Không phải tài năng trẻ nào từng được gọi là “thần đồng” cũng có thể trở thành ngôi sao lớn. Trong thế giới bóng đá, rất nhiều cầu thủ được ca ngợi từ khi còn rất trẻ vì kỹ thuật, nhãn quan chiến thuật hay thể hình vượt trội. Tuy nhiên, những kỳ vọng lớn đôi khi đi kèm với áp lực khổng lồ, chấn thương nghiêm trọng, hoặc những bước ngoặt khiến sự nghiệp đi chệch hướng.
Hãy cùng Bóng Đá Châu Á điểm qua 5 cái tên từng được kỳ vọng rất cao, nhưng đã không thể tỏa sáng như mong đợi.
5 Cầu Thủ Nhật Bản Mang Danh “Thần Đồng” Nhưng Nhanh Chóng Lụi Tàn
1. Hirayama Sota
Hirayama Sota, người từng được mệnh danh là “Quái vật” khi còn theo học tại trường Trung học Kunimi (tỉnh Nagasaki), đã dẫn dắt đội bóng của mình giành chức vô địch Giải bóng đá trung học toàn Nhật Bản lần thứ 82 với 9 bàn thắng ghi được. Với chiều cao 1m90, khả năng không chiến vượt trội cùng kỹ thuật cá nhân và khả năng dứt điểm sắc bén, anh là một tài năng được kỳ vọng rất lớn cả trong nước lẫn quốc tế.
Khi còn là học sinh trung học, Hirayama đã khoác áo đội tuyển U-20 Nhật Bản tham dự World Youth 2003 (nay là FIFA U-20 World Cup). Tháng 2/2004, anh là học sinh trung học duy nhất được triệu tập vào đội tuyển U-23 Nhật Bản tham dự vòng loại cuối cùng khu vực châu Á cho Thế vận hội Athens, nhận được nhiều kỳ vọng như một thủ lĩnh tương lai của bóng đá Nhật.
Sau khi tốt nghiệp, Hirayama không chọn con đường chuyên nghiệp ngay mà theo học tại Đại học Tsukuba. Mùa hè năm 2005, anh bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp tại Hà Lan trong màu áo Heracles Almelo, ghi 8 bàn ngay trong mùa giải đầu tiên. Tuy nhiên, mùa tiếp theo anh không còn được sử dụng thường xuyên và trở về Nhật gia nhập FC Tokyo.
Tại FC Tokyo, anh có những khoảnh khắc toả sáng như bàn thắng vào lưới Yokohama FC năm 2007, nhưng anh chưa bao giờ đạt mốc 10 bàn mỗi mùa tại J-League, và phong độ dần chững lại. Năm 2011, cầu thủ sinh năm 1985 gặp chấn thương nặng – gãy xương chày và xương mác – và từ đó liên tục vật lộn với các chấn thương. Hirayama Sota giải nghệ khi chỉ mới 32 tuổi và sau đó chuyển sang công tác huấn luyện.
2. Mizuki Ichimaru
Mizuki Ichimaru xuất thân từ hệ thống đào tạo trẻ của Gamba Osaka và từng gây chú ý với vai trò tiền vệ nhờ khả năng chuyền bóng ấn tượng cùng nhãn quan chiến thuật rộng. Anh từng được kỳ vọng sẽ là người kế thừa Yasuhito Endo – huyền thoại của CLB này.
Năm 2014, khi còn là học sinh năm hai trung học phổ thông, Mizuki Ichimaru được đăng ký vào đội một. Đến năm 2016, Ichimaru chính thức được đôn lên đội một cùng với Ritsu Doan và một số cầu thủ trẻ triển vọng khác.
Tại FIFA U-20 World Cup 2017, Ichimaru tiếp tục thu hút sự chú ý khi góp mặt trong đội tuyển U-20 Nhật Bản, thi đấu bên cạnh các tài năng như Takefusa Kubo và Takehiro Tomiyasu.
Tuy nhiên, Ichimaru không có nhiều cơ hội ra sân ở đội một Gamba Osaka. Năm 2019, anh chuyển đến FC Gifu, sau đó thi đấu cho FC Ryukyu dưới dạng cho mượn vào năm 2020. Năm 2021, anh gia nhập Ryukyu theo dạng chuyển nhượng chính thức, nhưng vẫn không thể tìm được suất đá chính thường xuyên và hợp đồng kết thúc sau mùa giải.
Dù có tiềm năng lớn, song Ichimaru cũng mau chóng chững lại ở những năm sau đó. Tháng 2/2023, anh tuyên bố giải nghệ, nhưng sau đó bất ngờ trở lại thi đấu cho FC SONHO Kawanishi – đội bóng thuộc Giải hạng Nhì khu vực Hyogo – và tiếp tục ra sân đến hiện tại.
3. Kohei Higa
Kohei Higa là một tiền vệ thiên tài, trưởng thành từ hệ thống đào tạo trẻ của Kashiwa Reysol từ khi còn học tiểu học và luôn là trụ cột ở mọi cấp độ đội trẻ. Năm 2006, anh được gọi vào đội tuyển U-17 Nhật Bản và góp mặt trong đội hình vô địch AFC U-17 Championship, trước khi được đôn lên đội một vào cuối năm 2007 cùng Hiroki Sakai. Higa được kỳ vọng là ngôi sao lớn trong tương lai của bóng đá Nhật Bản.
Tuy nhiên, tháng 1 năm 2008, anh dính chấn thương nghiêm trọng trong một trận đấu với đội tuyển U-19 Nhật Bản, bao gồm rách dây chằng chéo trước đầu gối trái và tổn thương sụn chêm cả hai đầu gối. Cầu thủ sinh năm 1990 được chẩn đoán cần ít nhất 7 tháng để hồi phục và phải nghỉ thi đấu toàn bộ mùa giải 2008.
Ngay cả sau khi trở lại, Higa vẫn liên tục vật lộn với chấn thương và chỉ có đúng 1 lần ra sân cho Kashiwa Reysol. Năm 2011, anh được cho mượn đến Blaublitz Akita (JFL) và có dấu hiệu hồi phục với 7 bàn thắng sau 30 trận. Tuy nhiên, mùa sau đó tại Montedio Yamagata (J2), anh lại dính chấn thương và không ghi bàn nào trong 10 trận ở mùa 2012.
Sau đó, Higa vẫn có một vài khoảnh khắc thành công ở Yamagata, nhưng đã quyết định giải nghệ vào năm 2016 khi mới 26 tuổi.
4. Nobuyuki Zaizen
Nobuyuki Zaizen từng được gọi là “thiên tài” của bóng đá Nhật Bản ngay sau khi J-League ra đời, là một tiền vệ đầy triển vọng khiến cả đất nước kỳ vọng. Tại FIFA U-17 World Championship 1993 (nay là FIFA U-17 World Cup), anh khoác áo số 10 của đội tuyển U-17 Nhật Bản và ra sân trong tất cả các trận đấu. Việc Hidetoshi Nakata phải ngồi dự bị khi đó là minh chứng cho vị thế vượt trội của Zaizen ở thời điểm ấy.
Năm 1995, Zaizen được đôn lên đội một của Verdy Kawasaki (nay là Tokyo Verdy). Sau đó, anh sang Ý tập huấn tại CLB danh tiếng Lazio, nhưng khi trở về Nhật Bản, anh bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối trái. Năm 1996, cầu thủ sinh năm 1976 tiếp tục được cho mượn sang Logroñez (La Liga), nhưng một lần nữa tái phát chấn thương tương tự và không thể ra sân trong bất kỳ trận chính thức nào.
Tiếp đó, anh thi đấu cho Rijeka (Croatia) rồi gia nhập Vegalta Sendai (J2) vào năm 1999. Tuy nhiên, chỉ sau trận thứ 6, Zaizen lại bị đứt dây chằng chéo đầu gối – lần thứ ba trong sự nghiệp.
Dù trải qua thời gian dài ngồi ngoài, Zaizen vẫn trở lại thi đấu và góp công giúp cả Sendai và Montedio Yamagata thăng hạng J1. Anh thi đấu đến năm 35 tuổi, nhưng không bao giờ lấy lại được những phẩm chất khi còn trẻ.
5. Robert Cullen
Robert Cullen là một tiền đạo cao lớn từng gây tiếng vang lớn khi còn thi đấu cho Trường Trung học Funabashi Municipal. Anh đã giúp đội bóng này giành chức vô địch Giải bóng đá trung học toàn Nhật Bản năm 2002 khi mới là học sinh năm hai.
Năm 2004, Cullen chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo Jubilo Iwata và giành danh hiệu Tân binh xuất sắc nhất mùa giải 2005 sau khi ghi được 13 bàn tại J-League. Tuy nhiên, thành tích của anh tại J-League sau đó dần sa sút. Năm 2010, Cullen chuyển sang chơi cho Roasso Kumamoto, rồi đầu quân cho VVV Venlo (giải VĐQG Hà Lan) vào năm 2011.
Tuy nhiên, cầu thủ sinh năm 1985 dần đánh mất vị trí chính thức và hợp đồng chấm dứt vào năm 2013. Kể từ đó, Cullen phiêu bạt qua nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ,… nhưng cũng có giai đoạn phải ngồi ngoài cả năm do vướng rắc rối với người đại diện.
Năm 2018, anh gia nhập CLB Leatherhead FC (hạng 7 nước Anh) và tuyên bố giải nghệ vào năm sau. Dù ghi tổng cộng 29 bàn tại J1 và từng khoác áo số 10 tại Hà Lan, Cullen vẫn thường được nhắc đến như một cái tên “đáng ra có thể làm được nhiều hơn nữa” nếu xét đến những gì anh thể hiện từ thời trung học.
Sau khi giải nghệ, Cullen chuyển sang công tác đào tạo trẻ và là người sáng lập CLB “Rovers FC”, được định hướng phát triển theo mô hình nổi tiếng của Ajax Amsterdam.