Đội Tuyển Hàn Quốc Có Đang Bị Nhật Bản Bỏ Xa?

Đội Tuyển Hàn Quốc Có Đang Bị Nhật Bản Bỏ Xa

Trong nhiều năm trở lại đây, đội tuyển Hàn Quốcđội tuyển Nhật Bản đều luôn là những đầu tàu của bóng đá châu Á, dẫn dắt khu vực trong việc chinh phục các danh hiệu lớn, từ AFC Asian Cup đến vòng loại World Cup. Cả hai đội tuyển này đều sở hữu những cầu thủ tài năng và một lịch sử đáng tự hào trong các giải đấu quốc tế.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có một dấu hiệu rõ ràng rằng đội tuyển Nhật Bản đang dần có sự chênh lệch về trình độ so với đội tuyển Hàn Quốc, không chỉ về thành tích thi đấu mà còn cả về lối chơi và sự phát triển chung.

Vậy, liệu đội tuyển Hàn Quốc có đang dần bị Nhật Bản bỏ xa trong cuộc đua phát triển bóng đá ở châu Á hay không?

Đánh Bại Hàn Quốc, Nhật Bản Lên Ngôi Vô Địch EAFF E-1 2025

Tại trận chung kết EAFF E-1 2025, đội tuyển Nhật Bản đã đánh bại Hàn Quốc với tỷ số 1-0, qua đó giành chức vô địch Đông Á lần thứ hai liên tiếp, đều là những lần vượt qua chính đại kình địch của mình ở trận đấu cuối cùng. Đây cũng là lần thứ ba liên tiếp Nhật Bản không để thủng lưới trước Hàn Quốc, bao gồm chiến thắng 3-0 tại EAFF E-1 2022 và thắng lợi 3-0 trong trận giao hữu năm 2021.

Đội tuyển Nhật Bản giành chức vô địch EAFF E1 2025.
Đội tuyển Nhật Bản giành chức vô địch EAFF E1 2025. Ảnh: Xinghua

Dù xét trong 10 lần đối đầu gần nhất, thành tích giữa hai đội không quá chênh lệch, Nhật Bản có 4 chiến thắng, Hàn Quốc có 3, còn lại là 3 trận hòa, nhưng những trận gần đây cho thấy cán cân đang nghiêng hẳn về phía Nhật Bản. Đặc biệt, việc giữ sạch lưới trong cả 3 trận gần nhất cho thấy sự áp đảo về mặt tổ chức lối chơi và kiểm soát trận đấu của đội bóng xứ mặt trời mọc.

Điều đáng nói là trong khi Hàn Quốc sử dụng nhiều cầu thủ thuộc đội hình chính của ĐTQG, như thủ môn Jo Hyeon-woo, tiền đạo Oh Se-hun hay Jo Min-kyu, thì Nhật Bản lại tung ra sân lực lượng gồm nhiều cái tên chưa từng hoặc hiếm khi được triệu tập ở các giải đấu quan trọng. Thế nhưng, kết quả vẫn nghiêng hoàn toàn về phía Nhật Bản, cho thấy chiều sâu đội hình và sự đồng đều về mặt trình độ của họ đã vượt trội hơn hẳn.

Vậy, liệu rằng đội tuyển Hàn Quốc đang thực sự bị Nhật Bản bỏ xa về trình độ?

Nhật Bản vs Hàn Quốc: Giá Trị Đội Hình

Xét về mặt giá trị đội hình, đội tuyển Nhật Bản đang hoàn toàn vượt trội so với Hàn Quốc. Theo thống kê từ SeaAsia vào năm 2024, tổng giá trị đội hình của Nhật Bản ước tính lên tới 276 triệu euro – cao nhất châu Á. Hàn Quốc dù xếp thứ hai, nhưng với con số khiêm tốn hơn hẳn, khoảng 170 triệu euro.

Giá trị đội hình của đội tuyển Nhật Bản cao hơn rất nhiều so với Hàn Quốc.
Giá trị đội hình của đội tuyển Nhật Bản cao hơn rất nhiều so với Hàn Quốc. Ảnh: TheAFC

Sự khác biệt càng rõ rệt nếu đi sâu vào từng cá nhân. Hàn Quốc hiện chỉ có 5 cầu thủ được định giá trên 10 triệu euro, gồm những cái tên quen thuộc như Kim Min-jae, Son Heung-min, Hwang Hee-chan, Lee Kang-in… Trong khi đó, Nhật Bản sở hữu tới 15 cầu thủ vượt mốc định giá này, trải đều ở cả ba tuyến. Điều đó không chỉ phản ánh chiều sâu đội hình, mà còn cho thấy thế hệ tài năng mới của bóng đá Nhật đang được quốc tế công nhận rộng rãi hơn.

Không chỉ có giá trị cao, phần lớn các tuyển thủ Nhật Bản còn đang chinh chiến tại châu Âu. Dưới thời HLV Hajime Moriyasu, những cầu thủ thi đấu ở J-League phải thật sự xuất sắc mới có thể được triệu tập, chứ chưa nói đến việc được ra sân thi đấu. Trong khi đó, HLV Hong Myung-bo của Hàn Quốc vẫn phải trông cậy vào lực lượng đang thi đấu tại K-League, do số lượng cầu thủ Hàn Quốc thi đấu ở châu Âu hiện tại không nhiều.

Dù điều này không phản ánh hoàn toàn sức mạnh của đội tuyển, nhưng nó phần nào thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của bóng đá Nhật Bản – từ khâu đào tạo, xuất khẩu cầu thủ cho đến khả năng thích nghi ở môi trường đỉnh cao. Khoảng cách về chất lượng nhân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang ngày càng bị kéo giãn, ít nhất là trên phương diện định giá và sự hiện diện quốc tế.

Thành Tích Thi Đấu: Nhật Bản Đang Làm Tốt Hơn Đối Thủ

Không chỉ vượt trội về giá trị đội hình, đội tuyển Nhật Bản còn cho thấy sự ổn định và hiệu quả hơn đối thủ Hàn Quốc trong thành tích thi đấu. Kể từ sau World Cup 2018, bóng đá Nhật Bản đã phát triển thần tốc. Từ vị trí thứ 50 trên BXH FIFA, “Samurai Xanh” đã vươn lên hạng 15 – trở thành một trong 15 đội tuyển mạnh nhất thế giới.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng có bước tiến đáng ghi nhận, từ hạng 53 lên 23 trong giai đoạn 2018 đến 2025. Tuy nhiên, họ vẫn loay hoay trong việc tìm lại vị trí thứ 17 – thứ hạng cao nhất trong lịch sử mà đội từng nắm giữ, và khả năng tái lập điều đó trong tương lai gần vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Tại các giải đấu gần đây, sự chênh lệch giữa hai đội cũng dần rõ rệt. Ở Asian Cup 2023, Nhật Bản dừng bước ở tứ kết nhưng trình diễn một bộ mặt đầy thuyết phục. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, thầy trò HLV Hajime Moriyasu đã giành tới 16 chiến thắng và chỉ để thua đúng 3 trận trong vòng 2 năm gần nhất.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng chỉ để thua 2 trận, nhưng điều đáng nói là họ đã hòa tới 8 trận, phần lớn trước những đối thủ bị đánh giá thấp hơn. Điều này khiến giới truyền thông xứ kim chi ngày càng đặt ra dấu hỏi về sự tiến bộ thực chất của đội tuyển, đặc biệt khi đem ra so sánh với Nhật Bản.

Khác biệt rõ rệt nhất nằm ở vòng loại thứ 3 World Cup 2026. Nhật Bản là đội tuyển đầu tiên trên thế giới (không tính chủ nhà) giành vé tham dự vòng chung kết, đồng thời chỉ để thua 1 trận duy nhất trong bối cảnh đã sớm vượt qua vòng loại. Ngược lại, Hàn Quốc mất điểm tới 5 trận và chỉ chính thức đoạt vé ở vòng áp chót, tạo ra cảm giác thiếu ổn định và thiếu bản lĩnh trong những thời điểm then chốt.

Dù mục tiêu của cả hai đều là giành vé World Cup, nhưng cách mà Nhật Bản và Hàn Quốc chuẩn bị, triển khai và hoàn thành chiến dịch vòng loại cho thấy một khoảng cách trình độ đang dần hình thành – và nghiêng rõ về phía đội bóng xứ hoa anh đào.

Những Bất Ổn Ngoài Sân Cỏ

Việc xây dựng hình ảnh đội tuyển và giải quyết các vấn đề trong phòng thay đồ là điều mà Hàn Quốc đang làm chưa tốt so với Nhật Bản. Nhiều năm qua, Nhật Bản vẫn duy trì được sự ổn định đáng kể trong nội bộ, hiếm khi vướng vào các scandal nghiêm trọng,ngoại trừ vụ việc Junya Ito bị cáo buộc quấy rối tình dục (vốn dĩ chỉ có thể được kết luận từ phía cảnh sát).

Mâu thuẫn giữa Son Heung-min và Lee Kang-in từng khiến hình ảnh của đội tuyển Hàn Quốc bị xấu đi.
Mâu thuẫn giữa Son Heung-min và Lee Kang-in từng khiến hình ảnh của đội tuyển Hàn Quốc bị xấu đi.

HLV Hajime Moriyasu cũng đang làm rất tốt công việc của mình từ năm 2018 đến nay, không chỉ tạo nên một đội tuyển Nhật Bản ổn định, mà còn biến họ trở thành tập thể chơi bóng hiện đại, mạnh mẽ và rất khó bị đánh bại.

Ngược lại, đội tuyển Hàn Quốc liên tục đối mặt với sóng gió trong thời gian gần đây. Sau thất bại tại Asian Cup 2024, nội bộ đội tuyển trở nên rối ren vì mâu thuẫn căng thẳng giữa hai ngôi sao Son Heung-min và Lee Kang-in. Vụ việc này khiến hình ảnh đội tuyển bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt trong mắt người hâm mộ trong nước.

Ngay sau đó, việc HLV Jurgen Klinsmann bị sa thải đã phơi bày những bất cập trong quy trình tuyển chọn HLV của Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA). Nhiều chỉ trích cho rằng đây là một quá trình thiếu minh bạch và công bằng, cho đến khi KFA bổ nhiệm Hong Myung-bo, những chỉ trích vẫn không hề dừng lại. Áp lực từ truyền thông đã khiến cựu HLV Ulsan HD phải tổ chức họp báo để xin lỗi và làm rõ vấn đề.

Hệ Thống Và Quy Mô Đào Tạo Trẻ

Nhật Bản đang cho thấy sự vượt trội về công tác đào tạo trẻ, nhờ vào một hệ thống học viện quy củ, đồng bộ và được đầu tư bài bản trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, JFA Academy, học viện bóng đá quốc gia do Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) trực tiếp điều hành, đóng vai trò trung tâm. Đây là hệ thống học viện có cơ sở nội trú, tuyển chọn cầu thủ trẻ từ bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, đào tạo song song cả chuyên môn bóng đá lẫn văn hóa trong một môi trường tập trung nghiêm túc và dài hạn.

Song song với học viện quốc gia, gần như toàn bộ các câu lạc bộ J-League đều sở hữu hệ thống đào tạo trẻ riêng với các cấp độ U-12, U-15, U-18 và đội dự bị. Không dừng lại ở học viện CLB, Nhật Bản còn nổi tiếng với nền bóng đá học đường phát triển mạnh mẽ. Các giải đấu cấp trung học phổ thông (U-18) và đại học được tổ chức thường niên với quy mô lớn, tạo nên mạng lưới sàng lọc và phát hiện tài năng rộng khắp cả nước.

Giải vô địch bóng đá THPT toàn quốc và các giải đấu cấp đại học thu hút hàng trăm đội bóng tham gia, đóng vai trò như một “lò luyện cầu thủ” cạnh tranh sòng phẳng với hệ thống đào tạo CLB. Nhờ đó, bóng đá Nhật Bản không bỏ sót những nhân tố tài năng dù không xuất thân từ học viện chuyên nghiệp.

Ngược lại, công tác đào tạo trẻ của Hàn Quốc dù được chú trọng nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là về tính liên kết và quy mô triển khai. Tương tự Nhật Bản, các CLB K League cũng xây dựng học viện U-15, U-18… Tuy nhiên, hệ thống này được triển khai khá muộn, mãi đến năm 2008 K-League mới bắt buộc các CLB chuyên nghiệp phải vận hành đầy đủ các tuyến trẻ.

Bên cạnh đó, quy mô hệ thống giải chuyên nghiệp của Hàn Quốc cũng bị đánh giá là hạn chế, chỉ gồm 22 CLB (12 đội ở K League 1 và 10 đội ở K League 2). Con số này kém xa so với hệ thống 3 hạng đấu của Nhật Bản (J1, J2, J3) với khoảng 56 đội chuyên nghiệp. Chính vì vậy, các tài năng trẻ Hàn Quốc có ít cơ hội thi đấu đỉnh cao hơn, dẫn đến tỷ lệ bị đào thải cao và thiếu tính cạnh tranh.

Tóm lại, Nhật Bản đang sở hữu một nền móng đào tạo trẻ toàn diện, đồng đều và có chiều sâu, trong khi Hàn Quốc vẫn đang loay hoay để xây dựng một hệ thống ổn định và hiệu quả. Đây chính là một trong những lý do khiến Nhật Bản đang ngày càng bỏ xa Hàn Quốc về mặt trình độ và chất lượng nhân sự ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Tương Lai Và Kỳ Vọng: Hàn Quốc Cần Những Bước Đi Chiến Lược

Vị thế một trong những đội tuyển hàng đầu châu Á của Hàn Quốc chắc chắn sẽ không bị mai một trong tương lai gần. Với truyền thống, chiều sâu lịch sử và nguồn lực sẵn có, bóng đá Hàn Quốc vẫn luôn là một thế lực đáng gờm ở châu lục.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc đội tuyển có thể hài lòng với thực tại. Những minh chứng rõ ràng từ thành tích thi đấu, giá trị đội hình, chiều sâu nhân sự cho đến hệ thống đào tạo trẻ đều đang cho thấy Hàn Quốc đang bị Nhật Bản bỏ xa trên nhiều phương diện.

Với việc giành vé tham dự World Cup 2026, đội tuyển Hàn Quốc cần có sự chuẩn bị tốt nhất để hướng tới một kỳ World Cup thành công. Để làm được điều đó, đội tuyển cần kiên nhẫn hoàn thiện lối chơi, đồng thời trao thêm thời gian và niềm tin cho HLV Hong Myung-bo xây dựng một tập thể ổn định và bản sắc. Cùng với đó, không thể không nhắc đến hệ thống đào tạo trẻ và tính tổ chức toàn diện trong chiến lược phát triển bóng đá, những điểm mà Hàn Quốc hiện còn nhiều bất cập.

Dù biết rằng đây là bài toán không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng nếu muốn tiệm cận và bắt kịp trình độ của Nhật Bản trong tương lai, Hàn Quốc bắt buộc phải thay đổi từ gốc rễ. Đầu tư đúng hướng, xây dựng hệ thống học viện hiện đại, đồng bộ với các CLB và đội tuyển quốc gia chính là chìa khóa giúp bóng đá Hàn Quốc duy trì vị thế và rút ngắn khoảng cách với đối thủ lớn nhất của họ trong khu vực.