể thao đáng kể trên trường quốc tế vào năm 2045.