World Cup 2026: Cơ Hội Và Thách Thức Với Bóng Đá Châu Á

World Cup 2026 Cơ Hội Và Thách Thức Với Bóng Đá Châu Á

World Cup 2026 sẽ là giải đấu bóng đá lớn nhất lịch sử với 48 đội tham dự và lần đầu tiên châu Á có tới 8,5 suất, mở ra cơ hội chưa từng có cho các đội tuyển trong khu vực. Không chỉ là cuộc cạnh tranh trên sân cỏ, giải đấu còn hứa hẹn tác động sâu rộng đến cấu trúc bóng đá, thương mại và định hướng phát triển dài hạn tại châu Á.

Vậy, giải đấu lớn nhất hành tinh, diễn ra tại Mỹ, Mexico và Canada, sẽ có những tác động như thế nào tới Bóng Đá Châu Á?

World Cup 2026 Tăng Số Đội Tham Dự Cho Các Quốc Gia Châu Á

World Cup 2026 đánh dấu bước ngoặt lớn cho bóng đá châu Á khi FIFA quyết định nâng số suất tham dự của khu vực lên 8,5 suất – bao gồm 8 suất trực tiếp và 1 suất play-off liên lục địa. So với chỉ 4,5 suất tại World Cup 2022, đây là một bước tiến mang tính đột phá, mở ra cơ hội chưa từng có cho nhiều đội tuyển châu Á chạm tay vào giấc mơ góp mặt tại World Cup.

Châu Á có thể góp mặt đến 9 đội tuyển tại kì World Cup 2026 sắp tới.
Châu Á có thể góp mặt đến 9 đội tuyển tại kì World Cup 2026 sắp tới. Ảnh: The Jarkarta post

Với mức phân bổ mới, châu Á có thể góp mặt từ 8 đến 9 đội tuyển, cao hơn hẳn con số 6 đội (bao gồm chủ nhà Qatar) tại World Cup trước đó. Điều này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các đội tuyển tầm trung như đội tuyển Việt Nam, Thái Lan, Uzbekistan, Oman, vốn trước đây luôn gặp bất lợi trong các vòng loại.

Không chỉ là tấm vé danh giá, việc được góp mặt tại World Cup còn giúp cầu thủ châu Á tích lũy kinh nghiệm thi đấu quốc tế, đối đầu với những đối thủ hàng đầu để nâng cao bản lĩnh và trình độ chuyên môn. Đồng thời, mục tiêu rõ ràng hơn cũng trở thành động lực để các quốc gia trong khu vực đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo trẻ, cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng huấn luyện.

Tuy vậy, việc mở rộng số đội cũng gây ra không ít tranh cãi. Một số chuyên gia từng cảnh báo rằng điều này có thể làm giảm chất lượng chuyên môn của vòng bảng khi nhiều đội tuyển yếu góp mặt. Nhưng ở chiều ngược lại, FIFA cho rằng việc lan tỏa cơ hội là cách đưa bóng đá đến gần hơn với mọi quốc gia, và châu Á chính là một trong những khu vực được hưởng lợi rõ rệt nhất từ quyết định này.

AFC Thay Đổi Thể Thức Vòng Loại Để Thích Nghi Với World Cup 2026

Sự gia tăng số suất tham dự World Cup 2026 đã buộc Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) phải tiến hành thay đổi diện thể thức thi đấu vòng loại. Nếu như trước đây, vòng loại khu vực châu Á thường chỉ có ba giai đoạn, thì lần này, để xác định 8 đội chính thức và 1 đội đá play-off liên lục địa, AFC đã xây dựng một thể thức gồm 4 vòng đấu – dài hơn, phức tạp hơn, nhưng cũng công bằng và mở ra cơ hội lớn hơn cho các đội tuyển trong khu vực.

Đội tuyển Việt Nam sớm bị loại khỏi vòng loại World Cup 2026.
Đội tuyển Việt Nam sớm bị loại khỏi vòng loại World Cup 2026.

Vòng sơ loại (Vòng 1) là nơi khởi đầu cho 20 đội tuyển có thứ hạng thấp nhất châu Á (từ hạng 27 đến 46 theo BXH FIFA). Họ thi đấu theo thể thức loại trực tiếp sân nhà – sân khách để chọn ra 10 đội vào vòng sau. Đây là bước sàng lọc quan trọng giúp các đội yếu thi đấu nhiều hơn, đồng thời tránh việc phải đối đầu quá sớm với các đội mạnh.

Sang vòng loại thứ hai, 36 đội (26 đội có thứ hạng cao nhất và 10 đội từ vòng 1) được chia vào 9 bảng, mỗi bảng 4 đội, thi đấu vòng tròn sân nhà và sân khách. Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành quyền vào vòng 3 – đồng thời giành luôn suất tham dự Asian Cup 2027. Việc kết hợp vòng loại World Cup và Asian Cup ở giai đoạn này giúp giảm tải lịch thi đấu và tạo ra động lực trực tiếp cho các đội tuyển không thể tham dự World Cup.

Tại vòng loại thứ ba, 18 đội mạnh nhất còn lại sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt khi được chia thành 3 bảng, mỗi bảng 6 đội. Các đội sẽ thi đấu lượt đi và lượt về như một giải đấu thực thụ. 6 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành vé trực tiếp dự World Cup 2026. Đây là giai đoạn then chốt, nơi đòi hỏi các đội tuyển phải có chiều sâu đội hình, chiến thuật hợp lý và khả năng duy trì phong độ trong thời gian dài.

Tuy nhiên, với việc châu Á có đến 8,5 suất, AFC thiết kế thêm một vòng play-off khu vực (vòng 4) dành cho các đội xếp thứ 3 và 4 tại vòng 3 – tổng cộng 6 đội. Họ sẽ được chia thành 2 bảng, mỗi bảng 3 đội, thi đấu vòng tròn một lượt trên sân trung lập. Hai đội nhất bảng sẽ giành nốt 2 suất trực tiếp còn lại. Hai đội nhì bảng sẽ đá với nhau để chọn ra đại diện châu Á tham dự vòng play-off liên lục địa, tranh suất vớt thứ 8,5.

So với hệ thống cũ chỉ gồm 3 vòng (vòng loại World Cup 2022), đây là một bước tiến quan trọng. Sẽ có ít nhất 46 đội tuyển có cơ hội tham dự vòng loại World Cup 2026, so với chỉ 40 đội tại World Cup 2022.

Việc AFC thích nghi linh hoạt và chủ động với quy mô mới của World Cup là minh chứng cho nỗ lực đồng hành với sự phát triển chung của bóng đá thế giới. Đây là bước đi cần thiết nếu bóng đá châu Á muốn vươn ra biển lớn, không chỉ để góp mặt mà còn để cạnh tranh thực sự tại đấu trường toàn cầu.

Tác Động Của World Cup 2026 Đến Cơ Hội Thương Mai Và Phát Triển Bóng Đá Châu Á

Sự hiện diện đông đảo hơn của các đội tuyển châu Á tại World Cup 2026 không chỉ là thành tựu thể thao mà còn mở ra cơ hội thương mại lớn chưa từng có cho khu vực. Với sức hút ngày càng tăng của bóng đá châu Á, World Cup lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều tác động lan tỏa về kinh tế, truyền thông và phát triển nội tại.

Đội tuyển Nhật Bản sớm có vé dự World Cup 2026.
Đội tuyển Nhật Bản sớm có vé dự World Cup 2026. Ảnh: TheAFC

Trước hết, việc châu Á có thể có tới 8–9 đội tuyển góp mặt đồng nghĩa với hàng trăm triệu người hâm mộ tại châu lục này sẽ theo dõi giải đấu. Những quốc gia lần đầu có cơ hội tham dự chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng cổ vũ mạnh mẽ, thúc đẩy lượng khán giả truyền hình, người dùng mạng xã hội và tương tác số tăng đột biến. Điều này biến thị trường châu Á trở thành mảnh đất vàng cho các thương hiệu toàn cầu muốn tiếp cận người tiêu dùng thông qua bóng đá.

Không bất ngờ khi FIFA dự đoán doanh thu của World Cup 2026 sẽ đạt kỷ lục, khoảng 11 tỷ Bảng Anh, con số cao hơn rất nhiều so với mức hơn 6 tỷ Bảng tại World Cup 2022. Mở rộng giải đấu sang các thị trường như Đông Nam Á, Nam Á hay Trung Đông – nơi có dân số đông và độ phủ bóng đá ngày càng tăng – là yếu tố then chốt trong mức tăng trưởng này. Châu Á sẽ là một trong những trụ cột doanh thu quan trọng, từ bản quyền truyền hình, quảng cáo, đến các gói tài trợ.

Lợi ích từ làn sóng thương mại này không chỉ dừng lại ở FIFA. Các liên đoàn thành viên tại châu Á cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino từng cam kết rằng việc mở rộng World Cup sẽ đồng hành với việc tăng tiền tài trợ cho các liên đoàn, đặc biệt là những liên đoàn có đội tuyển dự vòng chung kết. Khoản thưởng từ việc giành vé dự World Cup cũng là một nguồn lực tài chính đáng kể, giúp các quốc gia tái đầu tư vào hệ thống đào tạo trẻ, phát triển giải quốc nội và nâng cấp cơ sở vật chất.

Ngoài ra, hiệu ứng thành công ở cấp độ đội tuyển sẽ lan tỏa mạnh mẽ tới hệ sinh thái bóng đá trong nước. Khi một đội tuyển quốc gia tham dự World Cup, giải vô địch quốc gia của họ thường tăng trưởng vượt bậc – về giá trị tài trợ, khán giả đến sân, chất lượng chuyên môn và độ phủ truyền thông.

Trách Nhiệm Và Vai Trò Của Hàn Quốc, Nhật Bản Tại World Cup 2026

Là hai thế lực hàng đầu của bóng đá châu Á trong suốt hơn hai thập kỷ qua, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là những cái tên quen thuộc tại vòng chung kết World Cup kể từ cuối thập niên 1990. Với việc FIFA mở rộng quy mô giải đấu lên 48 đội và phân bổ tới 8,5 suất cho châu Á, cơ hội góp mặt tại World Cup 2026 gần như là điều chắc chắn đối với hai ông lớn này. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy không khiến hành trình của họ trở nên dễ dàng hơn, mà ngược lại, mở ra một chương mới đầy tham vọng và trách nhiệm.

Đối với đội tuyển Nhật Bản và Hàn Quốc, việc có mặt tại World Cup luôn là điều kiện bắt buộc với họ. Tại vòng loại World Cup 2026, Nhật Bản đã trở thành đội tuyển đầu tiên trên thế giới có vé tham dự, trong khi Hàn Quốc cũng sẽ gần như có vé ở loạt trận tháng 6 tới. Ở các trận đấu còn lại, hai đội tuyển này có thể chủ động thử nghiệm nhân sự, chiến thuật, để có thêm nhiều phương án khác nhau.

Bên cạnh đó, việc nhiều đội tuyển châu Á khác có thể góp mặt tại World Cup 2026 cũng đặt Nhật Bản và Hàn Quốc vào vai trò “đầu tàu”. Họ không còn là những đại diện châu Á hiếm hoi, mà trở thành hình mẫu cho các đội như Việt Nam, Thái Lan hay Uzbekistan. Trong bối cảnh đó, việc duy trì vị thế số một châu lụckhông chỉ là danh dự, mà còn là động lực để họ tiếp tục nâng cấp toàn diện: từ huấn luyện, tuyển chọn cầu thủ cho đến xây dựng chiến lược thi đấu dài hạn.

Cuối cùng, World Cup 2026 cũng đòi hỏi chiều sâu lực lượng, sức bền thể chất và tinh thần chiến đấu bền bỉ hơn. Đây sẽ là bài toán mà cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc cần giải tốt nếu muốn vượt qua ngưỡng giới hạn từng đạt được trong lịch sử, qua đó khẳng định vị thế mới cho bóng đá châu Á trên bản đồ thế giới.

Kết Luận

Với việc gia tăng số đội tham dự, World Cup 2026 là cơ hội vàng để các đội tuyển tại châu Á có cơ hội góp mặt, cạnh tranh và tích luỹ thêm kinh nghiệm ở đấu trường thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Khi sân chơi trở nên đông đúc hơn, các đội mạnh như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không chỉ chịu áp lực duy trì vị thế dẫn đầu, mà còn phải nâng tầm để làm đầu tàu cho châu lục. Trong khi đó, các đội mới nổi sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn, tổ chức và thể lực để không trở thành “kẻ lót đường” tại World Cup.