Có rất nhiều lý do để một cầu thủ bóng đá đánh mất phong độ của mình. Đó có thể là vì chấn thương, thay đổi lối chơi, phong độ đang lên của một cầu thủ khác cùng vị trí, hoặc là sự có mặt của huấn luyện viên khác. Các yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến các cầu thủ hàng đầu châu Âu, mà điều tương tự cũng diễn ra với các siêu sao châu Á.
Ở bài viết này, hãy cùng xem lại 5 tuyển thủ Nhật Bản đã từng đánh mất chính mình trong quá khứ khi đội bóng chủ quản của họ thay đổi huấn luyện viên.
5 Cầu Thủ Nhật Bản Đánh Mất Phong Độ Khi Thay Đổi Huấn Luyện Viên
1. Keisuke Honda (AC Milan)
Keisuke Honda, tượng đài của bóng đá Nhật Bản, và là một trong những cầu thủ châu Á thành công nhất, đã từng có một quãng thời gian khó khăn trong sự nghiệp của mình.
Gia nhập ông lớn của bóng đá Ý là AC Milan vào đầu năm 2014, Keisuke dù không hẳn là đóng vai trò trọng yếu tại đội bóng áo sọc đỏ đen nhưng cũng là sự lựa chọn thường xuyên nơi hàng tiền vệ. Tuy nhiên, kể từ khi HLV Vincenzo Montella lên nắm quyền ở mùa giải 2016/2017, Keisuke Honda trở nên “tàng hình” tại AC Milan.
2016/2017 là giai đoạn đen tối của AC Milan khi câu lạc bộ đối mặt với cuộc chuyển giao lực lượng. Để thay thế cho Zlatan Ibrahimovic hay Clarence Seedorf, ông Vincenzo Montella ưu tiên những cầu thủ còn trẻ khi ấy như Suso, Mbay Niang, hay Gerard Deulofeu thay vì những cầu thủ đã bước sang ngưỡng 30 như Keisuke Honda.
Trong suốt giai đoạn đó, Keisuke Honda thậm chí còn không được vào sân từ ghế dự bị và có đến 16 trận liên tiếp không thi đấu. Trong giai đoạn từ tháng 6 năm 2016 đến tháng 7 năm 2017, cầu thủ có 98 lần khoác áo đội tuyển Nhật Bản chỉ ra sân 8 trận và có vỏn vẹn 1 bàn thắng.
2. Shinji Okazaki (Leicester City)
Mùa giải “thần thánh” 2015/2016 của Leicester City với chức vô địch Premier League có công không nhỏ của tuyển thủ Nhật Bản Shinji Okazaki. Dưới thời Claudio Ranieri và Craig Shakespeare, Shinji Okazaki đóng vai trò trụ cột của “bầy cáo” và thường xuyên góp mặt trong đội hình xuất phát. Tuy vậy, mọi chuyện trở nên xấu đi khi Claude Puel tiếp quản đội bóng vào tháng 10 năm 2017.
Kể từ khi vị chiến lược gia người Pháp lên nắm quyền, ông thực hiện nhiều sự thay đổi về mặt nhân sự để cải thiện vị trí và điểm số của “bầy cáo”, trong đố ông ưu tiên cầu thủ trẻ, khỏe như Demarai Gray thay vì Shinji Okazaki. Dưới thời của HLV Claude Puel, Shinji Okazaki có 37 lần ra sân, nhưng chỉ 11 trong số đó anh được tung vào sân từ đầu. Kể từ đó, phong độ của cầu thủ có hơn 119 trận ra sân cho đội tuyển Nhật Bản tụt dốc không phanh, anh nhanh chóng bật bãi khỏi Leicester và cũng dần không còn xuất hiện trong màu áo ĐTQG.
3. Takefusa Kubo (Mallorca)
Dù đang có phong độ rất tốt tại Real Sociedad và là trụ cột của đội tuyển Nhật Bản, nhưng ít ai biết được rằng Takefusa Kubo từng có quãng thời gian đáng quên khi còn khoác áo Mallorca, khi đó được dẫn dắt bởi Javier Aguirre. HLV Javier Aguirre từng có quãng thời gian huấn luyện đội tuyển Nhật Bản, nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ dành sự ưu tiên cho viên ngọc quý của “xứ sở mặt trời mọc”.
Thời điểm Javier Aguirre dẫn dắt Mallorca, đội bóng khi đó đang xếp vị trí thứ 18 và chiến đấu cho cuộc chiến trụ hạng, tôn chỉ của ông đó là phòng ngự chắc và phản công nhanh. Với hàng thủ 5 người, rõ ràng Mallorca buộc phải giảm tải nhân sự nơi hàng công, và Takefusa Kubo là cầu thủ phải hy sinh. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2022, viên ngọc quý của bóng đá Nhật Bản Takefusa Kubo chỉ có vỏn vẹn 8 trận ra sân và không có đóng góp đáng kể nào.
4. Shinji Kagawa (Manchester United)
Năm 2012, Shinji Kagawa gây tiếng vang lớn khi là một trong số ít những cầu thủ châu Á (và là cầu thủ Nhật Bản đầu tiên) có vinh dự được khoác lên mình màu áo của CLB giàu truyền thống bậc nhất nước Anh, Manchester United.
Những tưởng đây sẽ là bước tiến lớn trong sự nghiệp của tiền vệ tài hoa bậc nhất Nhật Bản, tuy nhiên những tháng ngày ở nửa đỏ thành Manchester lại diễn ra theo chiều hướng xấu dần. Ở mùa giải đầu tiên, Kagawa chơi không đến nỗi nào khi cùng với Manchester United lên ngôi vô địch, tuy nhiên sau quyết định giải nghệ của Sir Alex Ferguson và sự có mặt của HLV David Moyes, Kagawa đã không còn chỗ đứng tại sân Old Trafford.
David Moyes ưu tiên những cầu thủ có thể chất tốt như Marouane Fellaini hơn là cầu thủ chơi bóng kĩ thuật như Kagawa, điều này khiến cho thời gian thi đấu của cầu thủ có 97 lần ra sân cho đội tuyển Nhật Bản bị rút ngắn lại. Thêm vào đó, tài năng trẻ Adnan Januzaj khi đó bất ngờ chơi như lên đồng, buộc Kagawa phải làm quen với ghế dự bị. Trong quãng thời gian từ tháng 7 năm 2013 đến tháng 4 năm 2014, Kagawa chỉ ra sân vỏn vẹn 15 trận, và đóng góp 3 kiến tạo. Anh buộc phải rời M.U và quay lại Dortmund sau đó để cứu vẫn sự nghiệp. Hiện tại, Kagawa đang khoác áo Cerezo Osaka thi đấu tại J-League.
5. Maya Yoshida (Southampton)
Maya Yoshida có gần 8 năm sự nghiệp tại Southampton và là một trong những sự lựa chọn hàng đầu, bất chấp đội chủ sân St Mary liên tục thay đổi huấn luyện viên trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020. Tuy vậy, quãng thời gian làm việc dưới quyền HLV Mark Hughes là quãng thời gian khó khăn bậc nhất trong sự nghiệp của cầu thủ 36 tuổi.
Mùa giải 2017/2018, Maya Yoshida được tin tưởng đá cặp với Virgil van Dijk và thậm chí có trận mang băng đội trưởng. Tuy nhiên, chấn thương ở cuối năm đó cùng với việc Southamption bổ nhiệm HLV Mark Hughes khiến cho Maya Yoshida chỉ còn là sự lựa chọn thứ 4 sau Wesley Hoedt, Jack Stephens và Jannik Vestergaard ở mùa giải năm sau. Dưới quyền của vị chiến lược gia người Anh, cầu thủ có hơn 127 lần ra sân cho đội tuyển Nhật Bản chỉ xuất phát 10 trận.