5 CLB Có Thể Xuống Hạng Tại J-League 2025

5 CLB Có Thể Xuống Hạng Tại J-League 2025

Một nửa mùa giải J-League 2025 đã chính thức khép lại, và cục diện ở cả hai đầu bảng xếp hạng dần lộ diện những ứng viên vô địch cũng như những đội bóng đối mặt nguy cơ xuống hạng.

Dù mùa giải vẫn còn nhiều vòng đấu phía trước, 5 cái tên dưới đây đang phải đối diện với nguy cơ xuống hạng nếu không sớm cải thiện phong độ và tìm ra giải pháp cho những vấn đề hiện tại.

Hãy cùng điểm qua 5 ứng cử viên hàng đầu cho tấm vé xuống hạng J-League 2025.

5 Đội Bóng Có Thể Xuống Hạng Tại J-League 2025

1. Avispa Fukuoka

Avispa Fukuoka từng có thời điểm dẫn đầu bảng xếp hạng J1 League, nhưng bước sang tháng 5, đội bóng này đã tụt dốc không phanh và rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Hiện tại, Fukuoka đã rớt xuống vị trí thứ 15 và bắt đầu bước vào vùng nguy hiểm của cuộc đua trụ hạng.

HLV Kim Myung-hwi đang loay hoay để giúp Avispa trụ hạng.
HLV Kim Myung-hwi đang loay hoay để giúp Avispa trụ hạng. Ảnh: soccerdigestweb

Mùa giải năm nay, Fukuoka bổ nhiệm HLV Kim Myung-hwi. Đội bóng khởi đầu mùa giải với ba trận thua liên tiếp, nhưng sau chiến thắng trước Vissel Kobe ở vòng 4, họ bất ngờ lấy lại phong độ, trải qua chuỗi trận bất bại kéo dài 9 trận chính thức (8 thắng, 1 hòa). Đặc biệt, trong tháng 4, Fukuoka lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu J-League kể từ khi gia nhập giải đấu.

Tuy nhiên, kể từ nửa sau tháng 4, chuỗi chấn thương liên tiếp đã khiến phong độ đội bóng đi xuống nghiêm trọng. Những gì làm được ở giai đoạn đầu mùa bỗng trở thành quá khứ, Fukuoka khép lại lượt đi mà không giành nổi chiến thắng nào ở 9 trận liên tiếp.

Vấn đề lớn nhất của đội bóng là thiếu sự sắc bén và khả năng dứt điểm. Dù luôn nổi tiếng với lối chơi phòng ngự chắc chắn, Fukuoka đã cố gắng cải thiện khả năng tấn công dưới thời HLV mới.

Thống kê cho thấy, số cú sút trung bình của họ đã tăng từ 11.1 cú/trận mùa trước (hạng 19 toàn giải) lên 12.8 cú/trận mùa này (hạng 4). Tuy vậy, số bàn thắng lại vô cùng khiêm tốn: chỉ 15 bàn sau 19 trận – thấp hơn cả một số đội nằm trong nhóm nguy cơ xuống hạng.

Đáng chú ý, tỉ lệ chuyển hóa cú sút thành bàn của Fukuoka chỉ đạt 6,1% – thấp nhất toàn giải. Dù đã có những cải thiện về lối chơi, nhưng vấn đề dứt điểm vẫn là “bài toán chưa có lời giải”. Khi khả năng xuống hạng J2 ngày một cận kề, có lẽ Fukuoka cần bổ sung một chân sút đẳng cấp trong kỳ chuyển nhượng tới để đảm bảo mục tiêu trụ hạng.

2. Yokohama FC

Yokohama FC hiện đang đứng thứ 17 trên bảng tổng sắp. So với hai tân binh khác là Shimizu S-Pulse và Fagiano Okayama – những đội cũng mới lên hạng từ J2 – Yokohama FC rõ ràng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường J-League 1.

Sau 19 trận đã đấu, Yokohama FC chỉ giành được 5 chiến thắng, 4 trận hòa và thua tới 10 trận (ghi 13 bàn, thủng lưới 20 lần). Đây là đội bóng ghi bàn ít nhất giải đấu. Đáng nói, họ chỉ hơn đội xếp áp chót là FC Tokyo đúng 1 điểm (trong khi FC Tokyo còn đá ít hơn 1 trận), khiến cho cuộc chiến trụ hạng càng trở nên cam go.

Một trong những vấn đề lớn nhất của Yokohama FC là sự thiếu sắc bén và bùng nổ trên hàng tấn công. Họ chỉ ghi được nhiều hơn 1 bàn ở vỏn vẹn 2 trận kể từ đầu mùa. Chân sút số một của đội là Lukian mới chỉ có 3 bàn thắng, trong khi những cái tên như Kota Yamada, Musashi Suzuki và Solomon Sakuragawa đều chỉ ghi được 2 bàn. Toàn đội gần như không có chân sút nào đủ để đặt niềm tin.

Nếu hàng công không cải thiện, rất khó để Yokohama FC có thể biến những trận hòa thành chiến thắng, hoặc lật ngược tình thế khi bị dẫn bàn. Ngược lại, họ đã thắng tất cả các trận đấu mà mình ghi được nhiều hơn 1 bàn, do đó, yếu tố then chốt để bứt phá lên nằm ở khả năng ghi bàn thứ hai trong mỗi trận đấu.

Ngoài ra, Yokohama FC cũng chưa từng giành chiến thắng trước những đối thủ trực tiếp cạnh tranh suất trụ hạng. Nếu không giành được điểm số tối đa ở giai đoạn lượt về, rất khó để họ có thể thoát khỏi nhóm nguy hiểm.

3. Yokohama F. Marinos

Dù trong hoàn cảnh bi quan như thế nào, cũng ít có cổ động viên nào lại tin rằng Yokohama F.Marinos, một trong 10 đội bóng đầu tiên của J-League, lại đang ngấp nghé ở bờ vực xuống hạng.

Niềm vui mới chỉ trở lại với Yokohama ở hai vòng đấu gần nhất.
Niềm vui mới chỉ trở lại với Yokohama ở hai vòng đấu gần nhất. Ảnh: Jleague

Đây là mùa giải thứ 33 liên tiếp mà Marinos góp mặt ở J-League, nhưng mọi thứ đã trở nên tồi tệ ngay từ đầu mùa giải 2025 khi họ bổ nhiệm HLV Steve Holland, người từng là trợ lý nổi bật dưới thời HLV Gareth Southgate ở tuyển Anh. Yokohama F.Marinos đã sa sút ngay từ những vòng đấu đầu tiên.

Sau trận hòa với Albirex Niigata ở vòng mở màn, Marinos trải qua chuỗi bốn trận không thắng. Dù cuối cùng cũng có chiến thắng đầu tiên trước Gamba Osaka ở vòng 6, điều này không giúp đội bóng vực dậy, mà còn trượt dài với 11 trận liên tiếp toàn hoa và thua sau đó.

Trước thành tích tệ hại, ban lãnh đạo đã quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV Holland vào ngày 18/4. Trợ lý Patrick Kisnobo được bổ nhiệm thay thế vào ngày 5/5, nhưng Marinos tiếp tục phá kỷ lục buồn khi để thua Vissel Kobe ở vòng 13 và kéo dài chuỗi thất bại lên bảy trận liên tiếp, thành tích tệ nhất lịch sử CLB.

Lịch thi đấu dày đặc vì phải tham dự AFC Champions League Elite (ACLE) rõ ràng đã ảnh hưởng lớn tới thể lực và phong độ của đội bóng. Chính HLV Kisnobo cũng thừa nhận ông không có đủ thời gian để tập luyện cũng như cải thiện lối chơi cho đội bóng, điều này lý giải vì sao Marinos liên tục mất điểm.

Tuy nhiên, gần đây Yokohama F. Marinos đã cho thấy dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ khi lần lượt đánh bại hai đối thủ mạnh là Kashima Antlers (3-1, vòng 18) và FC Machida Zelvia (3-0, vòng 19). Bên cạnh đó, quãng nghỉ của giải đấu do lịch thi đấu quốc tế mang lại cho CLB thời gian quý báu để cải thiện chiến thuật.

Chiến thắng trước Kashima và Machida cho thấy Marinos vẫn còn sức mạnh nội tại đáng nể. Dù hiện tại vẫn bị xếp vào nhóm ứng viên rớt hạng, nhưng với đà hồi phục này, họ hoàn toàn có thể lội ngược dòng trong phần còn lại của mùa giải.

4. FC Tokyo

FC Tokyo đang đối diện với nguy cơ xuống hạng cực lớn. Dù chỉ được xếp thứ hai trong bảng xếp hạng nguy cơ rớt hạng, phong độ gần đây của họ thậm chí còn tệ hơn bất kỳ đội bóng nào khác tại J-League.

Mùa giải năm nay, dưới triều đại huấn luyện mới, FC Tokyo đã mất đi những nhân tố chủ chốt trên hàng công. Ryotaro Araki – đã trở lại Kashima Antlers, còn Diego Oliveira thì giải nghệ. Đội bóng buộc phải tái cấu trúc hàng tấn công và đem về Marcelo Ryan dưới dạng cho mượn để tìm kiếm nguồn bàn thắng mới. Dù có sự pha trộn giữa các cầu thủ trẻ triển vọng và những lão tướng, FC Tokyo vẫn phải đối diện với nhiều bất ổn vì sự thay đổi huấn luyện viên cũng như nhân sự trên hàng công.

Thực tế trên sân cho thấy nỗi lo này hoàn toàn có cơ sở. Sau khởi đầu chấp nhận được với 2 chiến thắng, 1 thất bại ở 3 vòng đầu tiên, phong độ của FC Tokyo trượt dốc không phanh và hiện họ đã tụt xuống vị trí thứ 18 trên BXH.

Hàng công mất đi định hướng rõ ràng, gần như chỉ còn biết trông chờ vào Ryan. Tuy nhiên, tiền đạo người Brazil này lại vắng mặt ở trận gần nhất gặp Kyoto Sanga (vòng 19), khiến hàng công càng trở nên bất ổn. Nếu Hian dính chấn thương dài hạn, đội bóng sẽ rơi vào khủng hoảng thực sự.

Ở hàng thủ, FC Tokyo cũng đang để thủng lưới đến 9 bàn trong 3 trận gần nhất. Việc chuyển đổi sang sơ đồ ba hậu vệ thường xuyên dẫn đến những sai lầm trong khâu triển khai bóng, tạo ra rất nhiều tình huống nguy hiểm trước khung thành.

Một đội bóng thiếu sự ổn định cả ở tấn công lẫn phòng ngự, rõ ràng FC Tokyo đang rơi vào khủng hoảng thực sự trước kỳ nghỉ quốc tế kéo dài hai tuần. Với thành tích bết bát như hiện tại, không loại trừ khả năng ban lãnh đạo sẽ sớm thực hiện một cuộc thay đổi lớn trên băng ghế huấn luyện.

5. Albirex Niigata

Kết thúc giai đoạn lượt đi J-League, Albirex Niigata có lẽ là CLB đối diện nguy cơ rớt hạng xuống J2 lớn nhất mùa giải năm nay.

Thành tích kém cỏi của Albirex Niigata chủ yếu đến từ lối chơi chưa thuyết phục.
Thành tích kém cỏi của Albirex Niigata chủ yếu đến từ lối chơi chưa thuyết phục. Ảnh: soccerdigestweb

Đây mới chỉ là mùa giải thứ ba của Niigata tại J-League. Như mọi năm, đội bóng tiếp tục đối diện làn sóng “chảy máu lực lượng” trong kỳ chuyển nhượng, với sự ra đi của nhiều trụ cột. HLV Rikizo Matsuhashi cũng trở lại dẫn dắt FC Tokyo, buộc Albirex phải bắt đầu một kỷ nguyên mới dưới sự dẫn dắt của tân HLV trưởng Daisuke Kimori.

Tuy nhiên, công cuộc “tái thiết” này đến nay vẫn chưa mang lại thành công. Sau 18 trận đấu, Niigata mới chỉ thắng 3 trận, hoà 7 và thua tới 8 trận. So với các CLB thuộc nửa cuối BXH, Niigata đặc biệt nổi bật với số trận hòa nhiều, điều này khiến họ khó bứt phá.

Điều đáng chú ý là Niigata thường xuyên để thủng lưới ở những phút cuối trận. Trong tổng số 27 bàn thua, có tới 9 bàn (nhiều nhất giải) đến từ khoảng thời gian từ phút 76 đến khi kết thúc trận.

Một vấn đề khác là trước những đối thủ áp sát tầm cao, Niigata vẫn loay hoay giữa việc giữ lối chơi kiểm soát bóng từ tuyến dưới hay chuyền dài phản công. Khi đội bóng không có kết quả tốt, họ càng mất phương hướng về mặt chiến thuật, dễ rơi vào vòng xoáy tiêu cực.