10 Cầu Thủ Được Cho Mượn Thi Đấu Nổi Bật Nhất Tại J-League 2024

j-League

Đối với các CLB tại giải đấu J-League, việc chiêu mộ các cầu thủ dưới dạng cho mượn là một hình thức chuyển nhượng khá phổ biến, đặc biệt với các đội bóng có kinh tế eo hẹp. Hình thức này không những giúp họ đảm bảo chiều sâu đội hình, mà còn có thể có những thương vụ giá trị với số tiền ít.

Ở mùa giải năm nay, có rất nhiều những cầu thủ dù thi đấu dưới dạng cho mượn, nhưng đã có màn trình diễn vượt kì vọng, giúp cho đội bóng của mình đạt được nhiều thành công. Ở bài viết này, hãy cùng điểm qua 10 cầu thủ được cho mượn gây ấn tượng nhất J-League 2024.

10 Tân Binh Cho Mượn Thành Công Nhất J-League 2024

1. Suzuki Musashi (Hokkaido Consadole Sapporo)

Suzuki Musashi là chân sút tốt nhất của Sapporo ở mùa giải năm nay.
Suzuki Musashi là chân sút tốt nhất của Sapporo ở mùa giải năm nay. Ảnh: Footballchannel

Suzuki Musashi đang trở thành điểm tựa lớn cho các cổ động viên Hokkaido Consadole Sapporo, những người đặt kỳ vọng vào một phép màu để đội bóng có thể trụ lại J-League 1.

Vào tháng 2 năm nay, trước thềm mùa giải 2024, Suzuki rời Gamba Osaka để đến với vùng đất phía Bắc Nhật Bản. Sapporo, đội bóng đứng thứ 12 tại J-League 1 mùa trước, khởi đầu mùa giải mới với tham vọng vươn lên nửa trên BXH, nhưng thực tế lại đi theo chiều hướng khác.

Lối chơi tấn công của HLV Mihailo Petrovic không đạt hiệu quả, trong khi hàng phòng ngự thường xuyên mắc những sai lầm, khiến đội bóng phải nhận số lượng bàn thua lớn. Chuỗi 8 trận thua liên tiếp từ vòng 15 đến vòng 22 đã đẩy Sapporo vào cuộc chiến trụ hạng khốc liệt.

Giữa bối cảnh đội bóng gặp khó khăn, Suzuki nổi lên như một tia sáng hy vọng cho người hâm mộ. Ban đầu, anh gặp khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường mới và không ghi bàn trong nhiều trận đấu. Tuy nhiên, từ giữa mùa, Suzuki đã tìm lại phong độ. Trong bối cảnh hàng công thi đấu không tốt, anh vẫn tạo dược dấu ấn riêng, với 5 bàn thắng cho đội bóng sọc đỏ đen.

Cơ hội trụ hạng của Sapporo là rất mong manh, tuy vậy phép màu hoàn toàn có thể xảy ra. Người hâm mộ kì vọng Suzuki Musashi sẽ kịp tỏa sáng để giúp Sapporo trụ lại j-League.

2. Shuhei Tokumoto (Nagoya Grampus)

Nếu phải kể tên một cầu thủ J-League đang “lột xác” khi được cho mượn, chắc chắn cái tên Yuhei Tokumoto sẽ được nhắc đến.

Mùa giải 2024 khởi đầu đầy khó khăn với Tokumoto. Tại FC Tokyo, anh chỉ ra sân 11 trận ở J-League 1 (1 bàn, 3 kiến tạo) và không thể khẳng định được vai trò của mình.

Tháng 8 năm nay, cầu thủ sinh năm 1995 quyết định tìm kiếm thử thách mới giữa mùa giải bằng việc chuyển đến Nagoya Grampus theo dạng cho mượn. Với việc được bố trí thi đấu ở vị trí hậu vệ trái, Tokumoto đã ngay lập tức tỏa sáng nhờ thể lực vượt trội những pha tạt bóng chính xác bằng chân trái, trở thành một vũ khí quan trọng của Nagoya ở giai đoạn cuối mùa giải.

Ở tuổi 29, Tokumoto đang trên đường chạm đến đỉnh cao sự nghiệp tại một trong những CLB danh giá nhất J-League, Nagoya Grampus. Nếu tiếp tục thi đấu thăng hoa, anh có thể sẽ được tưởng thưởng bằng một bản hợp đồng dài hạn.

3. Takuji Yonemoto (Kyoto Sanga)

Takuji Yonemoto, một trong những “công nhân bền bỉ” nhất của J-League, đang chứng tỏ giá trị tại Kyoto Sanga F.C., nơi anh tìm thấy ngôi nhà mới.

Yonemoto từng có thời gian dài gắn bó với FC Tokyo và Nagoya Grampus, trước khi chuyển đến Kyoto theo dạng cho mượn vào tháng 7 năm nay. Việc bổ sung một cầu thủ kỳ cựu với 377 lần ra sân tại J-League đã mang đến tác động tích cực lớn cho tuyến giữa của Kyoto.

Chơi ở vị trí tiền vệ trong sơ đồ 4-3-3, Yonemoto luôn sẵn sàng va chạm và tham gia vào những tình huống tranh chấp. Ngoài ra, anh còn cho thấy rõ kinh nghiệm và tố chất thủ lĩnh, trở thành tấm gương sáng cho các cầu thủ trẻ.

Dù có mặt trên sân hay không, thái độ khiêm tốn của Yonemoto trong việc chăm lo cho các cầu thủ trẻ đồng đội ít cơ hội ra sân đã góp phần cải thiện sự gắn kết của đội Kyoto.

Với màn trình diễn ấn tượng, bao gồm 8 trận đấu và nhiều khoảnh khắc tỏa sáng, Takuji Yonemoto đã xuất sắc giúp Kyoto Sanga trụ hạng thành công.

4. Ryohei Shirasaki (Machida Zelvia)

Trước khi gia nhập Machida Zelvia, Ryohei Shirasaki là cầu thủ thuộc biên chế của CLB Shimizu S-Pulse. Tuy nhiên, ở mùa giải 2024, anh chỉ ghi được 1 bàn trong 15 trận tại J2 khi còn chơi cho Shimizu, và không thể hiện được phong độ cao nhất.

Tháng 8 năm nay, Shirasaki chọn Machida làm bến đỗ mới. Đây là một quyết định hoàn toàn chính xác, khi đội bóng này vừa giành chức vô địch J2 mùa trước và đang nằm trong nhóm dẫn đầu ở mùa giải năm nay.

Dưới sự dẫn dắt của HLV Tsuyoshi Kuroda, Shirasaki đã tìm lại ánh hào quang mà anh từng đánh mất tại Shimizu. Từ khi gia nhập, cầu thủ sinh năm 1993 đã ra sân 10 trận, trong đó có 9 trận đá chính, và giành được sự tin tưởng tuyệt đối từ HLV Kuroda.

Ở một đội bóng đòi hỏi cường độ thi đấu cao như Machida, Shirasaki được đánh giá là cầu thủ mạnh mẽ trong tranh chấp. Nhưng không chỉ dừng lại ở lối chơi máu lửa, anh còn mang đến sự sáng tạo cho hàng công của đội bóng.

Với sự góp mặt của Ryohei Shirasaki, đội bóng đã cải thiện đáng kể chất lượng tấn công và ý tưởng ghi bàn. Cầu thủ mang áo số 23 có thể sẽ là nhân tố chính của Machida ở mùa giải sắp tới.

5. Yuta Miyamoto (Kyoto Sanga)

Yuta Miyamoto ghi dấu ấn trong chiến dịch trụ hạng của Kyoto Sanga.
Yuta Miyamoto ghi dấu ấn trong chiến dịch trụ hạng của Kyoto Sanga. Ảnh: Footballchannel

Yuta Miyamoto, người gia nhập Kyoto Sanga F.C. theo dạng cho mượn từ Urawa Red Diamonds trước thềm mùa giải 2024, đang có những ngày tháng đáng nhớ tại cố đô Kyoto.

Tại Kyoto, Miyamoto chủ yếu chơi ở vị trí hậu vệ phải và trung vệ, trở thành một trụ cột trong đội hình chính. Dù Kyoto từng rơi vào khu vực nguy hiểm phải xuống hạng, sự góp mặt của tiền đạo người Brazil Rafael Elias, người gia nhập CLB trong kỳ chuyển nhượng mùa hè, cùng phong độ ổn định của Miyamoto đã giúp đội bóng vươn lên vị trí thứ 13 và hoàn thành mục tiêu trụ hạng.

Nếu như Rafael Elias ghi dấu ấn bằng các bàn thắng quan trọng, vai trò của Miyamoto cũng không thể xem nhẹ. Anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kể cả khi phải thi đấu ở vị trí trung vệ không phải sở trường vì hoàn cảnh của đội.

Nền tảng phát triển từ thời đại học với khả năng chơi đa năng đã được phát huy tối đa tại Kyoto. HLV của Kyoto, người từng làm việc với Miyamoto ở Đại học Ryutsu Keizai, chắc chắn không muốn anh trở lại Urawa, CLB chủ quản cũ.

6. Fuki Yamada (Tokyo Verdy)

Fuki Yamada, một trong những chuyên gia đá phạt hàng đầu J-League hiện nay, đã gia nhập Tokyo Verdy theo dạng cho mượn từ Kyoto Sanga F.C. trước thềm mùa giải 2024. Quyết định chuyển đến một đội bóng mới thăng hạng sau 16 năm vắng bóng là một canh bạc lớn, nhưng xét đến thời điểm này, lựa chọn của Yamada đã chứng minh sự đúng đắn.

Thi đấu ở vị trí tiền đạo phải, cầu thủ sinh năm 2001 không chỉ là ngòi nổ nguy hiểm với tốc độ và những pha xử lí chững chạc, mà còn là chân sút cừ khôi, với tổng cộng 5 bàn thắng sau 21 trận đấu.

Không chỉ thi đấu tốt tại J.League, Yamada còn góp mặt trong đội hình Olympic Paris mùa hè này, biến năm 2024 thành mùa giải đột phá của mình.

Chứng kiến màn trình diễn của Fuki Yamada, nhiều khả năng CLB chủ quản Kyoto Sanga sẽ giữ chân anh lại. Với Tokyo Verdy, cầu thủ 23 tuổi là một bản hợp đồng đáng để đầu tư.

7. Ryo Watanabe (Jubilo Iwata)

Nếu Jubilo Iwata trụ lại J-League 1 thành công, việc chiêu mộ Ryo Watanabe theo dạng cho mượn vào mùa hè này có thể được coi là bước ngoặt lớn.

Mùa giải 2024 đánh dấu sự trở lại của Iwata tại J1 sau hai năm vắng bóng. Tuy nhiên, đội bóng từng thống trị J.League, đã chật vật suốt cả mùa giải. Thứ hạng cao nhất của họ cho đến nay chỉ là 11, và phần lớn thời gian đội bóng phải vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng.

Tháng 7 năm nay, Iwata quyết định tăng cường sức mạnh hàng công bằng cách mượn Ryo Watanabe từ Cerezo Osaka. Với sự gia nhập của Watanabe, người sở hữu kỹ thuật dứt điểm tốt và khả năng thoát xuống thông minh, hàng công của Iwata đã khởi sắc. Nếu như ở giai đoạn đầu mùa giải, hàng công của Iwata thường bị đối thủ phong tỏa do quá phụ thuộc vào Jermain Ryo, thì giờ đây, các phương án tấn công trở nên đa dạng hơn, gây khó khăn cho đối thủ trong việc tập trung kèm người.

Thống kê của Watanabe tại Iwata không quá nổi bật với 1 bàn thắng và 1 kiến tạo sau 8 trận. Tuy nhiên, giá trị thực sự của anh nằm ở những đóng góp không hiện rõ trên bảng số liệu, như tạo khoảng trống và hỗ trợ đồng đội.

Hiện tại, Iwata đang đứng thứ 18, nằm trong khu vực xuống hạng, và tình hình vẫn rất khó đoán khi chỉ còn 2 trận đấu cuối cùng. Nếu không muốn trở lại J2 chỉ sau một năm thăng hạng, Iwata cần nhiều hơn nữa từ Watanabe.

8. Seiji Kimura (Sagan Tosu)

Seiji Kimura, người từng vật lộn để tìm kiếm suất đá chính tại FC Tokyo, đã trở thành một phiên bản khác bằng những đóng góp quan trọng cho tuyến phòng ngự của Sagan Tosu.

Dù không được ra sân trong 5 trận đầu tiên, Kimura dần khẳng định vị trí của mình và trở thành trụ cột ở hàng phòng ngự. Anh không chỉ ngăn chặn các bàn thua bằng khả năng phòng ngự chắc chắn mà còn đe dọa khung thành đối phương bằng những pha đánh đầu nguy hiểm từ các tình huống cố định.

Bên cạnh đó, Kimura còn thể hiện sự điềm tĩnh trong những pha phát động tấn công, phù hợp hoàn hảo với lối chơi thiên về kiểm soát bóng của Tosu.

Đáng tiếc, những nỗ lực của cầu thủ sinh nhăm 2001 là không đủ để giúp Sagan Tosu trụ lại J-League. Dù vậy, nếu không có những nỗ lực bền bỉ của Kimura trong suốt mùa giải, Tosu có lẽ đã phải nói lời chia tay giải đấu sớm hơn.

Kimura cũng đóng vai trò trung vệ chính của đội tuyển U-23 Nhật Bản tại Thế vận hội Paris mùa hè này. Mùa giải 2024 chính là thời điểm để Kimura chứng minh rằng anh hoàn toàn đủ khả năng trở thành một cầu thủ chủ chốt trong tương lai.

9. Yudai Kimura (Tokyo Verdy)

Yudai Kimura có mùa giải bùng nổ với 10 bàn thắng ghi được.
Yudai Kimura có mùa giải bùng nổ với 10 bàn thắng ghi được. Ảnh: Footballchannel

Tokyo Verdy đã chiêu mộ hai cầu thủ theo dạng cho mượn từ Kyoto Sanga F.C. trước thềm mùa giải 2024, và cả hai đều được xem là những bản hợp đồng thành công của họ. Yudai Kimura, chân sút đã ghi 10 bàn thắng và có một kiến tạo sau 34 trận tại J-League.

Khi chuyển đến Tokyo Verdy theo dạng cho mượn vào tháng 2 năm nay, Kimura đã thực sự bùng nổ. Với chiều cao 1m85, anh không chỉ mạnh mẽ trong các pha không chiến mà còn có kỹ thuật xử lý bóng rất tốt. Cầu thủ sinh năm 2001 nổi bật ở khả năng chơi bóng quay lưng với khung thành, thoát xuống phía sau hàng thủ và những pha đi bóng mạnh mẽ. Dù thuận chân phải, Kimura cũng rất nguy hiểm khi dứt điểm bằng chân trái.

Ở một thời điểm, Kimura gặp khó khăn khi trải qua 10 trận liên tiếp không ghi bàn do sự thay đổi chiến thuật của đội bóng. Tuy nhiên, xét toàn mùa giải, tỷ lệ ghi bàn trung bình một bàn sau mỗi ba trận là đủ để đánh giá cao vai trò của anh.

Kimura trở thành trụ cột trên hàng công của Tokyo Verdy, đội bóng đã lần đầu tiên trụ lại J-League 1 sau 20 năm. Đây là một tài năng mà Tokyo Verdy rất muốn giữ lại. Với Yudai Kimura, lần đầu tiên đạt cột mốc 10 bàn trong sự nghiệp, có thể chỉ là khởi đầu cho một bước tiến lớn hơn.

10. Ryotaro Araki (FC Tokyo)

Với Kashima Antlers, đội bóng đặt mục tiêu vô địch J1 lần đầu tiên sau 8 năm, việc để Ryotaro Araki gia nhập FC Tokyo có thể là sai lầm lớn nhất của họ ở mùa giải năm nay.

Trước thềm Thế vận hội Paris, Araki quyết định chuyển đến FC Tokyo theo dạng cho mượn để tìm lại phong độ. Tại FC Tokyo, cầu thủ sinh năm 2002 đã ghi 7 bàn và có 3 kiến tạo sau 25 trận. Phong độ ấn tượng này cũng giúp Araki được triệu tập vào đội tuyển U-23 Nhật Bản tham dự Thế vận hội Paris.

Ở chiều ngược lại, Kashima vẫn gặp vấn đề trong những trận đấu mà lối tấn công trở nên đơn điệu. Dù không còn quá chú trọng kiểm soát bóng, đội bóng này cần một nhân tố sáng tạo hơn bên cạnh ngôi sao Yuma Suzuki.

Việc để Araki ra đi đã để lại một khoảng trống lớn cho Kashima. Trong bối cảnh họ cần một “mảnh ghép cuối cùng” để hoàn thiện đội hình, hình ảnh Araki tỏa sáng tại FC Tokyo càng khiến quyết định cho mượn của họ trở thành một bài học đáng tiếc.