World Cup luôn được xem là sân chơi khắc nghiệt và khó đoán nhất của bóng đá thế giới. Giải đấu này không có chỗ cho sự chủ quan hay yếu tố lịch sử, bởi ngay cả những đội tuyển từng bước lên ngôi vô địch cũng có thể gục ngã đau đớn chỉ 4 năm sau đó.
Trong quá khứ, giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh đã chứng kiến không ít các đội tuyển dù vừa xuất sắc lên ngôi vô địch, đã ngay lập tức bị loại sớm ở giải đấu ngay sau đó. Hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 6 nhà ĐKVĐ World Cup bị loại ngay sau vòng bảng.
6 Nhà ĐKVĐ World Cup Bị Loại Ngay ở Vòng Bảng
1. Ý (World Cup 1950)
Sau khi không tham dự kỳ World Cup đầu tiên vào năm 1930, đội tuyển Ý đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình với hai chức vô địch liên tiếp vào các năm 1934 và 1938. Khi World Cup trở lại vào năm 1950 sau 12 năm gián đoạn vì Thế chiến thứ hai, Ý bước vào giải đấu tại Brazil với tư cách là đương kim vô địch và mang theo nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng trở thành bi kịch. Ý bị loại ngay từ vòng bảng sau khi chỉ giành được 2 điểm sau 2 trận (1 thắng, 1 thua), trong một bảng đấu mà họ hoàn toàn có thể đi tiếp.
Nguyên nhân chính đến từ thảm họa Superga năm 1949, khi 10 trong số 11 cầu thủ trụ cột của đội tuyển quốc gia thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay. Mất mát to lớn này không chỉ làm suy yếu đội hình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần thi đấu của Azzurri. Việc bị loại ngay sau vòng bảng tại World Cup 1950 là nỗi đau nhiều hơn là một thất bại đơn thuần, và đánh dấu một bước lùi đầy cay đắng của bóng đá Ý trên sân chơi thế giới.
2. Brazil (World Cup 1966)
Giai đoạn 1958–1970 là thời kỳ hoàng kim đầu tiên của bóng đá Brazil, khi họ sở hữu thế hệ cầu thủ vàng với những cái tên như Pelé, Garrincha hay Djalma Santos, đưa đội tuyển quốc gia vươn mình trở thành thế lực số một thế giới. Sau khi bảo vệ thành công chức vô địch tại World Cup 1962 ở Chile, “những vũ công samba” bước vào kỳ World Cup 1966 tại Anh với tư cách là ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch lần thứ ba liên tiếp.
Thế nhưng, điều không ai ngờ đã xảy ra. Brazil bị loại ngay từ vòng bảng, chỉ giành được 1 chiến thắng sau 3 trận, đứng sau Bồ Đào Nha và Hungary.
World Cup 1966 được nhớ đến như một kỳ World Cup đầy bạo lực, đặc biệt là trong những trận đấu có sự góp mặt của Brazil. Pele, linh hồn của đội tuyển khi đó, bị các hậu vệ đối phương phạm lỗi liên tục và buộc phải rời sân do chấn thương trong trận gặp Bồ Đào Nha. Không chỉ thiếu vắng người dẫn dắt lối chơi, Brazil còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tinh thần, không thể triển khai lối đá ngẫu hứng và đẹp mắt vốn đã làm nên thương hiệu của họ.
Thất bại tại World Cup 1966 được xem là một trong những kỳ World Cup tệ nhất trong lịch sử bóng đá Brazil. Tuy nhiên, đội tuyển áo vàng đã nhanh cóng xoa dịu người hâm mộ khi trở lại mạnh mẽ và giành chức vô địch tại Mexico 1970.
3. Pháp (World Cup 2002)
Sau chức vô địch lịch sử trên sân nhà năm 1998, đội tuyển Pháp bước vào thập niên 2000 với vị thế là đội bóng mạnh nhất thế giới. Với Zinedine Zidane, một trong những tiền vệ tài hoa nhất mọi thời đại, cùng dàn sao trải đều ở cả ba tuyến, “Gà trống Gaulois” tiếp tục khẳng định sức mạnh khi vô địch Euro 2000 và giữ vững ngôi đầu bảng xếp hạng FIFA.
Tuy nhiên, World Cup 2002 trên đất Hàn Quốc – Nhật Bản lại trở thành thảm họa thực sự với đương kim vô địch. Zidane dính chấn thương ở trận giao hữu trước giải, vắng mặt trong hai trận đầu tiên khiến hàng công của Pháp hoàn toàn mất đi linh hồn. Tình trạng “ngủ quên trên chiến thắng” cùng tâm lý chủ quan, thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng cũng là ngyên nhân khiến họ phải trả giá đắt.
Không ghi nổi một bàn thắng nào sau ba trận vòng bảng, Pháp bị loại với chỉ 1 điểm, xếp cuối bảng và trở thành nhà vô địch đầu tiên trong lịch sử World Cup bị loại mà không ghi bàn.
4. Ý (World Cup 2010)
World Cup 2006 là đỉnh cao vinh quang của bóng đá Ý trong thế kỷ 21. Azzurri lên ngôi vô địch thế giới lần thứ tư, sau khi vượt qua Pháp trên chấm luân lưu trong trận chung kết nghẹt thở tại Berlin. Thành công này đến từ lối chơi phòng ngự kỷ luật, chắc chắn, thương hiệu truyền thống của bóng đá Ý, với Fabio Cannavaro, người sau đó giành Quả bóng vàng, là biểu tượng cho chiến thắng của một tập thể không có nhiều ngôi sao tấn công kiệt xuất, nhưng cực kỳ hiệu quả và bản lĩnh.
Tuy nhiên, chỉ bốn năm sau, tại Nam Phi 2010, tuyển Ý trải qua một trong những kỳ World Cup kém cỏi nhất của mình. Với tư cách đương kim vô địch, họ bước vào giải với kỳ vọng lớn, nhưng lại nhanh chóng sụp đổ ngay từ vòng bảng. Những công thần như Gianluigi Buffon, Andrea Pirlo hay chính Cannavaro đã không còn ở đỉnh cao phong độ, trong khi thế hệ kế cận vẫn chưa đủ bản lĩnh để kế thừa chiếc áo thiên thanh.
Kết thúc bảng đấu với 2 trận hòa và 1 thất bại, Ý rơi xuống đáy bảng, xếp sau cả Slovakia, Paraguay và New Zealand, những đối thủ ở đẳng cấp thấp hơn. Lối chơi thiếu sức sống, hàng công bế tắc và sự bảo thủ trong cách dùng người đã khiến nhà vô địch bị loại một cách cay đắng, khép lại triều đại của HLV Marcello Lippi một cách không thể thất vọng hơn.
5. Tây Ban Nha (World Cup 2014)
Tây Ban Nha bước vào World Cup 2014 với tư cách là nhà vô địch tuyệt đối của bóng đá thế giới, sau chuỗi ba danh hiệu lớn liên tiếp gồm Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012. Đây là giai đoạn hoàng kim rực rỡ bậc nhất trong lịch sử La Roja, khi họ sở hữu dàn cầu thủ đậm chất kỹ thuật và đặc biệt là lối chơi tiki-taka trứ danh.
Tuy nhiên, trên đất Brazil năm 2014, cỗ máy tiki-taka bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Những trụ cột như Xavi, Iniesta, Iker Casillas không còn duy trì được phong độ đỉnh cao. Hàng công thiếu sắc bén, khi Diego Costa, người được kỳ vọng lớn, không thể hòa nhập với hệ thống vốn dựa trên sự linh hoạt và phối hợp nhuần nhuyễn.
Trận thua 1-5 đầy choáng váng trước Hà Lan ngay trận mở màn khiến Tây Ban Nha choáng váng, và dù sau đó cố gắng thay đổi, thì sự bảo thủ của HLV Vicente del Bosque cùng những điều chỉnh muộn màng không thể giúp nhà đương kim vô địch gượng dậy.
Sau đó, Tây Ban Nha để thua tiếp Chile với tỉ số 0-2, chính thức dừng bước ngay sau vòng bảng. Thắng lợi 3-0 trước Úc chỉ còn là trận đấu thủ tục, và đây là một trong những vết nhơ khó có thể gột rửa của bóng đá xứ sở bò tót.
6. Đức (World Cup 2018)
Sau chức vô địch thuyết phục tại World Cup 2014, nơi đội tuyển Đức lên ngôi với lối chơi khoa học, gắn kết và chiến thắng ấn tượng 7-1 trước chủ nhà Brazil, “Cỗ xe tăng” bước vào World Cup 2018 tại Nga với kỳ vọng sẽ bảo vệ thành công ngôi vương.
Vẫn là những cái tên từng đưa Đức đến đỉnh cao thế giới, như Manuel Neuer, Mesut Özil, Toni Kroos, Thomas Müller, và sự dẫn dắt của HLV Joachim Löw, người gắn bó với đội tuyển gần hai thập kỷ. Thế nhưng, đội tuyển Đức khi ấy lại trình diễn một bộ mặt bạc nhược, thiếu sức sống và ý tưởng trong lối chơi. Sau ba trận vòng bảng, họ chỉ có được 1 chiến thắng duy nhất, xếp cuối bảng và bị loại ngay từ vòng bảng lần đầu tiên sau 80 năm.
Thất bại tại Nga không chỉ là cú sốc lớn với người hâm mộ, mà còn đánh dấu sự sa sút rõ rệt của tuyển Đức trên bình diện quốc tế trong những năm sau đó. Tuy nhiên, với việc đang trong quá trình chuyển giao thế hệ và trẻ hóa lực lượng, người hâm mộ vẫn có thể kỳ vọng vào một “Cỗ xe tăng” mạnh mẽ hơn trong tương lai gần, đặc biệt là tại World Cup 2026.