Vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á đang bước vào giai đoạn căng thẳng, nơi các đội tuyển hàng đầu châu lục cạnh tranh khốc liệt cho tấm vé trực tiếp đến giải đấu lớn nhất hành tinh. Với sự mở rộng lên 48 đội, khu vực châu Á có 8,5 suất, tạo ra cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ.
Hãy cùng điểm qua hành trình của những ứng cử viên sáng giá nhất vòng loại và những yếu tố giúp họ trở thành những đội tuyển hàng đầu trong cuộc đua này!
6 Ứng Cử Viên Giành Quyền Trực Tiếp Đến World Cup 2026 Khu Vực Châu Á
1. Nhật Bản
Đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản, thường được gọi là “Samurai Xanh”, đang thể hiện một phong độ vượt trội và đầy ấn tượng tại Vòng loại Giải vô địch bóng đá Thế giới 2026, khu vực châu Á. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản đang vững vàng ở vị trí dẫn đầu bảng C trong giai đoạn vòng loại thứ ba, với thành tích gần như hoàn hảo cả về mặt tấn công lẫn phòng ngự.
Ở giai đoạn đầu, vòng loại thứ 2, Nhật Bản nằm trong bảng đấu tương đối dễ thở với các đối thủ như Triều Tiên, Syria và Myanmar, toàn thắng cả 6 trận đấu, ghi tới 24 bàn thắng và không để thủng lưới bàn nào.
Bước vào vòng loại thứ ba, Nhật Bản rơi vào bảng C cùng với các đối thủ mạnh như Ả Rập Saudi, Trung Quốc, Australia, Bahrain và Indonesia. Nhật Bản đã chơi 6 trận, giành 5 chiến thắng, hòa 1 trận và chưa thua trận nào, tích lũy được 16 điểm. Đáng chú ý, hàng công của Samurai Blue ghi tới 22 bàn thắng, một con số thật sự choáng ngợp, trong khi hàng thủ chỉ để lọt lưới duy nhất 2 bàn, cho thấy sự cân bằng hoàn hảo giữa công và thủ.
Dưới bàn tay của HLV Moriyasu Hajime cùng với các ngôi sao đang thi đấu tại các giải châu Âu như Mitoma, Wataru Endo, Tomiyasu hay Kubo, chiến thuật 4-2-3-1 quen thuộc được vận hành một cách trơn tru với khả năng pressing tầm cao và chuyển trạng thái nhanh chóng, giúp Nhật Bản áp đảo đối thủ ở cả ba tuyến.
Với lối chơi hiện đại, Nhật Bản không chỉ là ứng cử viên sáng giá cho tấm vé đến Bắc Mỹ mà còn là niềm tự hào của bóng đá khu vực, minh chứng cho sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khát khao vươn tầm thế giới của bóng đá Nhật Bản.
2. Hàn Quốc
Đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc, một trong những thế lực hàng đầu của bóng đá châu Á đang bước vào vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2026 với mục tiêu rõ ràng: Giành vé trực tiếp tham dự giải đấu lần thứ 11 liên tiếp.
Để góp mặt tại vòng loại thứ ba, đội tuyển Hàn Quốc đã vượt qua vòng loại thứ hai một cách thuyết phục với vị trí nhất bảng, giành 16 điểm sau 6 trận đấu. Thành tích này không chỉ giúp họ tiến vào vòng loại thứ ba mà còn đảm bảo một suất tham dự Cúp bóng đá châu Á 2027, theo thể thức kết hợp của AFC.
Tại vòng loại thứ ba, Hàn Quốc rơi vào bảng B cùng với Iraq, Jordan, Oman, Palestine và Kuwait. Hàng công sắc bén với đầu tàu Son Heung-min đã giúp Hàn Quốc tiếp tục giữ vững ngôi đầu với 14 điểm sau 6 lượt trận, nắm lợi thế lớn để giành một trong hai suất trực tiếp.
Sức mạnh của đội tuyển Hàn Quốc nằm ở đội hình đồng đều, kết hợp giữa kinh nghiệm và sức trẻ. Son Heung-min vẫn sẽ tiếp tục là trọng tâm trong lối chơi của các cầu thủ Hàn Quốc. Hỗ trợ Son là Hwang Hee-chan, người đang có mùa giải ấn tượng tại Ngoại hạng Anh, cùng với Lee Kang-in, tài năng trẻ đang phát triển mạnh mẽ tại PSG.
Tuy nhiên, vòng loại thứ ba vẫn còn 4 lượt trận, và bất kỳ sai lầm nào trước các đối thủ như Iraq hay Jordan đều có thể khiến họ phải trả giá. Đặc biệt, các trận sân khách trong lượt về sẽ là bài kiểm tra thực sự cho bản lĩnh của “Những chiến binh Taeguk”.
3. Iran
Đội tuyển Iran hiện đang là ứng cử viên hàng đầu cho tấm vé đến World Cup 2026 khu vực châu Á. Với đội hình chất lượng, kinh nghiệm thi đấu quốc tế dày dặn và sự ổn định trong chiến thuật, Iran không chỉ đặt mục tiêu vượt qua vòng loại mà còn hướng đến việc cải thiện thành tích tại vòng chung kết World Cup, nơi họ chưa từng vượt qua vòng bảng trong lịch sử.
Đội tuyển bóng đá quốc gia Iran hiện đang dẫn đầu bảng A ở vòng loại thứ ba, với 16 điểm sau 6 trận đấu. Thành tích này cho thấy sự ổn định và sức mạnh vượt trội của họ, khi không chỉ kiểm soát thế trận mà còn cho thấy sự hiệu quả trong khâu dứt điểm, (nổi bật là lần đánh bại Qatar với tỷ số đậm 4-1).
Với sự phục vụ của các ngôi sao như Sardar Azmoun (Shabab Al-Ahli), Mehdi Taremi (Inter Milan), và Mohammad Mohebbi (Rostov), nếu duy trì được phong độ hiện tại, Iran gần như chắc chắn sẽ giành vé trực tiếp đến World Cup 2026.
Tuy nhiên, thử thách vẫn còn phía trước khi Uzbekistan và UAE đều là những đối thủ mạnh, sẵn sàng tận dụng bất kỳ sai lầm nào của Iran. Trận tái đấu với Uzbekistan vào ngày 25/03/2025 được xem là bước ngoặt quan trọng, bởi Uzbekistan từng cầm hòa Iran 0-0 trong trận lượt đi, cho thấy họ có khả năng gây khó khăn cho “Team Melli”.
4. Iraq
“Những con sư tử Lưỡng Hà” Iraq đang trải qua một hành trình đầy biến động tại Vòng loại Giải vô địch bóng đá Thế giới 2026 khu vực châu Á. Khởi động ở vòng loại thứ 2 khá thuận lợi khi Iraq nằm trong bảng F cùng với các đối thủ Việt Nam, Philippines và Indonesia. Đội bóng Tây Á đã thể hiện sức mạnh vượt trội khi toàn thắng 6 trận, dễ dàng dẫn đầu bảng F và giành vé vào vòng loại thứ ba, tạo đà tâm lý tốt cho những thử thách lớn hơn phía trước.
Dưới bàn tay của HLV Jesús Casas, Iraq thường sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 hoặc 4-3-3, tập trung vào lối chơi kiểm soát bóng và pressing tầm trung. Lực lượng của Iraq nổi bật là Aymen Hussein, tiền đạo chủ lực, là mũi nhọn quan trọng với khả năng dứt điểm đa dạng. Ali Jasim và Mohanad Ali cũng mang đến sự sáng tạo và tốc độ từ hai cánh, trong khi hàng tiền vệ được dẫn dắt bởi Amir Al-Ammari và Ibrahim Bayesh.
Nhưng khi bước vào vòng 3 gặp các đối thủ sừng sỏ hơn, hàng thủ bắt đầu phơi bày lỗ hổng trong khâu tổ chức với những sai lầm cá nhân không đáng có ở các trận đấu quan trọng (như trước Hàn Quốc và Jordan). Thủ môn Jalal Hassan, dù có kinh nghiệm, cũng không thể ngăn cản những bàn thua quyết định trong các trận đấu then chốt.
Với 11 điểm sau 6 lượt trận, Iraq hiện đang đứng nhì bảng và vẫn sáng cửa cho một trong hai suất trực tiếp của bảng B vào vòng chung kết World Cup 2026, nhưng con đường phía trước không hề dễ dàng. Trận đấu với Hàn Quốc tại Basra sẽ là thử thách lớn nhất, trong khi các cuộc đối đầu với Kuwait và Oman là cơ hội để Iraq lấy trọn điểm số. Nếu không cải thiện hàng thủ và tận dụng tốt hơn các cơ hội, Iraq có nguy cơ bị Jordan vượt mặt và phải cạnh tranh suất playoff.
5. Uzbekistan
Đội tuyển bóng đá quốc gia Uzbekistan đang thể hiện phong độ ấn tượng tại Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2026 khu vực châu Á, cụ thể là trong giai đoạn thứ ba của bảng A. Sau 6 lượt trận, Uzbekistan đang vững vàng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng với 13 điểm, chỉ kém đội đầu bảng Iran 3 điểm. Đây là kết quả của một hành trình đầy nỗ lực, với những chiến thắng quan trọng và lối chơi ngày càng ổn định, giúp đội bóng Trung Á này tiến gần hơn đến giấc mơ lần đầu tiên góp mặt tại World Cup.
Tại vòng 3, Uzbekistan thể hiện khả năng kiểm soát thế trận, tận dụng tốt lợi thế sân nhà và phong độ cao của các trụ cột. Cụ thể, họ đã cầm hòa đội đầu bảng Iran, và đánh bại một đối thủ được đánh giá rất mạnh trong khu vực là UAE, vốn sở hữu đội hình đồng đều và dày dặn kinh nghiệm. Đây được đánh giá là “bước ngoặt lớn” trong chiến dịch vòng loại, tạo tiền đề cho tấm vé trực tiếp đến World Cup 2026.
Đối với các trận đấu xa nhà, Uzbekistan vẫn giữ được sự bình tĩnh và tận dụng cơ hội, phối hợp tấn công bài bản để giành chiến thắng, củng cố vị trí thứ hai trong bảng A, nâng cao tinh thần trước những trận đấu quan trọng sắp tới.
World Cup 2026 không còn là giấc mơ xa vời đối với đội bóng này, khi họ đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, áp lực vẫn còn khi họ sẽ phải đối đầu với Iran và Kyrgyzstan trong hai trận đấu tiếp theo vào tháng 3 năm 2025. Trận gặp Iran, đội bóng đang bất bại sẽ là thử thách cực kỳ khó khăn, nhưng nếu duy trì được phong độ, Uzbekistan hoàn toàn có cơ hội giành vé trực tiếp.
6. Úc
Đội tuyển Úc, thường được gọi là Socceroos, đang tham gia Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2026 khu vực châu Á với mục tiêu giành một suất trực tiếp đến giải đấu được tổ chức tại Mỹ, Canada và Mexico. Với bề dày lịch sử tham dự World Cup (liên tục từ năm 2006 đến 2022), Socceroos được xem là một trong những ứng cử viên hàng đầu của khu vực châu Á, dù hành trình hiện tại của họ không hoàn toàn suôn sẻ.
Ở vòng loại thứ hai, Úc đã thể hiện sức mạnh vượt trội khi giành được 18 điểm tuyệt đối sau 6 trận đấu, ghi 22 bàn thắng và không để thủng lưới lần nào. Thành tích quá đỗi ấn tượng này không chỉ giúp họ dễ dàng vượt qua vòng loại thứ hai mà còn củng cố vị thế của một đội bóng hàng đầu châu Á, tạo đà tâm lý vững chắc trước khi bước vào vòng loại thứ ba.
Tuy nhiên, tại vòng loại thứ ba, Australia nằm ở bảng C cùng với Nhật Bản, Saudi Arabia, Trung Quốc, Indonesia và Bahrain, một bảng đấu được đánh giá là khá cạnh tranh. Dưới thời HLV Tony Popovic, Australia tuy đang dần lấy lại sự ổn định nhưng hàng công của họ vẫn thiếu sự sắc bén, với chỉ 4 bàn thắng sau 6 trận ở vòng loại thứ ba, 1 con số khá khiêm tốn so với tiềm năng.
Hàng thủ cũng không còn chắc chắn như trước, để thủng lưới 3 bàn, phần lớn từ những sai lầm cá nhân. Tính đến thời điểm hiện tai, dù đang đứng ở nhì bảng nhưng cách biệt so với các đội bên dưới là cực kì nhỏ (1 điểm).
Rõ ràng là hoàn toàn có cơ sở khi người hâm mộ Australia tỏ ra lo lắng sau khởi đầu tệ hại với những lời chỉ trích, truyền thông quốc tế thậm chí đặt câu hỏi liệu Australia có nguy cơ bỏ lỡ World Cup 2026 – điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2002.
Trong 4 trận còn lại, Australia cần ít nhất 9-12 điểm để đảm bảo một trong hai vị trí đầu bảng, qua đó giành vé trực tiếp đến World Cup 2026 khu vực châu Á. Nếu chỉ về thứ ba hoặc thứ tư, họ sẽ phải tham gia vòng loại thứ tư, một chặng đường đầy rủi ro.