Kể từ khi ra đời vào năm 1980, V-League, giải đấu bóng đá cấp CLB cao nhất Việt Nam, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, với không ít thay đổi về thể thức, tên gọi và cách tổ chức. Tuy nhiên, có một điều không đổi: cuộc đua vô địch luôn là cuộc chiến khốc liệt, và chỉ những đội bóng xuất sắc nhất mới có thể bước lên bục vinh quang.
Tính đến nay, đã có tổng cộng 15 CLB khác nhau từng giành được chiếc cúp danh giá này. Tuy nhiên, vô địch đã khó, duy trì đẳng cấp ấy qua nhiều mùa giải còn khó hơn nhiều. Có những đội bóng chỉ một lần lên đỉnh rồi biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt, trong khi cũng có những CLB đạt được thành tích này nhiều lần.
Hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 15 CLB từng vô địch V-League trong lịch sử.
15 Đội Bóng Từng Vô Địch V-League Trong Lịch Sử
1. Hà Nội FC 1956 (1980)
Hà Nội FC 1956, tiền thân là Đội bóng đá Tổng cục Đường sắt, là một trong những đội bóng mạnh tại miền Bắc thời bấy giờ, chỉ đứng sau Thể Công về mặt thành tích. Hà Nội FC 1956 vô địch năm 1980, cũng là lần vô địch duy nhất được ghi nhận của CLB trong lịch sử giải đấu cấp quốc gia.
Trong quá trình chuyên nghiệp hóa nền bóng đá Việt Nam (giai đoạn 2000 trở đi), Hà Nội FC 1956 từng nhiều lần phải xuống Hạng Nhất do thiếu tài trợ và thành tích kém. Cho đến khi kết thúc mùa giải 2012, Hà Nội FC 1956 chính thức giải thể.
2. Thể Công – Viettel (1981/82, 1982/83, 1987, 1990, 1998, 2020)
CLB Thể Công – Viettel là một trong những đội bóng hàng đầu Việt Nam, cùng với Hà Nội FC sở hữu nhiều chức vô địch nhất lịch sử (6 lần vô địch V-League). Ngoài ra, “Cơn lốc đỏ” Thể Công – Viettel còn giành hàng loạt danh hiệu vô địch khác (10 danh hiệu hạng A miền Bắc, 3 danh hiệu quốc gia).
Giai đoạn 1980 là thời kỳ hoàng kim của bóng đá miền Bắc, và đội bóng thể hiện sự áp đảo hơn hết đó chính là Thể Công – Viettel khi liên tục đăng quang 2 mùa giải liên tiếp. Sau đó, CLB này tiếp tục khẳng định vị thế ở các năm 1987, 1990 và 1998. Và năm 2020 dưới sự dẫn dắt của HLV Trương Việt Hoàng, CLB một lần nữa lên ngôi vô địch với đội hình đồng đều, nổi bật với các cầu thủ như Quế Ngọc Hải và Nguyễn Hoàng Đức.
Ở mùa giải V-League 2024/25, đội bóng lâu đời Thể Công – Viettel đã kỷ niệm 70 năm thành lập đồng thời về đích ở vị trí thứ 4. Dù không thể vô địch, Thể Công – Viettel vẫn được đánh giá cao với lối chơi tấn công sắc sảo, hoàn toàn có thể cạnh tranh được danh hiệu.
3. Công An Hà Nội (1984, 2023)
Được thành lập vào năm 1956, CLB Công An Hà Nội là một trong những CLB lâu đời, phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử V-League. Sau khi vô địch mùa giải 1984, đội bóng bắt đầu thi đấu yếu kém và phải xuống hạng. Cho đến năm 2002, sự thay đổi cơ chế quản lý bóng đá đồng thời cũng đánh dấu sự chấm dứt của CAHN trong thời kỳ này.
Năm 2022, theo chỉ đạo của Bộ Công an, CLB Công An Hà Nội được tái lập. Ngay sau đó, đội bóng đã thăng hạng lên V-League từ mùa giải 2023 và làm nên lịch sử khi vô địch V-League ngay trong mùa giải đầu tiên tham dự. Cho đến thời điểm hiện tại, Công An Hà Nội FC vẫn đang là một đối thủ sừng sỏ, thường xuyên nằm ở vị trí cao trên bảng xếp hạng V-League.
4. Thép Xanh Nam Định (1985, 2023/24, 2024/25)
Năm 1985, CLB Thép Xanh Nam Định, tiền thân là Công Nghiệp Hà Nam Ninh, đã giành chức vô địch giải A1 toàn quốc, tuy nhiên, CLB sa sút đi rất nhiều khi bối cảnh bóng đá Việt Nam giai đoạn này có quá nhiều sự biến đổi. Phải đến mùa giải 2022/23, đội bóng mới dần tiến bộ dưới sự dẫn dắt của HLV Vũ Hồng Việt, cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn.
Đến mùa giải 2023/24, đội lần đầu vô địch trong kỷ nguyên chuyên nghiệp, ghi 57 bàn, trong đó tiền đạo nhập tịch Xuân Son lập kỷ lục với 31 bàn, dẫn đầu bảng xếp hạng gần như toàn mùa và lên ngôi sớm một vòng.
Mùa 2024/25, CLB Thép Xanh Nam Định đã bảo vệ thành công danh hiệu và gây chú ý khi đặt tham vọng cao ở 5 đấu trường tại mùa giải 2025/26: Hat-trick V-League, vô địch Cúp Quốc gia, Siêu Cúp Quốc gia, tiến sâu vào AFC Champions League Two và Shopee Cup.
5. Thành Phố Hồ Chí Minh (1986, 1993/94, 1997, 2001/02)
CLB Thành phố Hồ Chí Minh, tiền thân là CLB Cảng Sài Gòn, đã 4 lần vô địch giải đấu cao nhất quốc gia: mùa giải 1986, 1993/94, 1997 và 2001/02. Sau khi đổi tên năm 2009, đội chưa giành thêm chức vô địch nào.
CLB TP.HCM đã trải qua nhiều thăng trầm, thăng hạng V-League 2022, trụ hạng khó khăn năm 2023. Đến mùa giải 2023/24 thì về đích thứ 4 nhờ lối chơi phòng ngự phản công sắc bén, hàng thủ vững chắc.
Tuy nhiên, mùa 2024/25, đội tiếp tục đối mặt thách thức với lực lượng mỏng, các cầu thủ trụ cột chấn thương và lịch thi đấu khó khăn. Dù vậy, đội bóng mang tên Bác vẫn xuất sắc về đích ở vị trí thứ 10, qua đó tiếp tục ở lại với giải đấu cao nhất Việt Nam.
6. Công An Thành Phố Hồ Chí Minh (1995)
CLB Công an Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập sau giải phóng (khoảng những năm 1975). Đây là một trong ba đội bóng lớn và giàu truyền thống của TP.HCM, cùng với Hải Quan và Cảng Sài Gòn thay nhau thống trị giải vô địch quốc gia trong giai đoạn đỉnh cao thập niên 1990.
CLB Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã giành chức vô địch bóng đá Việt Nam (V-League) vào năm 1995 nhưng đây cũng là danh hiệu quốc gia duy nhất của đội trong lịch sử. Đến năm 2002, trong bối cảnh khó khăn về tài chính và quản lý, CLB Công an Thành phố Hồ Chí Minh chính thức giải thể.
Sau khi giải thể, đội bóng được chuyển giao và năm 2006 chuyển về Ninh Bình với tên gọi CLB Xi măng Vinakansai Ninh Bình. Tuy nhiên, lùm xùm liên quan đến dàn xếp tỷ số đã chính thức khép lại con đường bóng đá chuyên nghiệp của CLB Xi măng Vinakansai Ninh Bình vào mùa giải 2015.
7. Đồng Tháp FC (1989, 1996)
Với 2 lần vô địch (mùa giải 1989 và 1996), Đồng Tháp từng là một trong những đội bóng mạnh nhất Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đội bóng bắt đầu gặp khó khăn về tài chính và lực lượng và phải xuống hạng vào năm 2003.
Nhưng nhờ sự đầu tư và nỗ lực, Đồng Tháp nhanh chóng trở lại V-League vào năm 2005 sau khi giành quyền thăng hạng từ V-League 2. Tuy nhiên, giai đoạn 2010-2015 tiếp tục là thời kỳ Đồng Tháp phải liên tục đối mặt với nhiều khó khăn và chính thức xuống hạng năm 2016. Cho đến thời điểm hiện tại, với việc thường xuyên nằm ở nhóm giữa và cuối Hạng Nhất, Đồng Tháp FC dường như đã không đủ sức để cạnh tranh suất thăng hạng lên V-League.
8. Hồ Chí Minh Custom FC (1991)
Hồ Chí Minh City Customs FC, thường được gọi là Customs FC hoặc Hải Quan FC là một trong những đội bóng lâu đời tại TP.HCM, đồng thời cũng là đối trọng lớn với các đối thủ ở khu vực miền Bắc.
Mùa giải 1991 đánh dấu thời kỳ đỉnh cao của Hải Quan FC khi họ giành chức vô địch V-League. Tuy nhiên, thời kỳ V-League chuyên nghiệp hóa từ mùa 2000/01, các CLB cần đáp ứng các tiêu chuẩn mới về tài chính, cơ sở hạ tầng, và quản lý. Hải Quan FC, với mô hình phụ thuộc vào cơ quan nhà nước, có thể không đáp ứng được các yêu cầu này, dẫn đến việc giải thể không lâu sau đó.
9. SHB Đà Nẵng (1992, 2009, 2012)
SHB Đà Nẵng là đội bóng có bề dày lịch sử tại V-League, với 3 lần vô địch V-League (1992, 2009, 2012) và góp mặt liên tục trong 20 năm (từ 2003 đến 2023). Tuy nhiên, mùa giải 2023/24, SHB Đà Nẵng trải qua cú sốc khi đứng cuối bảng V-League và xuống chơi ở Hạng Nhất.
Nhưng dưới sự dẫn dắt của HLV Trương Việt Hoàng, đội đã vô địch Hạng Nhất 2023/24 trước 3 vòng đấu, trở lại V-League. Tại mùa giải 2024/25, SHB Đà Nẵng mặc dù phải ngụp lặn ở cuối bảng nhưng vẫn giành được vé chơi tại giải đấu cao nhất Việt Nam cho mùa giải mới 2025/26, sau khi đánh bại CLB Trường Tươi Bình Phước trong trận trụ hạng play-off ngày 29/6/2025.
10. Sông Lam Nghệ An (1999, 1999/00, 2000/01, 2010/11)
Nhờ sự kết hợp sức mạnh tập thể và lối chơi kỹ thuật của lứa cầu thủ tài năng như Phan Văn Tài Em, Nguyễn Trọng Hoàng, … CLB Sông Lam Nghệ An đã có 4 lần lên ngôi vô địch V-League (1999, 1999/00, 2000/01, 2010/11).
SLNA chưa từng chính thức xuống hạng kể từ khi V-League ra đời. Tuy nhiên, đội bóng đã nhiều lần đối mặt nguy cơ xuống hạng, đặc biệt trong 2 mùa giải gần đây, SLNA cho thấy sự sa sút, liên tục nằm trong nhóm “cầm đèn đỏ” do thiếu ổn định về lực lượng và ban huấn luyện (hạng 13 mùa giải 2023/24, hạng 12 mùa giải 2024/25).
11. Hoàng Anh Gia Lai (2003, 2004)
Trong những năm đầu giai đoạn 2000, CLB Hoàng Anh Gia Lai đã từng phô diễn sức mạnh vượt trội nhờ vào dàn cầu thủ tài năng như Kiatisuk Senamuang cùng các cầu thủ nội chất lượng. Đặc biệt trong mùa giải 2003, CLB Hoàng Anh Gia Lai lần đầu tiên đăng quang V-League, sau đó tiếp tục bảo vệ thành công chức vô địch ở mùa giải tiếp theo 2004.
Hoàng Anh Gia Lai mặc dù đã có nhiều mùa giải phải đối mặt với nguy cơ xuống hạng (mùa giải 2015 về đích ở vị trí 13/14), nhưng nhờ sự cải tổ và đầu tư vào công tác đào tạo trẻ, HAGL đã trụ hạng thành công trong những mùa giải gần đây, đặc biệt là mùa 2024/25 khi họ kết thúc ở nhóm giữa bảng xếp hạng với 28 điểm sau 24 vòng đấu.
12. Long An FC (2005, 2006)
Long An FC từng là một thế lực mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam. Ở thời kỳ hoàng kim (giai đoạn 2000-2010), Long An đã vô địch V-League 2 lần (2005, 2006), và là đội bóng thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu BXH V-League, thậm chí từng tham dự AFC Champions League.
Nhưng trong những năm gần đây, Long An FC đã trải qua nhiều thăng trầm. Sau mùa giải 2017 đầy khó khăn, Long An đã phải rời khỏi V-League. CLB này đã cố gắng để trở lại nhưng dàn dầu thủ chưa thực sự chât lượng do việc thiếu đầu tư khiến họ vẫn ngụp lặn ở giải Hạng Nhất.
13. Becamex Bình Dương (2007, 2008, 2014, 2015)
CLB Becamex Bình Dương, một trong những đội bóng giàu thành tích của V-League, từng 4 lần vô địch vào các năm 2007, 2008, 2014 và 2015 dưới sự dẫn dắt của các HLV như Lê Thụy Hải và Nguyễn Thanh Sơn. Đội còn giành 3 Cúp Quốc gia, 4 Siêu Cúp Quốc gia và hạng ba AFC Cup 2009, khẳng định thời kỳ đỉnh cao thập niên 2000-2010.
Tuy nhiên, những mùa giải gần đây, Bình Dương chỉ đạt thành tích trung bình, xếp thứ 9 (2023/24) và thứ 7 (2024/25), dù có điểm sáng từ Nguyễn Tiến Linh – Vua phá lưới V-League 2024/25 với 14 bàn. Nhìn vào tình hình thực tế có thể thấy rằng, đội bóng đang bước vào giai đoạn chuyển giao nhạy cảm, thiếu sự ổn định để cạnh tranh vô địch.
14. Hà Nội FC (2010, 2013, 2016, 2018, 2019, 2022)
CLB Hà Nội FC, tiền thân là Hà Nội T&T là một trong những đội bóng thành công nhất trong lịch sử V-League. Với 6 lần vô địch V-League, Hà Nội FC cùng Thể Công – Viettel giữ kỷ lục là hai đội bóng giàu thành tích nhất giải đấu.
Sau khi được thành lập ngày 18/6/2006, Hà Nội FC liên tục thăng hạng, sau đó lên ngôi V-League mùa giải 2010 và 2013 dưới bàn tay HLV Phan Thanh Hùng. Năm 2016, Hà Nội FC tuy gặp nhiều khó khăn nội bộ, 2 lần đổi HLV, nhưng HLV Chu Đình Nghiêm đã tạo nên kỳ tích, giúp Hà Nội FC vô địch mùa giải 2016.
Không dừng lại ở đó, ông còn giúp Hà Nội FC giành thêm 2 chức vô địch liên tiếp (V-League 2018 và 2019). Đến năm 2022, HLV Chun Jae-Ho dẫn dắt đội vô địch sớm 1 vòng, giúp Hà Nội FC trở thành câu lạc bộ giàu thành tích nhất V-League với 6 danh hiệu.
Ngoài ra, đội còn giành 3 Cúp Quốc gia (2019, 2020, 2022), 5 Siêu Cúp Quốc gia (2010, 2018, 2019, 2020, 2022) và ghi dấu ấn ở đấu trường châu Á với thành tích lọt vào chung kết liên khu vực AFC Cup 2019.
Tuy nhiên, trong những mùa giải gần đây, Hà Nội FC đang “khát” danh hiệu vì sự cạnh tranh quyết liệt từ các đội bóng đang lên như CAHN, Thép Xanh Nam Định. Mùa giải 2025/26 hứa hẹn sẽ là một hành trình đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội để đội bóng Thủ đô khẳng định vị thế số 1 Việt Nam và ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế.
15. Quảng Nam FC (2017)
Sau khi thăng hạng lên V-League vào mùa giải 2013, Quảng Nam FC tiếp tục giữ vững phong độ và thi đấu cực kỳ ấn tượng. Mùa giải 2017 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng đăng quang V-League, đồng thời đây cũng là thành tích cao nhất của đội bóng tính đến nay.
Nhưng mùa giải 2020 là giai đoạn sa sút của Quảng Nam FC, CLB đã phải ngụp lặn đến 3 năm ở giải hạng Nhất trước khi trở về V-League mùa giải 2023/24. Tuy nhiên, đội bóng vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đội bóng hàng đầu, và kết thúc mùa giải với không nhiều thành tích nổi bật.