Tư xưa đến nay, không hiếm những trường hợp các danh thủ lẫy lừng với sự nghiệp thi đấu rực rỡ, đầy ắp danh hiệu và hào quang, nhưng lại không thể gặt hái thành công khi chuyển sang công tác huấn luyện. Bóng đá Nhật Bản cũng không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt đó.
Dù từng là những biểu tượng của đội tuyển quốc gia, góp công lớn đưa bóng đá xứ sở hoa anh đào vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng khi ngồi lên ghế chỉ đạo, không ít cựu tuyển thủ Nhật Bản lại vấp phải thất bại, thậm chí bị chỉ trích dữ dội.
Hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua danh sách 6 cựu cầu thủ Nhật Bản gây thất vọng khi dẫn dắt ĐTQG.
6 Cựu Tuyển Thủ Nhật Bản Thất Bại Khi Chuyển Sang Làm HLV
1. Takashi Ogura – Nagoya Grampus (2016)
Cựu tiền đạo của đội tuyển Nhật Bản, Takashi Ogura, từng được biết đến với biệt danh “Quái vật chân trái” trong thời kỳ đỉnh cao, nhưng ông không thể tiếp tục nâng tầm tên tuổi khi chuyển sang làm HLV.
Ogura bắt đầu sự nghiệp tại Nagoya Grampus vào năm 1992, sau đó trở lại đội bóng này vào năm 1994 sau một thời gian học hỏi bóng đá tại Hà Lan. Năm 1995, dưới thời tân HLV Arsène Wenger, ông đã có màn trình diễn ấn tượng.
Tưởng chừng như sự nghiệp sẽ tiếp tục thăng hoa, nhưng đến năm 1996, Ogura dính chấn thương nặng với đứt dây chằng chéo sau chân phải và sự nghiệp bắt đầu lao dốc. Trong màu áo Nagoya, ông ghi tổng cộng 29 bàn sau 112 trận đấu, nhưng gần như không còn đóng góp đáng kể nào sau thời điểm chấn thương.
Tháng 6 năm 2015, Ogura trở lại Nagoya trên cương vị phó giám đốc kỹ thuật. Một năm sau, trong mùa giải 2016 được CLB kỳ vọng là “năm cải cách đầu tiên”, Ogura được giao trọng trách kép “Giám đốc kỹ thuật kiêm HLV trưởng” – một quyết định sau này trở thành thảm họa lịch sử của CLB.
Nagoya khởi đầu mùa giải khá ổn định, nhưng từ tháng 5 trở đi mọi thứ bắt đầu xấu đi. Sau trận hoà với Vissel Kobe ở vòng 11 giai đoạn một, đội bóng rơi vào chuỗi không thắng kéo dài đến vòng 9 giai đoạn hai. Kết quả tồi tệ buộc CLB phải tuyên bố Ogura sẽ tạm nghỉ vào ngày 23 tháng 8, chính thức khép lại thử thách trên băng ghế huấn luyện của cựu cầu thủ này chỉ sau bảy tháng ngắn ngủi.
2. Kunishige Kamamoto – Gamba Osaka (1993-1995)
Kunishige Kamamoto – huyền thoại bóng đá Nhật Bản – cũng là một ví dụ điển hình cho câu nói “cầu thủ vĩ đại chưa chắc là huấn luyện viên giỏi.”
Trong thời kỳ đỉnh cao, Kamamoto là một tiền đạo lừng danh của đội tuyển Nhật Bản, từng ra sân 76 trận chính thức và ghi đến 75 bàn thắng – một kỷ lục vẫn chưa bị phá vỡ cho đến ngày nay.
Với bảng thành tích thi đấu quá đỗi ấn tượng, Kamamoto được kỳ vọng sẽ mang đến luồng sinh khí mới trên băng ghế huấn luyện khi trở thành HLV đầu tiên của Gamba Osaka vào năm 1993 – mùa giải khai sinh của J-League. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không diễn ra như mong đợi. Ở mùa giải đầu tiên, Gamba Osaka chỉ cán đích ở vị trí thứ 7, và sang đến mùa giải 1994, thành tích đội bóng tiếp tục sa sút. Kamamoto bị sa thải chỉ sau hai mùa giải dẫn dắt, với tổng thành tích tại J1 là 31 trận thắng và 49 trận thua sau 80 trận.
Một số nguồn tin cho rằng nguyên nhân dẫn đến thất bại là mâu thuẫn nội bộ với các trụ cột, cho thấy năng lực quản lý con người và chiến thuật của ông không tương xứng với tầm vóc huyền thoại trên sân cỏ.
Dù sự nghiệp huấn luyện không như kỳ vọng, Kamamoto vẫn là biểu tượng không thể thay thế trong lịch sử bóng đá Nhật Bản. Năm 2005, ông được vinh danh trong “Đại sảnh Danh vọng Bóng đá Nhật Bản” khóa đầu tiên, như một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp vĩ đại của ông với nền bóng đá nước nhà.
3. Tsuneyasu Miyamoto – Gamba Osaka (2018-2021)
Tsuneyasu Miyamoto từng là đội trưởng của đội tuyển Nhật Bản, nhưng lại không thể để lại nhiều dấu ấn khi bước vào sự nghiệp huấn luyện.
Miyamoto trưởng thành từ học viện bóng đá Gamba Osaka. Sau khi thi đấu chuyên nghiệp cho chính đội bóng này, anh chuyển đến Red Bull Salzburg (Áo) năm 2006 để tích lũy kinh nghiệm ở đẳng cấp châu Âu. Sau ba năm, anh quay lại J-League đầu quân cho Vissel Kobe trước khi giải nghệ vào năm 2011. Với 71 lần khoác áo đội tuyển quốc gia và tham dự hai kỳ World Cup, Miyamoto được giao băng đội trưởng ở mọi cấp độ từ U cho đến đội tuyển quốc gia nhờ kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp vượt trội.
Tsuneyasu Miyamotobắt đầu sự nghiệp huấn luyện với đội trẻ Gamba Osaka vào năm 2016, và được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội một vào giữa mùa giải 2018. Mùa giải 2020 là dấu ấn lớn nhất, khi ông đưa đội bóng về đích ở vị trí á quân J-League. Tuy nhiên, thành tích đó bị đánh giá là chưa thực sự thuyết phục khi Gamba Osaka thắng nhiều trận nhờ khoảnh khắc cá nhân và không cho thấy sự ổn định về chiến thuật.
Bước ngoặt xảy ra ở mùa giải 2021, khi Gamba Osaka rơi xuống vị trí thứ 18 sau 10 vòng đấu đầu tiên (1 thắng, 4 hòa, 5 thua). Miyamoto bị sa thải vào tháng 5. Cũng cần nói thêm rằng, thời điểm đó Gamba bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 khiến đội bóng phải ngưng hoạt động một thời gian.
Dù thất bại trong vai trò huấn luyện viên, Miyamoto đã có bước ngoặt quan trọng khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch thứ 15 của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) vào cuối tháng 3/2024. Theo JFA, đây là lần đầu tiên một cựu cầu thủ J-League và từng tham dự World Cup giữ vị trí cao nhất của tổ chức này.
Với phẩm chất thủ lĩnh đã được chứng minh trong quá khứ, người hâm mộ kỳ vọng Tsuneyasu Miyamoto sẽ tiếp tục dẫn dắt nền bóng đá Nhật Bản vươn tới những đỉnh cao mới trong vai trò nhà quản lý.
4. Shindo Takehito – Yokohama FC (2001-2002)
Cựu trung vệ đội tuyển Nhật Bản – Shindo Takehito – từng là chốt chặn đáng tin cậy ở mọi đội bóng anh khoác áo trong sự nghiệp cầu thủ, nhưng lại không thể tái hiện thành công đó trên băng ghế huấn luyện.
Shindo từng góp công lớn giúp Mazda SC (tiền thân của Sanfrecce Hiroshima) lọt vào chung kết Cúp Hoàng đế và sau đó giành chức vô địch giải đấu này cùng Bellmare Hiratsuka (tiền thân của Shonan Bellmare). Tuy nhiên, khi chuyển sang vai trò HLV, thành tích của ông là khá khiêm tốn với 23 trận thắng, 12 hòa và 53 thất bại sau 88 trận tại J2 League.
Ông giã từ sân cỏ năm 1995 và bắt đầu nghiệp huấn luyện tại Yokohama FC năm 2001. Đây cũng là mùa giải đầu tiên đội bóng này góp mặt ở J2, và sau khi HLV Yoshikazu Nagai từ chức vào tháng 9 vì kết quả yếu kém, Shindo được bổ nhiệm làm HLV trưởng. Dù tiếp quản trong tình thế khó khăn, ông vẫn giúp đội bóng kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 9/12 – một thành tích không tồi với một HLV lần đầu dẫn dắt đội một.
Tuy nhiên, vấn đề thực sự bắt đầu từ mùa giải 2002, khi Shindo quyết định áp dụng sơ đồ 2-4-4 cực kỳ mạo hiểm. Với việc chỉ sử dụng hai hậu vệ, hàng thủ phải chịu sức ép khổng lồ và đội bóng buộc phải ghi thật nhiều bàn thắng để bù lại sự mong manh nơi tuyến dưới.
Chiến thuật này nhanh chóng thất bại. Các đối thủ dễ dàng tìm ra phương án hóa giải lối chơi của Yokohama FC, và sự mất cân bằng giữa tấn công và phòng ngự khiến đội bóng sụp đổ. Hệ quả là Yokohama FC kết thúc mùa giải ở vị trí bét bảng, với 81 bàn thua – nhiều nhất J2 mùa đó.
Sang mùa 2003, Shindo bị thay thế bởi HLV người Đức – Pierre Littbarski. Dù được kỳ vọng sẽ cải thiện hàng phòng ngự, nhưng thực tế còn tệ hơn. Yokohama FC kết thúc mùa giải với 88 bàn thua – thậm chí còn nhiều hơn mùa trước.
Chiến thuật tấn công toàn diện của Shindo có thể hấp dẫn trên lý thuyết, nhưng cái giá mà đội bóng phải trả là quá đắt. Nó trở thành một bài học điển hình cho việc đánh đổi sự mạo hiểm bằng cái kết thảm hại, khiến sự nghiệp huấn luyện của Shindo không thể cất cánh như thời kỳ đỉnh cao cầu thủ.
5. Toshifumi Tonami – Vegalta Sendai (2005), Cerezo Osaka (2007), Yokohama FC (2008)
Toshifumi Tsunami, người từng là hậu vệ cánh trái trụ cột của đội tuyển Nhật Bản và gắn bó lâu dài với Yomiuri SC (tiền thân của Tokyo Verdy), từng được xem là một trong những cầu thủ phòng ngự hàng đầu châu Á trong thập niên 1990. Tuy nhiên, trái ngược với danh tiếng lẫy lừng khi còn thi đấu, sự nghiệp huấn luyện của ông lại không mấy suôn sẻ.
Ngay sau khi nhận bằng HLV hạng S vào năm 2004, Tsunami được bổ nhiệm làm HLV trưởng Vegalta Sendai. Dù giúp đội bóng thi đấu khởi sắc trong giai đoạn lượt về của mùa giải 2005 và kết thúc ở vị trí thứ tư (19 thắng, 11 hòa, 14 thua), ông vẫn bị sa thải chỉ sau một mùa vì không thể giành vé đá play-off thăng hạng.
Sau đó, ông lần lượt dẫn dắt Tokyo Verdy, Cerezo Osaka (2007) và Yokohama FC (2008), nhưng đều không trụ lại quá một mùa giải. Những kết quả nghèo nàn cùng phong cách huấn luyện thiếu điểm nhấn khiến danh tiếng của Tsunami trên băng ghế chỉ đạo giảm sút rõ rệt.
Tuy nhiên, bước ngoặt đến với ông vào năm 2018, khi Tsunami đảm nhận vai trò HLV trưởng của Briobecca Urayasu – đội bóng đang thi đấu tại giải Hạng Nhất vùng Kanto. Tại đây, ông từng bước gây dựng lại uy tín của mình. Đỉnh điểm là mùa giải 2022, khi ông giúp đội bóng giành quyền thăng hạng lên JFL. Đến năm 2023, Briobecca Urayasu tiếp tục thi đấu ấn tượng và kết thúc mùa giải ở vị trí á quân JFL.
Từ một HLV bị nghi ngờ về năng lực, Toshifumi Tsunami đang từng bước lấy lại niềm tin và chứng minh bản thân xứng đáng với kỳ vọng trong vai trò người chèo lái. Liệu ông có thể đưa Briobecca Urayasu tiến thêm một bước để lần đầu tiên góp mặt tại J.League? Câu trả lời sẽ được định đoạt trong tương lai gần.
6. Tetsuji Shibuya – Vegalta Sendai (2005), Cerezo Osaka (2007), Yokohama FC (2008)
Tokyo Verdy sẽ chính thức trở lại J1 League kể từ mùa giải 2024, đánh dấu lần đầu tiên sau 16 năm đội bóng thủ đô góp mặt ở hạng đấu cao nhất Nhật Bản. Lần gần nhất Verdy thi đấu tại J1 là vào năm 2008, dưới sự dẫn dắt của cựu hậu vệ đội tuyển quốc gia Nhật Bản – Tetsuji Shibuya.
Trong sự nghiệp cầu thủ, Shibuya từng khoác áo Nissan Motor (tiền thân của Yokohama F. Marinos) và Verdy Kawasaki (tiền thân của Tokyo Verdy). Sau khi giải nghệ năm 1998, ông chuyển sang công việc bình luận viên trước khi bắt đầu sự nghiệp huấn luyện với Consadole Sapporo vào năm 2002. Tuy nhiên, mọi thứ đã khởi đầu không suôn sẻ: Sapporo chìm trong chuỗi trận bết bát ngay từ đầu mùa, và ông bị sa thải giữa mùa giải vào tháng Sáu.
Dù vậy, Shibuya tiếp tục có cơ hội chứng minh bản thân khi được đề bạt làm HLV trưởng Tokyo Verdy vào năm 2008, thay vì vai trò trợ lý trước đó. Nhưng người hâm mộ không được chứng kiến phép màu nào từ cựu danh thủ này. Verdy dưới thời Shibuya không có được phong độ ổn định, và càng về cuối mùa càng trượt dốc. Kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 17/18 với 10 trận thắng, 7 hòa và 17 thất bại, đội bóng thủ đô chính thức rớt hạng. Từ đó, họ vật lộn tại J2 suốt 15 năm cho đến khi giành quyền thăng hạng trở lại ở mùa giải 2023.
Sau thời gian ngắn ngủi ở Verdy, Tetsuji Shibuya lần lượt dẫn dắt Mito Hollyhock và Gainare Tottori, nhưng một lần nữa không thể hoàn thành các mục tiêu được giao và bị sa thải một cách đáng tiếc.