Kể từ khi J-League chính thức khởi tranh vào năm 1993, rất nhiều cầu thủ ngoại quốc đã đặt chân đến Nhật Bản với kỳ vọng lớn lao. Trong số đó có không ít người từng gây tiếng vang ở châu Âu hay Nam Mỹ, nhưng khi đến J-League lại không thể hiện được đúng kỳ vọng và sớm phải rời đi trong thất vọng.
Ở bài viết này, hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua đội hình tệ nhất J-League, theo bình chọn của Football Channel.
Đội Hình 11 Cầu Thủ Gây Thất Vọng Nhất Lịch Sử J-League
Thủ Môn: Daniel Vuković (Vegalta Sendai)
Daniel Vuković – thủ môn người Úc gốc Serbia – gia nhập Vegalta Sendai dưới dạng cho mượn từ Perth Glory vào tháng 3 năm 2014. Anh từng có mối quan hệ thân thiết với HLV Graham Arnold – người khi đó dẫn dắt Sendai và từng là HLV trưởng U23 Úc, và Vuković là học trò cũ của HLV này.
Vegalta Sendai khi đó vừa chia tay thủ môn trụ cột Takuto Hayashi (chuyển sang Sanfrecce Hiroshima), nhưng thay vì Vuković, đội bóng lại đặt niềm tin vào Kentaro Seki, người vừa trở lại sau thời gian cho mượn. Dù sở hữu chiều cao 1m88 và từng khoác áo nhiều cấp độ đội tuyển Úc, nhưng Vuković không được trao cơ hội ra sân ở J-League.
Tổng cộng, anh chỉ ra sân đúng hai trận đấu chính thức tại cúp Liên đoàn Yamazaki Nabisco (nay là YBC Levain Cup), trước khi hợp đồng bị chấm dứt vào cuối tháng 5/2014, tức vỏn vẹn gần 2 tháng. Lý do là Perth Glory yêu cầu anh trở lại CLB để chuẩn bị cho mùa giải mới tại Úc.
Từ chỗ được kỳ vọng là người thay thế cho Takuto Hayashi, Vuković rời J-League trong lặng lẽ – như một trong những bản hợp đồng gây thất vọng nhất lịch sử Vegalta Sendai.
Trung Vệ: Alpay Ozalan (Urawa Red Diamonds), Uwe Rahn (Urawa Red Diamonds), Carlos Mozer (Kashima Antlers)
Alpay Ozalan, trung vệ kỳ cựu của đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ, từng thi đấu nổi bật tại World Cup 2002 được tổ chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông là trụ cột giúp Thổ Nhĩ Kỳ giành vị trí thứ ba chung cuộc và được góp mặt trong đội hình tiêu biểu của giải đấu.
Sau quãng thời gian khoác áo Besiktas tại Thổ Nhĩ Kỳ và ba năm rưỡi chơi bóng ở Anh cho Aston Villa, Alpay gia nhập Incheon United (Hàn Quốc) vào tháng 1 năm 2004 nhưng chưa đầy sáu tháng sau đã chuyển đến Urawa Red Diamonds của Nhật Bản. Với thể hình ấn tượng (cao 1m88, nặng 81kg), ông được kỳ vọng sẽ là một trung vệ thép tại J-League.
Tuy nhiên, lối chơi thiên về sức mạnh của Alpay Ozalan lại không phù hợp khi phải đối đầu với những cầu thủ Nhật nhỏ con, nhanh nhẹn và hệ thống trọng tài nghiêm khắc. Hệ quả là ông thường xuyên nhận thẻ vàng. Dù giúp Urawa vô địch lượt về mùa 2004, Alpay nhanh chóng đánh mất vị trí ở mùa 2005 và bị thanh lý hợp đồng vào tháng 5.
Uwe Rahn từng là ngôi sao sáng giá của Borussia Mönchengladbach, giành danh hiệu Vua phá lưới Bundesliga mùa giải 1986/87 với 24 bàn thắng và Cầu thủ xuất sắc nhất nước Đức năm 1987. Anh cũng góp mặt trong đội tuyển Tây Đức tham dự World Cup 1986 tại Mexico. Khi J-League ra đời năm 1993, Rahn gia nhập Urawa Red Diamonds với rất nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên, cựu sao sinh năm 1962 không thể hiện được bản năng sát thủ từng có tại châu Âu. Trước bối cảnh đội bóng thiếu ổn định và bản thân không đạt phong độ cao, Rahn bị điều chuyển từ vị trí tiền đạo xuống đá… libero. Đến năm 1994, khi Urawa chiêu mộ thêm hai ngoại binh là Guido Buchwald và Uwe Bein, Rahn bị đẩy ra ngoài do hạn ngạch cầu thủ nước ngoài và rời câu lạc bộ không kèn không trống.
Từng giành Copa Libertadores và Cúp Liên lục địa (Toyota Cup) với Flamengo, đoạt hai danh hiệu vô địch quốc gia Bồ Đào Nha cùng Benfica và ba lần liên tiếp đăng quang tại Ligue 1 cùng Marseille, Carlos Mozer là một trong những cầu thủ Brazil danh tiếng gia nhập J-League khi khoác áo Kashima Antlers. Anh cũng từng tham dự World Cup 1990 tại Ý và đến Nhật theo lời mời của huyền thoại Zico.
Cựu cầu thủ sinh năm 1960 gia nhập Antlers khi đã 34 tuổi và không còn giữ được đẳng cấp đỉnh cao. Trong trận đấu đầu tiên tại vòng 8 J-League 1996 gặp Jubilo Iwata, ông được tung vào sân ở phút 19… nhưng chỉ 2 phút sau đã phải nhận thẻ đỏ trực tiếp. Kết thúc mùa giải, ông chỉ ra sân vỏn vẹn 2 trận tại J1 League và quyết định treo giày.
Chạy Cánh: Ion Andoni Goikoetxea (Yokohama F. Marinos), Fredrik Ljungberg (Shimizu S-Pulse)
Dưới thời Johan Cruyff tại Barcelona, nơi được mệnh danh là “El Dream Team”, Ion Andoni Goikoetxea từng là một quân bài đa năng bên hành lang phải, góp công lớn giúp đội bóng xứ Catalan vô địch La Liga 4 mùa liên tiếp. Anh cũng từng khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha 36 lần, góp mặt tại World Cup 1994 trên đất Mỹ.
Sau khi rời Barcelona, Goikoetxea gia nhập Athletic Bilbao từ năm 1994 và thi đấu tại đây trong hơn ba mùa rưỡi. Tổng cộng, ông có đến 331 trận ra sân tại La Liga – một con số ấn tượng. Tuy nhiên, khi chuyển đến Yokohama F. Marinos năm 1998, Goicoechea không để lại nhiều dấu ấn tại J-League. Dù được hội ngộ với người đồng đội cũ Julio Salinas, người đã ghi tới 34 bàn thắng trong hai mùa giải, Goicoechea chỉ có vỏn vẹn 23 lần ra sân và rời CLB chỉ sau nửa mùa giải.
Fredrik Ljungberg từng là một phần không thể thiếu trong đội hình “Invincibles” của Arsenal mùa giải 2003/04 cùng những cái tên huyền thoại như Thierry Henry, Dennis Bergkamp và Sol Campbell. Ljungberg cũng là ngôi sao sáng của đội tuyển Thụy Điển, tham dự cả Euro lẫn World Cup trong giai đoạn đỉnh cao.
Sau 10 mùa giải gắn bó với Arsenal, Ljungberg lần lượt thi đấu tại MLS và Scotland trước khi gia nhập Shimizu S-Pulse vào mùa hè năm 2011. Dù đã 34 tuổi, HLV Gotobi khi đó vẫn đánh giá cao khả năng tăng tốc của Ljungberg, gọi anh là “cầu thủ có bước tăng tốc tốt nhất đội bóng”.
Anh cũng có cơ hội sát cánh cùng danh thủ Shinji Ono, nhưng sự nghiệp tại Nhật nhanh chóng khép lại sau một chấn thương chân trái cuối mùa. Chỉ ra sân 8 trận tại J-League, Ljungberg bị thanh lý hợp đồng vào tháng 2 năm sau, khép lại hành trình kéo dài chưa tới nửa năm trên đất Nhật Bản.
Tiền Vệ: Danilo (FC Tokyo), Achile Emana (Tokushima Vortis)
Vào năm 2005, Danilo đã ngay lập tức đồng ý gia nhập FC Tokyo sau khi được đội bóng này ngỏ ý chiêu mộ, đồng thời gây bất ngờ lớn khi tuyên bố muốn được khoác áo ĐT Nhật Bản ngay sau khi đặt chân tới đất nước mặt trời mọc.
Từng thi đấu nổi bật tại Internacional nhờ những pha đi bóng tốc độ và các đường chuyền sắc lẹm, Danilo lại không thể thích nghi với môi trường J-League. Chỉ sau nửa năm, vào tháng 7/2005, anh bị đem cho mượn sang CLB Atlas Guadalajara tại Mexico và chỉ có 8 lần ra sân trên mọi đấu trường.
Trong khi đó, Achille Emana – tiền vệ người Cameroon – bắt đầu sự nghiệp tại Pháp trong màu áo Toulouse. Sau khi phiêu bạt tại Tây Ban Nha, Saudi Arabia, UAE và Mexico, Emana gia nhập Tokushima Vortis vào tháng 7/2016.
Từng ghi bàn hai con số trong ba mùa liên tiếp cho Real Betis, nhưng người hâm mộ không bao giờ được thấy Emana thi đấu chính thức cho Tokushima. Ở tuổi 34, anh không có bất kỳ lần ra sân nào tại J-League trước khi chia tay đội bóng ngay khi hợp đồng kết thúc.
Tiền Đạo: Gary Lineker (Nagoya Grampus), İlhan Mansız (Vissel Kobe), Bebeto (Kashima Antlers)
Gary Lineker từng thi đấu cho đội tuyển Anh ở hai kỳ World Cup và là vua phá lưới tại World Cup 1990 ở Ý. Ông ghi tổng cộng 48 bàn thắng cho Tam Sư, chỉ xếp sau huyền thoại Bobby Charlton, và từng giữ băng đội trưởng thay cho Bryan Robson.
Là một trong những huyền thoại bóng đá thế kỷ 20, Lineker gia nhập Nagoya Grampus vào năm 1993, mùa giải khai mạc của J-League. Mức lương của ông khi đó lên tới 300 triệu yên/năm, trở thành bản hợp đồng thu hút rất nhiều sự chú ý.
Đến Nhật Bản với rất nhiều kì vọng, nhưng cả mùa giải đầu Gary Lineker chỉ ghi được 1 bàn sau 7 trận. Sang mùa 1994, ông tiếp tục vắng mặt trận mở màn, chỉ trở lại ở giai đoạn cuối và ghi 3 bàn trong 10 trận, trước khi giã từ sân cỏ vào cuối năm đó.
Ilhan Mansiz, người trưởng thành tại Đức và có gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ, khởi nghiệp chuyên nghiệp tại quê hương và từng là vua phá lưới mùa 2001/02 cùng Beşiktaş.
Cầu thủ sinh năm 1975 gia nhập Vissel Kobe năm 2004 với mức phí chuyển nhượng lên tới 500 triệu yên cùng mức lương 350 triệu yên, nhưng do chấn thương đầu gối dai dẳng, Ilhan chỉ ra sân đúng 3 trận. Sau đó, anh tự ý trở về Đức vào tháng 6 mà không xin phép CLB, và chính thức chia tay đội bóng.
Bebeto, từng là trụ cột của Flamengo và Deportivo La Coruña, là người góp công lớn giúp Brazil vô địch World Cup 1994 tại Mỹ, khi anh ghi 3 bàn và tạo nên cặp song sát huyền thoại cùng Romario.
Sau khi tiếp tục ghi dấu tại World Cup 1998 và giúp Brazil vào đến chung kết, Bebeto gia nhập Kashima Antlers vào năm 2000, theo lời mời của người đồng đội cũ Zico.
Mặc dù đó là mùa giải mà Kashima lần đầu tiên giành cú ăn ba quốc nội, nhưng Bebeto lại không thể hòa nhập. Anh chỉ ghi 1 bàn sau 8 trận đấu, rồi chia tay CLB chỉ sau 2 tháng. Với danh tiếng là một trong những tiền đạo vĩ đại nhất lịch sử Brazil, màn trình diễn mờ nhạt tại J-League của Bebeto thực sự khiến người hâm mộ thất vọng.