Những khó khăn tiếp tục ập đến với đội tuyển Hàn Quốc, dù rằng họ đã chính thức có HLV trưởng mới, kể từ sau khi sa thải HLV Jürgen Klinsmann. Tuy vậy, đã hơn 1 tháng kể từ khi HLV Hong Myeong-bo nhận chức, Hàn Quốc vẫn chưa thể bổ nhiệm những trợ lý HLV phù hợp, làm dấy nên những lo ngại về thành tích của “chiến binh Taegeuk”, bởi loạt trận đấu cấp độ ĐTQG tháng 9 đang sắp đến gần.
Nhiều Lo Ngại Về Sự Chậm Trễ Trong Việc Hoàn Thiện Ban Huấn Luyện Của ĐTQG Hàn Quốc
Thành phần ban huấn luyện của đội tuyển bóng đá nam Hàn Quốc do HLV Hong Myung-bo dẫn dắt vẫn chưa được thống nhất sau hơn một tháng kể từ khi ông lên nắm quyền. Sự chậm trễ này khiến người hâm mộ lo ngại về công tác chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026 sắp tới.
Theo Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc (KFA) ngày 13, đã có thỏa thuận với hai HLV châu Âu và hai HLV quốc nội. Tuy nhiên, vì các HLV này còn vướng hợp đồng với câu lạc bộ chủ quản, nên phải chờ thêm vài ngày nữa để công bố chính thức. Việc chậm trễ này khiến KFA bị chỉ trích, đặc biệt khi vòng loại thứ ba của World Cup 2026 chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra.
Trận đấu đầu tiên của Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 5/9 gặp Palestine trên sân nhà, tiếp đó là trận gặp Oman vào ngày 10/9. Đội ngũ trợ lý mới của HLV Hong sẽ chỉ có khoảng một tuần để làm quen và vận hành triết lý bóng đá của ông thầy 55 tuổi. Điều này khiến người hâm mộ lo lắng, nhất là khi các HLV nước ngoài không có nhiều thời gian để hiểu rõ về cầu thủ trong nước, những người đang thi đấu ở giải K1 Hàn Quốc.
Trước đó, trong buổi họp báo ra mắt HLV Hong, giám đốc kỹ thuật Lee Lim-saeng đã nhấn mạnh lợi thế của Hong so với các HLV ngoại. Những ứng cử viên khác như ông Gustavo Poyet (cựu HLV đội tuyển Hy Lạp), hay David Wagner (cựu HLV Norwich City) có kinh nghiệm ở các giải đấu lớn và triết lý bóng đá vững vàng, nhưng họ không có thời gian để hiểu và lắp ghép đội tuyển quốc gia một cách hoàn hảo như Hong Myeong-bo. Tuy nhiên, một tháng trôi qua mà Hong vẫn chưa thể hoàn thiện đội ngũ trợ lý của mình, khiến lợi thế này dần mất đi.
Chính vì vậy, thậm chí còn có người nói tại sao KFA cứ phải lựa chọn HLV trong nước? Các chiến lược gia ngoại có thể sẽ mất thời gian để tìm hiểu và làm quen đội hình, nhưng họ có lợi thế là luôn có một đội ngũ trợ lý theo sau. Trường hợp tương tự đã xảy ra với HLV Paulo Bento, khi ông có trong tay dàn trợ lý đã làm việc chung nhiều năm, vì thế ban huấn luyện gần như không mất thời gian để làm quen và thích nghi với triết lý mới.
Thậm chí, trong việc “mời gọi” những ứng cử viên tiềm năng, ông Hong cũng không làm tốt như người tiền nhiệm Bento. KFA và HLV Hong mong muốn chiêu mộ Seigo Ikeda, HLV thể chất đang làm việc tại Ulsan HD, tuy nhiên rõ ràng điều này không thể dược thực hiện bởi Ulsan HD không thể “nhả người” trong lúc đội bóng đang đua vô địch. Điều này trái với HLV Bento trước đây, khi vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha dễ dàng có được những trợ lý HLV đang làm việc ở các CLB châu Âu.
Dù vậy, đội ngũ của HLV Hong sẽ có sự tham gia của các HLV chiến thuật đến từ châu Âu. Tuy Hàn Quốc muốn xây dựng triết lý riêng, nhưng vẫn phải học hỏi từ các nền bóng đá tiên tiến. Khi đó, câu hỏi của các cổ động viên về những lợi ích khi bổ nhiệm một HLV trong nước đến lúc này vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.